Trung tâm sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với sự ủy thác, tin cậy của các nhà khoa học và gia đình

Thưa bà Tôn Nữ Ngọc Trân, bác sĩ Tôn Nữ Hồng Tâm và PGS.TS Phạm Văn Hội, đại diện gia đình GS Tôn Thất Tùng,

Thưa các vị đại biểu,

Thưa toàn thể các bạn,

Tháng Năm hàng năm, với những người làm công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân, những người hoạt động trong ngành Y tế cả nước, nhất là ở Hà Nội, là một tháng đặc biệt. Tháng đó người ta thường nhớ đến Giáo sư Tôn Thất Tùng, một người thầy của bao thế hệ thày thuốc, bởi tháng đó vừa là ngày giỗ vừa là ngày sinh của Ông. Cứ vào tháng Năm, những người bạn, những người đồng nghiệp, những học trò, cả các bác sĩ trẻ nhiều thế hệ sau này thường hành hương đến ngôi nhà số 9 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội, nơi ông đã sống, làm việc hơn 20 năm và cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng. Tôi muốn dùng khái niệm hành hương như để nói về sự trở về CỘI NGUỒN. Quả đúng vậy, ngôi nhà này như một điểm hành hương của những người thày thuốc bởi ở đó chứa đựng bao kỷ niệm của họ, của những người tiền bối của họ với những người thày từ GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng và sau này là GS Tôn Thất Bách. Nhiều bác sĩ, trong thời gian chiến tranh, đi chiến trường xa ở miền Nam như các bác sĩ Lê Cao Đài, Đồng Sĩ Thuyên, mỗi khi trở ra miền Bắc lại đến đây thăm và chia sẻ những trải nghiệm của mình với Thày. Những bác sĩ – học trò của Thày công tác ở các tỉnh xa xôi mỗi khi có dịp về Hà Nội không thể không ghé thăm Thày ở ngôi nhà này. Nhiều giáo sư, bác sĩ đi chuyên gia nước ngoài như GS Bửu Triều cũng đều hành hương về 9 Lê Thánh Tông mỗi khi có dịp. Nơi đây từng là nơi hội ngộ, là cầu nối với nhiều giáo sư từ Đức, Pháp, Mỹ, Italia để thiết lập, phát triển mối quan hệ khoa học và ngoại giao giữa nước họ với Việt Nam .

30 năm đã qua, kể từ ngày Ông ra đi, không gian của điểm hành hương đó vẫn dường như không hề thay đổi. Vẫn căn buồng ngủ nhỏ nhắn kê chiếc giường đôi của ông, vẫn chiếc tủ kính ấy, kệ sách ấy; chiếc máy điện thoại vẫn ở vị trí cũ bên cửa sổ… Ở đó có một căn phòng rất đặc biệt, là linh hồn của Không gian Tôn Thất Tùng. Căn phòng đó vốn là nơi làm việc của Ông gần như được giữ nguyên trạng. Chiếc bàn đầy sách vở, xung quanh tường là những giá sách cao ngút, những bức chân dung, bức tượng bán thân của Ông với các dáng vẻ khác nhau do nhiều họa sĩ khâm phục tài năng và đức độ của Ông mà vẽ với một tình cảm tha thiết cùng nhiều kỷ vật gắn bó với ông. Một bàn thờ giản dị, độc đáo, hiếm thấy tưởng niệm Ông đặt ngay trong căn phòng này nhưng thật gần gũi với những ai đến thắp nén hương, họ đều cảm nhận như chính sự gần gũi, thân tình của Ông với họ lúc sinh thời. Căn buồng đó, không gian đó đã trở thành một di sản không những của gia đình mà còn của cả những người làm ngành Y, của đất nước. Cảm ơn bà Vi Nguyệt Hồ, người bạn đời của Ông, cảm ơn con cháu của Ông, những người thân và đại gia đình của Ông đã chắt chiu, giữ gìn cẩn thận Không gian di sản và những di sản quý báu của GS Tôn Thất Tùng để cho đến ngày hôm nay, sau 30 năm, nhiều lớp thế hệ trẻ đến đây, như những bạn trẻ của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã có may mắn được đến đây, mà vẫn cảm thấy như Ông vừa ra khỏi căn phòng đang làm việc với đống tài liệu ngổn ngang của mình.

