Hai cuốn sổ tay nhỏ, bìa đỏ, do Trung Quốc sản xuất: cuốn dày hơn 100 trang, khổ 10x14cm ngoài bìa viết: “1951 Coreé”; cuốn 200 trang, khổ 10x15cm ngoài bìa viết “1951 China”. Cả hai đều được GS Tôn Thất Tùng viết kín từ trang đầu đến trang cuối. Thời gian sớm nhất được ghi là ngày 28/7/1951 và ngày kết thúc là 21/10/1951. Nội dung ghi chép phần lớn là về các kinh nghiệm phẫu thuật, xử lý các bệnh dịch và vết thương trong chiến tranh và chủ yếu bằng tiếng Pháp. Những nơi ông đã tham quan học tập được ông ghi cẩn thận trên hai trang đầu cuốn sổ ghi chép ở Trung Quốc (1951 China), gồm: Bộ Vệ sinh phòng dịch, Hiệp Hòa Y học viện, Bắc Đại Y học viện, Sinh học chế phẩm giám định Sở Nghiên cứu, Sinh học chế phẩm nghiên cứu Viện, Trung nông V.S nghiên cứu. Trên cơ sở những ghi chép trong nhật ký, hơn 20 năm sau (năm 1978) GS. Tôn Thất Tùng có phát triển về vấn đề này trong hồi ký “Đường vào khoa học của tôi” như sau: “Năm 1951, tôi được cử đi trong đoàn anh Hoàng Quốc Việt sang thăm Trung Quốc và Triều Tiên… Ở Bắc Kinh, vào năm 1951, ngành y, đặc biệt là ngành mổ thật là vững vàng… Bệnh viện Hiệp Hòa, lần đầu tiên tôi xem mổ phổi và gây mê nội khí quản, một sự kiện mới đối với tôi…Ở bệnh viện Hiệp Hòa có một thư viện rất đầy đủ. Tôi xin vào đấy học luôn một tuần từ sáng đến chiều không muốn ăn cơm trưa nữa và nhờ đó, tôi đã lược lại kinh nghiệm mổ xẻ trong chiến tranh thứ hai. Sau này, nhờ các tài liệu ấy, tôi mới biết giải quyết các vết thương sọ não cho các thương binh ở Điện Biên Phủ” [1] Các ghi chép tại Bệnh viện Hiệp Hòa được ông đánh dấu trong sổ từ trang 29 đến 38 với phần mở đầu “Hopital Hiệp Hòa. 4.VIII.1951”, phần ghi có cả các công thức và hình vẽ minh họa.
Trong quá trình tham quan học tập, GS. Tôn Thất Tùng đặc biệt chú trọng đến vấn đề đào tạo y, bác sĩ thời chiến. Ông dành tới ¼ cuốn sổ 200 trang để ghi chép về vấn đề này. Những chỗ quan trọng ông ghi khá chi tiết và đều đánh dấu “Tài liệu” ở cuối trang. Đọc kỹ những ghi chép, chúng tôi thấy kinh nghiệm của bạn có khá nhiều điều trùng hợp với kinh nghiệm đã được thực hiện ở Đại học Y của ta thời kỳ kháng chiến (1947-1954). Ví dụ như: “Phương pháp giáo dục: Bỏ phương pháp cũ: giáo điều chủ nghĩa (xa quần chúng, vô trách nhiệm), kinh nghiệm chủ nghĩa; áp dụng phương pháp giáo dục mới: Nghe – thấy – thực hành, phòng thí nghiệm nhiều hơn ở phòng học.” “Nguyên tắc nội dung: Cơ sở phải phục tùng lâm sàng; lâm sàng phải phục tùng sự cần thiết của khách quan. Thí dụ trong thời kỳ chiến tranh, phải phục tùng chiến tranh, hướng về thủ thuật chiến tranh.”[2]
Trung – Triều Nhật ký
Năm 1951, Trung Quốc mới hoàn toàn giải phóng, nhưng Triều Tiên vẫn đang ở thời kỳ chiến tranh ác liệt. Cuộc sống thời chiến của người dân Triều Tiên được ông mô tả trong nhật ký cũng giống như cuộc sống mà người dân Việt Nam phải chịu đựng trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ sau này: “22.8.1951. Sáng 3 giờ, a.