Bước khởi đầu
Tháng 7 năm 1967, sau khi tốt nghiệp khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cử nhân Vũ Thị Thư được phân về công tác tại bộ môn Sinh lý Thực vật, khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông nghiệp[1]. Năm 1971, do vấn đề hợp lý hóa nhân sự giữa các bộ môn, bà Thư được chuyển sang bộ môn Hóa sinh Thực vật do TSKH Lê Doãn Diên[2] phụ trách. Bà được phân công giảng phần thực tập của hai môn sinh lý thực vật và hóa sinh thực vật cho các sinh viên trong trường và một số học viên lớp chuyên tu ở các địa phương.
Thời gian này, cùng với công tác giảng dạy, dưới sự chủ trì của TSKH Lê Doãn Diên, giảng viên Vũ Thị Thư và đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu hai chủ đề khoa học chính, là: Chất lượng dinh dưỡng các giống lúa gạo và đậu đỗ ở miền Bắc Việt Nam và Khả năng cố định nitơ trong khí quyển của một số cây họ đậu. Phó giáo sư Vũ Thị Thư cho biết, trong điều kiện chiến tranh vô cùng thiếu thốn, dù không có kinh phí nhưng các giảng viên trong khoa vẫn luôn tìm kiếm những ý tưởng hay và tiến hành nghiên cứu thử nghiệm. Chẳng hạn như bà Thư tham gia nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân tại sao lá cây Trinh nữ (một cây họ đậu) cụp lại mỗi khi có vật gì chạm vào. Thậm chí, bà còn cùng ông Diên tạo ra một giống đậu đen mới qua việc ngâm giống đậu đen cũ với dung dịch Nitric acid nồng độ thấp và chọn giống qua 4-5 vụ trồng.
Sau năm 1975, một số nước tư bản như Pháp, Đức bắt đầu cấp học bổng cho sinh viên, thực tập sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam. Từ năm 1978, Chính phủ Pháp đã cấp học bổng cho một số thực tập sinh Việt Nam trong lĩnh vực khoa học Nông nghiệp. Trường Đại học Nông nghiệp I[3] đã cử một số cán bộ giảng dạy như: ông Vũ Triệu Mân[4], ông Nguyễn Quang Thạch[5], bà Trần Thị Tú Ngà[6]… sang nghiên cứu về nuôi cấy mô, bảo vệ thực vật. Đợt tiếp theo là các học bổng dành cho chuyên môn khác, trong đó có vấn đề về cố định đạm của cây họ đậu.
Thuở đó, trong khoa Trồng Trọt, ngoài TSKH Lê Doãn Diên thì bà Vũ Thị Thư là người có nhiều thời gian nghiên cứu về cây họ đậu nên bộ môn và khoa thống nhất đề cử bà đi thực tập ở Pháp. Theo PGS Vũ Thị Thư chia sẻ, nhờ cộng sinh với loài vi khuẩn Rhizobium có enzyme nitrogenase mà cây họ đậu có khả năng biến N2 thành NH3, là dạng đạm mà các loại cây khác dễ hấp thụ. Vì thế, người ta thường trồng cây họ đậu xen với cây trồng khác hoặc ở những vùng đất mới khai hoang, đất cằn cỗi nhằm cải tạo đất canh tác… Bởi vậy, việc nghiên cứu về giống cũng như các tác động làm tăng khả năng cố định đạm của các cây họ đậu là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp và bà sang Pháp để nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, phần vì hai con còn nhỏ, chồng lại thường xuyên đi công tác xa, phần vì vốn tiếng Pháp chưa đáp ứng yêu cầu học tập nên bà Thư đã đề nghị khoa cử người khác đi học. Bà cho biết: Từ nhỏ tôi đã được anh trai dạy tiếng Pháp, sau này khi ông Vũ Triệu Mân mời thầy về trường dạy tôi cũng học thêm được một số buổi, mặc dù vậy để sống được ở Pháp và nghe giảng đồng thời trao đổi khoa học với thầy và đồng nghiệp chắc còn phải học nhiều lắm![7]. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp khuyên đây là một cơ hội rất tốt để học tập, nghiên cứu về việc cố định đạm nhằm nâng cao trình độ phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu nên bà quyết tâm đi học.
