Theo Giáo sư – Viện sỹ Đặng Hữu, các chủ trương của Đảng nhấn mạnh đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, giảm tiêu hao tài nguyên thiên nhiên, tăng nhanh GDP do khoa học, tri thức tạo ra. Thế nhưng, chúng ta lại ra sức khai thác tài nguyên, lãng phí rất lớn tiềm năng trí tuệ của dân tộc.
Giáo sư – Viện sỹ Đặng Hữu. |
Thưa giáo sư, chúng ta nói nhiều đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Theo ông, chúng ta thực hiện điều này đến đâu?
Đến Đại hội X nói rõ hơn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, thực chất là CNH, HĐH rút ngắn dựa vào tri thức, tiềm năng sáng tạo, giảm tiêu hao tài nguyên thiên nhiên, tăng nhanh GDP do khoa học, tri thức tạo ra. Đó là chủ trương nhất quán của Đảng từ trước đến nay. Thế nhưng hình như chúng ta vẫn đang làm ngược lại, ra sức khai thác tài nguyên, lãng phí rất lớn tiềm năng trí tuệ của dân tộc.
Các văn kiện của Đảng nói công nghiệp hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; Sử dụng những thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ để cải tạo cơ cấu kinh tế, giảm tiêu hao năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng thực tế khai thác tài nguyên thiên nhiên lại không chứng minh điều đó.
Tôi đã trực tiếp đấu tranh với nhiều đề án. Có những đề án bị các nhà khoa học phản đối, cuối cùng bản tổng hợp nêu ra: có một số cần lưu ý (mà thực chất là phản đối), và báo cáo lên cấp có thẩm quyền là nói chung là dự án được tán thành. Ai phát biểu phản đối mạnh quá lần sau họ không mời nữa, họ chọn người nào, tập thể nào đó ủng hộ. Có rất nhiều cách để vô hiệu hóa các lực lượng khoa học.
Thế tỷ lệ hàm lượng tri thức trong GDP ở nước ta hiện nay là bao nhiêu, thưa Giáo sư?
Ước tính từ khoảng 15%. Trong số các nước phát triển từ năm 2000 đã lên đến hơn 50%. Đến 2020, hàm lượng tri thức trong GDP ở các nước phát triển dự kiến sẽ là trên 70%.
Điều này sẽ gây ra hệ luỵ gì?
Tiềm năng trí tuệ người Việt Nam không thua kém các nước. Ở trong nước thì có thể không có môi trường phát triển, nhưng ra nước ngoài họ không thua kém người bản xứ. Tôi sang Mỹ thăm các tập đoàn lớn thấy Việt kiều mình rất nhiều, và giữ những vị trí quan trọng, nhất là ở thung lũng Silicon, cái nôi công nghệ của thế giới.
Ở trong nước họ không phát huy được vì không có môi trường, không được đánh giá đúng, nhiều cấp lãnh đạo không quán triệt quan điểm phát triển bằng khoa học, bằng vốn con người như các nghị quyết của Đảng đã đề ra từ lâu; vẫn còn nhiều tàn dư của cách làm kinh tế tập trung bao cấp, không lấy hiệu quả làm đầu, không có cạnh tranh lành mạnh, nhiều khi còn bị các nhóm lợi ích chi phối.
Có thể nói nền kinh tế chưa thực sự có nhu cầu với khoa học. Thêm vào đó giới trí thức thường có ý kiến khác, mà ý kiến khác thì ít khi được tiếp thu,
Ý của ông có thể được hiểu rằng nền kinh tế có hàm lượng tri thức thấp trong GDP nghĩa là chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên?
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nếu cứ làm cách này ta sẽ trở thành nước lệ thuộc. Các nước phát triển nhất đi vào kinh tế tri thức, đi vào những ngành công nghệ cao. Các nước khác nhập những công nghệ đó, phát triển tiếp theo và bán ra cả thế giới.
Hội nhập do nước có quyền nhất chi phối luật chơi. Các nước đang phát triển thấy bất bình đẳng nhưng vẫn phải theo. Hội nhập để tiếp thu công nghệ mới, phương pháp mới, phát huy tiềm năng trí tuệ của dân tộc, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, rút ngắn khoảng cách với các nước và đấu tranh cho một toàn cầu hóa bình đẳng, chống lại sự bóc lột, chèn ép của các nước giàu.
Còn hội nhập như cách nghĩ trước đây để bán tài nguyên, bán nhân công thì sẽ trở thành lệ thuộc, thuộc địa kiểu mới.
Hải Hà
Nguồn: www.tienphong.vn/Thoi-Su/515966/Tri-tue-dan-toc-dang-bi-lang-phi.html