Trân trọng và cảm phục





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kính thưa GS.NGND Hà Minh Đức cùng toàn thể gia đình!

Kính thưa các nhà khoa học cùng các vị khách quý!

Thưa các bạn đồng nghiệp! 

Đây không phải là lần đầu tiên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của một nhà khoa học. Và bản thân tôi cũng đã rất nhiều lần có được vinh dự chia sẻ một số suy nghĩ với các nhà khoa học trong những buổi lễ tiếp nhận như thế này. Từ trước đến nay, những lời phát biểu thường không được đặt tên, nhưng xin phép quý vị có mặt hôm nay, tôi muốn đặt tên cho những lời chia sẻ này là Bài phát biểu từ sự trân trọng và cảm phục.

Trước hết, sự trân trọng tôi xin được dành cho tất cả các nhà khoa học đã tin tưởng và ủng hộ Trung tâm trong suốt hơn 8 năm qua, chúng tôi luôn trân trọng tất cả những gì các nhà khoa học đã trao tặng và Trung tâm xin nhận trách nhiệm bảo quản, phát huy giá trị của những di sản đó. Hôm nay, tôi đặc biệt dành sự trân trọng lớn để nói tới khối tài liệu hiện vật khổng lồ mà GS.NGND Hà Minh Đức đã tặng cho Trung tâm. Đó là gần 10.000 tài liệu hiện vật về lịch sử cuộc đời mà Giáo sư đã tìm tòi, sáng tạo, tích lũy và lưu giữ trong hơn 60 năm qua.

Kính thưa quý vị!

Giáo sư Hà Minh Đức là một nhà khoa học uy tín, một nhà giáo đáng kính. Trong chúng ta ở đây, có lẽ mỗi người đều có sự kính trọng riêng dành cho GS Hà Minh Đức. Riêng tôi cảm phục GS Hà Minh Đức trước hết là ở tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, kiên trì theo đuổi những vấn đề nghiên cứu trong hàng chục năm, để rồi khi nhận thức và tư liệu đạt đến một độ chín nhất định thì Giáo sư “tăng tốc” để cho ra đời những công trình có chất lượng cao. Đó không phải là một việc dễ dàng và có thể coi là phong cách làm việc của GS Hà Minh Đức. Trong nghiên cứu khoa học xã hội cũng như các lĩnh vực khác liên quan đến chuyện viết lách thì việc ghi chép là cần thiết và quan trọng. Chắc chắn nhiều người biết về điều đó, nhưng không phải tất cả đều có đủ sự kiên trì như một con ong hút mật, xây tổ để ghi chép, chắt chiu những điều khai thác được trong hàng chục năm trời, như GS Hà Minh Đức đã làm.

Từ năm 1957, khi bắt đầu bước vào con đường nghiên cứu và giảng dạy, GS Hà Minh Đức đã ý thức về việc ghi chép để làm tư liệu nghiên cứu. Bắt đầu từ việc lựa chọn những tác gia văn học lớn làm đối tượng nghiên cứu, ông xem việc gặp gỡ và trao đổi với họ là một con đường quan trọng để nhận thức, bên cạnh đọc các trước tác của họ. Ông chủ động tìm đến các nhà nghiên cứu hay nhà văn mà ông quan tâm. Mỗi khi được tiếp xúc với họ ông không bỏ lỡ cơ hội để trao đổi về những vấn đề mình đang theo đuổi. Ông cũng trao đổi với những người bạn thân, những người có nhiều quan hệ và hiểu biết về các tác gia văn học mà ông muốn nghiên cứu. Khi nghiên cứu về Nam Cao, ông tìm đến nhà văn Tô Hoài để hỏi chuyện; lúc đầu là hỏi về Nam Cao, rồi sau đó hỏi cả về cuộc đời của chính Tô Hoài, bởi ông xác định rằng nhà văn này cũng là một đối tượng mình cần nghiên cứu. Mỗi lần gặp các nhà văn, nhà nghiên cứu, GS Hà Minh Đức ghi chép trực tiếp, tỉ mỉ những gì họ đã chia sẻ, những câu chuyện của họ. Khi về nhà, ông tiếp tục ghi chép những điều suy nghĩ, trăn trở của mình. Không chỉ những cuộc gặp gỡ để trao đổi, mà trong những chuyến dạo chơi phố cổ hay đi dã ngoại đâu đó với các nhà văn, nhà thơ, ông đều cố gắng quan sát và nghe họ nói về những vấn đề xảy ra trong đời sống văn học. Tất cả đều được ông ghi chép lại và xếp thành từng hồ sơ tư liệu nhằm chuẩn bị cho những nghiên cứu của mình. Chính nhờ thế cho đến hôm nay chúng ta mới có được 83 cuốn sổ tay ghi chép như thế.