Ngày 3-3-1981, bà Vũ Thị Thư nhận được quyết định cử đi học ở Pháp do ông Trần Khải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp[8] ký, trong đoàn đi lần này còn có ông Nguyễn Khắc Tích[9], cán bộ khoa Chăn nuôi – Thú y và hai cán bộ thuộc Viện Khoa học nông nghiệp. Trước khi đi, tất cả các cán bộ đều phải tham gia khóa học tiếng Pháp tại Trung tâm ngoại ngữ của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khóa học kéo dài trong 6 tháng (từ ngày 15/6 đến ngày 15/12/1981), giảng viên có hai thầy người Pháp là M. Cheneaux, M. Godard và hai thầy Nguyễn Trọng Sơn và Nguyễn Đình Ngọc.
Thời đó phương tiện giao thông còn rất khó khăn, trường Đại học Nông nghiệp I kí hợp đồng với Công ty xe bus Hà Nội nên mới có một chuyến duy nhất trong ngày, sáng từ trung tâm thành phố Hà Nội sang trường rồi đến chiều lại quay về Hà Nội. Gia đình bà Thư cũng đang sinh sống ở trong khu tập thể của trường Đại học Nông nghiệp I, nhưng để có nhiều thời gian học tập, không phải đi lại vất vả, bà đến ở nhờ nhà một người bạn ở ngõ Tô Hoàng (gần chợ Mơ) thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Phó giáo sư Vũ Thị Thư chia sẻ, các thành viên trong gia đình đều rất ủng hộ việc bà đi học. Mẹ chồng dù không khỏe nhưng muốn con dâu yên tâm học tập nên vẫn cố gắng đến chăm sóc cháu. Bữa cơm hàng ngày của ba bà cháu phụ thuộc vào mấy ô tem phiếu được cấp hàng tháng gồm 1kg đậu phụ, 0,3kg thịt đông lạnh hoặc mỡ thực vật, 1kg cá biển. Bà Thư thi thoảng mua được vài lạng thịt thủ lợn của những người công nhân làm ở nhà máy thực phẩm được phân phối và đem ra chợ bán, để tăng thêm thức ăn cho gia đình. Có một kỷ niệm trong thời gian này rất khó quên. Bà Thư kể: một hôm, vì quá nhớ mẹ mà cậu con trai Nguyễn Quốc Tuấn mới 6 tuổi một mình đi từ Gia Lâm sang tìm mẹ. Khi đi học về, bà Thư vô cùng hoảng hốt thấy con trai trong bộ quần áo ướt nước mưa đang đứng ở trước cửa chờ mình. Lúc đó, đã hơn 9h tối nên xe bus cũng hết chuyến, lại không có điện thoại để gọi về nhà thông báo, bà Thư để con ngủ lại, chờ hôm sau về. Cả nhà bị một phen hốt hoảng. Hỏi con, bà thương quá vì cậu nói nhớ mẹ và kể cho bà nghe về hành trình chuyến đi. Do đã từng được nghe về nơi mẹ ở nhờ, nên cậu đi chuyến xe bus duy nhất từ trường Đại học Nông nghiệp I lên tới gầm cầu Long Biên thì xuống. Từ đó, cậu hỏi thăm các chú công an đến cổng chợ Đồng Xuân rồi lên tầu điện và xuống ga gần ngõ Tô Hoàng, tìm đến địa chỉ nơi mẹ ở.
Trong thời gian học tiếng tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bà Vũ Thị Thư cũng có những kỷ niệm khác đáng nhớ. Bà chia sẻ: Tôi thường nói vui với bạn bè rằng, vì một chuyến đi Pháp mà tôi vừa bị cướp vừa bị kiện. Một hôm, bà đạp xe từ ngõ Tô Hoàng đến trường, cặp sách được bà buộc chắc chắn ở garbaga phía sau. Bỗng bà nghe đánh roạt ở phía sau, nhìn lại thì đã mất cặp sách và phía trước thấy một người cầm chiếc cặp, đạp xe rất nhanh. Bà chưa hết sợ nhưng chợt nghĩ: Chết rồi, thi đến nơi, mất sách vở lấy gì mà học? Thế là bà vội vàng phóng xe đuổi theo, vừa đuổi vừa hô to: Trong cặp chỉ có sách thôi, không có tiền bạc gì đâu, trả lại sách học đây! Hình như thấy dáng vẻ yếu đuối của bà, tên trộm mở nhanh chiếc cặp, rồi hắn vứt chiếc cặp xuống đường trước sự chứng kiến và ngỡ ngàng của nhiều người đi đường.
