Tổng kết công tác Nghiên cứu sưu tầm 6 tháng đầu năm 2014

Buổi tổng kết và trao đổi chuyên môn về công tác Nghiên cứu – Sưu tầm có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn cùng lãnh đạo Trung tâm, các nghiên cứu viên, cộng tác viên cao cấp. Đây là hội nghị chuyên môn thường kỳ của Trung tâm, nhằm đánh giá và kịp thời chỉ đạo một mảng công việc có tầm quan trọng đặc biệt trong hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Các trưởng nhóm báo cáo tóm tắt công tác nghiên cứu về các nhà khoa học thuộc 5 chuyên đề: Nông nghiệp; Dược; Phó Giáo sư được phong hàm năm 1980; Cựu sinh viên khóa I trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Bộ môn Nội – Ngoại – Giải phẫu bệnh của trường Đại học Y Hà Nội. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, các nghiên cứu viên đã tiếp cận, phỏng vấn 205 nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau, sưu tầm được hơn 30.000 tư liệu hiện vật. Những con số trên đã phần nào nói lên sự tin tưởng, ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học đối với hoạt động của Trung tâm cũng như sự cố gắng, nỗ lực của tập thể các nghiên cứu viên, cán bộ trong Trung tâm.

Hội nghị tập trung đánh giá và định hướng thực hiện công tác Nghiên cứu – sưu tầm

Sau những ý kiến trao đổi xoay quanh nội dung các báo cáo nhóm và tập trung thảo luận về định hướng sản phẩm nghiên cứu cho từng chuyên đề, cho kế hoạch 6 tháng cuối năm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể: Cần đưa ra định hướng nghiên cứu sâu hơn đối với nhóm Nông nghiệp (không chỉ ở trường ĐH Nông nghiệp, mà còn các Viện…); Đối với chuyên ngành Dược cũng vậy; Nên suy nghĩ phân công phụ trách chuyên một lĩnh vực…, đồng thời ông cũng lưu ý công tác hậu kiểm; Việc đầu tư, quan tâm mảng công tác giáo dục bảo tàng… PGS Nguyễn Văn Huy kết luận: “Phải bắt đầu từ nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử cuộc đời họ trong bối cảnh lịch sử xã hội,… Từ đó chúng ta sẽ tìm ra được điểm chung của các nhà khoa học trong từng chuyên đề nghiên cứu”. Ngoài ra, trong công tác nghiên cứu sưu tầm việc phân nhóm các nhà khoa học theo từng lĩnh vực cũng là điều hết sức quan trọng, giúp cho các nghiên cứu viên có cơ hội được nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể, đồng thời tìm ra những hạt nhân nòng cốt của khoa học nước nhà. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Bên cạnh công tác nghiên cứu sưu tầm, nghiên cứu viên cần tiếp tục đưa ra ý tưởng về sản phẩm nghiên cứu. Hiện tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt

 

Nam đang tổ chức trưng bày chủ đề “Khát vọng học hỏi và sáng tạo”. Cuộc trưng bày lần này là một bước tập dượt đầu tiên của Trung tâm nhằm trang bị các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để hướng tới những cuộc trưng bày khác trong tương lai. Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là phát huy hiệu quả công tác giáo dục thông qua việc tổ chức các đợt tham quan trưng bày. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Đây là một cơ hội để có thể tiến hành các hoạt động giáo dục cho thế hệ trẻ. Thông qua trưng bày bảo tàng, các em sẽ được khám phá và trải nghiệm. Chúng ta cũng cần xây dựng kế hoạch tiếp theo. Phải nghĩ đến sau chủ đề trưng bày này sẽ là chủ đề gì?”

Buổi họp tổng kết và trao đổi chuyên môn về công tác Nghiên cứu sưu tầm đã gợi mở nhiều vấn đề quan trọng, xác định hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của Trung tâm trong thời gian tới.

 

Đỗ Minh Khôi