Trung tướng GS.TS.Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tiến Bình
Trong cuộc đời con người có rất nhiều hoài bão và mơ ước. Nhưng khi ta bị bệnh tật, điều mơ ước duy nhất là sức khỏe. Ai là người sẽ giúp ta vượt qua bệnh tật, cưỡng lại định mệnh để tìm về cuộc sống? Không ai khác, chính là đội ngũ y-bác sĩ đang miệt mài ngày đêm giành giật lại sự sống mong manh, đưa con người trở về hạnh phúc bên gia đình.
Có nhiều bác sĩ luôn tâm niệm với nghề rằng: Khi người bệnh được cứu sống, cũng là lúc bác sĩ hạnh phúc nhất bởi công việc của mình đã vẹn toàn, hoàn thành được nhiệm vụ với mình, với đời. Một người mà chúng tôi gặp ấy là Trung tướng GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y.
Người nghệ sĩ miệt mài vẽ những “Chiếc lá cuối cùng”
Niềm hi vọng đó đã giúp ông thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật, cứu sống hàng ngàn thương binh trở về từ chiến tranh và rất nhiều người dân, mang lại cuộc sống bình thường nhưng là niềm hạnh phúc lớn lao đối với họ. Trong suốt nhiều năm, Ông đã mày mò nghiên cứu, ứng dụng lần đầu ở Việt Nam nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến của thế giới vào trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình để ngày một nâng cao chất lượng điều trị, cứu chữa người bệnh.
Bằng một chất giọng trầm ấm, Trung tướng GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tiến Bình kể: năm 2009, ông nhận nhiệm vụ của Nhà nước giao thực hiện một công việc cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đó là “Nghiên cứu và thực hiện ghép tim trên người từ người cho chết não”. Trước đó, không ít người ngần ngại về tính khả thi, về những khó khăn nhưng ông đã nhận. Ông nói truyền thống của ngành y về ghép tạng đã có rồi từ lâu rồi. Ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, các thầy thuốc lớp trước đã lần đầu ghép thận thành công ở Việt Nam vào năm 1992, rồi ghép gan vào năm 2004, để bây giờ hàng trăm ca ghép được thực hiện thường xuyên ở nhiều bệnh viện trong cả nước. Mặc dù vậy, ghép tim lại có những đặc điểm khác, những khó khăn khác. Ai sẽ là người bệnh đầu tiên dám tin tưởng nằm lên bàn mổ để các thầy thuốc cắt bỏ quả tim của mình và thay vào đấy một trái tim khác? Và ai là người đầu tiên đồng ý hiến tặng trái tim của mình? Hàng trăm câu hỏi khác nữa được đặt ra nhưng không dễ trả lời. Thế mà chỉ mười tháng sau khi nhận nhiệm vụ của Bộ KH-CN giao cho, ông đã cùng tập thể các thầy thuốc của Bệnh viện 103 Học viên Quân Y hoàn thành cái việc “Vạn sự khởi đầu nan” đó một cách mỹ mãn để có người nói rằng Bệnh viện 103 Học viện Quân y là nơi đã ba lần “Lĩnh ấn tiên phong”. Phải chăng đó là một niềm vinh dự và rất đáng tự hào.
Ông khẳng định khi đã làm được ca thứ nhất rồi thì sẽ làm được ca thứ hai, một nơi làm được thì sẽ nhân rộng ra nhiều nơi làm được. Ông nói những thành công như thế giúp đúc kết được nhiều bài học quý giá. Vẫn biết, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở ta còn khiêm tốn so với các nước tiên tiến, vẫn biết sự phát triển giữa các chuyên ngành còn chưa được đồng đều, nhưng một khi chúng ta có quyết tâm, có kế hoạch khoa học, có công tác tổ chức tốt, có sự đồng thuận, ủng hộ của bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế và làm việc chăm chỉ với tinh thần trách nhiệm cao. Dám nghĩ, dám dàm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm và quyết thắng thì có thể làm nên những điều kỳ diệu. Lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam ta là thế và thế hệ hôm nay xứng đáng là con cháu Lạc Hồng.
