GS Phan Chúc Lâm mở đầu cuộc trò chuyện bằng việc trả lời câu hỏi của chúng tôi về quá trình nghiên cứu chữa bệnh nhược cơ của ông:
-Bệnh nhược cơ (Myasthenia) còn được gọi là bệnh nhược cơ nghiêm trọng (Myasthenia gravis), vì nó có thể chuyển sang nhược các cơ hô hấp, bệnh nhân không thở được và tử vong trong vòng 15 – 20 phút nếu không được cấp cứu thở máy kịp thời. Bệnh do hệ miễn dịch của cơ thể nhận lầm các thụ thể acetylcholin ở màng sau khớp thần kinh-cơ là các tổ chức lạ, vì thế hệ miễn dịch của cơ thể liên tục sản xuất ra các kháng thể kháng thụ thể acetylcholin của chính mình (bệnh tự miễn) làm cho xung động thần kinh không dẫn truyền được qua khớp thần kinh-cơ và cơ bị liệt.
Có 4 phác đồ cổ điển để điều trị bệnh nhược cơ:
-Dùng thuốc kháng Cholinesteraza như pyridostigmin (Mestinon) để giúp bệnh nhân nhược cơ có thể nhai nuốt, vận động được. Thuốc phải tăng liều dần, dẫn tới nhiều tác dụng phụ như ỉa chảy, đau quặn bụng, chảy dãi, buồn nôn.
-Thay huyết tương (Plasmapheresis) hoặc tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch (IVIg) giúp cho bệnh nhân nhược cơ tạm thời qua khỏi cơn nhược cơ hô hấp.
-Cắt bỏ tuyến Thymus (Thymectomia) làm giảm bệnh nhược cơ ở người lớn, nhưng tác dụng chưa rõ ở những trường hợp chỉ nhược các cơ mắt và các bệnh nhân nhược cơ trên 55 tuổi.
-Dùng các thuốc ức chế miễn dịch như Cocticoid là liệu pháp cơ bản trong điều trị bệnh nhược cơ. Nếu các phương pháp điều trị bằng pyridostigmin hoặc thay huyết tương hoặc cắt bỏ Thymus ít hiệu quả, đều phải quay về dùng các thuốc ức chế miễn dịch. Khởi đầu dùng predníolon liều thấp, tăng lên từng 5mg mỗi ngày, cho tới khi đạt hiệu quả lâm sàng hoặc đạt tới liều 50-60mg/ngày. Duy trì liều cao trong 1-3 tháng, sau đó giảm liều và chuyển sang chế độ uống cách nhật lâu dài. Thuốc có nhiều biến chứng như giảm khả năng chống nhiễm khuẩn, loãng xương, tiểu đường, chảy máu dạ dày – hành tá tràng, yếu và teo cơ, ngừng phát triển ở trẻ em, rối loạn tâm thần, suy thượng thận…
So sánh với các phác đồ cổ điển điều trị bệnh nhược cơ nêu trên, thì phác đồ điều trị bệnh nhược cơ bằng ĐY1 có 2 ưu điểm đặc biệt là không có biến chứng nhất là không bị các nhiễm khuẩn và không phải điều trị củng cố lâu dài như các thuốc ức chế miễn dịch cổ điển.
Tôi cho rằng đây là một hướng mới trong điều trị bệnh nhược cơ nói riêng và bệnh tự miễn nói chung: hướng điều hoà miễn dịch, ưu việt hơn hướng ức chế miễn dịch cổ điển.
Đến năm 1992, tôi đặt vấn đề nhờ GS Phan Thị Phi Phi (chuyên ngành Miễn dịch) chứng minh giúp tôi tác dụng của ĐY1 trên thực nghiệm.
Cuộc trao đổi giữa các nhà khoa học với cán bộ Trung tâm.
Từ trái sang phải: Nhà báo Nguyễn Thị Trâm, GS.TSKH Phan Thị Phi Phi, GS Phan Chúc Lâm, PGS.TS Nguyễn Thị Vinh Hà
*Thưa GS, tại sao đến tận năm 1992, tức là 30 năm sau khi sử dụng ĐY1 ông mới đề xuất chứng minh tác dụng của nó?
