Trò chuyện với giáo sư Nguyễn Lân Trung về cách dạy con

Luôn là bạn với con

Là cha của GS. Nguyễn Ngọc Lưu Ly – giáo sư trẻ nhất Việt Nam, và cả dòng họ Nguyễn Lân có duy nhất GS. Nguyễn Lân Trung và con gái vẫn đi theo truyền thống ngôn ngữ của gia đình. GS. Nguyễn Lân Trung chia sẻ: “Hiện tại, nếu nói dạy con thì rất khó, bởi như chúng tôi không có nhiều thời gian dành cho gia đình, thời gian bị công việc chiếm hết, nào là các chuyến công tác xa nhà, nào là các dự án nối tiếp nhau, chúng tôi khó có thể dành thời gian cho các con, nhưng quan niệm của tôi không phải dạy con mà phải làm bạn với con, nhưng có một điều rất căn bản là không phải lúc nào con cũng làm bạn với mình, vì mình và con là hai thế hệ khác hẳn nhau, khác nhau về suy nghĩ, khác nhau về hành động, khác nhau về lối sống và có khi là khác nhau cả về lý tưởng”. Đó cũng chính là điều mà nhiều ông bố, bà mẹ hiện nay đang trăn trở. Làm bạn với con quả thật không dễ. Khi được hỏi về vấn đề này, GS. Nguyễn Lân Trung chỉ cười và có vẻ như đó là bí quyết riêng, nhưng không, ông chỉ chia sẻ thật đơn giản: “Chúng ta phải luôn chấp nhận con chúng ta là một thực thể của xã hội mới, của một thế hệ mới, chúng ta phải đặt suy nghĩ của mình vào con để xem chúng có thích như thế không, khi mình thật sự hiểu con thì việc làm bạn với con sẽ thật dễ dàng. Bản thân tôi, tôi luôn coi con mình là một người bạn, và có lẽ xuất phát từ quan điểm này nên tôi nói chuyện với con dễ hơn, chia sẻ với con dễ hơn. Và việc đầu tiên để làm bạn với con, chính là mình tôn trọng con, coi con là một người bạn thật sự, chứ không phải vì mình là ba, nên mình luôn đúng, hãy lắng nghe con nói ý kiến của mình”.

GS. Nguyễn Lân Trung.

Liệu đó có phải là một trong số những phương pháp mà một người bận rộn như GS. Nguyễn Lân Trung đã dành cho con gái Nguyễn Ngọc Lưu Ly của mình, như nhiều lần, GS. Nguyễn Ngọc Lưu Ly cũng chia sẻ trên báo chí về một người ba vui tính, một người dễ gần, hay nói và tốt với tất cả mọi người. Có lẽ đó chính là điều để hai ba con luôn làm bạn với nhau, và để tạo ra những mục tiêu phấn đấu chung, khi con gái Lưu Ly cũng theo ngành ngôn ngữ của ông và ba mình.

Gia đình GS. Nguyễn Lân Trung. Ảnh: T.Lan

Luôn dành thời gian khi con cần

Có lẽ nói điều này thì thật đơn giản, vì không phải lúc nào con mình cũng sẵn sàng chia sẻ với mình, không phải lúc nào con cũng muốn hỏi ý kiến. Có những khi con hỏi về tài chính, hỏi về các dự định sẽ khác hẳn với việc con đang rất cần thời gian ở người cha. GS. Nguyễn Lân Trung tâm sự: “Có nhiều người nói rằng, chúng ta ngồi xem ti vi bên cạnh con như vậy là đã dành thời gian cho con, hay chúng ta ngồi cùng con có thể chỉ cùng xem một chương trình nào đó thì đã là dành thời gian, không phải như thế, có những thời điểm, con rất cần ý kiến của chúng ta, có khi con tôi nói ba ơi, con cần ba giúp, thì ngay cả tôi đang chuẩn bị một bài báo cáo để sáng mai bộ trưởng đọc, tôi cũng phải tạm dừng lại để dành thời gian cho con, và công việc của mình mình có thể làm lúc khác, còn khi con cần mình phải hỗ trợ ngay. Bởi như tôi đã nói ban đầu, không dễ để chúng ta làm bạn với con cái mình, có những việc con mình chia sẻ với bạn bè, chia sẻ với thầy cô rất dễ, nhưng khó nói với cha mẹ, chính vì thế hãy tạo cơ hội để con luôn cần đến mình, nên dù có rất ít thời gian, nhưng khi con cần tôi, là tôi luôn phải có mặt, đó là phương châm của tôi”.

