Trục lợi nghi lễ là xúc phạm văn hóa

LTS: Trong thời gian qua, dư luận đã lên tiếng về lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên với nhiều ý kiến trái chiều đến mức, người thì coi lễ hội đâm trâu là "man rợ, cần phải loại bỏ khỏi đời sống". Nhưng cũng có người cho rằng đây là tập tục tuyền thống thể hiện yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc cần phải lưu giữ và giới thiệu với bạn bè quốc tế. Nhằm rộng đường dư luận và đảm bảo tính khách quan, đa chiều, Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Huy, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia về vấn đề này.

Không có lễ hội đâm trâu, chỉ có lễ ăn trâu thôi…

– Thưa PSG, lễ hội đâm trâu đối với các tộc người Tây Nguyên thể hiện tín ngưỡng, văn hóa gì? Nói cách khác, tại sao lại có nghi lễ hiến sinh này?

– Trước hết tôi xin chia sẻ sự đồng tình với các nhà nghiên cứu Tây Nguyên là không hề có cái gọi là "lễ hội đâm trâu". Đó là một sản phẩm tạo dựng từ bên ngoài, của người Kinh và các cấp các ngành văn hóa du lịch, cũng như giới truyền thông (media). Đối với đồng bào Tây Nguyên, đó là các nghi lễ cúng Giàng, lễ bỏ mả (một nghi lễ liên quan đến tang ma), cúng bến nước, cúng rừng, trong đó có hiến sinh (đâm trâu mà người địa phương quen gọi là "ăn trâu", hoặc giết lợn, tùy quy mô của nghi lễ).

Vì vậy khi gọi "lễ hội đâm trâu" đã là một sản phẩm lai căng, biến một khía cạnh trong một chỉnh thể nghi lễ văn hóa thành một lễ hội, tức là đã rời xa nguyên gốc của văn hóa bản địa.

Bất cứ ai đã từng đọc bài viết về khóc trâu mà GS. Ngô Đức Thịnh sưu tầm được sẽ hiểu một cách thấm thía ý nghĩa của các lễ cúng Giàng, cúng bến nước, bỏ mả, cúng rừng, trong đó có đâm trâu. Bài khóc trâu nói lên tất cả ý nghĩa nhân sinh quan, triết lý sống, niềm tin vạn vật hữu linh, mối liên hệ khăng khít giữa con người và muôn vật trong văn hóa Tây Nguyên.

Người Việt khi cắt tiết gà, vịt, khi chọc tiết lợn, đều lẩm nhẩm khấn, 'Tao hóa kiếp cho mày', 'hóa sang kiếp khác nhé', đó cũng là một biểu hiện của niềm tin vào linh hồn.

– Dường như trên thực tế, lễ ăn trâu thể hiện niềm tin vạn vật hữu linh đã mất đi nhiều, bị thay thế bởi lễ hội ăn trâu phục vụ du lịch, nên khiến người xem không hiểu đúng về ý nghĩa của lễ ăn trâu?

PGS Nguyễn Văn Huy, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia

 

– Về những ý nghĩa tinh thần, nhân văn và sinh thái, về sự khác biệt giữa các nghi lễ của các dân tộc, trong đó có việc ăn trâu, các chuyên gia dân tộc học, lịch sử về Tây Nguyên đã phân tích rất rõ.

 

Những biến chuyển lịch sử và kinh tế, xã hội, chính trị và tôn giáo trong những năm gần đây đã tác động mạnh mẽ đến cuộc sống và văn hóa truyền thống, văn hóa của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, trong đó có nghi lễ ăn trâu. Từ khi thống nhất đất nước, chính quyền vận động từ bỏ các nền văn hóa và tín ngưỡng đa thần, theo cách gọi và hiểu thời kỳ đó vốn bị chi phối bởi tư tưởng duy vật tiến hóa đơn tuyến là những phong tục tập quán còn sót lại của thời nguyên thủy, mê tín dị đoan, lạc hậu và lãng phí, trong đó có ăn trâu và các lễ cúng liên quan đến nó.

