Triển lãm kỷ vật gắn liền cuộc đời và sự nghiệp của PGS.TS Lê Văn Truyền

PGS.TS Lê Văn Truyền sinh ngày 1-12-1941 tại thành phố Huế. Ông là sinh viên dược khoa khóa 14 (1960-1964) Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội, nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Y Dược Bucarest (Romania) (1966 -1971). Ông nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX (1992-1997).

Với tư cách Phó ban thường trực Ban soạn thảo “Chính sách Quốc gia về Thuốc”, với tầm nhìn của nhà khoa học, ông đã có nhiều đóng góp xây dựng chính sách thuốc có giá trị chỉ đạo xuyên suốt nhiều thập kỷ đối với ngành Dược Việt Nam. Đây là cơ sở để Bộ Y tế ban hành các chủ trương, chiến lược và giải pháp để thúc đẩy công nghiệp Dược trong nước, bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Mặc dù, đã 1/4 thế kỷ trôi qua, các nội dung cơ bản của Chính sách quốc gia về thuốc vẫn được Bộ Y tế quán triệt và triển khai trong hoạt động của ngành Dược trong giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2040. Trên cương vị là Phó ban thường trực xây dựng Chính sách quốc gia Y Dược học cổ truyền, ông đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền y học cổ truyền trong thập kỷ 90 và các thập kỷ tiếp theo. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng 3, Bộ Y tế tặng Huy chương “Vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Bộ Khoa học – Công nghệ tặng Huy chương “Vì sự nghiệp khoa học-công nghệ” và các huy chương cao quý khác.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Văn Truyền đã công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu như “Tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc”, “Nâng cao chất lượng thuốc từ dược liệu”. Ông là phó chủ nhiệm dự án “Phát triển sản xuất Artemisinin từ thanh hao hoa vàng”, công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Trong quá trình làm việc với Trung tâm Di sản, PGS.TS Lê Văn Truyền đã đánh gia cao hoạt động của Trung tâm. Ông chia sẻ: “Tôi cảm ơn GS.TS Nguyễn Anh Trí đã có ý tưởng rất sáng tạo đó là thành lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tôi cho đây là ý tưởng hay vì lịch sử của một cơ quan, của một tổ chức, của một ngành, rộng ra là lịch sử dân tộc được bắt nguồn từ lịch sử cá nhân, kể cả những cá nhân nổi tiếng đến những con người bình dị. Vì vậy những tư liệu liên quan đến từng cá nhân nên được lưu giữ lại. Đó là những tài liệu cho thế hệ sau này. Có thể những kinh nghiệm của quá khứ không thể áp dụng được cho tương lai nhưng bài học thì luôn luôn có giá trị”.

Tin tưởng vào hoạt động của Trung tâm, ông đã dành nhiều thời gian soạn lại các tài liệu gắn liền với tuổi thơ, học tập, công tác, nghiên cứu…của mình và cung cấp thông tin cho các tài liệu đó. Tổng 357 TLHV mà PGS.TS Lê Văn Truyền trao tặng cho MEDDOM là những tài liệu minh chứng cho những dấu mốc cuộc đời, những đóng góp của ông trong ngành Dược, và cũng làm dày thêm bộ sưu tập tài liệu hiện vật cho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Với diện tích 36m, chúng tôi đã lựa chọn 66 TLHV tiêu biểu, kể câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp đầy ý nghĩa sâu sắc của PGS.TS Lê Văn Truyền để giới thiệu với khách tham quan.

Trong không gian trưng bày tại tầng 2, phòng 201 của tòa nhà Quyển sách này, các tài liệu hiện vật được MEDDOM lựa chọn tiêu biểu gắn liền với những dấu mốc cuộc đời PGS.TS Lê Văn Truyền để trưng bày từ tuổi thơ, học tập, công tác ở Bộ môn Bào chế, Xí nghiệp Liên hợp Dược Thừa Thiên Huế và rồi Bộ Y tế.

Phòng triển lãm kỷ vật gắn liền cuộc đời và sự nghiệp của PGS.TS Lê Văn Truyền mở cửa từ 7 giờ đến 17 giờ tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).