“Trong khói bom…tôi vẫn xây”

Trong buổi làm việc đầu tiên với PGS.TS Trương Tùng vào trung tuần tháng 10 vừa qua, nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được biết, ông không chỉ là một kiến trúc sư mà còn đảm trách vị trí lãnh đạo Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội.

 

PGS.TS Trương Tùng nhớ về những đóng góp 

 trong thời kỳ đất nước khó khăn

Năm 1960, sau khi hoàn thành chương trình tại khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trương Tùng được cử sang Liên Xô học đại học. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh với đề tài “Thiết kế xây dựng nhà ở công nghiệp hoá tại Hà Nội” (1963-1966). Ông là người Việt Nam đầu tiên được học về kiến trúc xây dựng nhà trong điều kiện hiện đại. Về nước (1966) trong lúc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, nhiều khu nhà ở bị bom B52 tàn phá nên việc ông vận dụng những kiến thức đã học được ở nước ngoài là rất cần thiết. Với phương châm học đi đôi với hành, PTS Trương Tùng cùng đồng nghiệp và sinh viên tiến hành lắp ghép thử hai ngôi nhà hai tầng tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bằng quyết tâm vượt qua điều kiện khó khăn của chiến tranh, trong vòng 1 tháng các ông đã hoàn thành việc lắp ghép hai ngôi nhà hoàn toàn bằng phương pháp thủ công mà không có trang thiết bị chuyên dụng như máy cẩu… “Thời đó Mỹ rải bom làm nhà cửa, cây cối đều bị tàn phá, bay hết nhưng riêng hai nhà lắp ghép thì vẫn chắc chắn” – PGS.TS Trương Tùng chia sẻ. Sau khi hoàn thành, hai ngôi nhà lắp ghép được đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu nhà ở cho nhân dân. Theo thời gian, đến nay hai ngôi nhà lắp ghép đó vẫn còn tồn tại.

Đây là nhà lắp ghép bằng phương pháp thủ công đầu tiên của nước ta thời kỳ đó nên các nhà lãnh đạo như Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm, khen ngợi và động viên.

 Nguyễn Thị Phương Thúy