Sau nhiều năm vận động, mà thực chất là cưỡng chế người dân buộc phải từ bỏ văn hóa của mình, hệ quả là gì? Một bộ phận người Tây Nguyên đã theo đạo Công giáo hoặc Tin lành (chứ không chỉ Tin lành). Đạo Tin lành cũng khuyên con người tiết kiệm, không uống rượu, không tin vào linh hồn, vì vậy không cúng ma, không cúng Giàng, và từ đó dẫn đến không đánh cồng chiêng (vì đánh cồng chiêng là gọi hồn lên) và không ăn trâu nữa (vì ăn trâu để cúng Giàng, cúng thần linh của núi rừng, v.v. chứ không phải đâm để mua vui).

Mặt khác vẫn có một bộ phận không nhỏ dân cư tuy không nhận đạo Tin lành nhưng cũng đã phần nào giảm bớt niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, do tác động của truyền thông đại chúng và của nếp sống hiện đại (như có giếng khoan, máy bơm có thể chủ động nguồn nước), của sự hủy hoại môi trường thiên nhiên do sức ép của di dân (không còn rừng thiêng, không còn rừng), v.v.

Không còn ý nghĩa gì cả ngoài sự giết trâu

– Theo PGS, sự biến đổi như vậy có thể coi là thuận chiều phát triển không? Do nhận thức của người dân Tây Nguyên hay do những yếu tố bên ngoài can thiệp khiến họ buộc phải biến đổi?

– Khoảng 2 thập niên trở lại đây, chính sách văn hóa có nhiều thay đổi, nhằm vào khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống (vốn đã bị chính các chính sách trước đó làm cho bật gốc và được thay thế), và biến truyền thống thành một thứ hàng hóa có thể mua bán được cho nền kinh tế thông qua du lịch.

Ngoài ra, còn một ẩn ý chính trị và tôn giáo vô cùng quan trọng. Trước tốc độ nhận đạo gia tăng của người Tây Nguyên, chính quyền địa phương cảm thấy cần phải có phản ứng lại, ngăn chặn, tìm mọi cách kéo ngược lại trào lưu tinh thần và sự xuống dốc niềm tin này. Việc vận động trở lại truyền thống đồng thời cũng nhằm mục tiêu khiến người dân xa đạo, bỏ đạo. Đó là mục tiêu được tuyên bố công khai ở nhiều cấp địa phương, đại ý cần phải khôi phục lễ hội truyền thống để đồng bào không theo Tin lành.

Nhiều địa phương, dưới danh nghĩa khôi phục cái gọi là không gian nghệ thuật cồng chiêng, đã cung cấp chiêng, hỗ trợ kinh phí, ép buộc người dân phải học và đánh chiêng (có tham gia học thì mới có tiền bồi dưỡng). Nhiều người đã thẳng thừng phát biểu không muốn học đánh chiêng vì không muốn gọi hồn lên nữa (đừng bàn đến nghệ thuật âm nhạc ở đây!).

Họ thực sự không muốn nữa cũng như họ không muốn cúng bến nước nữa vì đã có nước giếng khoan, không còn tin vào ma rừng nữa vì đã không còn rừng. Trong khi địa phương lại chủ trương khôi phục bến nước vì "muốn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống". Nhưng cán bộ văn hóa vẫn kiên trì vận động. Thế là các đội nghệ thuật cồng chiêng vẫn ra đời nhưng nhiều bộ cồng chiêng được cung cấp, bao cấp bởi kinh phí nhà nước được nhận rồi cất đi, họa hoằn mới dùng đến.

Trở lại với lễ ăn trâu. Tương tự như vậy, nhiều địa phương đã cấp kinh phí mua trâu, thậm chí các cơ quan cấp tỉnh cũng có thể tài trợ con trâu, v.v. và vận động người dân… đâm trâu trở lại. Chính người dân ở một số nơi không muốn đâm trâu nữa, vì họ không có nhu cầu làm lễ tạ ơn hay cúng Giàng, cúng thần linh nữa. Thế nhưng chính quyền vẫn cứ ép xuống, giao nhiệm vụ cho các đơn vị kết nghĩa (mà thực chất là quản lý, kiểm sát về an ninh) thúc giục thông qua các ràng buộc vật chất. Thế là lại đâm trâu.

Với những nhóm, khối cư dân vẫn tha thiết với văn hóa bản địa, vẫn duy trì niềm tin vạn vật hữu linh và tín ngưỡng đa thần, thì họ lại không được cử hành lễ cúng trước khi thực hành nghi lễ ăn trâu. Khi mở lại nghi lễ ăn trâu đầu tiên, người dân đề nghị phải được cúng cho đàng hoàng, vì đó mới chính là ý nghĩa trọng tâm, là cái hồn đích thực của sự kiện văn hóa, thì những người tổ chức lại không muốn cho cúng.