Tháng 12-1981, bà Vũ Thị Thư nhận được thông tin rằng Bộ Nông nghiệp đang xem lại việc cử bà sang Pháp thực tập. Bà tìm hiểu và được biết có người gửi đơn nặc danh lên Bộ, thắc mắc việc bà được cử sang Pháp là không hợp lý, với lý lẽ rằng bà vốn tốt nghiệp ngành Hóa sinh chứ không phải Nông học, vì vậy chuyên môn của bà cũng không liên quan gì đến suất học bổng này! Về sự việc này, PGS Vũ Thị Thư chia sẻ: Thời đó những cán bộ đi học ở nước ngoài về hoặc từ trường Tổng hợp sang dạy các môn cơ bản và cơ sở như chúng tôi, mọi người thường nói đùa là con nuôi, chỉ những người học ở trường Nông nghiệp hay từ Bộ Nông nghiệp chuyển về mới là con đẻ… Tuy nhiên, sau quá trình kiểm tra, Bộ thấy quyết định cử bà Thư đi là hoàn toàn hợp lý. Bởi khi đó, ở trường không có ai chuyên nghiên cứu về cây họ đậu ngoài giảng viên Vũ Thị Thư, nên Bộ vẫn giữ quyết định của mình. Tuy nhiên, trải qua việc này bà Thư lại cảm thấy nản chí và muốn hủy chuyến đi. Bà tâm sự với một người bạn thì được người đó khuyên bằng một câu ngạn ngữ Pháp khiến bà hiểu ra rằng: kiện tụng là quyền của người ta, còn việc mình thì mình cứ làm và quyết tâm sẽ sang Pháp học tập thật tốt.
Đầu tháng 7-1982, giảng viên Vũ Thị Thư đến trường làm giấy tờ xin cấp hộ chiếu để chuẩn bị sang Pháp, vì đang kỳ nghỉ hè nên bà đành đưa con đi theo. Do phải chạy ngược chạy xuôi từ khoa lên trường để xin các giấy tờ cần thiết, bà gửi con ở phòng làm việc. Thương con bà Thư và con một chị đồng nghiệp đang chơi trong phòng làm việc nóng nên ông Thạch cho các cháu vào ngồi ở một góc phòng thí nghiệm, là phòng duy nhất của trường có máy điều hòa để tiến hành các thí nghiệm về nuôi cấy mô. Khi được mẹ đón về thì do sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng quá lớn nên tối hôm đó cả hai bé đều bị sốt rất cao. Bà Thư đưa con đến trạm xá trường, sau khi được bác sĩ tiêm và cho uống thuốc hạ sốt liều cao, Tuấn nói: Mẹ ơi! Có hàng ngàn mũi kim đâm vào tay, chân con. Sáng hôm sau bà đưa con sang Bệnh viện Saint Paul, ở đây bác sĩ chẩn đoán có thể cháu bị sốt xuất huyết, nhưng điều trị gần chục ngày mà vẫn không hạ sốt. Vì quá lo lắng về bệnh tình của con, bà Thư bàn với chồng rằng bà sẽ hoãn chuyến đi Pháp. Để bà yên tâm, ông Thịnh xin cho con xuất viện và đưa về nhà bà thím nhờ chăm sóc giúp. Bà thím dùng rượu gừng đánh cảm cho Tuấn và lập tức cơn sốt hạ dần rồi hết hẳn vào ngày hôm sau. Đến lúc đó, bà Thư mới có thể tạm yên tâm về sức khỏe của con.
Những trải nhiệm quý giá
Giữa tháng 7-1982, giảng viên Vũ Thị Thư bay sang Pháp. Theo bà cho biết, do một số trục trặc trong việc kiện tụng và chờ phân công người hướng dẫn nên bà sang Pháp muộn hơn các đồng nghiệp khoảng 1-2 tháng, Phó giáo sư Vũ Thị Thư nhớ lại: Sang nước bạn trong hoàn cảnh khó khăn cả về thủ tục cho tới gia đình như vậy nên tôi hết sức mệt mỏi. Một số bạn bè Việt Nam ra sân bay Paris Charles-de-Gaulle đón, nhìn dáng vẻ của tôi phải thốt lên rằng: Đúng là dân nông nghiệp lạc hậu, không lẫn vào đâu được!.
