Tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Bắc Kinh (Trung Quốc) từ năm 1958, về nước Mai Hữu Khuê được phân công giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế Tài chính. Ông không chỉ là một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên của Khoa Kinh tế nông nghiệp mà ông còn được xem như người khai sinh ra môn học Tổ chức quản lý xí nghiệp nông nghiệp xã hội chủ nghĩa và trực tiếp biên soạn giáo trình giảng dạy môn học này từ những năm 1960 tại trường[1]. Từ đó, ông đi sâu nghiên cứu và giảng dạy về khoa học quản lý.
Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, Khoa học quản lý là một lĩnh vực khá mới mẻ ở nước ta, cán bộ giảng dạy ít và cơ hội tiếp xúc lĩnh vực này với các nước trên thế giới chưa nhiều. Bởi vậy, cả khi đảm nhiệm cương vị là Hiệu trưởng nhưng Mai Hữu Khuê vẫn kiêm nghiệm vai trò là Tổ trưởng Bộ môn Khoa học quản lý. Tâm lý học tổ chức là một môn học rất bổ ích và chính thức được đưa vào giảng dạy ở trường Đại học Kinh tế Kế hoạch và trường Hành chính Trung ương từ những năm 1970.
Trên cơ sở các bài học của chuyên gia Liên Xô, Mai Hữu Khuê tập hợp tư liệu, liên hệ thực tế để viết thành bài giảng riêng cho học viên. Ông lần lượt cho ra đời nhiều cuốn sách phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu về tâm lý học trong quản lý: Những khía cạnh tâm lý của quản lý (Nxb Lao động, 1985); Tâm lý học trong quản lý nhà nước (Nxb Lao động, 1993); Phân tích hệ thống trong quản lý và tổ chức (Nxb Lao động, 1998); Tâm lý học trong quản lý kinh doanh (Nxb Đồng Nai, 1999)…
Sau hơn 40 năm công tác tại trường Đại học Kinh tế quốc dân và Học viện Hành chính quốc gia, năm 1999 GS Mai Hữu Khuê được nghỉ hưu. Mặc dù ở tuổi được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn theo sát sự phát triển của ngành học Tâm lý học tổ chức ở một số trường trong nước. Ông nhận thấy, sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa đồng nghĩa với việc phải đầu tư về quản lý hành chính. Và để làm tốt điều này, không chỉ cần có kiến thức căn bản về quản lý hành chính mà còn cần nắm được tâm lý về tổ chức hành chính. Đây là vấn đề khiến ông trăn trở suốt quá trình công tác. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam ngành tâm lý học tổ chức chưa được quan tâm, chú trọng, trong khi thế giới coi đây là một lĩnh vực khoa học cơ bản. Với mong muốn tổng quát những vấn đề thuộc về tâm lý con người và đi sâu phân tích những đặc điểm của nó trong quá trình quản lý. Đầu năm 2013, ông bắt tay vào tổng hợp các sách, bài giảng, tư liệu, cùng với những kinh nghiệm thực tế trong quản lý của bản thân để hoàn thiện cuốn Tâm lý học tổ chức.
Bản thảo sách Tâm lý học tổ chức của GS Mai Hữu Khuê, năm 2013
Trong nội dung cuốn sách, GS Mai Hữu Khuê đã chỉ rõ những đặc điểm, tính cách, năng lực, nhu cầu và khía cạnh tâm lý của con người trong lao động và quan hệ với tập thể lao động là rất quan trọng. Mặt khác, ông cũng chú ý đến những đặc tính tâm lý, yêu cầu về tâm lý của người lãnh đạo và những yếu tố tâm lý của phong cách lãnh đạo, nhất là trong việc ra quyết định, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện quyết định.
Theo GS Mai Hữu Khuê: Mục đích quản lý chỉ được thực hiện thông qua con người bằng chính con người. Khó nhất trong lĩnh vực quản lý là quản lý con người và những tập thể sản xuất. Vấn đề là phải làm thế nào khai thác được tính tích cực của con người, tổ chức tốt hoạt động của xã hội, đoàn kết chặt chẽ hàng vạn tập thể, hàng chục triệu người lao động nhằm đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế[2]. Như vậy, mục đích chung là đều hướng tới hoàn thiện con người vì sự tiến bộ của xã hội.
Hiện nay, có thể thấy Khoa học quản lý và Tâm lý học quản lý được hòa làm một, bổ trợ cho nhau. Và không ai phủ nhận vai trò của tâm lý học trong tổ chức, bởi đây là nhân tố quan trọng trong quản lý con người. Đặc biệt, tâm lý học đã phát triển phong phú và đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý học hành chính, tâm lý học kinh doanh… Do vậy, nếu người làm quản lý không am hiểu Khoa học quản lý, không nắm được các nguyên tắc của Tâm lý học quản lý, chắc chắn sẽ không làm tốt công việc mình đang đảm trách.
Mặc dù cuốn sách Tâm lý học tổ chức được GS Mai Hữu Khuê chuyên tâm viết và hoàn thiện trong thời gian rất ngắn, nhưng đó là tinh hoa của những kinh nghiệm, kiến thức mà ông tích lũy được trong suốt hơn 40 năm nghiên cứu, giảng dạy. Khó ai có thể ngờ rằng, ông đã phải chạy đua với thời gian, vừa viết vừa đối đầu với căn bệnh nan y để cho ra đời sách hơn 400 trang. Với thể trạng sức khỏe cho phép, mỗi ngày ông sắp xếp viết khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sau mỗi đợt tập trung điều trị, ông thường cố gắng làm việc thêm 30 phút mỗi ngày để cuốn sách được ra đời đúng tiến độ.
Bản thảo viết tay cuốn sách Tâm lý học tổ chức được ông sắp xếp thành 10 chương, với 446 trang. Sau khi được đánh máy, hoàn thiện, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân cho ra mắt bạn đọc vào tháng 12-2013 với số lượng 500 cuốn. Cuốn sách được ông sắp xếp lại theo trật tự, có cập nhật thông tin qua việc thực hiện các dự án giáo dục với các trường Đại học của Liên Xô cũ và của các nước Canada, Australia, Cộng hòa Liên bang Đức, Indonesia và Singapore… đáp ứng nhu cầu đông đảo của các nhà nghiên cứu, các học viên, sinh viên trong học tập.
Bản viết tay sách Tâm lý học tổ chức được GS Mai Hữu Khuê tặng lại Trung tâm Di sản kẹp thành hai tập gồm 310 trang. Một số trang có bút tích bổ sung và sửa chữa các lỗi mực đỏ. Bản thảo kèm theo 4 trang viết tay bằng mực đỏ của ông về “sự xuất hiện những lý thuyết tổ chức”.
Ở tuổi 90, GS.NGND Mai Hữu Khuê cảm thấy thực sự nhẹ nhàng khi đã hoàn thiện được ước nguyện lớn nhất của mình. Đặt nhiều tâm huyết vào cuốn sách Tâm lý học tổ chức, ông mong rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này.
Nguyễn Thị Loan
____________________