Tình cảm và sự trân trọng của gia đình luôn đầy ắp những ký ức, những kỷ vật của Giáo sư. Tuy nhiên thời gian khắc nghiệt cứ trôi đi. Sự bận bịu, bươn trải trong cuộc sống đời thường ở mỗi gia đình năm này sang năm khác đã không thể chống chọi với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, những côn trùng quái ác đã làm hao mòn và hủy hoại mỗi lúc một ít rồi trở nên không còn nhỏ nữa với di sản của GS Tôn Thất Tùng. Mỗi lần xử lý mối xông là một lần sách báo, tài liệu trên giá của GS lại bớt đi. Bà Tôn Nữ Ngọc Trân cho biết, ba bốn năm lần như vậy giá sách trở nên lỏng lẻo hơn, sự vơi đi trông thấy trên từng giá sách qua mỗi tháng Năm khi những học trò của Ông trở lại. Hàng ngàn tấm ảnh phản ảnh cuộc đời hoạt động khoa học và cuộc sống của GS nay chỉ còn khoảng 200 chiếc mà đa phần trong tình trạng bạc mầu đến khó nhận được gương mặt trong ảnh, nhiều tấm ảnh bị dính vào nhau do ẩm mốc. Biết là quý, là tiếc đấy nhưng lực bất tòng tâm, không cách gì cứu vãn được trong bối cảnh giữ gìn, quản lý những tài liệu, sách vở quý giá đó tại gia đình. Xót xa hơn, những cuốn sách, những cuốn sổ ghi chép của GS nhìn bề ngoài cảm thấy nguyên trạng hình hài nhưng quái ác thay, bên trong lại bị con đuôi dài gậm nhấm, đục khoét đến tan nát. Lại cả nhân tố con người cũng tham gia vào sự phá hại. Có những cuốn sổ tay của Giáo sư như cuốn Nhật ký ở Điện Biên, ai đó đã mượn rồi nó đã đi chu du thiên hạ một thời gian dài mà gia đình lúc sực nhớ không biết mất còn, may mắn thay, thế nào mà lại “trâu về Hợp phố”. Tình trạng này không chỉ ở nhà giáo sư Tôn Thất Tùng mà ở nhiều gia đình trí thức khác nữa.

Đúng dịp vào tháng Năm này, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của giáo sư, phu nhân của Giáo sư, bà Vi Nguyệt Hồ và gia đình giáo sư đã đặt trọn niềm tin vào Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam mà trao tặng toàn bộ các tài liệu viết tay, bản thảo, sổ tay của giáo sư, tất cả khoảng hơn 3000 đầu tài liệu. Gia đình đã ủy thác cho Trung tâm bảo quản và lưu giữ lâu dài hồ sơ những tài liệu cá nhân của Giáo sư.

Đây là một Bộ sưu tập cực kỳ quý hiếm của Quốc gia. Nó phản ánh toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp hoạt động khoa học của Giáo sư Tôn Thất Tùng, một nhà khoa học hàng đầu của đất nước. Thật vinh dự và xúc động khi được cầm trên tay, được tận mắt nhìn thấy nét chữ Ông viết trên các dạng tài liệu khác nhau thể hiện sự lao động khoa học nghiêm túc đến nhường nào. Từ những cuốn nhật ký, bản thảo hồi ký đến những ghi chép về kinh nghiệm mổ tim, mổ gan, về dioxin; những bản thảo bài viết, báo cáo khoa học, cuốn sách về phương pháp cắt gan… đã cho thấy từng bước đi, từng dấu ấn trong lịch sử cuộc đời của một nhà khoa học ở tầm cỡ thế giới hiếm hoi của đất nước.

