Công trình nghiên cứu đầu tiên
Sau hai năm học tập tại trường Y khoa và Dược khoa Đông Dương[1], Thái Văn Trừng biết tin trường Chuyên nghiệp Nông Lâm nghiệp Đông Dương mở lớp đào tạo ngành Kiểm soát Thủy Lâm khóa đầu tiên. Sẵn niềm đam mê thực vật học, Thái Văn Trừng đã quyết định bỏ học ngành Y để theo đuổi ngành Lâm nghiệp.
Năm 1943, sau bốn năm học tập miệt mài, với tấm bằng tốt nghiệp thủ khoa lớp Kiểm soát thuỷ lâm, Thái Văn Trừng được ưu tiên chọn nơi công tác. Muốn khai phá vùng đất mới và thử thách bản thân, ông quyết định xin về Cà Mau công tác và được phân công làm Trưởng Hạt quản lý rừng ở Đầm Dơi, Gành Hào. Đây đúng là vùng “ma thiêng nước độc”, như lời miêu tả sau này của nhạc sĩ Hà Phương trong bài hát Em về miệt thứ: Muỗi kêu mà như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh.
Nhiệm vụ của Hạt quản lý là nghiên cứu, cải tạo môi trường ở Đầm Dơi cho phù hợp với sự phát triển của cây đước. Dựa vào vốn kiến thức của bản thân và tìm hiểu tình hình thực tế, Hạt trưởng Thái Văn Trừng đưa ra phương án đào một con kênh dài hơn 10km và rộng 17m từ rạch Cái Ngay đổ ra ngã ba Tam Giang dẫn nước mặn vào các ô trồng rừng khiến cỏ ráng[2] chết hết và đước con cứ thế phát triển. Hơn 2000 ha rừng đước ở Đầm Dơi mang lại màu xanh tươi mát cho vùng đất vốn khô cằn và trở thành nguồn giống để khôi phục rừng đước của huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh sau này. Đây là công trình nghiên cứu lâm sinh đầu tiên của ông dựa trên cơ sở sinh thái học. Đồng thời, qua đó, giúp ông nhận thức những điều kiện tự nhiên như khí hậu, địa chất, thổ nhưỡng là những nhân tố sinh thái phát sinh các kiểu quần thể trong thảm thực vật rừng để sau tiến hành phân loại thảm thực vật ở Việt Nam. Sau này, người dân Đầm Dơi vẫn quen gọi khu rừng này là “rừng ông Trừng”.
Người Việt Nam đầu tiên bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học
Năm 1961, ông Thái Văn Trừng được cử làm Trưởng phòng Thực vật thổ nhưỡng, Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp, thuộc Tổng cục Lâm nghiệp[3]. Năm đó, ông được Tổng cục giao cho nhiệm vụ soạn thảo một báo cáo tổng quan về rừng Việt Nam, để trình bày với đoàn chuyên gia Liên Xô sang làm việc tại Việt Nam, trong đó có hai nhà khoa học Lâm nghiệp là Viện sĩ Taktajan và GS Yatsenko. Ông nhận định: Đó là cơ hội để tôi tổng hợp các hiểu biết và kinh nghiệm của mình, phân tích sâu sắc các điều kiện tự nhiên – xã hội và tìm được những đặc điểm có quan hệ với thảm thực vật rừng và được xem như những nhân tố sinh thái phát sinh các quần hệ và quần hợp rừng[4]. Nhiệm vụ đó cũng là cơ hội để ông hiện thực hóa mong muốn phân loại thảm thực vật rừng ở Việt Nam từ khi thực tập ở Trung Quốc (1957) và rồi trở thành người Việt đầu tiên được nhận bằng tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học) tại Liên Xô.
Trên chuyến tàu Hà Nội – Lào Cai để lên dãy Hoàng Liên Sơn khảo sát thực vật cùng đoàn chuyên gia Liên Xô, dù còn đang suy nghĩ để hoàn chỉnh báo cáo nhưng ông Thái Văn Trừng đã mạnh dạn trình bày với VS Taktajan và GS Yatsenko. Ông muốn tranh thủ sự định hướng của hai chuyên gia về chủ đề Phân loại thảm thực vật rừng mà ông đang nghiên cứu có thể bảo vệ luận án phó tiến sĩ được không. Hai vị chuyên gia khuyến khích ông tiếp tục nghiên cứu và khẳng định đây là một vấn đề lớn, nếu làm tốt có thể bảo vệ luận án tiến sĩ. Một tháng sau khi kết thúc chuyến khảo sát, ông hoàn thành báo cáo bằng tiếng Việt và kèm theo bản dịch tiếng Pháp để gửi cho đoàn chuyên gia Liên Xô. Họ đánh giá báo cáo tốt và đề nghị phía Việt Nam cho ông sang Liên Xô bảo vệ luận án.
