Nhớ về cha mình, cố Giáo sư Trần Đức Sắc (GS Văn Tân), ông Trần Đức Hải cho biết: “ Với tầm hiểu biết rộng về lịch sử dân tộc, cụ thường xuyên là khách mời của các buổi thuyết trình, nói chuyện về các sự kiện, các nhân vật lịch sử. Dấu ấn của cụ còn lưu lại hầu hết các tỉnh từ Hải Phòng, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hòa Bình, Ninh Bình để nói chuyện về Đinh Bộ Lĩnh, Đệ tứ chiến khu Đông Triều, Tiền Giang,…”
Ông Trần Đức Hải (bên trái) và PGS.TS Nguyễn Văn Huy trong buổi làm việc
Tròn 25 năm kể từ khi Giáo sư Trần Đức Sắc về cõi lạc cũng là từng ấy năm, những tư liệu, hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng, khoa học của Giáo sư được các con gìn giữ nguyên vẹn tại căn nhà số 21 Hòa Mã, Hà Nội. Những cuốn nhật ký, bản thảo sách, bản thảo bài nghiên cứu, thư từ, ảnh tư liệu…. là minh chứng cho những hoạt động khoa học của Giáo sư.
Năm 2013 là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Trần Đức Sắc. Nhân dịp này, trong quá trình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm trọng thể này, gia đình đã cùng với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sắp xếp lại các tư liệu, hiện vật của Giáo sư để lại. Đây cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, đồng nghiệp và học trò cùng nhau nhìn lại những đóng góp của GS Văn Tân trong lĩnh vực khoa học cũng như hoạt động cách mạng.
Ông Trần Đức Hải đánh giá cao hoạt động nghiên cứu, sưu tầm của Trung tâm đối với các nhà khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội: "Công việc của Trung tâm đang thực hiện đã thức tỉnh cá nhân tôi và gia đình trong việc lưu giữ và bảo quản tư liệu, hiện vật. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào ý tưởng, mục đích và ý nghĩa công việc của Trung tâm đang thực hiện. Hy vọng rằng, gia đình chúng tôi có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình, trước hết cho cha tôi, sau là góp phần trách nhiệm lưu giữ Di sản của các nhà khoa học Việt Nam nói chung".
Trong những buổi làm việc tiếp theo, Trung tâm sẽ cùng với gia đình tiến hành vệ sinh phân loại bước đầu tư liệu hiện vật, kết hợp với công tác bảo quản và lưu giữ lâu dài khối tư liệu này của Giáo sư Văn Tân.
Lục Tiến Mạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam