Trọn đời gắn bó với Học viện Kỹ thuật quân sự





Thuở đầu gian khó

Khoảng những năm 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta bước vào thời kỳ ác liệt, rất cần một lực lượng cán bộ kỹ thuật quân sự để đáp ứng được nhiệm vụ trong quân đội. Từ đó, đặt ra yêu cầu thành lập một trường đào tạo cán bộ cho lực lượng vũ trang, và theo quyết định số 146-CP của Hội đồng Chính phủ, ngày 28 tháng 10 năm 1966, Phân hiệu II Đại học Bách Khoa được thành lập thuộc quyền quản lý của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, với một quy chế đặc thù là có sự phối hợp với Bộ Quốc phòng trong điều hành, giảng dạy. Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quản lý về chuyên môn nghiệp vụ; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về nhân lực, giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức học tập… PGS.TS Nguyễn Duy Bảo cho biết: Thuở đầu tiên, trường mang tên là Phân hiệu II Đại học Bách khoa và đặt cơ sở trong một dãy nhà của trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm tránh sự chú ý của đế quốc Mỹ[1]. Khi đó, lực lượng để xây dựng trường còn rất mỏng, chỉ có một số quân nhân tại ngũ từng phụ trách công tác kỹ thuật về radar, tên lửa, súng pháo, thông tin vô tuyến, thông tin hữu tuyến…

Tháng 6-1967, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý vô tuyến tại trường Đại học Tổng hợp Minsk[2], Liên Xô, ông Nguyễn Duy Bảo được phân về công tác tại Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nhưng ông chưa kịp nhận công tác đã nhận được quyết định biệt phái xây dựng Phân hiệu II Đại học Bách khoa trong một năm. Cùng thời điểm đó còn có các ông: Thái Thanh Sơn, Nguyễn Văn Bường, Đinh Văn Phong và bà Nguyễn Thị Sương cũng được cử sang Phân hiệu II công tác.

Khi đó, Phân hiệu II Đại học Bách khoa sơ tán về Phố Nối, Hưng Yên để tiếp tục ổn định tổ chức và xây dựng chương trình đào tạo chuẩn bị cho việc tuyển sinh. Ông Nguyễn Duy Bảo cùng mọi người khăn gói xuống Phố Nối. Ông được phân về khoa Vô tuyến điện tử do ông Tống Ngọc Cường là Chủ nhiệm khoa. Ông Nguyễn Văn Tồn, Chính trị viên của khoa mời các giảng viên trong khoa lên chỉ thị, giao nhiệm vụ: Khoa Vô tuyến điện tử có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư các ngành Radar, Tên lửa, Thông tin hữu tuyến và Thông tin vô tuyến. Các anh em xem nên dạy những môn gì thì bàn bạc với nhau và chuẩn bị. Sau khi nhận được “mệnh lệnh” như vậy ông Bảo cùng ông Phạm Khắc Di (con ông Phạm Khắc Hòe[3]), Trần Thông Quế, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Văn Sang và bà Nguyễn Thị Sương bắt đầu quá trình thảo luận để xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình.

