Nhiệm vụ chung kết nối mối nhân duyên
Giáo sư Bùi Phan Kỳ sinh năm 1926 tại làng Bặt Chùa, tổng Xà Cầu, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông[1] trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học và yêu nước. Bởi thế, Bùi Phan Kỳ sớm được các bậc cha anh giác ngộ và hăng hái tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu khi mới 17 tuổi. Ông mong muốn được giải phóng bản thân, rộng hơn là góp phần giải phóng gia đình, quê hương và dân tộc mình.
Sau cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ điều chuyển một nhóm gồm ông Bùi Phan Kỳ và 4 người khác từ ngoại thành Hà Nội về công tác tại tỉnh Hà Nam. Tại đây, ông đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư huyện ủy Bình Lục, Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Trưởng ty Thông tin văn hóa Hà
Ngay sau khi kết thúc hội nghị, toàn thể chiến sĩ tiếp tục tham dự lớp bồi dưỡng về chủ đề “đứng về phía nông dân” trong cải cách ruộng đất do Trưởng phòng Tuyên huấn Bùi Phan Kỳ phụ trách. Trong khi các chiến sĩ tranh luận sôi nổi thì cô Mứt lại ngồi im, thi thoảng cười tủm tỉm. Thấy vậy, ông Kỳ nghiêm nét mặt nhìn về phía cô học trò. Bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của thầy giáo, cô đỏ mặt và nhìn đi chỗ khác. Vẻ bẽn lẽn pha chút tinh nghịch, hồn nhiên của cô khiến ông Kỳ càng thêm xao xuyến. Và sự cảm mến giữa hai người đã nảy nở tình yêu như duyên phận, tự nhiên và bình dị.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, chuyện yêu đương và kết hôn không còn là việc riêng của mỗi người lính, mà phải đặt trong nhiệm vụ chung của đơn vị. Khi Bùi Phan Kỳ bày tỏ ý định kết hôn, Tư lệnh Liên khu III Hà Kế Tấn quán triệt: Anh có quyền đặt vấn đề yêu đương, nhưng cô ấy là chiến sĩ thi đua, anh phải để cô ấy về địa phương tiếp tục công tác lập thành tích[3]. Bùi Phan Kỳ hiểu rằng, ông cần ưu tiên làm tròn trách nhiệm với Đảng và đơn vị, nên ngỏ ý cùng người yêu: Tôi chưa xây dựng gia đình, nếu em đồng ý thì sau khi hòa bình lập lại, tôi sẽ về hỏi cưới[4].
Xa nhau rồi, Bùi Phan Kỳ và Nguyễn Thị Mứt lại hăng hái thực hiện nhiệm vụ mà đơn vị giao phó. Đầu năm 1954, Kiến tập Chính trị viên[5] Tiểu đoàn 922 (Trung đoàn 46) Bùi Phan Kỳ cùng 4 đại đội chủ lực được lệnh hành quân qua sông Đáy, từ phía nam Nam Định sang Khu Cháy (huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây). Ông được cậu giao liên Phùng Văn Thư dẫn qua đường 1 ở đoạn giáp bốt Cầu Giẽ, tới gặp xã đội địa phương gần nhất để yêu cầu bảo đảm đò đưa bộ đội qua sông. Và một sự tình cờ, như ông chia sẻ: Cậu Thư dẫn tôi tới nhà xã đội phó Nguyễn Thị Mứt. Lúc ấy, Mứt đang nằm nghỉ vì sốt rét, đã vội vàng vùng dậy. Cả hai chúng tôi đều rất bất ngờ và mừng rỡ [6]. Vì nhiệm vụ cấp bách, Nguyễn Thị Mứt bịn rịn tiễn người yêu ra sông Đáy để cùng bố trí đò đưa chiến sĩ qua sông.
