Tốt nghiệp kỹ sư từ hai trường Đại học

Năm 1954 Huỳnh Tùng là một trong số hàng nghìn con em các gia đình cách mạng miền Nam được tập kết ra Bắc, học tập tại các trường Học sinh miền Nam[1]. Tháng 7 năm 1961, khi đang học lớp 9 trường học sinh miền Nam số 24 ở Chương Mỹ, Hà Đông, Huỳnh Tùng lên đường nhập ngũ. Sau vài tuần huấn luyện tân binh thì Huỳnh Tùng và một số chiến sĩ khác được triệu tập lên Tiểu đoàn khám sức khỏe. Lúc đó Huỳnh Tùng và mọi người phán đoán: kiểm tra sức khỏe chắc để phân loại ai đi học lái máy bay hay đi học kỹ thuật… Sau 6 tháng, kết thúc thời kỳ huấn luyện tân binh, mỗi người nhận một nhiệm vụ khác nhau. Huỳnh Tùng được cử đi học kỹ thuật hàng không ởLiên Xô.

Năm 1962, sau 4 tháng học tiếng Nga ở trường Văn hóa Quân đội Lạng Sơn, Bộ Quốc phòng tổ chức một đoàn tàu hỏa chuyên dụng đưa hàng trăm cán bộ, chiến sĩ sang Liên Xô học tập. Đoàn của Huỳnh Tùng gồm 26 người được cử sang học các chuyên ngành: Máy bay động cơ, Thiết bị hàng không, Vô tuyến điện tử, Vũ khí hàng không tại Học viện Giucốpxki[2]. Vì đây là những chuyên ngành kỹ thuật hiện đại mà trong nước chưa có cơ sở đào tạo. Đây là chủ trương nhằm đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt để xây dựng Quân chủng Không quân sau này.

Được học tập tại Liên Xô, Huỳnh Tùng và các bạn rất vui mừng và tự hào, ông đã có đôi dòng cảm nghĩ "Thời học sinh, qua phim ảnh thấy chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô thật lý tưởng, là niềm mơ ước của Việt Nam chúng ta. Bây giờ đến Mátxcơva đất nước của Lênin để học tập đúng là nằm mơ ở giữa ban ngày. Chúng tôi ai cũng nói: Đúng là Liên Xô vĩ đại thật!".

Với vốn tiếng Nga ít ỏi nên ban đầu việc giao tiếp giữa học viên của ta với người Nga gặp nhiều khó khăn, có khi phải ra hiệu bằng tay, do không diễn đạt hết ý. Vì thế khi xuống bếp ăn tập thể, các ông thường để những học viên khóa trước, đã thành thạo ngoại ngữ gọi món ăn trước rồi các ông đi sau đều nói câu: "tôgie" (cũng như thế). Để củng cố thêm vốn tiếng Nga Huỳnh Tùng và các bạn phải học thêm một năm học dự bị (năm 1962-1963). Học viên đi học thuộc nhiều trình độ khác nhau, nên trong thời gian này, ngoài tiếng Nga các ông còn được bổ túc thêm kiến thức phổ thông lớp 8, 9, 10 về Toán, Lý, Hóa. Ngoài ra, nhóm học viên Việt Nam được các cô giáo đưa đến các bảo tàng, tham quan các nhà máy, trường học…để thực hành giao tiếp, hoặc cùng các bạn đi chơi và nói chuyện với các em bé người Nga để củng cố thêm ngoại ngữ. Nhờ vốn tiếng Nga tốt nên khi nghe giảng trên lớp Huỳnh Tùng ghi bài được đầy đủ. Sau một năm học dự bị, Huỳnh Tùng và các bạn học sang năm thứ nhất theo theo sự phân công chuyên ngành của tổ chức. Ban đầu Huỳnh Tùng được sắp xếp học chuyên ngành Vũ khí, nhưng với kết quả sau một năm học lớp dự bị, ông được chuyển sang học chuyên ngành Máy bay động cơ. Trong các môn học, ông đặc biệt tiếp thu rất nhanh những kiến thức của môn Hình học họa hình do có trí tưởng tượng tốt. Ông thường xuyên giúp đỡ các bạn trong vẽ kỹ thuật kể cả các bạn Hungari, Bungari. Học viên học ở Học viện Giucốpxki và các nước XHCN (trừ Việt Nam và Cu Ba) đều đã học qua trung cấp kỹ thuật và là sỹ quan còn đoàn của ông hầu hết là học sinh mới nhập ngũ. Do đó khi bước vào học kỹ thuật, ông Tùng cùng các bạn gặp nhiều khó khăn từ dịch các từ kỹ thuật đến thực hành trên các thiết bị. Các ông phải hỏi các học viên đi trước hoặc trao đổi để dịch cho chính xác.