Cuối tháng 12-1961, ông Thái Văn Trừng được cử sang Viện Thực vật Komarov, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô một năm để làm nghiên cứu sinh. GS Trừng cho biết: Tại đó, tôi được ngồi làm việc trong phòng của VS Komarov lúc sinh thời, có đầy đủ những sách kinh điển về thực vật mà ông đã hiến tặng cho Viện trước khi mất. Mặt khác, tôi được tham khảo những sách mới xuất bản trong Thư viện của Viện thực vật[5].
NCS Thái Văn Trừng (phải) cùng bạn học
trong thời gian học tập tại Liên xô, năm 1962
Dựa trên kết quả nghiên cứu, khảo sát rừng ở Việt Nam và những kiến thức mới thu được, ông Thái Văn Trừng bắt tay vào viết luận án với đề tài Phát sinh quần thể và phân loại thảm thực vật rừng nhiệt đới Việt Nam. Do không đủ thời gian học tiếng Nga nên ông được Viện cho phép viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Pháp. Trong quá trình làm luận án, NCS Thái Văn Trừng tình cờ được gặp VS Sukasov – chuyên gia hàng đầu về sinh thái rừng của Liên Xô nên đã trình bày quan niệm và phương pháp, bảng phân loại và bản đồ thảm thực vật mình đang nghiên cứu để nhờ góp ý thêm. Viện sĩ Sukasov tỏ ra khá hứng thú và động viên ông Trừng tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu. Sau VS Sukasov trở thành phản biện thứ nhất trong Hội đồng chấm luận án của NCS Thái Văn Trừng.
Tròn một năm học tập tại Liên Xô, ông Thái Văn Trừng bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Viện Thực vật Komarov. Luận án có nhiều đóng góp cho ngành khoa học lâm nghiệp, bởi từ trước những năm 1959 – 1962 dù thế giới đã có những nghiên cứu của nhiều trường phái khác nhau như trường phái Braun – Blanquet của Pháp, trường phái Clements của Anh,… nhưng vẫn bế tắc trong việc đưa ra một nguyên lý chung về phân loại thảm thực vật. Luận điểm sinh thái phát sinh quần thể trong thảm thực vật rừng của ông trên cơ sở phát triển học thuyết của VS Sukasov, đã góp phần giải quyết bế tắc ấy. Vì vậy, Hội đồng chấm luận án đề xuất Hội đồng khoa học Liên Xô nâng luận án phó tiến sĩ thành tiến sĩ và Thái Văn Trừng trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Liên Xô[6].
Dấu ấn để đời
Năm 1963, trở về từ Liên Xô, ông Thái Văn Trừng tiếp tục bổ sung tư liệu cho đề tài luận án và xuất bản cuốn sách với nhan đề Thảm thực vật rừng Việt
Không chỉ dừng lại ở việc phân loại các thảm thực vật rừng, trong suốt quá trình gắn bó với lâm nghiệp, GS Thái Văn Trừng luôn trăn trở, tìm hướng khôi phục các khu rừng bị tàn phá. Đặc biệt, những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, ông không khỏi xót xa trước cảnh tượng hàng triệu ha rừng ở miền Nam bị phá hoại bởi chất độc hóa học dioxin và bom đạn. Một nhà lâm học người Mỹ khẳng định: Đây là một quang cảnh chết, phải mất một trăm năm nữa mới hy vọng phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn này[9], nhưng trong ông vẫn ấp ủ ý định phải tiến hành ngay việc khôi phục những khu rừng “chết” đó.