Thành công của ca ghép tim đã giúp cho đội ngũ thầy thuốc tự tin hơn vào chính mình, nhận thức của cộng đồng cũng dần dần nhân ái hơn, văn minh hơn. Cứ như thế nhân lên là cơ sở để tin rằng sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng sẽ ngày càng tốt hơn. Ca ghép tim đầu tiên vào ngày 17-6-2010, ở Bệnh viện 103 Học viện Quân Y cho đến Tết này mới được hơn 1 năm, vậy mà đã có mấy nơi ghép thành công như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện TW Huế. Điều đáng nói là đội ngũ các thầy thuốc Việt Nam đã thực hiện độc lập, không có sự trợ giúp của đồng nghiệp quốc tế. Những dấu hiệu đáng mừng nữa là số người đồng ý dâng hiến tạng cũng phổ biến hơn. Đấy là một dấu hiệu rất đáng mừng.
Giáo sư Nguyễn Tiến Bình tâm sự: – Phải ở trong nghề, phải hàng ngày tiếp xúc với người bệnh mới thấy được nỗi đau nhân thế, cay nghiệt, oan ức nhiều khi đến tột cùng. Cái danh sách bệnh nhân suy tim trong tay tôi đây, cứ vơi dần đi sau một vài tuần các bác sỹ của khoa tim mạch gọi bệnh nhân đến để khiểm tra. Họ là những người đang sống trong tuyệt vọng, biết là sẽ chết bất cứ lúc nào, cái chết đã đến rất gần vô phương cứu chữa mà không biết làm thế nào. Những con người ấy từng giờ, từng phút hối thúc lương tâm đội ngũ thầy thuốc chúng tôi. Hình ảnh “chiếc lá cuối cùng” không thể rụng là niềm hy vọng và khắc khoải chính là động lực thúc đẩy chúng tôi phải đẩy nhanh tiến độ mọi công việc.
Ông nói rằng việc đặt vấn đề xin bộ phận trên cơ thể người đã khuất với gia đình nạn nhân là việc mà xưa nay chưa hề có, nhất là trong quan niệm của người phương Đông. Khi tình thương của con người còn giới hạn, chưa vươn khỏi tầm phát triển của xã hội, vẫn ẩn chứa trong từng con người tâm lý là phải chết “toàn thây”. Ông đã kiên trì tiếp cận, vận động với một niềm tin rằng lòng nhân ái của con người sẽ tăng lên khi họ thấy cái chết không mong muốn của một người nhưng lại đem lại cuộc sống hạnh phúc cho rất nhiều người khác. Nỗi buồn sẽ vơi đi và niềm vui sẽ nhân lên, đó là bản chất của lòng nhân ái, yêu thương con người và đó cũng chính là bản chất của người Việt Nam. Một cái chết không mong muốn bỗng dưng trở nên rất có ý nghĩa khi cái chết đó lại cứu được nhiều người.
Trung tướng GS, TS Nguyễn Tiến Bình nở nụ cười, nhẹ nhàng thổ lộ: – Thành công của ca ghép tim lại một lần nữa khẳng định rằng đội ngũ thầy thuốc Việt Nam có thể làm được tất cả những gì mà các thầy thuốc trên thế giới làm. Hãy tin vào trí tuệ và nội lực của chính mình, hãy tìm bằng được nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém và cả những tệ nạn để mà khắc phục và hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho đội ngũ cán bộ nhân viên trong ngành y để nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đạt được kết quả tốt nhất. Nhân dân ta cần và xứng đáng được chăm sóc chu đáo.
Ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh do Học viện Quân y cung cấp
Đến với ngành y bằng niềm đam mê, bác sĩ quân y trẻ tuổi Nguyễn Tiến Bình đi theo chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình đã có mặt ở nhiều nơi, ở những trạm phẫu thuật tiền phương trên đất bạn Campuchia, biên giới phía Bắc, các bệnh viện tuyến trước… nhiều đêm thức trắng bên các thương binh, bệnh binh và người bệnh. Những đêm đó, ngày đó bàn tay của ông đã khéo léo lách lưỡi dao kỳ diệu, mang lại khát khao, hạnh phúc cho bao nhiêu người: Đó là sức khỏe và đó cũng là hạnh phúc!