Khoảng cuối năm 1967, do Mỹ tăng cường ném bom bắn phá miền Bắc nên Phân hiệu II Đại học Bách khoa nhận được lệnh đi sơ tán lên vùng Hàm Yên, Tuyên Quang. PGS.TS Nguyễn Duy Bảo nhớ lại: Suốt ba ngày, chúng tôi phải đi qua tới 72 cái dốc, ai cũng đói nhưng không có gì để mua, đồ ăn chỉ có duy nhất loại mỳ không người lái. Tuy nhiên, với tinh thần hết lòng vì kháng chiến nên dù vất vả nhưng không hề có một tiếng kêu ca nào. Thậm chí chúng tôi còn xung phong ra mặt trận nhưng vì đang làm công tác đào tạo nên Bộ không duyệt. Sau khi đến Hàm Yên, còn phải đi thêm 17 km đường rừng từ đường quốc lộ vào mới đến nơi sơ tán. Tại địa điểm trường đóng quân, thầy trò tự chặt tre, nứa về xây dựng lán trại và làm hội trường, phòng học, bàn ghế, giường nằm… Từ khi còn nhỏ, Nguyễn Duy Bảo đã học được cách dựng lán, đóng bàn ghế và đan lát nhiều vật dụng từ ông cậu nên ông làm rất thành thạo. PGS Bảo cho biết: Điều kiện ăn ở cũng rất khó khăn. Bình thường chúng tôi ăn cá khô và cà la thầu (củ cải dầm tương). Để cải thiện chúng tôi phải xuống suối mò cua bắt ốc để nấu canh hoặc phải đi bộ rất xa mới có chợ, có lần phải sang tận Yên Bái. Dù điều kiện hết sức gian khổ nhưng trong quá trình sơ tán cán bộ trong khoa vẫn tích cực chuẩn bị cho việc tuyển sinh như xây dựng chương trình đào tạo và biên soạn tài liệu giảng dạy. Các ông tham khảo một số tài liệu mang từ Liên Xô về và cùng bàn thảo, thống nhất về khái niệm giáo trình, giáo án, môn cơ bản, môn cơ sở, môn chuyên ngành và từ đó xác định môn học của từng chuyên ngành. PGS Nguyễn Duy Bảo từng biên soạn một số cuốn giáo trình như Kỹ thuật xung, Kỹ thuật số. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: cần phải biến kiến thức của họ (Liên Xô) thành kiến thức của mình, trình bày cái phức tạp một cách sáng tạo sao cho thật đơn giản để các sinh viên Việt Nam có thể hiểu được.

Một năm học trôi qua, nhà trường đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhưng yêu cầu đào tạo cán bộ phục vụ quốc phòng vẫn rất cần. Khi đó, cán bộ phòng Chính trị của trường đã triệu tập và trao đổi với các cán bộ được biệt phái: Quân đội đang thiếu người, rất cần những người như các anh, nếu đồng ý ở lại trường tiếp tục công tác thì nhà trường sẽ phong quân hàm sĩ quan cho các anh theo hệ thống quân đội. Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và muốn đóng góp cho quê hương, cho quân đội ông cùng một số cán bộ đã quyết định ở lại trường và từ đó cuộc đời Nguyễn Duy Bảo gắn bó với quân đội, với Phân hiệu II Đại học Bách Khoa.

PGS.TS Nguyễn Duy Bảo, ngày 18-8-2016

Ban đầu trường dự định ở lại Hàm Yên lâu dài nhưng do điều kiện trong rừng ẩm ướt nên các ông chỉ ở lại trong khoảng 1 năm thì sơ tán xuống Tam Đảo rồi lên thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến năm 1968, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định chuyển Phân hiệu II Đại học Bách khoa thành trường Đại học Kỹ thuật quân sự. Trường bắt đầu tổ chức tuyển sinh những khóa đầu tiên theo hình thức xét tuyển. PGS Bảo cho biết có ba loại hình sinh viên: một là, sinh viên chính quy do Cục cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam tuyển chọn từ các quân khu, quân đoàn; hai là, sinh viên chuyển tiếp từ trường dân sự sang học, chủ yếu là sinh viên ngành Thông tin vô tuyến của Viện Kinh tế bưu điện[4] và sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội; ba là, sinh viên lớp chuyên tu là người đã tốt nghiệp các trường trung cấp, đã có kinh nghiệm công tác trong quân đội. Ông nhấn mạnh: Khi đó, mặc dù chúng tôi không tổ chức thi tuyển nhưng do sinh viên có ý thức học tập, tinh thần trách nhiệm tốt cùng với công tác quản lý chặt chẽ, tận tình, chu đáo của giáo viên nên chất lượng đào tạo khá đảm bảo.

