Trao đổi về kĩ năng viết báo cáo nghiên cứu

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm từng lưu ý: Nghiên cứu viên phải xác định công việc nghiên cứu sưu tầm luôn gắn với nghề viết, nên mỗi người cần rèn luyện kĩ năng viết thường xuyên. Trong tình hình đội ngũ nghiên cứu viên Trung tâm được bổ sung một số cán bộ mới thì yêu cầu rèn luyện, nâng cao kĩ năng viết lại càng trở nên cần thiết.

Trong buổi sinh hoạt chuyên môn này, TS Lưu Hùng[1] cùng nhà báo Nguyễn Thị Trâm và các nghiên cứu viên đã phân tích cụ thể ba bản báo cáo sơ kết nghiên cứu về ba nhà khoa học – đây là loại sản phẩm thể hiện kết quả tìm hiểu toàn diện về lịch sử cuộc đời của nhà khoa học.

TS Lưu Hùng nhận xét: hiện nay các báo cáo sơ kết nghiên cứu của Trung tâm tương đối có tính hệ thống, cung cấp được nhiều thông tin tư liệu cơ bản và quan trọng sau một giai đoạn nghiên cứu – sưu tầm. Trong khi viết, các nghiên cứu viên luôn cần chú ý tính logic, cách diễn đạt, sự rành mạch để người đọc dễ hiểu; thêm nữa, sau khi viết, phải đọc kỹ lại với con mắt soi xét cùng đầu óc phản biện để tự sửa chữa và hoàn chỉnh thêm.

“Mỗi báo cáo của nghiên cứu viên đều sẽ là tài liệu gốc nên rất cần chỉn chu, đặc biệt phải đảm bảo tính tin cậy của thông tin tư liệu” – TS Lưu Hùng

Khi đưa ra phân tích trực tiếp các sản phẩm báo cáo, mỗi nghiên cứu viên tự rút ra được nhiều điều bổ ích. Đây thực sự là một hoạt động cần thiết, góp phần rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết cho các nghiên cứu viên của Trung tâm.

 

Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

———————–

[1]Cộng tác viên của Trung tâm, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.