Tiếp nhận những hồ sơ của giáo sư Tôn Thất Tùng Trung tâm chúng tôi không những vinh dự mà càng thấy trách nhiệm lớn lao của mình. Tình trạng tài liệu quá mỏng manh. Không ít cuốn sổ tay đã long gáy, đứt chỉ. Có tài liệu lúc tiếp nhận vẫn còn tổ mối, còn đang bị con đuôi dài tàn phá. Nhiều bản viết tay mực đã phai mờ trở nên khó đọc. Trung tâm sẽ có kế hoạch nhân bản ngay những tài liệu này với những kỹ thuật tốt nhất. Trung tâm không những, bằng nghiệp vụ của mình sẽ phải bảo quản tốt nhất bộ sưu tập độc đáo, quý giá này của Quốc gia mà còn làm sao phát huy được tác dụng rộng rãi của bộ hồ sơ này, làm cho từng trang hồ sơ trở nên sống động hơn. Chẳng hạn, nhiều sự kiện khoa học trên những trang viết gắn với cuộc đời của GS Tôn Thất Tùng khó có thể giải mã được nếu không có những người đồng nghiệp, những học trò thân cận của Giáo sư giúp đỡ. Cho nên sẽ phải nhanh chóng xây dựng được một nhóm cộng tác viên vốn gần gũi với Giáo sư mà tuổi đời của họ mỗi ngày một cao, sức khỏe ngày càng yếu đi, để thẩm tra lại tài liệu và ghi lại những câu chuyện kể gắn với những tài liệu, sự kiện khoa học liên quan. Vừa qua, khi tiếp xúc với GS Đặng Hanh Đệ chúng tôi đã thấy mở ra một triển vọng vô cùng tươi sáng để soi dọi vào những trang hồ sơ bản thảo của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Những câu chuyện của GS Đặng Hanh Đệ kể về GS Tôn Thất Tùng, về mỗi chi tiết trong bài viết hay ý tứ của Ông khi đưa tên con trai mình, bác sĩ Tôn Thất Bách, là đồng tác giả một bài báo sau chuyến một đi biểu diễn tại Thụy Điển, đã làm sống động Hồ sơ Tôn Thất Tùng.

Từ Hồ sơ của Giáo sư Tôn Thất Tùng, chúng ta có thể và cần phải sớm nghĩ đến một cuộc Trưng bày riêng về Cuộc đời nhà khoa học Tôn Thất Tùng. Làm được điều đó sẽ là một hoạt động giáo dục rất tốt cho thế hệ trẻ, sẽ thúc đẩy niềm tự hào của dân tộc vì có những người con đã vươn lên chiếm lĩnh được đỉnh cao của khoa học. Tôi được biết Bảo tàng Văn hóa Huế, quê hương của Giáo sư, sẽ sẵn sàng tiếp nhận cuộc Trưng bày như vậy.

Rất nhiều việc phải làm và có thể làm để giữ gìn và phát huy giá trị của hồ sơ di sản khoa học này. Đó là trách nhiệm đã đặt lên vai Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và đơn vị chủ quản – Công ty Công nghệ và xét nghiệm y học (Medlatec).

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn gia đình Giáo sư Tôn Thất Tùng. Chúng tôi hứa với gia đình GS Tôn Thất Tùng, Trung tâm sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với sự ủy thác, tin cậy của gia đình khi trao toàn bộ di sản viết tay và nhiều hiện vật quý của Giáo sư cho Trung tâm. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi với nền Y học Việt Nam, với Đất nước và Dân tộc của chúng ta.

Xin cảm ơn.

Hà Nội ngày 27-5-2012

PGS.TS Nguyễn Văn Huy