Huỳnh Tùng (hàng 3, thứ 3 từ trái sang) cùng các học viên Học viện Giucốpxki

tham quan trường Đại học Lômônôxốp, tháng 8-1962

Mùa hè năm 1964, ở Liên Xô đang diễn ra khuynh hướng, chủ trương xét lại Chủ nghĩa Mác, nên Huỳnh Tùng và các bạn khi đó mới học hết năm thứ 1 nhưng được lệnh tạm thời về nước để học chính trị. Theo kế hoạch, các ông sẽ quay lại Liên Xô để tiếp tục học tập nên mọi người đã để lại toàn bộ sách vở, đồ dùng quân tư trang.

Cuối năm 1964, do tình hình thế giới có nhiều thay đổi, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc Việt Nam. Kế hoạch tiếp tục đưa học viên sang Liên Xô học tập không được thực hiện. Riêng đoàn học viên của Huỳnh Tùng chuyển sang học tập tại Trung Quốc. Để chuẩn bị sang Trung Quốc học tiếp chương trình Đại học, Huỳnh Tùng và các bạn lại lên trường Văn hóa Quân đội Lạng Sơn để học tiếng Trung trong vòng 5 tháng. Thời học sinh, Huỳnh Tùng đã học tiếng Trung, nên bây giờ ông có nhiều thuận lợi hơn: "Tiếng Trung khó nhớ và khó viết nhưng dễ nói hơn tiếng Nga vì đơn âm", TS Huỳnh Tùng tâm sự.

Sau thời gian học tiếng, tháng 3 năm 1965 Huỳnh Tùng và các bạn chuyển sang học tại Học viện Công trình quân sự Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, và được nước bạn giúp đỡ, tạo điều kiện để học tập tốt, ông cho biết: "Thời gian này đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nên nước bạn coi việc giúp đỡ học viên Việt Nam học tập cũng là trực tiếp giúp Việt Nam đánh Mỹ, nên việc học tập của chúng tôi đạt kết quả tốt".

Thời gian đầu có gặp chút ít khó khăn, nhưng các học viên Việt Nam cũng nhanh chóng khắc phục. Học viện Công trình quân sự Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc được Học viện Giucốpxki giúp đỡ từ tài liệu đến trang thiết bị thử nghiệm. Nhiều giáo viên đã tốt nghiệp hoặc bảo vệ PTS ở Học viện Giucốpxki, cũng bởi vậy nên học viên Việt Nam có thể trao đổi với giáo viên Trung Quốc bằng tiếng Nga và mượn sách tiếng Nga để đọc.

 Huỳnh Tùng (hàng 4, thứ 4 từ trái sang) cùng các bạn học tại Học viện Công trình Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, năm 1965

Tuy nhiên, đến năm 1966 khi Trung Quốc tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa, toàn bộ học viên và giáo viên nước bạn không đến lớp nhưng học viên quân sự Việt Nam vẫn được nhà trường sắp xếp thầy, cô giáo dạy học bình thường. Sự xáo trộn của đất nước bạn, ít nhiều ảnh hưởng đến việc học tập của học viên Việt Nam. Trong những trường hợp, khi giáo viên không lên lớp, các ông đã tự đọc tài liệu và cử các đồng chí khá giỏi giảng lại cho các bạn cùng lớp. Trong thời gian học ở Trung Quốc học viên Việt Nam được nước bạn tạo điều kiện cho đi tham quan các căn cứ cách mạng như Diên An[3], quê hương Mao Chủ tịch, Tây An. Năm học cuối, các ông được đi thực tập ở các nhà máy, sân bay…để chuẩn bị tốt nghiệp. Tiến sĩ Huỳnh Tùng vẫn còn nhớ đợt thực tập ở Sân bay An Sơn, thời điểm đó vào đúng mùa đông, trời rét tới mức các ông phải mặc cả quần bông, giày lông khi thực tập ở sân bay mà vẫn thấy lạnh cóng.