Giờ đây, trên cương vị Giám đốc Học viện Quân y, là người thầy của nhiều thế hệ sinh viên, ông luôn luôn say mê truyền thụ cho họ lòng nhiệt huyết phải có, cần phải có đối với một người làm nghề y-một nghề cao quý. Lối sống và cách làm việc của ông luôn khiến sinh viên hiểu rằng, đã lựa chọn ngành y cũng đồng nghĩa với đừng bao giờ đặt lợi ích kinh tế lên trên. Là người thầy thuốc thì hãy làm việc để trả nghĩa đời. Ông nói về phía Nhà nước và toàn xã hội, những người thầy thuốc chân chính phải được tuyển chọn đặc biệt, được đào tạo đặc biệt, được sử dụng đặc biệt và được đãi ngộ đặc biệt song bên cạnh đó bản thân những người thầy thuốc cũng phải biết tu dưỡng, rèn luyện một cách đặc biệt suốt cuộc đời.
Ông còn nói rằng hiện nay người ta hay nói đến y đức, hay nói đến tình trạng tiêu cực trong ngành y đó là nạn “ăn cắp giờ công”, “phong bì” “quá tải”… không chỉ nói, người ta đã đưa cả lên sân khấu nữa. Ngành y đang bị chĩa mũi nhọn vào và điều đó làm cho rất nhiều thầy thuốc trong ngành y đau buồn. Theo ông thì nói đến y đức mà chỉ nói thế thôi chưa đủ mà cần phải nói đến lương tâm và lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm với người bệnh và tài năng. Người bệnh trăm sự trông chờ vào người thầy thuốc đem lại cuộc sống cho mình, biết ơn người thầy thuốc nhưng ngược lại người thầy thuốc cũng phải biết ơn lại những người bệnh đã đến với mình. Không có họ, mình làm sao trở thành người thầy thuốc giỏi được. Thử hỏi trong xã hội, ngoài mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, giữa thầy với trò còn có mối quan hệ nào thiêng liêng như thế.
Công việc của một người thầy giáo, thầy thuốc, nhà quản lý khiến ông luôn bận rộn. Quanh bàn làm việc của ông là bộn bề hàng chồng luận văn, luận án. Ông thường nói đùa với học sinh của mình rằng: “Là người mắc nợ như Chúa Chổm” nhưng với bạn bè ông hay đùa “Chỉ thích chơi với người bận, không thích chơi với những người nhàn rỗi”. Ông nói rằng “nợ” học trò nhưng thực ra là “nợ” người bệnh bởi vì là ông là một người thầy thuốc.
Ông còn miệt mài “trả nợ” qua hàng trăm những công trình nghiên cứu khoa học, hàng chục đầu sách với mong ước góp một phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Xót xa trước mỗi mảnh đời đau khổ
Nhiều người bất ngờ khi biết ông không chỉ là một người thầy hết lòng vì học trò, tận tụy với bệnh nhân, mà ông còn là một người rất yêu thơ văn, hội họa. Đó chính là cách mà Trung tướng GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tiến Bình nuôi dưỡng tâm hồn mình trước những áp lực của công việc. Một cuộc đời bất hạnh, một tai nạn thảm khốc bất chợt cướp đi cuộc sống của một con người đều tác động mạnh mẽ tới ông, đã có những bài thơ ra đời sau mỗi ca mổ; những bài thơ xuất hiện khi thấy một người thương binh mù hai mắt, cụt hai chân mà vẫn cầm đàn hát lạc quan ca ngợi cuộc đời.
Nếu ai đã từng đọc chùm truyện ngắn “Đêm dài qua” của ông, hẳn sẽ ngạc nhiên bởi lối viết văn của một người thầy thuốc mặc áo lính không hề khô khan như quân lệnh, mà chan chứa xúc cảm và đầy tính nhân văn. Đó là những rung động từ trong sâu thẳm tâm hồn của người lính đã từng trực tiếp chiến đấu ở chiến trường gian khổ, nay vẫn tiếp tục hàng ngày đối mặt với những tình huống sinh tử của con người.
Một người thầy thuốc có tâm hồn, xót xa trước mỗi thân phận sẽ luôn có ý thức nâng niu, trân trọng cuộc sống của con người. Một người thầy giáo luôn ý thức mình là tấm gương để học trò soi vào; người thầy có lối làm việc công bằng, lối ứng xử giàu tính nhân văn và đúng mực sẽ giúp người thầy thuốc tương lai nhìn nhận con người bằng một con mắt khác. Một xã hội mà ai cũng biết suy tư, trăn trở, vui buồn với đời sống xã hội, với người bệnh… hẳn người bệnh đã vơi đi một nửa bệnh tật trước khi bước chân vào bệnh viện.
Theo Thu Hà/QĐND