Giáo sư Hà Minh Đức quan niệm, để tìm hiểu về một nhà văn, phải đọc tác phẩm của họ, trao đổi với họ và những người quanh họ. Hơn nữa, phải có quan hệ thân thiết, gần gũi và chơi cùng với họ thì những tư liệu về họ mới chi tiết, những nhận thức, nhận xét về họ mới vừa tinh tế vừa sâu sắc. Phương pháp nghiên cứu của GS Hà Minh Đức là vậy, luôn miệt mài tìm gặp, chuyện trò và ghi chép, rồi nghiền ngẫm và khảo cứu để cho ra đời những công trình viết có giá trị. Nhờ vậy, càng về sau, GS Hà Minh Đức càng cho ra đời các công trình nghiên cứu với tần suất nhanh hơn. Không phải ông viết vội, viết cố, mà đó là kết quả từ độ chín của tri thức và sự đầy đủ, phong phú về tư liệu sau quá trình dài tích lũy và nghiên cứu. Cuộc hành trình của GS Hà Minh Đức trong nghiên cứu văn học là một cuộc hành trình mấy chục năm trời kiên trì, bền bỉ làm tư liệu nghiêm túc, cẩn trọng và cởi mở. Và đó cũng là bí quyết làm cho các công trình của GS Hà Minh Đức luôn hấp dẫn. Trong giới nghiên cứu khoa học thuộc những thế hệ trước đây, do không có trang thiết bị kỹ thuật như thời nay, nên ghi chép là việc tất yếu. Song, kiên trì gặp gỡ, trao đổi, ghi chép trong hơn 60 năm như GS Hà Minh Đức thì không nhiều người làm được. Nhân dịp này, cho phép tôi bày tỏ sự cảm phục đối với tinh thần bền bỉ, kiên trì và nghiêm túc của GS Hà Minh Đức trong công việc chuẩn bị tư liệu cũng như trong nghiên cứu văn học.

Kính thưa quý vị!

Tháng 6/2015, khi các nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sưu tầm khối tài liệu đồ sộ và quý báu của GS Hà Minh Đức, tôi đã có dịp mục sở thị những bản ghi chép qua hàng chục năm như thế. Lúc đó, tôi đã rất xúc động và tập hợp các nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lại để nói về vấn đề phương pháp nghiên cứu và ghi chép tư liệu. Chúng tôi xem cách tiếp cận con người và vấn đề, cách ghi chép của GS Hà Minh Đức là một hình mẫu mà các nghiên cứu viên phải học tập. Sự kiên trì gặp gỡ và ghi chép tỉ mỉ những thông tin, những câu chuyện của GS Hà Minh Đức là tấm gương sáng cho các nghiên cứu viên trẻ học hỏi. Hiện nay, công việc của Trung tâm chúng tôi cũng giống như Giáo sư cách đây 60 năm là đi gặp gỡ và hỏi chuyện về cuộc đời các nhà khoa học. Trung tâm đã trang bị những máy ghi âm, ghi hình hiện đại, nhưng tôi vẫn nhắc các bạn trẻ ở đây phải luôn ghi chép, phải ghi chép thật tỉ mỉ và chi tiết. Không những ghi chép mà còn phải ghi lại cả những suy nghĩ, những nhận xét, những cảm nhận riêng trong mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện. Và bước đầu chúng tôi đã đạt được một số kết quả nhất định. Xin trân trọng cảm ơn GS Hà Minh Đức đã cho các nghiên cứu viên trẻ có thêm những bài học sinh động về công tác nghiên cứu, sưu tầm, làm tư liệu.

