Trăn trở của một người thầy





PGS.TS Nguyễn Văn Hợp sinh ngày 9-2-1937, tại Hà Nam. Ông được phong học hàm Phó giáo sư ngành Cơ khí năm 1991.

Tốt nghiệp ngành Cơ khí, trường Đại học Giao thông Vận tải năm 1967 và được giữ lại trường làm giảng viên, ông đã gắn bó với nghề giáo kể từ đó cho đến khi nghỉ hưu, năm 1998. Sau đó, ông còn tiếp tục hợp tác giảng dạy một số môn học thuộc khoa Cơ khí, trường Đại học Giao thông Vận tải. Năm 2015, khi phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo ông đã ngừng mọi hoạt động giảng dạy để tập trung chữa bệnh. Trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề, điều khiến ông luôn trăn trở và suy nghĩ đó là việc “học” gắn liền với “hành” của sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Văn Hợp

Như ông chia sẻ: trước kia, trường Đại học Giao thông Vận tải được Liên Xô hỗ trợ về mô hình các loại máy móc để sinh viên thực hành. Thời gian trôi đi, những mô hình đó bị hỏng từng bộ phận rồi không còn sử dụng được. Kể từ đó, sinh viên không có điều kiện để thực hành. Là một giảng viên, ông quyết định đưa sinh viên xuống các cơ sở sản xuất để trực tiếp tìm hiểu máy vận hành. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là sinh viên không có điều kiện được trực tiếp vận hành máy và kiểm tra từng bộ phận của máy[1].

Cho đến nay, tuy đã tạm rời xa giảng đường, nhưng trái tim của người thầy Cơ khí – PGS Nguyễn Văn Hợp vẫn luôn trăn trở với nghề. Ước muốn lớn nhất của ông là sinh viên của mình có đủ điều kiện để có thể gắn liền việc “học" với “hành”.

Hoàng Thị Kim Phượng

 


[1] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Hợp, ngày 30-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.