GS Phan Chúc Lâm:
Không phải là tôi đã sử dụng ĐY1 từ những năm 1960 đâu. Tôi điều trị trường hợp nhược cơ đầu tiên vào năm 1960 bằng thuốc pyridostigmin. Những năm tiếp sau tôi triển khai thêm phác đồ ức chế miễn dịch bằng thuốc cocticoid, phác đồ cắt bỏ tuyến thymus (phối hợp với Khoa Phẫu thuật lồng ngực), phác đồ thay huyết tương (phối hợp với Khoa Hồi sức-cấp cứu). Tôi nhận thấy các phác đồ cổ diển trên có tác dụng nhất định đối với từng thể bệnh nhược cơ, nhưng tất cả đều có tác dụng phụ, nhiều khi nghiêm trọng, ảnh hưởng tới kết quả điều trị. Chính vì thế, vào khoảng năm 1979 tôi mới hướng về Đông y và tìm ra được cây chay (Artocarpus Tonkinensis Chey) vừa không có độc tính cấp và bán cấp, vừa điều trị củng cố lâu dài. Tôi nghiên cứu dạng phun sương nước sắc lá cây chay để có dạng thuốc bột ổn định dùng trên lâm sàng và trên các nghiên cứu khác như sắc ký tìm hoạt chất (phối hợp với Viện Dược liệu) và cuối cùng mới phối hợp với GS.TSKH Phan Thị Phi Phi để chứng minh trên thực nghiệm tác dụng của ĐY1.
GS Phan Thị Phi Phi:
Chứng minh cơ chế tác động của một loại thuốc nào đó đến bệnh là một việc không đơn giản, nhất là với một thảo dược. Phải có đủ điều kiện kỹ thuật, và phải định hướng được mô hình nghiên cứu để làm các thực nghiệm. Khi anh Lâm đặt vấn đề, tôi nhận lời vì tôi có Nghiên cứu sinh để làm các công việc này, đó là chị Nguyễn Thị Vinh Hà. Tôi chỉ đề nghị anh Lâm cho tôi thuốc phun sương ổn định, một ít tiền để mua chuột thuần chủng và nuôi chuột. Lúc này, sau nhiều năm làm thử trên thực tế có kết quả, GS Lâm cũng đã tìm được một đề tài bên Bộ Y tế. Với quan hệ quốc tế, anh cũng mua được mấy chai thuốc ức chế miễn dịch dùng để làm đối chứng với ĐY1 trong điều trị nhược cơ (Cyclophosphamid, Cyclosporin A). Tôi đặt mô hình chặt chẽ chứng minh tác dụng ức chế miễn dịch của ĐY1 với tế bào T, tế bào B, tế bào lympho. Ban đầu làm thí nghiệm trên chuột thuần chủng với những mảnh ghép dị gen, thấy thuốc ĐY1 có tác dụng kéo dài thời gian thải ghép, trong khi lô đối chứng ghép dị gen không dùng thuốc thì mảnh ghép bị đào thải ngay và lên sẹo. Tôi cho rằng đây là thí nghiệm hay và đẹp nhất, chứng minh rằng ĐY1 đã làm cho hệ miễn dịch trở nên câm, mù để cho mảnh ghép dị gen tiếp tục sống.
“ĐY1 có tác dụng ức chế miễn dịch” – đó là kết luận đầu tiên và cho đến 5 năm sau, khi NCS Vinh Hà tiến hành Đề tài và bảo vệ thành công (năm 1997), vẫn chỉ dừng lại kết luận đó, không tiếp tục thêm được nữa.
*Vì sao lại như vậy, thưa bà?
GS Phan Thị Phi Phi:
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân “đầu tiên”. Bây giờ nếu có điều kiện, tôi sẽ thiết kế một luận án sâu hơn, hồi sinh ĐY1 với một sức sống mới để phục vụ hữu dụng cho bệnh nhân nhược cơ và các bệnh tự miễn khác. Không chỉ thế, tôi nghĩ phải thành lập một trung tâm nghiên cứu bệnh nhược cơ và bệnh tự miễn. Lẽ ra phải có trung tâm này từ lâu rồi thì mới phải. Tất cả chỉ vì tiền. Hơn nữa, đây là công việc lớn mang tầm quốc tế, phải là Nhà nước đứng ra lo thì mới được.
GS Phan Chúc Lâm:
Theo tôi, có 2 dạng nghiên cứu:
Dạng thứ nhất là các nghiên cứu ứng dụng, dạng này tương đối đơn giản.
Dạng thứ hai là tìm ra một hướng mới, một thuốc mới chưa có trong y văn. Dạng này khó hơn, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay chưa có một trung tâm hoàn chỉnh có khả năng nghiên cứu tổng hợp. Ví dụ một trung tâm có khả năng từ một thảo dược tìm ra hoạt chất có tác dụng và tìm ra cơ chế tác dụng của hoạt chất đó. Nước ta có nhiều thảo dược rất cần được nghiên cứu sâu. Tôi mong Nhà nước quan tâm tới vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Thị Vinh Hà:
Về tác dụng ức chế miễn dịch của ĐY1, tôi nghĩ có lẽ nên gọi là ức chế chọn lọc, có tác dụng sửa chữa, điều hoà miễn dịch. Trong việc xác định cơ chế tác dụng của thảo dược, Trường Đại học Y Hà Nội cũng làm nhiều nghiên cứu tương tự với cây nhàu, trinh nữ hoàng cung, hoa chè v.v.. Đã có những bước đi ban đầu rồi, tuy nhiên, để nghiên cứu sâu hơn thì cần có những đề tài lớn, chứ một Đề tài cấp cơ sở được cấp kinh phí 4 triệu đồng thì chỉ đủ để mua chuột và thức ăn cho chuột thí nghiệm! Mà xin đề tài cũng khó lắm. Các đề tài ứng dụng hoặc kỹ thuật mới bao giờ cũng được ưu tiên hơn, còn đề tài nghiên cứu cơ bản thì xếp hàng sau.