Không chỉ những trang ghi chép và những bản thảo nghiên cứu, trong khối tài liệu của GS Hà Minh Đức còn rất nhiều tài liệu thú vị khác. Đó là 685 bức thư của các nhà khoa học, các nhà văn, nhà thơ đã gửi cho ông với những lời tâm sự chân thành; những bức thư chia sẻ tình cảm giữa 2 vợ chồng ông hay những trang nhật ký riêng tư của mình; đó còn là những hiện vật đã từng theo ông hàng chục năm trước như cặp kính, chiếc đèn bàn, cái cặp sách, đồng hồ để bàn… và cả khóm tóc do chính ông cắt nhân tuổi 70 của mình để ghi nhớ dấu mốc của thời gian. Mỗi một tài liệu hiện vật này đều gắn liền với những câu chuyện, những kỷ niệm về cuộc đời GS Hà Minh Đức. Và tất cả đều là những tư liệu có giá trị để tìm hiểu về cuộc đời GS Hà Minh Đức cũng như về nhiều vấn đề lịch sử văn học và giáo dục.

Kính thưa quý vị! 

Giáo sư Hà Minh Đức là một tên tuổi lớn trong giới nghiên cứu văn học hiện nay ở nước ta. Những tài liệu về lịch sử cuộc đời của Giáo sư được nhiều cá nhân và cơ quan quan tâm. Như Giáo sư chia sẻ, trong hơn 60 năm qua, ông đã có nhiều lần chuyển nhà. Tuy đã trải qua những lần thay đổi về chỗ ở như vậy, nhưng Giáo sư vẫn giữ gìn được hầu hết tài liệu của mình, đó cũng là một điều không nhiều người thực hiện được. Tôi từng thấy, có những nhà khoa học do phải chuyển chỗ ở nên đã phải bán cho người mua đồng nát hàng tạ tài liệu quý. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã may mắn bởi tiếp cận nghiên cứu GS Hà Minh Đức khi ông vẫn giữ được khối tài liệu quý của mình và đã tin tưởng trao tặng cho Trung tâm. Chúng tôi cũng được biết, đã có một số cơ quan đến đặt vấn đề sưu tầm và lưu giữ tài liệu của Giáo sư, nhưng cuối cùng ông chọn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là nơi để gửi gắm những di sản quý báu của đời mình. Đó là một vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao đối với Trung tâm. Thay mặt Trung tâm, tôi xin dành sự trân trọng cùng sự cảm phục để tri ân GS Hà Minh Đức và gia đình đã tin tưởng và ủng hộ chúng tôi.

Kính thưa Giáo sư Hà Minh Đức và gia đình.

Kính thưa các nhà khoa học và quý vị đại biểu. 

Suốt 8 năm qua, những người làm việc tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam luôn được sống trong những niềm hạnh phúc và trân trọng đặc biệt. Chúng tôi được lãnh đạo MEDLATEC quan tâm, đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất, được các nhà khoa học tin tưởng ủng hộ, ủy thác và trao tặng những tài liệu quý của cuộc đời. Đặc biệt, chúng tôi luôn được tiếp xúc với các nhà khoa học hàng đầu, được nghe các thầy chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời học tập, làm khoa học, đào tạo thế hệ trẻ. Đó là vinh dự to lớn cho những người đang làm việc tại Trung tâm. Nhân dịp Trung tâm vinh hạnh được tiếp nhận toàn bộ di sản cuộc đời của GS Hà Minh Đức, tôi xin được gửi lời tri ân đến tất cả các nhà khoa học đã dành niềm tin cho chúng tôi.

Xin kính chúc Giáo sư Hà Minh Đức luôn mạnh khỏe.

Kính chúc đại gia đình Giáo sư Hà Minh Đức luôn dào dạt niềm vui và hạnh phúc.

Kính chúc tất cả quý vị sức khỏe và nhiều may mắn trong cuộc sống.

Xin cảm ơn!

 
PGS.TS Nguyễn Văn Huy