Trưng bày giải thưởng Hồ Chí Minh
-
Công trình Chèo
Năm 2017, công trình Trần Bảng - Đạo diễn Chèo của Giáo sư Trần Bảng, do Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành năm 2015 được trao giải thưởng Hồ Chí Minh bởi những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp Chèo của Việt Nam.
-
Công trình Bản đồ địa chất
Cụm công trình Bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1 trên 500.000 và Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1 trên 500.000 do Kỹ sư, Anh hùng lao động Nguyễn Xuân Bao, Kỹ sư Trần Đức Lương, Kỹ sư Trần Phú Thành và Tiến sĩ Lê Văn Trảo cùng hàng chục cộng sự thực hiện. Họ đến từ nhiều đơn vị: Tổng cục Địa chất, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Bắc, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam… Đây là những người có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu, tìm kiếm mỏ, lập bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam.
-
Công trình Đập ngăn sông
Các tác giả ở Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam gồm: Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Dụ, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Hòa, Tiến sĩ Trần Văn Thái, Thạc sĩ Thái Quốc Hiền, Thạc sĩ Trần Minh Thái, Tiến sĩ Vũ Hồng Sơn, Thạc sĩ Nguyễn Thế Nam, Thạc sĩ Phan Đình Tuấn đã sáng tạo hai công nghệ: đập trụ đỡ và đập sà lan, để sử dụng trong xây dựng các công trình ngăn sông, đặc biệt hữu ích cho đồng bằng sông Cửu Long.
-
Công trình Lâm nghiệp
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Thái Văn Trừng sinh năm 1917, mất năm 2004, quê Quảng Trị. Ông là người đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cấp bằng Tiến sĩ tại Liên Xô, 1963. Công trình Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam tập hợp các nghiên cứu của ông từ 1957 đến năm 1999, là một đóng góp quan trọng của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
-
Công trình động vật học
Giáo sư Đào Văn Tiến là một trong những người đặt nền móng xây dựng ngành sinh học Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên mô tả hai loài Voọc ăn lá: Voọc Hà Tĩnh và Voọc mào. Ông còn đề xuất xây dựng các khu dự trữ thiên nhiên, trồng rừng và bảo vệ rừng, giữ gìn và phát huy tài nguyên động vật hoang dã.
-
Công trình Hạt và phản hạt
Cụm công trình Nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao và phát hiện phản hạt hyperon sigma âm gồm 6 công trình, là thành quả say mê lao động khoa học của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ cùng các đồng nghiệp trong hàng chục năm làm việc tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô.
-
Công trình Dao động phi tuyến
Công trình Dao động phi tuyến của các hệ động lực là tập hợp 107 nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Đạo từ năm 1960 đến 2000. Công trình chứa đựng hàng loạt ý tưởng mới có giá trị khoa học cao, cống hiến to lớn cho sự phát triển của cơ học và toán ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực lý thuyết dao động ở cuối thế kỷ XX. Nó cũng đặt nền móng cho sự hình thành một trường phái nghiên cứu về dao động phi tuyến ở Việt Nam. Công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II năm 2000.
-
Công trình Tối ưu hóa
Giáo sư Hoàng Tụy sinh năm 1927 mất năm 2019, quê Quảng Nam. Ông là một trong những nhà toán học có công đầu trong việc xây dựng nền toán học Việt Nam, tâm huyết với sự phát triển khoa học giáo dục của đất nước. Bằng tình yêu toán học, đam mê cháy bỏng đưa khoa học phục vụ thực tiễn đã giúp Giáo sư Hoàng Tụy trở thành người khai sinh lĩnh vực mới của toán học: tối ưu toàn cục.
-
Công trình Vaccine phòng bại liệt
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hoàng Thủy Nguyên sinh năm 1929 mất năm 2018, quê Hà Nội. Ông được biết đến người đặt nền móng cho ngành sản xuất vaccine của Việt Nam với công trình Vaccine phòng bại liệt. Đồng thời, ông còn đào tạo các lớp kế cận để không ngừng phát triển sản xuất vaccine ở nước ta như vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine viêm gan B… Công trình được nhận giải Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
-
Cụm công trình Sốt rét và Penicillin
Cụm công trình Điều tra về muỗi sốt rét ở Việt Nam và Chế dung dịch Penicillin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp của Giáo sư Đặng Văn Ngữ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 1949 đến 1967 gồm hai mảng riêng biệt là điều tra muỗi sốt rét và điều chế dung dịch Penicillin.
-
Cụm công trình Nội khoa
Giáo sư Đặng Văn Chung sinh năm 1913, mất năm 1999, quê ở Đồng Tháp. Ông là cây đại thụ về nội khoa ở Việt Nam. Với cách khám, chữa bệnh dựa trên lâm sàng, ông đã phát hiện nhiều bệnh hiếm gặp, như bệnh giãn động mạch phổi bẩm sinh, hạ đường huyết do u tuyến tụy tạng, u tuyến thượng thận…
-
Công trình Cắt gan khô
Giáo sư, Anh hùng lao động Tôn Thất Tùng sinh năm 1912, mất năm 1982, quê Thừa Thiên Huế. Ông là Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông đã sáng tạo ra phương pháp cắt gan khô, một thành tựu có ý nghĩa bước ngoặt trong y học và được thế giới đánh giá cao.
-
Công trình Dược học
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi sinh năm 1919 mất năm 2008, quê Hà Nội. Ông là một trong số ít nhà khoa học nước ta được quốc tế vinh danh bởi đóng góp trong lĩnh vực dược học từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Ông được công nhận học vị Tiến sĩ ở Liên Xô (1968) mà không trải qua quá trình nghiên cứu sinh hay thực tập sinh.
-
Công trình Bản đồ đất
Công trình Điều tra - Phân loại - Lập bản đồ đất Việt Nam được thực hiện suốt 40 năm từ năm 1956 đến năm 1996 với sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Duy Thước, Giáo sư, Tiến sĩ Cao Liêm, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Cao Thái, Tiến sĩ Trần Khải, Kỹ sư Vũ Ngọc Tuyên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Tôn Thất Chiểu, Kỹ sư Đỗ Đình Thuận và hàng trăm cộng sự. Đây là các thế hệ đầu tiên xây dựng ngành Thổ nhưỡng Việt Nam và là những chuyên gia đầu ngành ở nước ta.
-
Trưng bày "Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam"
Ngày 29-8-2020, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình), Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức khai trương phòng trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam, với chủ đề Khoa học: Sáng tạo & Cống hiến. Đây là cuộc trưng bày đầu tiên về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam, được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Trưng bày có sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Liên hiệp các hội Khoa học & kỹ thuật Việt Nam.