*Xin được hỏi thêm TS Nguyễn Thị Vinh Hà, vì sao chị lại chọn đề tài nghiên cứu tác dụng của ĐY1?
TS Nguyễn Thị Vinh Hà:
Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã từng phối hợp với Viện 103 nghiên cứu Chuyên đề Nhược cơ. Khi tôi mới tốt nghiệp bác sĩ nội trú tôi đã được đọc tài liệu nói về vấn đề này. Khi được GS Phan Thị Phi Phi gợi ý đề tài, tôi thấy hay và lạ nên thích, nhận lời ngay. Tôi thật sự may mắn khi được GS Phi Phi và GS Phan Chúc Lâm hướng dẫn. Cá nhân tôi trong quá trình nghiên cứu ĐY1 đã nhận thấy ứng dụng rất lớn của nó trong việc điều trị bệnh nhược cơ và các bệnh tự miễn khác như viêm thấp dạng khớp, bệnh hệ thống, hay dùng trong ghép tạng, thậm chí ĐY1 còn có thể có tác dụng dự phòng bệnh tự miễn nữa. Hiện nay, bệnh nhược cơ và các bệnh tự miễn khác đều chỉ được điều trị triệu chứng mà chưa chữa từ căn nguyên. Cơ chế sinh bệnh thì đã rõ, vấn đề là làm sao tìm ra được cơ chế tác dụng của thuốc đến mức nào.
*Chị nghĩ thế nào về đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu bệnh nhược cơ và các bệnh tự miễn mà GS Phi Phi và GS Phan Chúc Lâm đã nêu ra rất cấp thiết?
TS Nguyễn Thị Vinh Hà:
Rất cần, rất cấp thiết, cho dù chưa có con số thống kê về tỉ lệ mắc các bệnh tự miễn ở Việt Nam. Song, với những hạn chế của các phương pháp điều trị bệnh tự miễn hiện nay, với những gì mà Việt Nam đã phát hiện được xung quanh ĐY1 mà trên thế giới chưa hề có nghiên cứu nào tương tự, thì việc thành lập Trung tâm này phải được Nhà nước quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, tôi nghĩ rất khó để đề xuất ấy được thực hiện. Như bệnh đái đường là một bệnh phổ biến như vậy, nhiều biến chứng nguy hiểm như vậy, nhưng Viện nghiên cứu đái đường, sau rất nhiều công sức đủ loại của Giám đốc Bệnh viện Nội tiết TW thì nó mới được thành lập trong Trường Y của chúng tôi, do chính ông Giám đốc này phụ trách, được đặt tại một căn phòng 7m2 có biển hiệu.
GS Phan Thị Phi Phi:
Tôi nhắc lại, đã đến lúc Nhà nước phải lo thành lập được Trung tâm nghiên cứu bệnh nhược cơ và các bệnh tự miễn. GS Phan Chúc Lâm với 30 năm nghiên cứu và thực nghiệm công trình này, và Đề tài tiến sĩ của PGS Nguyễn Thị Vinh Hà nữa đã là những viên gạch đầu tiên rất vững chãi. Bỏ lửng thì thật phí hoài. Tôi đề nghị GS Lâm kiên trì đề nghị, xây dựng dự án hẳn hoi, để các cơ quan chức năng xem xét. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.
GS Phan Chúc Lâm:
Tôi sẽ cố gắng, nhưng không biết quỹ thời gian có còn cho phép không.
PGS.TS Nguyễn Thị Vinh Hà:
Về nhân lực, Trường Đại học Y Hà Nội hoàn toàn có thể đảm đương việc này, kết hợp với các bệnh viện. Vấn đề là tầm nhìn và quyết định của các cơ quan chức năng của Nhà nước.
*Vâng, chúng tôi cũng rất mong như vậy và hi vọng có cơ hội góp phần cùng các nhà khoa học trong việc thúc đẩy những dự án khoa học hữu ích.
GS Phan Thị Phi Phi:
Chúng tôi đánh giá cao những việc làm đáng quý cho khoa học mà Trung tâm đang tiến hành. Hi vọng chúng ta tiếp tục có những hợp tác hiệu quả.
*Xin trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của các nhà khoa học với Trung tâm.
Nguyễn Thị Trâm