Do ảnh hưởng Cách mạng Văn hóa (thống nhất với trên) của bạn và cuộc chiến tranh chống Mỹ trong nước nên chương trình thực tế cũng có lược giản và phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Chính vì lý do đó, nên một số lớp học viên quân sự Việt Nam được rút về nước trước thời hạn, các lớp đang thời kỳ thực tập hay đang làm đồ án tốt nghiệp, như lớp của Huỳnh Tùng đang làm đồ án tốt nghiệp thì được ở lại hoàn thành hết khóa học.

Khi làm đồ án tốt nghiệp "Nghiên cứu tăng tính cao không cho động cơ RP-9D của MIG-19", các ông được phân công giúp đỡ nhau về phương pháp tính toán và vẽ kỹ thuật. Với yêu cầu vừa tính toán vừa vẽ những thay đổi trong kết cấu động cơ, các ông đã phân công thành hai nhóm: Nhóm vẽ kỹ thuật và nhóm tính toán. Nhóm vẽ kỹ thuật do ông Huỳnh Tùng phụ trách, nhóm tính toán do Nguyễn Văn Năm phụ trách. Về vẽ kỹ thuật, phải vẽ toàn bộ mặt cắt ngang của động cơ, nhiều chi tiết không rõ các ông phải nghiên cứu thực tế trên hiện vật. Vừa kết hợp giữa nhóm tính để thay đổi về kết cấu của động cơ. Cứ thế các ông đã phối hợp nhịp nhàng và hoàn thành tốt đồ án tốt nghiệp. Tuy quá trình học tập gặp không ít khó khăn, nhưng Huỳnh Tùng cùng các học viên Việt Nam đã hoàn thành khóa học, họ đã trở thành những kỹ sư về chuyên ngành động cơ máy bay năm 1968.

Được học Đại học tại Liên Xô và Trung Quốc vào thời điểm ở hai nước xảy ra những sự kiện mang tính lịch sử, sinh viên Huỳnh Tùng thấy mình thật may mắn vì được trải nghiệm và rèn luyện bản thân. Ông đúc rút được rằng "Ngành kỹ thuật hàng không là một ngành kỹ thuật phức tạp, nếu không học nghiêm túc, thường xuyên cập nhật thông tin, tích lũy kinh nghiệm và vận dụng sáng tạo vào thực tiển thì sẽ không thể hoàn thàn tốt được nhiệm vụ, nhất là những cán bộ làm công tác nghiên cứu về lĩnh vực hàng không".

Nhờ những kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được mà sau này TS Huỳnh Tùng đã có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế trong công tác bảo đãm vũ khí trang bị của Quân chủng Phòng không-Không quân.  

Nguyễn Thị Phương Thúy

___________________

[1]Từ năm 1954 – 1955, theo gợi ý của Bác Hồ, Bộ Giáo dục đã thành lập các trường nội trú dành riêng cho con em cán bộ, bộ đội miền Nam và một số cháu thuộc những đối tượng chính sách khác được đưa ra ngoài Bắc nuôi dạy gọi là trường học sinh miền Nam.

[2] Học viện Kỹ thuật Không quân mang tên Giáo sư N.E.Giucốpxki (gọi tắt là Học viện Giucốpxki) ở Mátxcơva, Liên Xô được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1920. Đây là một trong những Học viện nổi tiếng về đào tạo cán bộ kỹ sư, PTS, TS và, cán bộ chỉ huy kỹ thuật không quân. Học viện không chỉ đào tạo cán bộ cho Liên Xô mà còn đào tạo cán bộ cho các nước xã hội chủ nghĩa thuộc khối Vacsava thời còn tồn tại.

[3] Diên An là trung tâm hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong giai đoạn 1935-1948, được coi là Thánh địa cách mạng