Bà Nguyễn Thị Mứt – vợ GS Bùi Phan Kỳ tại nhà trai sau đám cưới,
tháng 7-1954 (Tác giả: GS Bùi Phan Kỳ)
Tháng 7-1954, hòa chung trong niềm vui của đất nước với chiến thắng Điện Biên Phủ, Bùi Phan Kỳ đã có một niềm vui riêng khi đám cưới của hai người được tổ chức trong không khí đầm ấm tại gia đình nhà gái ở thôn Nghĩa Lập, xã Châu Can. Sau đó, họ lại chia tay nhau, chồng trở lại quân khu, vợ về quê nhà tiếp tục công việc của một xã đội phó. Mãi tới năm 1958, thiếu tá Kỳ về công tác tại Cục Tuyên huấn, gia đình mới được đoàn tụ ở Hà Nội. Hạnh phúc lớn nhất đối với vợ chồng ông là khi 5 người con lần lượt chào đời: Bùi Lệ Dung (1956), Bùi Lệ Thủy (1958), Bùi Thị Hồng Nga (1960), Bùi Phan Kỳ Anh (1962), Bùi Thanh Nga (1964).
Tình nhà, nghĩa nước lúc chia xa
Tháng 5-1965, trung tá Bùi Phan Kỳ được cử làm Chính ủy Trung đoàn 556, thuộc Sư đoàn 330, đóng quân ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Theo sự động viên của ông Kỳ và được sự đồng ý của Đảng bộ Công ty ăn uống Đống Đa (nơi bà Mứt công tác), bà Mứt đưa theo cả 5 con xuống Thái Bình để vừa sơ tán khỏi Hà Nội đang bị Mỹ đánh phá, vừa được gần chồng và có điều kiện học tập tại trường Bổ túc văn hóa và kỹ thuật, thuộc Ty Giáo dục Thái Bình.
Tháng 1-1968, ông Kỳ nhận lệnh đi chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên.. Ông chia sẻ: Chúng tôi luôn thực hiện khẩu hiệu “T = 0”, nhận lệnh là đi. Vì thế, dù bàn tay trái bị thương nặng nhưng tôi vẫn dặn dò các anh em trong đơn vị không được báo cáo lên cấp trên để tránh bị hiểu lầm là muốn thoái thác nhiệm vụ [7]. Đã không còn sự hồn nhiên của chàng thanh niên 15 năm về trước, chuyến hành quân này mang đến cho ông Kỳ bao trăn trở, suy tư. Và ông cũng giống như đồng đội – những người đã làm chồng, làm cha luôn đau đáu một nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, thương con. Ông từng thổ lộ: Người chiến sĩ rất hăng, rất cứng trước mọi sự đe dọa của địch, nhưng lại rất mềm, rất mỏng khi nghĩ đến đàn con thơ dại ở hậu phương[8]. Và bởi, bom đạn chiến tranh có thể khiến người lính ngã xuống bất cứ lúc nào, “một đi, không trở về”, nên ông luôn tranh thủ từng giây phút tại chiến trường để viết thư hỏi thăm vợ con nơi xa xôi.
Trong thời gian 5 năm (1968-1973), ông đã viết cho vợ con vài chục bức thư, có bức thư dài, nhưng cũng có bức thư chỉ vài ba câu được viết trên mảnh giấy nhỏ. Đó đều là những dòng chữ viết vội, nhưng luôn chan chứa tình cảm. Trong thư, ông chia sẻ với vợ con về cuộc sống nơi chiến trường, những thắng lợi của đơn vị và cả những mất mát, đau thương của chiến sĩ, đồng bào. Mỗi lời ông viết ra đều là nguồn động viên và tiếp thêm nghị lực cho vợ và các con yêu dấu: Em và các con cứ yên tâm học tập. Riêng em thì cố phấn đấu mà học lên cho hết lớp 7, dù lớp đó phải học thời gian 6 tháng cũng đừng sốt ruột. Anh mong rằng khi vợ chồng ta gặp nhau thì mình đã hoàn thành xong chương trình cấp 2 rồi[9]. Đồng thời, ông định hướng suy nghĩ, trấn an tinh thần cho vợ: Em cần tỏ ra vững vàng, cứng rắn, đừng mềm yếu mà ảnh hưởng đến tinh thần bản thân, đến sự tiến bộ của chính mình, làm cho các con không có phương án suy nghĩ, lo lắng vô ích[10].