Vì các vị đại biểu có hiểu tiếng 'dân tộc' đâu, ai mà ngồi ngoài nắng chờ các cụ ngâm nga mãi các bài khóc kể ấy được, mà hội thì đông đến như vậy, loa đài ầm ĩ thế kia, ai mà nghe được một người lầm rầm khóc trâu! Thế là không cúng, chỉ còn đâm. Vì vậy nên không còn ý nghĩa gì cả ngoài sự giết trâu.

Tách việc nghi lễ ăn trâu ra khỏi bối cảnh tâm linh cộng đồng, tước đoạt tính thiêng nguyên gốc của nó, biến nó thành lễ hội, sân khấu hóa nó chỉ để mua vui, trục lợi, cũng là bất kính, cũng là xúc phạm tới văn hóa bản địa không khác nào dự một đám giỗ chỉ nhao vào ăn cỗ mà không thắp hương.

Lễ hội đâm trâu

Không thể nhân danh mình để phán xét cái khác mình

– Không ít người cho rằng, đó là sự man rợ, nhất là khi dân chúng xung quanh reo hò trước cái chết đau đớn của con vật? Nhất là với người Việt, con trâu được xem là biểu tượng muôn đời của nước Việt, của nền văn minh lúa nước, là hình ảnh tượng trưng của những cánh đồng, của làng quê…

– Đây là tư duy vị tộc (dân tộc trung tâm) và sự kiêu ngạo trong hành xử, gò ép giá trị và cảm xúc của dân tộc mình (nông nghiệp lúa nước) lên văn hóa, giá trị và tình cảm của dân tộc khác, với một không gian văn hóa hoàn toàn khác (nương rẫy, nếu có chỉ nuôi bò, lợn, muốn có trâu phải mua từ xuôi lên).

Triệt để chấm dứt mọi hoạt động của các cấp các ngành văn hóa và không văn hóa (các cơ quan cấp tỉnh kết nghĩa với từng địa phương) vận động, tài trợ cho các buôn làng tổ chức đâm trâu không ý nghĩa, không mục đích, phản truyền thống, chỉ là một tiết mục nhằm mua vui cho người Kinh, cho du lịch hay báo cáo thành tích (là đã có các hoạt động giao lưu với cộng đồng địa phương) trong các kỳ cuộc kỷ niệm các ngày lễ quốc gia.

Người ta còn kết luận, khi con người đã độc ác với súc vật, quen với máu đổ thì sẵn sàng xin "tý tiết" đồng loại mà không thấy ghê tay. Những trẻ nhỏ lớn lên trong môi trường lễ hội đầy máu ấy dễ thành những người vô cảm trước sự đau đớn của giống nòi. Lập luận như vậy có đúng không?

– Lập luận như vậy là thiếu hiểu biết và thiếu văn hóa. Nếu để cho các em hiểu theo chiều hướng như vậy và có những cảm xúc như vậy mà không chỉnh nắn lại cho đúng hướng, tức là đã làm ngơ, khuyến khích cho các em lối tư duy vị tộc (dân tộc trung tâm). Đó mới chính là cái gốc của sự khinh miệt, kỳ thị, phân biệt đối xử với sự khác biệt, từ đó dẫn đến vô cảm, hoặc trong tình huống mâu thuẫn sẽ dẫn đến bạo lực. Cái gốc chính là thiếu hiểu biết và thiếu sự đồng cảm, hoặc thiếu sự thấu cảm, mà đặt mình vào trọng tâm, cho mình là đúng, là hơn, cảm xúc của mình chi phối mọi tình huống.

Người dân Tây Nguyên có tấm lòng nhân hậu và tình yêu thương con người, thiên nhiên và muôn vật cũng như bất cứ một dân tộc nào khác trên thế giới.

– Ở Việt Nam còn có lễ chém lợn, lễ hội chạy lợn, lễ hội chọi trâu… Liệu tính chất "đẫm máu" và bạo lực của mấy lễ hội này có thích hợp với hiện tại và trong xu thế hội nhập, khi thế giới luôn kêu gọi con người hãy sống hiền hòa, nhân bản, nền văn minh trong thế kỷ 21 tôn trọng tất cả sự sống trên trái đất?