Đồng nghiệp của bà Vũ Thị Thư ở lại Paris để học tiếng Pháp và thực tập chuyên môn, bà chỉ ở lại Paris trong một tuần để làm các thủ tục cần thiết cho lưu trú và nhận học bổng. Cảm nhận đầu tiên của bà về thành phố này đúng là “thủ đô hoa lệ”, xinh đẹp, mọi thứ khác xa so với Hà Nội. Sau đó bà lên tàu xuống thành phố Vichy ở miền Trung nước Pháp để học thêm tiếng Pháp. Bà cho biết: Vichy là thành phố đẹp, vô cùng yên tĩnh. Hình ảnh những ông già, bà già hàng ngày dắt chó đi dạo đã trở nên quen thuộc. Họ đều là những người của thành phố khác và tranh thủ thời gian để đến đây nghỉ dưỡng. Từ ngày 19-7-1982, bà bắt đầu học tiếng Pháp tại Trung tâm ngoại ngữ CALVILAM. Đây là một trung tâm dạy tiếng Pháp theo phương pháp audio-visuel (nghe nhìn), một phương pháp mà khoảng 20 năm sau nước ta mới áp dụng.
Bà Vũ Thị Thư đến Vichy vào đúng dịp nghỉ hè nên giáo viên của Trung tâm đều là những người làm nhiều ngành nghề khác nhau đến dạy thêm, nên việc học tập rất thoải mái. Dù vậy, khi tổ chức thi họ làm rất nghiêm túc. Sau mỗi tháng, ngoài bài thi trắc nghiệm thì các học viên còn phải thi vấn đáp. Những học viên nào vượt qua kỳ thi đó mới được chuyển lên học ở trình độ cao hơn và sau ba tháng sẽ thi tốt nghiệp.
Ngày 15-10-1982, nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa tiếng Pháp tại Trung tâm ngoại ngữ CALVILAM, bà Thư lên tàu xuống thành phố Montpellier thuộc miền Nam nước Pháp để thực tập về chuyên môn. Tại đây, bà Thư được phân về thực tập tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia (INRA) cùng với 4 học viên các nước khác do GS Louis Salsac hướng dẫn. Trong số họ, hai thực tập sinh nữ là người Mecxico và người Pháp, hai thực tập sinh nam đến từ đất nước Côte d'ivoire (Tây Phi). Sau khi được GS Salsac giao đề tài, bố trí làm thí nghiệm trong nhà lưới và nhà kính, các thực tập sinh đồng thời lên lớp nghe ông giảng 2 buổi/tuần. Bà Thư nhận được đề tài nghiên cứu về việc cố định đạm trong cây họ đậu. Tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia, bà đã tận mắt chứng kiến sự hiện đại về cơ sở vật chất của nền giáo dục, đào tạo Pháp. Bà nhớ lại: Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy, chỉ với một chiếc điều khiển mà có thể chỉnh được màn chiếu và rèm cửa sổ. Vừa nghe thầy giảng vừa nhìn theo tay thầy điều khiển mọi thứ, bất chợt trong tôi lại hiện lên cảnh các đồng nghiệp đang kéo bừa trên những mảnh ruộng tăng gia sản xuất của trường, cảnh lớp học và các em sinh viên của trường tôi, tôi cố ngăn những giọt nước mắt vì thương đồng nghiệp, thương các em sinh viên, thương đất nước mình và càng nhớ nhà, nhớ con da diết.
Để thực hiện đề tài, thực tập sinh Vũ Thị Thư cần tiến hành đo cụ thể chỉ số cố định độ đạm của cây đậu tương. Theo bà chia sẻ, có ba phương pháp cơ bản để thực hiện công việc này. Thứ nhất, đo hoạt tính khử acetylene (C2H2) thành ethylene (C2H4) của enzyme nitrogenase có trong nốt sần ở rễ cây đậu tương. Để làm được việc này, bà cần chuẩn bị một loạt các lọ thủy tinh có nút cao su, cho bộ rễ đậu có nốt sần vào lọ, đậy chặt lọ bằng nút cao su. Dùng xilanh bơm qua nút cao su 1 lượng nhất định khí acetylene vào lọ, sau đó cứ 5 phút lại dùng xilanh xuyên qua nút cao su để lấy khí ethylene được tạo thành ở trong lọ ra và đo bằng máy chuyên dụng. Nếu một người thực hiện sẽ mất 22 tiếng, nên bà phải nhờ các bạn thực tập sinh giúp. Đó là việc các thực tập sinh thường giúp nhau trong quá trình làm thí nghiệm. Thứ hai, dùng lồng kính chụp kín chậu cây đậu tương rồi nối với một chiếc máy chuyên dụng để đo nồng độ N2 hoặc sử dụng phương pháp thứ ba là đưa N2 đồng vị vào cây rồi đo trực tiếp lượng N2 đồng vị được cố định.