Khi xuống Vĩnh Phúc, điều kiện ăn ở của thầy trò trường Đại học Kỹ thuật quân sự vẫn hết sức khó khăn. Giảng viên phải tự dựng lán để ở và ăn tại nhà ăn chung của trường. Mỗi giảng viên được hưởng chế độ hơn 20kg gạo/tháng nhưng ăn không bao giờ được no. Bữa sáng thường chỉ có một nắm bột mì luộc sẫm màu do có mọt nên ăn rất đắng, thỉnh thoảng có một chiếc bánh rán bằng bột mì trắng là chúng tôi thấy hạnh phúc lắm rồi – PGS Bảo cho biết. Các sinh viên thì chia nhau ở nhờ trong nhà dân ở các làng lân cận. Vì đảm bảo an toàn cho sinh viên trong những ngày Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc nên buổi tối các ông thường thay nhau đi tuần xung quanh khu ở của sinh viên đến khi đèn học tắt hết mới về phòng. Ông khẳng định: Dù khó khăn như vậy nhưng đối với việc xây dựng khoa, bộ môn, chương trình, giáo trình, giáo án bản thân tôi cũng như các giảng viên khác đều rất tâm huyết, nên bất kể ngày đêm đều không nề hà bất kỳ điều gì, chỉ nghĩ làm sao để hoàn thành công việc tốt nhất.

Trong thời gian công tác tại trường, ông Nguyễn Duy Bảo được phân công dạy một số môn về vật liệu, linh kiện và đèn điện tử…Thuở đó, dù còn rất trẻ nhưng vốn có chút kinh nghiệm sư phạm khi giảng bài cho bạn học thời đại học nên khi đứng trên bục giảng ông Nguyễn Duy Bảo không cảm thấy lo lắng. Trong giảng dạy ông luôn quan niệm: không đặt ra yêu cầu quá cao với các sinh viên mà chỉ cần họ nắm được kiến thức cơ bản nên ông thường đặt những câu hỏi vừa sức và đánh giá được trình độ của sinh viên. Ông nhớ lại một kỷ niệm khi kiểm tra cô sinh viên tên là Lan trước khi cho vào phòng thí nghiệm làm thực hành. Khi đó, ông hỏi mãi mà nữ sinh này cứ im lặng không trả lời được phần lý thuyết và sau đó ngồi khóc. Dù vậy, giảng viên trẻ Nguyễn Duy Bảo không hề tỏ ra lúng túng mà rất điềm tĩnh, đợi một lát rồi hỏi: Em khóc xong chưa, xong thì chúng ta làm việc tiếp?. Sau đó, ông nhẹ nhàng khuyên cô về nhà học để lần sau thi lại. Một lần khác, trong tiết học khi ông đặt ra câu hỏi: Hạt nhân nguyên tử bao gồm các yếu tố gì? thì nhận được câu trả lời của một nữ sinh tên Vy Linh là: gồm có Lipit và Protit (trong khi nó vốn được cấu tạo từ Proton và Neutron). Dù câu trả lời sai, song thầy Bảo không hề tức giận mà nói một cách hóm hỉnh rằng: nếu là lipit (mỡ) thì cho thầy một ít để thầy rán, sau đó ông giảng giải cụ thể để sinh viên nắm được bài.

Năm 1969, khoa Vô tuyến điện tử chia thành hai bộ môn: Cơ sở 1 (Lý thuyết mạch và đo lường) và Cơ sở 2 (Kỹ thuật xung – số, vi xử lý). Ông Nguyễn Duy Bảo được được giao làm Chủ nhiệm bộ môn Cơ sở 1. Từ đó, trọng trách của ông càng nặng nề hơn vừa làm công tác quản lý vừa tham gia giảng dạy.

