Trao đổi kinh nghiệm, học thuật – một hoạt động bổ ích

Đây là lần thứ hai Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương đến tham quan và trao đổi học thuật tại Trung tâm Di sản, theo lời mời của PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn Trung tâm. Nếu như vào thời điểm năm 2010, Nguyễn Thụy Phương đang bắt đầu triển khai nghiên cứu cho đề tài luận án Tiến sĩ của mình thì cuộc hạnh ngộ lần này diễn ra khi công trình luận án Tiến sĩ với chủ đề “Trường Pháp tại Việt Nam từ 1945-1975: Từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa” đã được chị bảo vệ thành công ngày 20-9-2013 tại Đại học Paris Descartes.

TS Nguyễn Thụy Phương đã dành thời gian giới thiệu về nội dung luận án một cách khái quát và trình bày cụ thể về quá trình thực hiện đề tài, từ điểm xuất phát của ý tưởng, phương pháp tiếp cận nghiên cứu, các bước triển khai, đặc biệt là cách thức xử lý các tình huống và mục đích cuối cùng của đề tài…

TS Nguyễn Thụy Phương trao đổi, thảo luận cùng toàn thể cán bộ Trung tâm Di sản

Công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Thụy Phương sử dụng một cách linh hoạt 2 nguồn thông tin: các tư liệu văn thư lưu trữ ở Pháp, Mỹ, Việt Nam (Tác giả gọi là lịch sử dòng chính) và một dòng thứ của lịch sử với những hồi ức của các chứng nhân (lời chứng, nhật ký, hồi ký). Một trong những kết luận quan trọng của đề tài nghiên cứu này là: Lịch sử dòng nào cũng chỉ mang tính tương đối. Lịch sử dòng thứ không chỉ bổ sung cho dòng chính mà còn là đối tượng của nghiên cứu. Theo TS Thụy Phương: “Luận điểm của việc sử dụng 2 nguồn dữ liệu đó là để cho lịch sử và hồi ức được đi song song, đối thoại và tương tác với nhau. Điều đó giúp chúng ta phục dựng lại lịch sử và tái tạo lại ký ức”.

TS Nguyễn Thụy Phương

Những vấn đề mà TS Nguyễn Thụy Phương chia sẻ một cách cởi mở đã giúp cho các nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có thêm những bài học kinh nghiệm hết sức hữu ích trong quá trình tác nghiệp mà họ đã và đang tiến hành.

Kết thúc buổi trao đổi, PGS.TS Nguyễn Văn Huy một lần nữa nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu trong chức năng bảo tàng của Trung tâm và khẳng định: “Trong thời gian tới Trung tâm cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu; phải tổ chức một đội ngũ chuyên nghiên cứu để phát huy tiềm năng nghiên cứu của Trung tâm cả về chiều sâu và chiều rộng”.  

Đỗ Minh Khôi