Được làm việc trong điều kiện nhiều thiết bị hiện đại như vậy, bà Thư say sưa làm việc, tranh thủ học hỏi đủ thứ, không chỉ học thầy mà học từ cả các học viên khác. Bởi vậy, dù một ngày mùa hè ở đây khá dài nhưng bà vẫn cảm thấy nó rất ngắn. Một hôm, đang làm thí nghiệm thì gặp phải vấn đề khó hiểu, bà lên phòng gác xép tìm đọc tài liệu, hết giờ mọi người khóa cửa ra về. Mải đọc tài liệu, khi bà Thư ra về thì không còn ai trong phòng thí nghiệm, đường phố đã lên đèn từ lâu, nhìn đồng hồ thì đã gần 11h đêm. Bà bắt đầu thấy sợ và nghĩ cách thoát ra khỏi phòng. Suy nghĩ một lúc bà đi xuống tầng hầm, may mắn nhìn thấy một ô cửa không có chấn song và khóa chốt bên trong, bà mở chốt, kê ghế và chui được ra ngoài để đi bộ về nhà. Đường phố về đêm vắng vẻ, thi thoảng có một chiếc xe ô tô nhỏ lướt qua rất nhẹ nhàng và tôi có cảm giác sờ sợ cho tới khi đặt được chân vào cổng khu nhà ở tôi mới thấy rằng nước Pháp ở thế kỉ XX sao mà bình yên thế!, PGS Thư chia sẻ.
Đề tài thực tập sinh Vũ Thị Thư thực hiện là một nhánh nghiên cứu về cây họ đậu của nghiên cứu sinh Jean Jacques Drevon – trợ giảng của GS Salsac, đồng thời được giáo sư hướng dẫn làm luận án. Vì vậy, khi có vấn đề chưa hiểu bà đều hỏi anh Drevon, vẫn còn khúc mắc bà mới phải nhờ GS Salsac. Theo bà Thư chia sẻ: J. Drevon là một là người có ảnh hưởng lớn tới tôi về mọi phương diện trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Anh nghiên cứu sâu và toàn diện về cây họ đậu ở Pháp, ở nhiều nước thuộc vùng Địa Trung Hải, nhiều nước châu Phi, châu Mỹ La tinh và cả châu Á. Cứ 8h sáng hàng ngày, bước chân vào labo là anh lên lịch làm việc cụ thể trong ngày, như đọc tài liệu, viết bài, trao đổi với sinh viên và thực tập sinh… Ngay cả thời gian ăn trưa, anh cũng luôn tranh thủ vừa ăn vừa trao đổi các vấn đề về khoa học cùng đồng nghiệp. Bà Thư là người làm việc cùng anh nên đôi khi cũng khá căng thẳng. Ở Việt Nam, bà luôn được đồng nghiệp và sinh viên đánh giá là con người nhanh nhẹn, giải quyết mọi việc dứt khoát, mau lẹ mà với nghiên cứu sinh Drevon thì bà vẫn cần nhanh hơn nữa. Nhờ vậy mà bà trở thành con người khác hẳn: đi lại rất nhanh nhẹn, luôn ở tư thế sẵn sàng chuyển động, lịch làm việc trong ngày được chuẩn bị từ tối hôm trước và một ngày làm việc kín cả 8 tiếng. Hơn nữa, thời gian đầu do chưa quen với các món ăn của người Pháp thực tập sinh Vũ Thị Thư không ăn được nhiều nên sức khỏe không thể đáp ứng được cường độ làm việc cao như vậy. Sau khoảng 2 tháng, nhờ sự khích lệ của bạn bè, người hướng dẫn, bà đã quen dần với các món ăn, và cố gắng ăn để có sức khỏe làm việc.