Ông cũng quan tâm, khích lệ các con cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành người có ích. Để rồi, những lời căn dặn chất chứa tình yêu thương ấy đã trở thành phương châm sống của các con ông trong suốt những năm tháng cuộc đời. Cô Lệ Dung không khỏi xúc động khi đọc lại cho chúng tôi nghe những dòng thư của bố gửi từ chiến trường Trị Thiên, mùa thu năm 1970: Con gái ngoan của bố. Có thể là con đã bắt đầu vào học lớp đầu tiên của cấp 3, cũng có thể là con đang học lại lớp 7. Vào những tháng đầu tiên của năm thứ 15 trong cuộc đời con, bố thấy cần truyền đạt cho con mấy kinh nghiệm trong cuộc sống, làm hướng suy nghĩ và rèn luyện hằng ngày. Con hãy suy nghĩ và làm theo phương châm này của bố: Dám nghĩ tất cả, dám làm tất cả thì sẽ có tất cả! Trong cuộc sống, đừng sùng bái một cái gì, đừng sợ sệt một cái gì, đừng đầu hàng một cái gì[11].
Mỗi bức thư ông gửi vợ, gửi con, trong tình cảm của người chồng, người cha đều có tình yêu đất nước, ý chí chiến đấu kiên cường của bộ đội ta. Ông từng nhắn nhủ tới vợ: Trong tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng ác liệt, việc chồng em được nhận nhiệm vụ nặng nề là điều vinh dự[12]. Và dù viết nhiều hay ít, ông vẫn cố gắng truyền đạt cho các con hiểu phần nào trách nhiệm cao cả của những người lính nơi chiến trường: Nếu bố và các chú chùn bước, gia đình mình sẽ không có đời sống yên ổn, thì 14 triệu bà con ta ở miền Nam sẽ bị tiêu diệt dần mòn về cả tâm hồn lẫn thể xác. Đó là một thử thách nghiêm khắc nhưng nhất định phải vượt qua[13]. Thế mới thấy cái tình của người lính, tình yêu gia đình, với họ, chỉ có ý nghĩa khi làm tròn trách nhiệm với đất nước.
Một trang thư của GS Bùi Phan Kỳ gửi con gái Bùi Lệ Dung, ngày 18-12-1970
Đáp lại những bức thư viết vội của chồng, bà Mứt gửi ông bao lời nhắn nhủ yêu thương. Bà kể về niềm vui mỗi ngày được nhìn các con khôn lớn, giấu đi những nỗi lo toan, mệt nhọc: Anh trách móc vì em viết thư mà chỉ nói động viên, chứ không nói phần khó khăn của gia đình. Nhưng em đã nhiều lần nói với anh rằng, những khó khăn của gia đình ta không bằng một sự khó khăn của đồng bào miền Nam[14]. Bởi sự rắn rỏi đó của vợ, ông càng thương bà nhiều hơn. Cô Lệ Dung thổ lộ thêm: Bố mình chăm viết thư lắm. Mẹ ở ngoài Bắc vì vất vả nuôi 5 đứa con nhỏ, không viết được nhiều, nên hay bị bố trách[15].
Năm 1971, ông Kỳ tham gia chiến dịch đường 9 – Nam Lào, rồi bặt tin. Lại có tin ông đã hi sinh, bà Mứt gần như tuyệt vọng và bị “sang chấn tâm lý”, phải vào điều trị tại Bệnh viện Quân đội 108. Khi nhận được tin chồng còn sống và khỏe mạnh, bệnh tình của bà mới có dấu hiệu thuyên giảm. Biết chồng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị (1972), bà Mứt thêm dũng khí ở lại Hà Nội trong những ngày bị Mỹ ném bom, tham gia lao động sản xuất để phục vụ kháng chiến. Năm 1974, ông Kỳ về làm Chính ủy trường Quân chính Quân đoàn 1, đóng ở tỉnh Ninh Bình. Từ ấy, sau bữa cơm chiều thứ 7 hằng tuần, tôi tranh thủ về Hà Nội thăm vợ con, rồi sáng sớm thứ 2 lại lên đơn vị[16].