Dạy con là một chặng đường dài, làm bạn với con lại là một chặng đường gian nan, và dành thời gian cho con với những ông bố bà mẹ đang bị cuốn vào cuộc sống gấp gáp hiện nay lại là một điều vô cùng khó khăn. Càng trò chuyện lâu với GS. Nguyễn Lân Trung, PV chúng tôi mới có dịp hiểu ra. Có thể truyền thống gia đình là một cơ sở vững chắc. GS. Lân Trung chia sẻ: “Truyền thống gia đình trong giáo dục thế hệ sau vô cùng quan trọng, ví như trong gia đình tôi, nếu bố tôi là ông Nguyễn Lân ngồi nghiên cứu, thì không có lý gì mà anh tôi là Nguyễn Lân Dũng lại không học tập, và khi đó tôi cũng sẽ phải ngồi vào bàn, giờ các con và các cháu chúng tôi cũng vậy, một phần chịu khó học, một phần có khả năng tiếp thu nhanh mọi kiến thức là do truyền thống gia đình. Nhưng tôi nghĩ đó là tiền đề, là cơ sở, còn chúng tôi, những thành viên trong dòng họ Nguyễn Lân luôn tôn trọng con cái, luôn dành thời gian cho con, và quan trọng nhất luôn ở bên con khi con cần đến mình, có lẽ đó là một trong những động lực để con mình phát triển”.

GS. Nguyễn Lân Trung và con gái GS. Nguyễn Ngọc Lưu Ly.

Luôn ủng hộ con

Một buổi trả lời phỏng vấn ngắn về cách dạy con, nhưng GS. Nguyễn Lân Trung đã chia sẻ với chúng tôi những điều thật sự thiết thực, đó không phải là lý thuyết, mà đó thực sự là những thói quen của ông bố yêu con Nguyễn Lân Trung và là người luôn ủng hộ con đường con mình chọn, như ông chia sẻ: “Mỗi khi con tôi hỏi ý kiến tôi, tôi đều đưa ra một vài phương án, nếu là con ba sẽ làm thế này, nếu là con ba sẽ làm thế kia, nhưng nếu con tôi đưa ra một phương án khác, thì tôi sẽ là người đầu tiên ủng hộ và sẽ hoàn toàn ủng hộ con tôi làm theo phương án con đưa ra, bởi vì tôi nghĩ, nếu như con mình không chọn các phương án mình đưa ra tức là con mình đã biết đến các phương án đó, và khi con chọn phương án khác, mình phải ủng hộ tới cùng”.

Đơn giản vậy thôi, nhưng đó là điều mà không phải ông bố nào cũng làm được, bởi nhiều ông bố bà mẹ áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, luôn cho mình là đúng, điều đó kìm hãm sự phát triển tư duy, sự mạnh dạn trong hành động của các con mình. Và chúng tôi cảm ơn những chia sẻ của GS. Nguyễn Lân Trung. Chỉ trong một thời gian ngắn khi ông nghỉ giữa hai cuộc họp, mà những gì ông chia sẻ về cách dạy con đã khiến chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục, bởi đó không còn là lý thuyết, đó là những điều chính ông đã thực hiện với con mình. Chúng ta hiểu thêm vì sao Nguyễn Ngọc Lưu Ly trở thành GS trẻ nhất Việt Nam khi đi theo con đường của ông và bố, bởi luôn có những người chia sẻ, người đồng hành và người ủng hộ hết lòng là cha mình, GS. Nguyễn Lân Trung.

Thanh Lan

Nguồn:phapluatxahoi.vn/giao-duc/tro-chuyen-voi-giao-su-nguyen-lan-trung-ve-cach-day-con-102447