Đạm [Nhà báo Quang Đạm- Tác giả (tg)] thức dậy bảo sửa soạn đi thăm Bình Nhưỡng…Kinh nghiệm của anh em T.T [Triều Tiên-Tg.] cho biết rằng Mỹ thường nghỉ [ném-Tg.] bom từ 4 giờ đến 8 giờ. Thành ra đi B.N [Bình Nhưỡng- Tg.] là một việc tối bí mật…Sáng sớm T.T đẹp lắm. Mát và đẹp. Độ 1 giờ sau đến ngay B.N. Không còn một cái nhà nguyên vẹn nữa, trong một thành phố trước kia là 800.000 [dân- Tg.] nay chỉ còn hơn 200.000. Nhưng ở vào đâu? Đi qua mấy đống gạch, thấy chị em, con nít T.T vừa thức dậy. Một hai xe đưa 3,4 em bé đi tản cư, trái lại cũng thấy một số người hồi cư, hay hôm qua Mỹ ném bom rất dữ! Chính phủ, cơ quan cứ ở lại chỗ làm việc, công xưởng cứ chạy. Người ta ở dưới hầm; ở ngoại ô còn buôn bán, nhưng phòng trú ẩn rất sơ sài. Đến một quãng đường, có báo động: dân chúng rất bình tĩnh, cứ phớt ngó lên không: có hai máy bay phản động lực đi qua trời, để hai đường khói trắng song song. Dân rất có kinh nghiệm: nhận máy bay, hướng đi, xong rồi mới chạy trú ẩn. Như có một tin tưởng chắc chắn ở các đội phòng không. Sự sống mạnh hơn sự phá hoại…” [3]
Một trang trong cuốn Nhật ký đi Trung Quốc, 1951
Bày tỏ sự chia sẻ, thán phục với sức chịu đựng của người dân nơi đây, GS. Tôn Thất tùng viết trong nhật ký: “S [sáng-Tg.] 2.9.1951. Hôm 1.VIII. 51 đi thăm một trường học cô nhi chiến tranh. Đi ban đêm. Trời hơi lạnh. Anh Việt không đi, tôi thay mặt trưởng đoàn. Một đại biểu em bé đọc diễn văn. Liên hoan các em múa, tặng hoa… Mặt các em buồn. Chăm sóc còn thiếu hơi tay người mẹ hiền. Buồn…. Lúc ở cô nhi viện về, đi trên đường gặp 2 nhà bị bom đổ: chắc có người chết. Nhưng ở T.T: người bị thương không kêu, người sống không khóc người chết. Rất là anh dũng: T.T chịu đựng rất đáng phục.”[4]
Rời khỏi Triều Tiên, ông đã ghi lại cảm tưởng của mình bằng bốn câu thơ:
“Ra đi thêm một mối sầu
Sáng Triều khuya Việt biết đâu là nhà
Mịt mù khói lửa đường xa
Trạnh lòng điệu múa nhịp ca bóng người.
5.IX.51”[5]
Xa đất nước và công việc lâu ngày, ông thấy sốt ruột. Trong Hồi ký “Đường vào khoa học của tôi”, bạn đọc có thể thấy ông thể hiện nỗi nhớ nhà thật lãng mạn: nhớ nhà, nhớ màu lá rừng bị nắng cháy, nhớ những dòng sông xinh đẹp của Việt Nam, nhớ những mảnh ruộng nhỏ ở sườn đồi Tây Bắc [6]. Qua Nhật ký, ta thấy ý thức về trách nhiệm cao cả với đất nước khi ông viết về niềm mong ước được trở lại với công việc của mình: “Bao giờ mới trở về công tác ở nhà. Nhận thấy mình có ích ở nhà hơn ở đây. Trường ra sao? Mổ xẻ cho bộ đội ra sao?"[ 7]
Cuốn sổ ghi chép ở Triều Tiên kết thúc vào ngày 21.9.1951; còn cuốn sổ ghi chép ở Trung Quốc kết thúc vào ngày 21.10.1951. Nhưng theo Hồi ký của ông thì chuyến đi kéo dài đến tận Nô-en (tháng 12) năm 1951 [8]. Như vậy là phải 2 tháng nữa chuyến đi mới kết thúc, không biết ông có viết tiếp nhật ký của mình không? Nếu có thì những ghi chép còn lại ông viết vào đâu? Việc tìm hiểu những gì trong hai cuốn sổ mà chúng tôi may mắn sưu tầm được đã có bao điều thú vị. Và chắc chắn còn nhiều điều thú vị nữa nếu chúng ta có thể hiểu được cả 6 ngoại ngữ trong hồi ký, nhất là tiếng Pháp và am tường về ngành Y, bởi tác giả của bài viết này chỉ có thể đọc được 3 thứ tiếng: Anh, Nga, Việt và không biết gì về Y học. Với hiểu biết hạn hẹp của mình, xin chia sẻ cùng bạn đọc một vài điều thú vị khi tìm cách khám phá về hai cuốn sổ quý giá này.
Phạm Kim Ngân
____________________
[1] “Đường vào khoa học của tôi”, tr. 56 [2] Ghi chép tại Đại Y học Bắc Đại, 1951 China, tr.147-150 [3] Coreé 1951, tr. 45-46 [4] Như trên, tr. 86-87 [5] Coreé 1951, tr. 103 [6] “Đường vào khoa học của tôi”, tr.61 [7] Coreé 1951, tr. 116 [8] Theo “Đường vào khoa học của tôi”, tr. 61