Với tinh thần làm việc tích cực như vậy, sau 9 tháng với việc thực hiện thí nghiệm hai lần trong nhà kính, thực tập sinh Vũ Thị Thư đã thu được một kết quả bất ngờ mà nhiều năm sau anh Drevon vẫn muốn bà tiếp tục làm. Đó là việc nghiên cứu dòng khuẩn sinh trưởng nhanh Bradyrhizobium tách từ đất Việt Nam đem nhiễm cho giống đậu tương Giessen của Mỹ, thì sau 30 ngày trồng cây vẫn ra hoa, kết hạt nhưng thân còi cọc, lá úa vàng, điều này không xảy ra với các giống đậu tương khác. Bà đặt ra giả thiết rằng cặp đôi này đã tiết ra độc tố Rhizobitoxine nên dẫn tới hiện tượng như vậy. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu gồm thực tập sinh Vũ Thị Thư, NCS Drevon và GS Salsac đã công bố kết quả này trên tạp chí Agronomie Paris, số 6, 1984 với tiêu đề: Variations de l´activite´ nitrogenase des nodosites de Soja inocule´ avec une souche a croissance rapide de Rhizobium (Sự thay đổi hoạt tính nitrogenase của nốt sần cây đậu tương khi được nhiễm với dòng khuẩn sinh trưởng nhanh Rhizobium).
Giấy chứng nhận hoàn thành khóa thực tập cấp cho thực tập sinh Vũ Thị Thư, có chữ ký của GS Salsac, ngày 9-9-1983
Ngày 9-9-1983, trước khi kết thúc thời gian thực tập, bà Thư và các thực tập sinh phải trình bày kết quả nghiên cứu của mình trước Hội đồng khoa học của Viện và nộp báo cáo cho GS Salsac. Ngay sau đó, các thực tập sinh được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình thực tập. Trong giấy chứng nhận của thực tập sinh Vũ Thị Thư, GS Salsac nhận xét: Au cours de ce stage Madame Vu Thi Thu a réalisé un excellent travail scientifique sur la fixation symbiotique de l'azote par le Soja[10] (Trong thời gian thực tập, bà Vũ Thị Thư đã hoàn thành một công trình khoa học xuất sắc).
Trong nhiều năm tiếp theo, bà Vũ Thị Thư đã tiến hành nhiều thí nghiệm tại trường Đại học Nông nghiệp I và ở một số địa phương để khẳng định kết quả nghiên cứu của mình. Năm 1991, dựa trên cơ sở những kết quả đã nghiên cứu về việc cố định độ đạm, bà Vũ Thị Thư đã làm luận án Phó tiến sĩ trong nước và bảo vệ thành công với đề tài: Cơ sở hóa sinh, sinh lý của việc chọn lọc các dòng Rhizobium japonicum (bradyrhizobium japonicum) có khả năng cố định nitơ khí quyển cao với đậu tương.
Dù chuyến thực tập đã kết thúc cách đây hơn 30 năm nhưng những kỷ niệm về nó chưa khi nào phai mờ trong ký ức của PGS. TS Vũ Thị Thư. Bản thân bà đã vượt qua mọi khó khăn của hoàn cảnh đất nước, của gia đình để vươn lên, say mê học hỏi, nghiên cứu khoa học và thu được thành quả khi trở thành một nhà nghiên cứu về chuyên đề cố định đạm ở cây đậu tương.
Lê Thị Lợi
* PGS.TS Vũ Thị Thư, chuyên ngành sinh học, nguyên trưởng bộ môn Hóa sinh – Bảo quản chế biến, nay là bộ môn Hóa sinh – Công nghệ sinh học thực phẩm, khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
[1] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt
[2] Ông Lê Doãn Diên sau trở thành Giáo sư, tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội Sinh hóa Việt
[3] Tên gọi của Học viện Nông nghiệp Việt
[4] Ông Vũ Triệu Mân, sau trở thành Giáo sư, tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh cây nhiệt đới, Học viện Nông nghiệp Hà Nội.
[5] Ông Nguyễn Quang Thạch sau trở thành Giáo sư, tiến sĩ, Hiệu phó trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
[6] Bà Trần Thị Tú Ngà sau trở thành Phó giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy khoa Nông học, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.