Trân trọng sự hợp tác đầy trách nhiệm và hiệu quả

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Trung tâm Di sản) mới tiếp nhận một khối tài liệu (Di sản) của cố GS.VS Tôn Thất Tùng. Sau đây, tôi xin nêu một số ý kiến sơ lược về khối tài liệu này của Giáo sư về khía cạnh lưu trữ.

Khối lượng tài liệu của GS. VS Tôn Thất Tùng mà Trung tâm Di sản mới tiếp thu về không nhiều, thể hiện trên hai nhóm tài liệu chính là: Tài liệu về chất độc màu da cam Dioxin mà Mỹ rải xuống Việt Nam trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược chống nhân dân Việt Nam, và một nhóm Tài liệu gồm các sổ sách (sổ, sổ lịch, vở học sinh, v.v..) mà GS Tôn Thất Tùng đã ghi chép lại các hoạt động trong thời gian công tác của mình.

Ông Ngô Thiếu Hiệu

Nói chung, tài liệu (Di sản) của rất nhiều nhà khoa học mà Trung tâm Di sản đã tiếp nhận về gồm nhiều khối tài liệu khác nhau, mà khối “Bản thảo” là khối tài liệu quan trọng nhất, phản ánh chủ yếu sự nghiệp, công tác và hoạt động của nhà khoa học đó. Trong khối “Bản thảo” của GS.VS Tôn Thất Tùng lại gồm nhiều nhóm tài liệu khác nhau như: tài liệu và báo cáo về công tác chuyên môn; tài liệu về nghiên cứu khoa học, bao gồm cả những tài liệu các cuộc Hội thảo Khoa học ở trong nước và quốc tế; tài liệu về đào tạo, bao gồm việc giảng dạy ở bậc Đại học, hướng dẫn làm Thạc sĩ và Tiến sĩ; sổ sách ghi chép về chuyên môn, công tác và những hoạt động khác; v.v.. Khối tài liệu về chất độc màu da cam Dioxin chủ yếu bằng tiếng Anh, một số ít tài liệu bằng tiếng Pháp, tiếng Việt,… gồm những bài viết, bài trả lời phỏng vấn của GS.VS Tôn Thất Tùng; bài viết của một số nhà khoa học Việt Nam. Còn lại chủ yếu là tài liệu Hội thảo Quốc tế, các bài viết, báo cáo của rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới thuộc nhiều nước như Mỹ, Pháp, CHLB Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, v.v.. Một số chi tiết rất đáng chú ý là nhóm tài liệu này được GS Tôn Thất Tùng phân loại, sắp xếp khoa học và đánh số thứ tự cố định cho những tài liệu này giúp cho tra tìm nghiên cứu, khai thác được thuận lợi, dễ dàng. Tài liệu về chất độc màu da cam Dioxin cùng di sản của cố GS.VS Tôn Thất Tùng được hình thành từ cuối những năm 1960 cho đến khi Giáo sư qua đời trong năm 1982.

Đặc điểm nổi bật nhất trong Di sản của cố GS.VS Tôn Thất Tùng là nhóm tài liệu sổ sách, đây là nhóm tài liệu rất qúy, rất có giá trị phản ánh về nhiều lĩnh vực chuyên môn và khoa học mà GS Tôn Thất Tùng theo đuổi suốt cuộc đời, những ghi chép này chủ yếu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt được ghi cụ thể, tỉ mỉ gắn liền với từng thời điểm cụ thể mà Giáo sư thực hiện. Vì thế những ghi chép này ngoài giá trị chuyên môn và khoa học thì ý nghĩa thực tiễn rất cao. Nhưng để khai thác nghiên cứu những giá trị ghi chép trong các sổ sách này của GS Tôn Thất Tùng là không hề dễ dàng, đơn giản, vì Giáo sư ghi chép theo thời gian, cùng một nội dung vấn đề nhưng được ghi chép ở nhiều sổ khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Trong khối sổ sách này còn có những sổ ghi về những vấn đề hay sự việc khác nhau như cuốn sổ ghi đề cương “Những con đường mòn trong rừng” (Kí sự của một Bác sĩ mổ xẻ trong kháng chiến) thuộc thời gian từ 1946-1954, 1962-1964. Đề cương này được viết trong các năm 1963, 1964 và 1965, hoặc cuốn “Nhật kí Điện Biên” ghi lại sự tham gia Chiến dịch Điện Biên lịch sử của GS Tôn Thất Tùng trong năm 1954. Là Nhà khoa học tầm cỡ thế giới và là Bác sĩ Ngoại khoa đầu ngành rất nổi tiếng của Việt Nam, bên cạnh lĩnh vực chuyên môn và khoa học, GS Tôn Thất Tùng còn có tâm hồn của một Nhà thơ. Trong một cuốn sổ khác, GS Tôn thất Tùng ghi lại nhiều bài thơ của nhiều tác giả khác nhau, và đặc biệt có nhiều bài thơ do chính Giáo sư sáng tác. Trong cuốn Lý lịch tự thuật, GS Tôn Thất Tùng đã ghi chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đưa ông đến với cách mạng, đi theo kháng chiến. Trong khối tài liệu của GS Tôn Thất Tùng mới tiếp nhận về còn có nhiều thư từ của bạn bè, học trò, các nhà khoa học của nhiều nước khác nhau và của những người thân trong gia đình của Giáo sư.

Trong khối tài liệu (Di sản) của GS.VS Tôn thất Tùng mà Trung tâm Di sản đã tiếp nhận chưa phản ánh hết những hoạt động và lĩnh vực công tác của Giáo sư, đó là thời kỳ Giáo sư tham gia công tác quản lí Nhà nước về Y tế trong thời kỳ Kháng chiến chống thực dân Pháp trên cương vị là Thứ trưởng Bộ Y Tế, đó là thời gian dài Giáo sư về làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn sau này được đổi tên thành Bệnh viện Việt-Đức; tài liệu về nghiên cứu khoa học, nhất là công trình về phương pháp cắt gan; tài liệu về việc giảng dạy của Giáo sư tại Đại học Y Hà Nội.

GS.VS Tôn Thất Tùng đã đi xa 30 năm, nhưng những người thân của Giáo sư đã giữ gìn, bảo quản khá tốt những tài liệu (Di sản) mà Giáo sư để lại và chuyển giao những Di sản này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ, bảo quản. Di sản này của GS Tôn Thất Tùng là Di sản quí của Quốc gia sẽ được bảo quản tốt và phát huy giá trị phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ta hôm nay và mai sau. 

Ngô Thiếu Hiệu

Nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I