Kính thưa ông Đoàn Mạnh Giao và các thành viên gia đình GS Đoàn Trọng Truyến, thưa các vị đại biểu và các bạn đồng nghiệp.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến hôm nay vừa tròn 5 tuổi. Thời gian ngắn ngủi đó Trung tâm đã đi được một bước dài và đã làm được một việc lớn.
Một bước dài vì Trung tâm đã đi tiên phong, là trung tâm đầu tiên ở nước ta phát triển lưu trữ tư nhân, một công việc, một nghề nghiệp còn xa lạ với rất nhiều người, kể cả những người làm công tác quản lý ở lĩnh vực này. Chúng ta đã phát triển công việc lưu trữ tư nhân khi khái niệm lưu trữ tư nhân này còn chưa được xã hội thừa nhận. Trong khi đó nhờ phát triển hệ thống lưu trữ tư nhân mà các nước Âu Mỹ đã giữ lại cho xã hội, cho lịch sử của nước mình biết bao di sản lịch sử, những bằng chứng lịch sử của các ngành, các lĩnh vực thông qua những con người cụ thể.
Trung tâm đã làm được một việc lớn, đó là đã cấp cứu 11 vạn đầu tư liệu, hiện vật của khoảng 400 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có nguy cơ bị mất mát, thất lạc, bị huỷ hoại hay bị phân tán khắp nơi; Trung tâm đã phân loại, lên danh mục, sắp xếp và bảo vệ chúng một cách chuyên nghiệp. Trong hồ sơ cấp cứu đó có hồ sơ của nhiều nhà khoa học làm rạng danh cho đất nước như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Văn Chiển, Đặng Vũ Khúc, Nguyễn Văn Nhân…
Hôm nay Trung tâm vô cùng xúc động được gia đình GS Đoàn Trọng Truyến tin cậy trao cho một khối di sản đồ sộ của GS Đoàn Trọng Truyến để lưu giữ ở Trung tâm.
Vừa là một nhà khoa học đầu ngành, thuộc thế hệ khai sinh lĩnh vực khoa học kinh tế, khoa học quản lý hành chính vừa là một chính khách chúng tôi nhận thức rằng giáo sư Đoàn Trọng Truyến đã có ý thức rất sớm và sâu sắc về việc lưu giữ các tài liệu cá nhân.
Tôi bồi hồi cảm động khi cầm trên tay những bản thảo báo cáo khoa học, những bài giảng của Giáo sư, có những bài báo hay báo cáo được sửa đi sửa lại 2-3 lần, các bản thảo lần đầu, lần 2, lần 3 đều được ông lưu giữ cẩn thận.
Tôi tự hỏi ông nghĩ gì khi lưu, sắp xếp cẩn thận các bản thảo chữa lên chữa xuống của mình, có cái có tuổi đến già nửa thế kỷ trong khi với người khác thì điều quan trọng là các bản đánh máy sạch hay các bản in cuối cùng.
Ông nghĩ gì khi giữ lại từ năm này sang năm khác những ghi chú, nhận xét của mình, những ý kiến dự định phát biểu viết chéo chéo ngay trên trang đầu các báo cáo ở một cuộc họp hay hội thảo khoa học? Những văn bản có bút tích như vậy có đến cả trăm bản ở vào những thời gian rất khác nhau.
Ông nghĩ gì khi tôi cảm nhận hầu như ông không dám vứt bỏ một cuốn sổ ghi chép hàng ngày nào, những cuốn sổ trong đó ghi nhiều cuộc họp đã trở thành những sự kiện lịch sử cùng với những nhân vật lịch sử đương thời và những ý kiến của họ.
Chìm đắm trong khối tư liệu ngổn ngang ấy, tôi bâng khuâng nghĩ rằng: Phải chăng ông muốn chuyển cho chúng ta, cho con cháu của mình, cho những người lưu giữ di sản các nhà khoa học một thông điệp ngầm/một điều mà không muốn nói ra: những tư liệu này là những bằng chứng lịch sử sống động phải được lưu giữ cẩn thận. Đó là những tài sản của nhân dân, của dân tộc Việt Nam chúng ta đấy. Chắc 10, 20 năm hay 50 năm nữa, 100 năm nữa sẽ có những nhà sử học tìm đến chúng để làm sáng tỏ thêm nhiều điểm trống về lịch sử, hay về tư duy, về nhận thức một vấn đề nào đó của nửa cuối thế kỷ 20.
Tôi cũng mạnh dạn nghĩ rằng con cháu GS Đoàn Trọng Truyến là người hiểu hơn ai hết thông điệp này. Và cũng chính vì sự thấu hiểu này mà gia đình Giáo sư Đoàn Trọng Truyến đã đặt niềm tin vào Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam để trao toàn bộ 7000 đơn vị tư liệu, hiện vật của cha ông mình. Đó thực là những tài sản quý của xã hội. Những hồ sơ về lịch sử cuộc đời của nhà khoa học này là những dấu tích, những bằng chứng lịch sử sống động vô cùng quý giá.
Sự trao tặng này không phải là sự mất mát những gì của người cha, người ông để lại cho gia đình mà chính là sự bảo toàn tốt nhất tài sản của cha, ông tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Xin các thành viên gia đình GS Đoàn Trọng Truyến hãy coi Trung tâm là nhà của mình, là nơi lưu trữ bảo quản rất quy chuẩn mà gia đình có thể đến bất cứ lúc nào để trải nghiệm, để kiểm tra hay để tìm nghiên cứu một tài liệu nào đó của cha, ông mình.
Lễ tiếp nhận sự trao tặng của gia đình Giáo sư diễn ra hôm nay là một cách để xã hội hoá những di sản của giáo sư Đoàn Trọng Truyến, để cho những di sản này sống với xã hội, tạo điều kiện dễ dàng cho những ai quan tâm đến nghiên cứu chẳng hạn như những nghiên cứu sinh muốn làm luận án tiến sĩ về ông và thời đại ông hay sau này tổ chức những cuộc trưng bày về ông hay liên quan đến ông, đến thời đại ấy tại Bảo tàng của Trung tâm.
Nhận từ gia đình niềm tin và sự gửi gắm này toàn thể cán bộ nhân viên Trung tâm chúng tôi càng thấy trách nhiệm to lớn trước sứ mệnh của mình. Chúng tôi nguyện làm hết sức mình để không phụ lòng tin đó, để có thể giữ gìn tốt nhất, phát huy tốt nhất những di sản về lịch sử cuộc đời của giáo sư Đoàn Trọng Truyến nói riêng và của các nhà khoa học nói chung.
Thay mặt Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn ông Đoàn Mạnh Giao và các thành viên trong gia đình giáo sư Đoàn Trọng Truyến đã tin cậy Trung tâm, uỷ thác cho Trung tâm giữ gìn một phần tài sản quý giá của gia đình mình. Xin chúc sức khoẻ và mọi sự tốt lành tới tất cả quý vị.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Ngày 21-12-2013