Cơ hội để thực hiện dự định này đã tới khi TS Thái Văn Trừng được Uỷ ban Quốc gia điều tra hậu quả chất hoá học dùng trong chiến tranh Việt Nam (Uỷ ban 10-80)[10] giao nhiệm vụ phục hồi các hệ sinh thái rừng bị chiến tranh hoá học huỷ diệt vào năm 1983. Khi nhận nhiệm vụ, việc đầu tiên ông thực hiện là xây dựng mô hình trồng rừng phù hợp. Tổng kết kinh nghiệm trồng rừng ở các lâm trường, ông đề nghị loại bỏ hai loại cây thường sử dụng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc là thông và bạch đàn liễu bởi chúng hút kiệt chất dinh dưỡng và làm chua đất. Thay vào đó, ông đề xuất xây dựng mô hình phục hồi rừng tự nhiên bằng cách trồng cây keo lá tràm để cải tạo đất rồi sau trồng xen các cây gỗ quý và cây bụi, tre nứa… làm phong phú hệ sinh thái rừng. Cây keo lá tràm nhập từ Úc, là một cây họ đậu có bộ rễ khỏe mọc được trên các loại đất xói mòn, khô kiệt của đồi trọc, diệt được cỏ tranh, cỏ mỹ dưới tán lá rậm, và điều quan trọng là cải tạo đất rất tốt. Mô hình được áp dụng thí điểm ở Củ Chi (Tp Hồ Chí Minh) cho kết quả tốt nên tiếp tục được triển khai trên 30ha rừng ở Đồng Xoài (Bình Phước) và 200ha rừng ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai)…
Mô hình phục hồi rừng tự nhiên đã bước đầu thành công với việc đưa vào trồng những loại cây gỗ lớn bản địa họ Sao Dầu và họ Đậu để tái tạo hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới gió mùa có cấu trúc nhiều tầng và giúp hạn chế có hiệu quả tác hại của thiên tai lũ lụt, hạn hán, đồng thời cũng mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, những khu rừng đã bị tàn phá dần được hồi sinh, mang lại màu xanh cho đất nước.
Cuối năm 1999, phát triển nội dung từ cuốn sách Thảm thực vật rừng Việt Nam và bổ sung thêm phần phục hồi hệ sinh thái rừng nhiệt đới bị hủy diệt bởi chiến tranh hóa học và xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia để đảm bảo đa dạng sinh học ở Việt Nam, GS Thái Văn Trừng hoàn thành cuốn sách Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam. Cuốn sách được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành ngay trong năm đó. Năm 2000, các công trình nghiên cứu của GS Thái Văn Trừng được tập hợp trong cuốn sách đã được Nhà trước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là tập hợp những kết quả nghiên cứu thấm đượm niềm đam mê thực vật học của ông, nó không chỉ có ý nghĩa về lý thuyết sinh thái quần thể rừng đơn thuần mà có cả giá trị thực tiễn trong việc phục hồi, bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Việt Nam.
Dành cả cuộc đời để thực hiện ước mơ dệt màu xanh cho đất nước, GS Thái Văn Trừng đã miệt mài nghiên cứu, khám phá và tìm mọi giải pháp để hồi sinh cho những cánh rừng Việt Nam đã bị chất độc hóa học, và cả do con người hủy diệt, tàn phá. Những thành tựu khoa học về rừng chứa đựng nhiệt huyết, sự say mê mà ông để lại, chắc chắn sẽ được thế hệ sau bảo tồn và phát huy.
Lê Thị Lợi
* GS.TSKH Thái Văn Trừng, chuyên ngành Lâm nghiệp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt
[1] Nay là trường Đại học Y Hà Nội.
[2] Một loại dương xỉ ở rừng ngập mặn.
[3] Nay là Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Lâm nghiệp Việt Nam.
[4] Thái Văn Trừng, bản thảo bài viết Quá trình nghiên cứu sinh thái rừng Việt Nam, 1996, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] Thái Văn Trừng, Quá trình nghiên cứu sinh thái rừng Việt Nam, tài liệu đã dẫn.
[7] GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục phát triển lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
[8] GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Bản nhận xét đánh giá công trình khoa học “Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam” của tác giả GS.TS Thái Văn Trừng, 2000, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[9] https://linhkhituongphaobinh.wordpress.com/2013/01/12/tien-si-thai-van-trung-canh-chim-dau-dan-cua-nganh-lam-hoc-viet-nam-phan-ii/
[10] Nay là Ban Khắc phục hậu quả chất độc hoá học sử dụng trong chiến tranh đối với sức khoẻ con người (Ban 10-80).