Tôn vinh những đóng góp của nữ trí thức trong phát triển kinh tế – xã hội

Hội nghị nữ khoa học toàn quốc lần thứ 2 là dịp để nhìn lại những thành tích, đóng góp của các nữ trí thức trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước và là dịp để các nữ trí thức giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tạo thêm động lực trong nghiên cứu, công tác.

Hội nghị lần này nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào thực tiễn, đồng thời tạo động lực thúc đẩy các nhà khoa học nữ nâng cao hơn nữa hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ đã nghiên cứu có thể thương mại hóa.

GS.TSKH. Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS, TSKH Phạm Thị Trân Châu cho biết: Hội Nữ Trí thức Việt Nam được thành lập từ năm 2011 với 350 hội viên sáng lập. Đến nay, Hội đã có hơn 3.500 hội viên, bao gồm nhiều thế hệ khác nhau, hoạt động trong các lĩnh vực như: Nghiên cứu khoa học, kinh tế, báo chí,… Hơn 60% hội viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Theo đó, phần lớn hội viên là những nhà khoa học đã và đang triển khai các ứng dụng, công trình nghiên cứu khoa học với nhiều kết quả nghiên cứu tốt, được ghi nhận, tôn vinh qua những giải thưởng khoa học trong và ngoài nước.

Hội nghị có 56 báo cáo được gửi đến, chia làm 2 phần, phần 1 trình bày báo cáo Poster của 16 cán bộ Khoa học nữ, tổ chức 3 phiên báo cáo chuyên đề. Phần 2 Hội nghị khoa học phiên toàn thể và trưng bày sản phẩm khoa học và công nghệ của các nữ khoa học.

Cụ thể với 3 phiên báo cáo chuyên đề gồm: Chủ đề 1: Khoa học xã hội và Nhân văn có 5 báo cáo: Khai mở mạch trí tuệ phụ nữ Việt Nam trong nhận thức tình cảm và hoạt động xã hội của tác giả TS. Lý Thị Mai, Hội nữ trí thức (NTT) TP Hồ Chí Minh. Nghiên cứu về khởi sự kinh doanh của phụ nữ Việt Nam của tác giả PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Chi hội NTT Trường Đại học Thương mại. Bảo vệ quyền của phụ nữ nhìn từ khía cạnh bình đẳng giới ở Việt Nam trong tiến trình phát triển xã hội ở Việt Nam của tác giả PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Chi hội NTT khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội. Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định của tác giả TS. Nguyễn Thị Lệ Hằng, Chi hội NTT Bình Định. Lan tỏa giá trị di sản nhà khoa học Việt Nam – một hình thức truyền cảm hứng khoa học của tác giả ThS. Trần Bích Hạnh, Chi hội NTT Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Chủ đề 2: Môi trường – Nông nghiệp và Khoa học khác, có 6 báo cáo: Nghiên cứu ảnh hưởng của hàm lượng xỉ nghiền mịn đến tính chất của bê tông hạt nhỏ của tác giả ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Như, Chi hội NTT sáng tạo và khởi nghiệp. Thịt lợn mát, xu hướng tiêu dùng hiện nay, công nghệ chế biến và tiêu chuẩn của tác giả TS. Trần Thị Mai Phương, Chi hội NTT Liên Ngành 1- Hà Nội. Ô nhiễm kim loại vết trong các thủy vực và những mối nguy tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng của tác giả TS. Ngô Thị Thúy Hường, Trường ĐH Phenikaa, Hà Nội. Phân lập, tuyển chọn chủng nấm bẫy tuyến trùng và khả năng sử dụng trong kiểm soát tuyến trùng gây bệnh cây cà phê tại Viêt Nam của tác giả TS. Nguyễn Thu Hà, Chi hội NTT Thổ nhưỡng nông hóa. Nghiên cứu nuôi trồng đông trùng hạ thảo (Cordycep militaris) trên môi trường hữu cơ bổ sung tổ yến của tác giả ThS. Đoàn Thị Tuyết Lê, Chi hội NTT Đồng Nai. Chế tạo vật liệu Cellulose Aerogel tính năng cao từ phế phụ phẩm nông nghiệp và ứng dụng của tác giả TS. Lê Thị Kim Phụng, Chi hội NTT Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh.

Chủ đề 3: Y Dược và Dinh dưỡng có 5 báo cáo: Nghiên cứu khả năng phát hiện tế bào ung thư của phức hợp Nano phát quang chứa Ion đất hiếm Tb3+ của tác giả TS. Trần Thu Hương, Chi Hội NTT Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thịt lợn ở Việt Nam của tác giả PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, Chi hội NTT Dinh dưỡng và Thực phẩm. Nghiên cứu sự thay đổi nồng độ Hepcidin huyết thanh và tình trạng sắt của phụ nữ trước và trong thai kỳ của tác giả TS. Nguyễn Thị Diệp Anh, Chi hội NTT Dinh dưỡng và Thực phẩm. Sữa chua uống men sống TH true Yogurt và tác dụng đối với hệ miễn dịch của tác giả ThS. Lều Nguyệt Ánh, Giám đốc NC và PT Sản phẩm, Tập đoàn TH; Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng thực phẩm. Thiết kế điều khiển dây chuyền sản xuất Cacao hòa tan dùng PLC S7-1200 và màn hình HMI của tác giả ThS. Hoàng Thị Trang, Chi hội NTT Đồng Nai.

Ngoài những báo cáo được chọn thuyết trình tại Hội thảo còn có 22 báo cáo bằng poster. Đây là những kết quả nghiên cứu khoa học của các nhóm và cá nhân nữ khoa học theo 2 chủ đề: Môi trường – Nông nghiệp và các khoa học khác; Y – Dược và Dinh dưỡng. Trong khuôn khổ hội nghị, tại khu Triển lãm poster, có gần 100 sản phẩm KH&CN của các nữ khoa học – hội viên của Hội Nữ trí thức Việt Nam từ các Viện nghiên cứu, tổ chức và doanh nghiệp KH&CN được trưng bày, giới thiệu.

 

Khu triển lãm giới thiệu kết quả nghiên cứu của các nữ nhà khoa học. 

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã công bố Quyết định tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho 56 nhà khoa học nữ đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, trong đó có 02 Giáo sư, 16 Phó giáo sư, 38 tiến sỹ.

Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu đã được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư năm 2019 nhận bằng khen từ Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/19120/ton-vinh-nhung-dong-gop-cua-nu-tri-thuc-trong-phat-trien-kinh-te—xa-hoi.aspx