Trò chuyện cùng người mở đường ngành thiết kế tàu thủy Việt Nam

Ông Trịnh Xương thuộc thế hệ sinh viên đầu tiên có 6 năm tu nghiệp về kỹ thuật tàu thủy tại trường Đại học giao thông Thượng Hải, Trung Quốc (1952-1958). Sau khi về nước, ông được cử phụ trách Phòng thiết kế tàu thủy – ôtô thuộc Cục Cơ khí, Bộ Giao thông vận tải (tiền thân của Viện Nghiên cứu thiết kế Tàu thủy[1]). Năm 1980, ông đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng đầu tiên của Viện này. Ông được đánh giá là người mở đường cho ngành thiết kế tàu thủy Việt Nam bằng những đóng góp thiết thực như: đào tạo đội ngũ kỹ sư tay nghề cao, chuẩn hóa các thuật ngữ chuyên ngành, thiết kế và tham gia chế tạo tàu thuyền đáp ứng nhu cầu dựng nước và giữ nước… Đặc biệt, ông chính là “cha đẻ” của những con tàu không số huyền thoại giúp vận chuyển người, hàng hóa và vũ khí tiếp viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. 

Ông Trịnh Xương trong buổi làm việc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 11-10-2017

Trong cuộc đời làm khoa học, ông Trịnh Xương tâm huyết nhất với chiến lược xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia hàng hải, thuộc đề tài cấp Nhà nước mã số 34-02. Trong chiến lược ấy, ông đưa ra 4 mục tiêu: xây dựng Việt Nam có một nền kinh tế biển phát triển; có một đội thương thuyền mạnh; có một hạm đội mạnh; chấp nhận và thực thi sự phân công của bà Âu Cơ (50 con lên rừng, 50 con xuống biển)… Tại hội nghị Kiểm tra chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển khoa học – kỹ thuật năm 1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất tán thành chiến lược của ông. Hơn 40 năm trôi qua, ông vẫn nhớ rõ những lời dõng dạc của mình trong báo cáo khoa học ấy: Đất nước Việt Nam được cấu thành bởi 2 yếu tố: đất và nước. Có giữ được nước mới giữ được đất, có giữ được đất mới giữ được nước. Muốn giữ nước phải có thuyền, phải có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển. Và sự ra đời của nghị quyết về kinh tế-xã hội trong đó có vấn đề biển đảo năm 1986 đã chứng minh tầm nhìn xa của ông và tính thực tiễn của chiến lược trên.

Đáng tiếc là do chuyển nhà nhiều lần nên ông Trịnh Xương không còn giữ được những tài liệu liên quan. Tuy vậy, ký ức về cuộc đời làm khoa học vẫn vẹn nguyên trong đầu óc ông. Đó chính là nguồn tư liệu đáng quý để Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về những đóng góp của ông đối với đất nước.

Nguyễn Thị Điệp

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam



[1] Nay là Viện Khoa học công nghệ Tàu thủy trực thuộc Đại học Hàng hải Việt Nam.