“Vừa làm thầy vừa làm thợ”

Bên cạnh công tác giảng dạy, PGS.TS Nguyễn Duy Bảo phụ trách xây dựng nhiều chương trình đào tạo cao học và bồi dưỡng cho trường. Ông vừa là người xây dựng chương trình, vừa soạn giáo trình, tổ chức lớp học và tham gia giảng một số môn nên ông thường nói vui rằng mình là người “vừa làm thầy vừa làm thợ”. Cuối năm 1986, ông Nguyễn Duy Bảo được điều lên Phòng quản lý nghiên cứu khoa học của Học viện Kỹ thuật quân sự (tên gọi từ năm 1980), phụ trách công tác đào tạo Sau đại học. Năm 1987, ông tham gia hội thảo về đào tạo trình độ thạc sỹ do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp tổ chức tại Gia Khánh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc do ông Nguyễn Đình Thưởng chủ trì. Hội thảo được tổ chức trong khoảng 2-3 ngày gồm nhiều giảng viên đến từ các trường đại học khác nhau tới tham dự. PGS.TS Nguyễn Duy Bảo cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam đề cập tới vấn đề đào tạo thạc sỹ và ông thấy rằng chủ trương này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và khoa học công nghệ của Việt Nam. Từ đó, dù chưa có chỉ thị của lãnh đạo trường cũng như Bộ nhưng ông Nguyễn Duy Bảo đã có ý tưởng và bắt tay vào xây dựng đề án đào tạo thạc sỹ của Học viện Kỹ thuật quân sự.

Ngay sau khi có ý tưởng, ông Nguyễn Duy Bảo thường đến thư viện trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham khảo các tài liệu về chương trình đào tạo thạc sỹ của Mỹ nhằm xác định những môn cần đưa vào chương trình đào tạo. Ông còn nhờ một số giảng viên có uy tín ở các trường tư vấn về nội dung và thời lượng từng môn. Từ đó, ông xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ của ba ngành: Vô tuyến điện tử, Cơ khí và Xây dựng. Mỗi ngành học khoảng 700 – 800 tiết học. Cuối năm 1987, ông Nguyễn Duy Bảo xin phép trường Học viện Kỹ thuật quân sự và trình bản dự thảo đề án đào tạo của mình lên Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông được cán bộ Vụ Sau đại học của Bộ Đại học cho biết họ đã nhận được đề án đào tạo thạc sỹ của hai trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tuy nhiên, bản đề án do ông chuẩn bị với hơn 10 trang giấy đã trình bày rõ về mục tiêu, phương pháp, đề xuất chương trình đào tạo nên được Bộ ủng hộ hơn và sau Vụ trưởng Vụ Sau đại học mời ông lên Bộ thảo luận về đề án này. Sau đó, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có ra công văn về việc áp dụng thí điểm đào tạo thạc sỹ ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Xây dựng.

Do đặc thù, việc đào tạo thạc sỹ trong quân đội cần được Cục cán bộ của Bộ Quốc phòng thông qua, nên sau khi Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phê duyệt ông Nguyễn Duy Bảo phải tiếp tục trình bản đề án lên Bộ Quốc phòng. Ông trực tiếp đến gặp ông Trần Đình Long, Cục phó Cục cán bộ giải thích về ý nghĩa, nội dung của bản đề án đào tạo do ông soạn thảo và thuyết phục: Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã đồng ý với đề án đào tạo này, quân đội chúng ta không thể đứng ngoài guồng máy đào tạo của nhà nước được, hơn nữa, việc đào tạo này rất có lợi cho cán bộ nên đề nghị Cục cho phép trường mở lớp đào tạo thạc sỹ. Bộ Quốc phòng đã chấp thuận thực hiện thử nghiệm bản đề án đào tạo thạc sỹ và gửi thông báo xuống các quân đoàn để họ cử người đi học. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Bảo vẫn phải trực tiếp xuống phòng cán bộ của các quân đoàn, quân khu, quân binh chủng ở miền Bắc và miền Trung để giải thích và thuyết phục họ cử người đi học. Đối với một số quân đoàn ở miền Nam do điều kiện cách trở nên ông chỉ gửi thư để thuyết phục họ.

