Đó là những tài liệu cá nhân, các văn bản hành chính gắn liền với quá trình học tập và công tác của PGS.TS Lê Văn Truyền; bản luận án Phó tiến sĩ ông bảo vệ tại khoa Dược, trường Đại học Y Dược Bucarest, Rumani, năm 1971; các bài báo, bản thảo bài giảng, bản thảo sách về Thuật ngữ Dược học Anh – Việt…
PGS.TS Lê Văn Truyền tặng tài liệu cho Trung tâm
Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, một khi các tư liệu mất đi thì không bao giờ tìm lại được. Trải qua thời gian, các tư liệu gắn liền với lịch sử cuộc đời nhà khoa học càng trở nên đáng quý, như viên đá quý chìm trong bùn đất, khi lộ ra mới thấy giá trị.
PGS.TS Lê Văn Truyền đánh giá cao hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học khi thực hiện sứ mệnh lưu giữ tốt nhất và phát huy những giá trị về khoa học, tinh thần, về đạo đức, ý chí và về bản sắc của các nhà khoa học Việt Nam. Trong buổi trao tặng tư liệu này, ông bày tỏ: “Tôi cảm ơn GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đã có ý tưởng rất sáng tạo đó là thành lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tôi cho đây là ý tưởng hay vì lịch sử của một cơ quan, của một tổ chức, của một ngành, rộng ra là lịch sử dân tộc được bắt nguồn từ lịch sử cá nhân, kể cả những cá nhân nổi tiếng đến những con người bình dị. Vì vậy những tư liệu liên quan đến từng nhà khoa học nên được lưu giữ lại. Đó là những tài liệu cho thế hệ sau này. Có thể những kinh nghiệm của quá khứ không thể áp dụng được cho tương lai nhưng bài học thì luôn luôn có giá trị”.
Hoàng Thị Liêm