Nghĩa tình còn mãi
Sau nhiều năm xa cách, đại tá Bùi Phan Kỳ mới thực sự được đoàn tụ với gia đình khi ông về công tác tại Học viện Quân sự cấp cao (Bộ Quốc phòng) năm 1979. Ông mong muốn có thể phần nào bù đắp những thiệt thòi cho vợ. Thế nhưng năm 70 tuổi, bà Mứt mắc phải căn bệnh Eizhemer. Bà quên tất cả, chỉ một người duy nhất bà không quên, đó là người chồng mà bà hằng thương yêu. Có lúc bà nói chuyện một mình về chồng như thời ông còn ở chiến trường. Có một lần bà thủ thỉ hỏi ông: Khi sang thế giới bên kia, anh có còn dắt tay em đi như bây giờ nữa không? Phải xa anh, em sợ lắm[17]. Ông nắm tay bà: Nếu còn tồn tại ở bất cứ thế giới nào, anh vẫn mãi dắt tay em[18].
Năm 2009, bà Mứt ra đi mãi mãi, để lại trong lòng người lính già Bùi Phan Kỳ một khoảng trống mênh mông. Trong nỗi niềm tiếc thương người bạn đời, ông đã làm đôi câu đối viếng bà:
Chín đợi mười chờ, một nách năm con sao trụ vững?
Một nhà nhiều mối, ba chìm bảy nổi vẫn chu toàn.
Bảy mươi tám tuổi đời, bốn bảy năm tuổi Đảng, chẳng liệt nữ cũng xứng vì trung hiếu,
Năm mươi lăm năm làm vợ, mười một năm thay chồng gánh vác, không anh thư cũng đáng mặt đảm đang[19].
Đã bảy năm kể từ ngày bà qua đời, căn phòng của ông bà vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Hình ảnh người vợ hiền dịu với giọng nói trầm ấm vẫn in đậm trong tâm trí của ông. Ông chia sẻ: Nhớ về vợ là nhớ về một người phụ nữ đã hi sinh cả cuộc đời vì chồng con, vì dòng họ nhà chồng. Vì thế, tôi thường nói với các anh em trong gia đình rằng, những người phụ nữ, những người con dâu cần được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, tôi không bao giờ phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, cũng như xem con dâu như con gái trong nhà[20]. Và ông vẫn giữ nguyên phong cách của người lính Cụ Hồ, tiếp tục cống hiến cho ngành Khoa học quân sự, tận tâm với hoạt động của Ban chấp hành dòng họ Bùi Việt
Bàn tay run run lật giở từng bức thư gửi cho vợ và các con trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng bức ảnh kỉ niệm gia đình, GS Bùi Phan Kỳ vẫn không khỏi xúc động. Chúng tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được cảm thấu phần nào chữ “tình” trọn vẹn nơi ông, người lính già đã 90 tuổi ấy.
Nguyễn Thị Hợp
* Giáo sư – Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ, chuyên ngành Khoa học quân sự, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu đường lối học thuyết quân sự, Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc Phòng.
[1] Nay là làng Bặt Chùa, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, thuộc Hà Nội.
[2] Ghi âm phỏng vấn GS Bùi Phan Kỳ, ngày 5-8-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[3] [4][6][7][11] [15][20]Ghi âm phỏng vấn GS Bùi Phan Kỳ, ngày 5-8-2016, tài liệu đã dẫn.
[5] Chính trị viên đang trong thời gian thực tập để trở thành Chính trị viên chính thức.
[8] GS Bùi Phan Kỳ,Thư gửi con gái Bùi Lệ Dung, ngày 18-12-1970, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[9] GS Bùi Phan Kỳ, Thư gửi vợ Nguyễn Thị Mứt, ngày 28-2-1968, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[10] [12]GS Bùi Phan Kỳ, Thư gửi vợ Nguyễn Thị Mứt, ngày 28-2-1968, tài liệu đã dẫn.
[13] GS Bùi Phan Kỳ, Thư gửi con gái Bùi Lệ Dung, tháng 18-12-1970, tài liệu đã dẫn.