Năm 1989, Học viện Kỹ thuật quân sự mở lớp đào tạo thạc sỹ khóa đầu tiên của ba ngành Vô tuyến điện tử, Cơ khí và Xây dựng tại cơ sở của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương tại số 66 Phan Đình Phùng và cơ sở của trường[5] tại số 23 Phan Bội Châu, Hà Nội. Mỗi ngành có khoảng 20 học viên là những quân nhân đã tốt nghiệp đại học. Ông Nguyễn Duy Bảo và đồng nghiệp Lê Văn Long là người phụ trách chuẩn bị mọi vật dụng như bàn ghế, phấn, bảng… cho lớp học. Đồng thời ông Bảo phụ trách giảng dạy một số môn cho học viên khoa Vô tuyến điện tử như Truyền số liệu, Kỹ thuật xung, Kỹ thuật số. Năm 1991, khóa học viên cao học đầu tiên của Học viện Kỹ thuật quân sự bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Từ đó, hệ đào tạo này vẫn được duy trì và phát triển cho tới hiện nay.

Khoảng năm 1993, Cục Khoa học – Công nghệ – Môi trường[6], Bộ Quốc phòng đặt ra yêu cầu xây dựng lớp bồi dưỡng về Quản lý Khoa học công nghệ cho cán bộ của quân đội. Học viện Quân sự cấp cao[7] đã mở lớp đào tạo nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu nên Bộ giao cho Học viện Kỹ thuật quân sự xây dựng chương trình đào tạo. Khoa Cơ khí của Học viện Kỹ thuật quân sự đảm nhiệm việc xây dựng chương trình, nhưng họ cũng chưa xây dựng được chương trình. Tháng 4-1994, ông Nguyễn Duy Bảo về nước, sau thời gian làm chuyên gia ở Algérie, nên Học viện giao cho ông đảm trách. PGS.TS Nguyễn Duy Bảo phải đến Bộ Khoa học và Công nghệ để tìm hiểu thêm về lĩnh vực Khoa học công nghệ. Từ tháng 5-1994, ông bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo đến tháng 8-1994 thì hoàn thành và gửi lên Cục trưởng Cục Khoa học – Công nghệ – Môi trường. Cục trưởng đã tổ chức một cuộc họp có cả cán bộ của Học viện Quân sự cấp cao để nghe ông Bảo thuyết trình về đề án của mình. Nội dung của bản đề án chương trình đào tạo được các thành viên tham dự đánh giá rất tốt. Trên cơ sở đó, Cục Khoa học – Công nghệ – Môi trường quyết định cho Học viện Kỹ thuật quân sự mở lớp bồi dưỡng năng lực quản lý Khoa học công nghệ. Từ đó, trung bình mỗi năm lớp có khoảng 30 học viên, là những người đang công tác ở các phòng Khoa học công nghệ thuộc các quân đoàn, quân khu, quân binh chủng. PGS.TS Nguyễn Duy Bảo mời nhiều giảng viên các trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Kinh tế quốc dân về giảng. Ngoài ra ông tham gia giảng dạy một số môn như: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nguyên lý cơ bản của quản lý nhà nước… và biên soạn một số giáo trình làm tài liệu học tập cho các học viên. Chương trình do ông xây dựng được Học viện sử dụng cho việc đào tạo học viên trong hàng chục năm và sau tiếp tục được bổ sung, phát triển.

Giáo trình Phương pháp luận nghiên cứu khoa học dùng cho hệ bồi dưỡng và đào tạo sau đại học, do PGS.TS Nguyễn Duy Bảo biên soạn