– Tôi xin nhường lời bình luận về các nghi lễ của người Việt cho các chuyên gia nghiên cứu về người Việt. Theo tôi cho dù là nghi lễ ở bất cứ một cộng đồng nào cũng phải được nhìn nhận từ góc độ của chính người trong cộng đồng đó, không áp đặt, gán ép các ý nghĩa, giá trị, cảm xúc từ bên ngoài vào, bất luận nhân danh nào.

Tương tự như vậy, nếu không hiểu và chấp nhận được mối dây kết nối giữa linh hồn con người và hồn trâu, với vạn vật sinh linh, cây cỏ, đá, núi, v.v., với thế giới trong văn hóa bản địa Tây Nguyên, thì sẽ chỉ nhìn thấy khía cạnh bạo lực. Vì vậy cần phải hiểu như một người trong cuộc, từ đó mới có thể trân trọng văn hóa của người khác.

Tôi xin đề xuất…

– Nên chăng nếu đó là phong tục, là truyền thống của dân tộc nào thì chỉ tiến hành trong phạm vi dân tộc ấy, không quảng bá rộng rãi?

– Tôi đề nghị chúng ta nên: Bỏ từ "lễ hội" ở đằng trước (vì đó chẳng phải lễ mà cũng chẳng phải hội), đó là ngày Cúng Giàng, ngày bỏ mả. Cần phải trả lại cho những nghi lễ của cộng đồng đúng tên của nó như chủ thể văn hóa của nó sử dụng.

Chỉ cộng đồng nào thực sự muốn làm lễ cúng Giàng hoặc tiến hành lễ bỏ mả (xuất phát từ nhu cầu tự thân của họ, đối với các cộng đồng tiếp tục duy trì tín ngưỡng vạn vật hữu linh) và phải do họ tự vận động, tự tổ chức, mới nên tiến hành.

Triệt để chấm dứt mọi hoạt động của các cấp các ngành văn hóa và không văn hóa (các cơ quan cấp tỉnh kết nghĩa với từng địa phương) vận động, tài trợ cho các buôn làng tổ chức đâm trâu không ý nghĩa, không mục đích, phản truyền thống, chỉ là một tiết mục nhằm mua vui cho người Kinh, cho du lịch hay báo cáo thành tích (là đã có các hoạt động giao lưu với cộng đồng địa phương) trong các kỳ cuộc kỷ niệm các ngày lễ quốc gia.

Triệt để chấm dứt việc tổ chức 'lễ hội' đâm trâu ở các sự kiện văn hóa khu vực quy mô lớn, vì đó là sân khấu hóa văn hóa, cũng chỉ là một tiết mục được "hàng hóa hóa" để thu hút khách du lịch. Hay nói các khác là giả văn hóa mà phản tác dụng vì không những không nêu bật lên được cái đẹp và giá trị nhân văn của lễ Cúng Giàng, lễ bỏ mả trong đó có đâm trâu mà ngược lại, khuyến khích những cảm xúc vị tộc, những ác cảm, thành kiến sai lầm do công chúng không có đủ thông tin về "lễ hội".

Lại chưa được chuẩn bị đúng đắn về tâm thế (sự hiểu biết và lòng tôn trọng sự khác biệt), tương tự như nhiều bình luận trên các phương tiện truyền thông. Việc tổ chức như vậy là hoàn toàn phản văn hóa, phản giáo dục.

Tôn trọng quan niệm của người dân địa phương, trao quyền tự quyết cho người dân địa phương tự quyết định. Triệt để chống xu hướng hàng hóa hóa văn hóa: Biến văn hóa thành hàng hóa, thành sảm phẩm bán cho du lịch.

Nâng cao nhận thức của giới truyền thông (báo chí, đài, vô tuyến truyền hình, v.v.) và giới kinh doanh du lịch về Chân và Giả trong việc này. Bảo vệ văn hóa địa phương khỏi sự xâm hại của truyền thông (media) thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng. Nâng cao nhận thức của công chúng về tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, bắt đầu từ nhà trường phổ thông, bậc mầm non tiểu học, những bài học đầu tiên về văn hóa địa phương mình và tôn trọng văn hóa các dân tộc.

– Xin cảm ơn PGS.

Khánh Linh

Nguồn: tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-05-truc-loi-nghi-le-la-xuc-pham-van-hoa