Trao đổi về công tác chuyên môn giữa Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm giới thiệu sơ qua về sự hình thành và phát triển của Trung tâm. Khởi nguồn từ tấm lòng tri ân của một nhóm các nhà khoa học thuộc lĩnh vực y học (những người đã sáng lập ra bệnh viện Medlatec) với những người thầy của mình, mong muốn gìn giữ và giới thiệu những di sản khoa học của họ. Dần dần, Trung tâm phát triển để qua 2 năm chính thức đi vào hoạt động đã tiến hành nghiên cứu với 187 nhà khoa học, trong đó 87 nhà khoa học đã có hồ sơ hiện vật lưu giữ tại Trung tâm. Đây là việc làm rất có ý nghĩa bởi đó là những lát cắt lịch sử khoa học cũng như lịch sử đất nước, và càng có ý nghĩa hơn khi mà cho đến thời điểm này, việc lưu giữ di sản các nhà khoa học Việt Nam chưa hề được quan tâm (cả một trung tâm lưu trữ quốc gia mới chỉ có tư liệu về khoảng 70 trí thức Việt Nam mà chủ yếu là các văn nghệ sĩ từ năm 1945 đến nay, chưa hề có bảo tàng các nhà khoa học, trong khi bảo tàng về các nhà văn Việt Nam đang được Nhà nước đầu tư xây dựng).

 Kết quả của công tác nghiên cứu sưu tầm tư liệu các nhà khoa học Việt Nam do Trung tâm tiến hành trong hai năm qua là một thành tựu rất đáng kể, bởi để có được những thành quả ban đầu này, các cán bộ, nhân viên cộng tác viên của Trung tâm đã phải sưu tầm, nghiên cứu và xác minh từ rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau, với nhiều đối tượng khác nhau; chưa kể một khó khăn khác về tâm lý xã hội cho rằng công việc này phải do một cơ quan Nhà nước làm chứ không phải trách nhiệm của tổ chức tư nhân như Trung tâm. Trong khi đó, tại Hội đồng chức danh Giáo sư (HĐCDGS), rất nhiều tư liệu về các nhà khoa học, qua nhiều lần xét phong chức danh, đã được lưu giữ đầy đủ, hệ thống và đảm bảo tính chính xác, khoa học. PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề xuất: Vì trách nhiệm chung với quốc gia, Trung tâm rất mong được sự phối hợp về công tác chuyên môn với HĐCDGS để di sản các nhà khoa học Việt Nam được sưu tầm, lưu giữ và phát huy có hiệu quả.

 PGS.TS Đỗ Tất Ngọc, Chánh văn phòng HĐCDGS cho rằng: Việc hợp tác giữa hai bên sẽ hỗ trợ nhau có hiệu quả trong công tác chuyên môn mà hai bên có nhiều điểm chung. Trước mắt, HĐCDGS mong muốn khối hồ sơ PGS, GS mà HĐCDGS đang lưu giữ sẽ được Trung tâm phối hợp để không những lưu giữ mà còn khai thác, phát huy các giá trị của hàng vạn hồ sơ tư liệu này. Về lâu dài, HĐCDGS cũng có thể hỗ trợ Trung tâm trong việc huy động sưu tầm tư liệu từ các nhà khoa học. Các công việc phối hợp này sẽ do hai bên cùng bàn bạc để triển khai thực hiện.

GS Trần Văn Nhung chia sẻ: Tôi rất cảm động và ấn tượng về những công việc mà Trung tâm đang tiến hành; đó là biểu hiện của văn hóa, văn minh khi chúng ta biết trân trọng, lưu giữ quá khứ để hướng tới tương lai. Đặc biệt là tất cả đều xuất phát từ tấm lòng, vì sự có ích cho cuộc đời. Từ đây, tôi cũng băn khoăn tự hỏi không biết vai trò của Nhà nước ở đâu trong sự nghiệp này, từ đó để thấy HĐCDGS cũng cần làm gì đó để hỗ trợ Trung tâm. Hiện nay, trong gần một vạn dân Việt Nam mới có một PGS hoặc GS, cho nên có thể nói đó là lực lượng tinh hoa của đất nước. Chúng ta phải cùng nhau để lưu giữ và phát huy những tinh hoa này, không những trong phạm vi quốc gia mà cả quốc tế. Tôi cho rằng các hoạt động của Trung tâm là rất có ích, quy mô ngày càng đồ sộ, thì bên cạnh việc xã hội hóa hoạt động này, cũng rất cần có sự quan tâm thích đáng của Nhà nước. Hội đồng chức danh Giáo sư xin được làm cầu nối.

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Trung tâm và Hội đồng chức danh Giáo sư, Bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm, Giám đốcCông ty Medlatec – đơn vị sáng lập và đầu tư xây dựng, phát triển Trung tâm nói: Xuất phát từ mục tiêu nhân văn và phi lợi nhuận, Trung tâm chỉ có một mong mỏi là lưu giữ di sản khoa học quý giá cho thế hệ sau. Chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện tối đa về vật chất và tinh thần cho công việc có ý nghĩa này và rất mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác của Hội đồng chức danh Giáo sư trong công tác chuyên môn để mục tiêu cao cả của Trung tâm cũng như của Hội đồng chức danh Giáo sư có thể được thực hiện có hiệu quả.

Bà Võ Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty Medlatec phát biểu tại buổi trao đổi 

Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Khắc Cơ- Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Hội đồng chức danh Giáo sư (HĐCDGS), PGS.TS Đỗ Tất Ngọc- Chánh Văn phòng HĐCDGS, GS.TSKH Trần Văn Nhung – Tổng thư ký HĐCDGS

Thăm kho hiện vật giấy

GS.TSKH Trần Văn Nhung tặng cán bộ của Trung tâm Lịch năm 2011 của Hội đồng chức danh Giáo sư Việt Nam

Nguyễn Thị Trâm