Năm 1996, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có trình độ quản lý Khoa học công nghệ trong quân đội và ở Việt Nam, ông Nguyễn Duy Bảo đề xuất lên Giám đốc Học viện (khi đó là ông Nguyễn Hoa Thịnh) cho ông xây dựng đề án đào tạo thạc sỹ ngành Quản lý Khoa học công nghệ. Được chấp nhận, ông Nguyễn Duy Bảo đã soạn thảo bản đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo cao học của Học viện Kỹ thuật quân sự gửi lên Bộ Quốc phòng. Đồng thời, căn cứ vào tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bậc cao học nói chung để xây dựng chương trình đào tạo cho chuyên ngành mới này. Bản đề án hoàn thành, ông Nguyễn Duy Bảo gửi lên Vụ Sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, Vụ Sau đại học yêu cầu các ông phải có ít nhất 5 vị phó giáo sư ngành Quản lý Khoa học công nghệ đảm nhiệm việc giảng dạy mới cho mở lớp. Theo PGS Bảo, đó là yêu cầu hết sức khó khăn bởi ngành này chưa từng đào tạo thạc sỹ trong nước thì các ông không thể có phó giáo sư được. Tuy vậy, ông không từ bỏ mà trực tiếp gặp Vụ trưởng Vụ Sau đại học cùng một số chuyên viên ở đó để trao đổi và thuyết phục họ.

Ông nhấn mạnh rằng: Tôi vốn là phó giáo sư ngành Điện tử viễn thông nhưng đã cùng với một số giảng viên nghiên cứu và giảng dạy về Quản lý Khoa học công nghệ nên các ông hãy tạm coi chúng tôi là phó giáo sư ngành Quản lý Khoa học công nghệ. Sau khoảng 10 năm nữa tôi sẽ cung cấp đầy đủ người trong ngành có học hàm. Với những lý lẽ thuyết phục đó, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Bộ Quốc phòng đã chấp nhận đề án của ông Bảo. Năm 1999, Học viện Kỹ thuật quân sự tổ chức khóa cao học đầu tiên về Quản lý Khoa học công nghệ. Trường tổ chức thành hai hệ đào tạo gồm dân sự và quân sự. Mỗi lớp có khoảng 50 học viên. Ông Nguyễn Duy Bảo là người xây dựng lịch học và mời nhiều giảng viên ở các trường đại hoc khác về giảng dạy như: PGS.TS Vũ Cao Đàm[8], GS.VS Nguyễn Anh Tuấn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Mai (trường Đại học Kinh tế quốc dân)… Ông trực tiếp giảng một số môn như: Khoa học luận, Những vấn đề cơ bản của nhà nước về quản lý Khoa học công nghệ, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Tài chính Khoa học công nghệ, Quản lý nhân lực Khoa học công nghệ, Tổ chức Khoa học công nghệ, Đổi mới và đổi mới công nghệ doanh nghiệp…

Trải qua hơn 40 năm gắn bó với Học viện Kỹ thuật quân sự từ ngày mới thành lập mang tên Phân hiệu II Đại học Bách khoa, PGS.TS Nguyễn Duy Bảo chia sẻ: chúng tôi đã nỗ lực, cố gắng hết sức mình và tôi luôn cảm thấy tự hào khi những chương trình đào tạo do mình xây dựng được Học viện sử dụng và góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò đi sau. Cũng chính nơi đây đã “tôi luyện” ông trở thành một nhà nghiên cứu, giảng dạy về khoa học kỹ thuật và còn là một nhà quản lý tâm huyết với sự nghiệp đào tạo về khoa học công nghệ trong quân đội.

Lê Thị Lợi

 


*PGS.TS Nguyễn Duy Bảo, chuyên ngành Điện tử viễn thông, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo sau đại học, nay là phòng Sau đại học, Học viện Kỹ thuật quân sự.

**Năm 1968, Phân hiệu II Đại học Bách khoa đổi thành trường Đại học Kỹ thuật quân sự, năm 1980 đổi thành Học viện Kỹ thuật quân sự. 

[1] Ghi âm Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Duy Bảo ngày 18-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài viết này, những lời kể của ông đều trích dẫn từ tài liệu phỏng vấn đó.

 

[2] Nay là trường Đại học Kỹ thuật quốc gia Belarus.

 

[3] Ông nguyên là Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng (từ tháng 12-1957 đến tháng 10-1964).

 

[4] Nay là Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

 

[5] Nay là Trung tâm kỹ thuật các công trình đặc biệt (CSE) thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự.

 

[6] Nay là Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng.

 

[7] Nay là Học viện quốc phòng.

 

[8] Nay ông là Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Chính sách và Quản lý.