Năm 1954, sau khi tốt nghiệp Ban chuyên tu ngữ văn ở trường Đại học Bắc Kinh, đặt trong Hoàng thành của Quế Lâm, Trung Quốc, chàng thanh niên Phan Tử Phùng được cử vào học tại trường Gang Thép Bắc Kinh, Trung Quốc. Bỏ qua năm thứ nhất, ông và ông Nguyễn Kế Bính (sau này là Chủ nhiệm Bộ môn Luyện kim đen, trường Đại học Bách khoa Hà Nội) vào thẳng năm thứ hai để học phần chuyên môn Luyện thép trong hai năm. Đầu năm 1957, khi đang thực tập ở Nhà máy Luyện thép Đường Sơn, hai ông được lệnh về công tác ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Buổi chiều trước lúc lên đường về nước, xe của nhà trường đưa các ông đến một nhà hàng sang trọng trong Siêu thị Đông An ở phố Vương Phú Tĩnh, Bắc Kinh. Đến nơi, ông nhận thấy sự có mặt của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam Hoàng Văn Hoan và Bộ trưởng Bộ Đại học Trung Quốc Dương Tú Phong. Bữa tiệc chiêu đãi tiễn sinh viên về nước, ngoài 3 khách mời Việt Nam còn có một sinh viên Tiệp khắc cũng tốt nghiệp về nước năm đó. Phan Tử Phùng băn khoăn rằng: Không hiểu sao lại có buổi tiệc long trọng như vậy với mấy vị khách sinh viên để hai vị đại sứ và bộ trưởng chiêu đãi tiệc ở tầm ngoại giao. Tiệc rất thịnh soạn, có rượu Mao Đài, có vịt nướng Bắc Kinh, mỗi vị khách còn được tặng quà lưu niệm. Ngay hôm sau, ông lên tàu tốc hành rời Bắc Kinh về nước. Đến Bằng Tường thì gặp sự cố, ông bị kẻ trộm lấy mất ví tiền và hộ chiếu, nên đành phải lên tàu quay trở lại Nam Ninh vài ngày để chờ làm hộ chiếu mới ở Lãnh sự quán Việt Nam ở Nam Ninh.
Đầu tháng 2 năm 1957, về đến Hà Nội, ông vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội tại khu Việt Nam học xá Đông Dương cũ ở phố Bạch Mai thì gặp đoàn gồm Hà Học Trạc[1], Bùi Duyên[2], Nguyễn Đình Tứ[3], Lê Thạc Cán[4]… học ở trường Đại học Chiết Giang, Trung Quốc cũng tề tựu tại trường. Ông Hoàng Xuân Tùy, Hiệu phó trường Đại học Bách khoa Hà Nội vui mừng đón các ông ở nhà F và giới thiệu từng người về các khoa. Ông Phan Tử Phùng và Nguyễn Kế Bính về khoa Mỏ- Luyện kim do ông Nguyễn Đức Thừa làm Chủ nhiệm khoa, ông Nguyễn Văn Chiển làm Phó chủ nhiệm khoa.
Hồi ấy trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 4 liên khoa: Mỏ – Luyện kim, Xây dựng – Kiến trúc; Cơ khí – Điện; Hóa -Thực phẩm và các bộ môn khoa học cơ bản: toán, lý, cơ học, ngoại ngữ, hình họa họa hình và vẽ kỹ thuật. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chọn mô hình của các trường Đại học Bách khoa ở Liên Xô làm chuẩn để thực hiện kế hoạch đào tạo kỹ sư theo chương trình 5 năm. Thời gian đầu, các khoa đều có một chuyên gia Liên Xô cố vấn về chuyên môn. Khoa Mỏ-Luyện kim có Giáo sư Tshunaép của trường Cơ khí Bauman ở Moskva giúp đỡ.
Ban đầu, nhà trường cũng chỉ lên kế hoạch giảng dạy cụ thể các môn năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba với số tiết học được phân bố cụ thể xuống từng khoa. Sau đó các khoa sẽ phân bố nội dung học tập phù hợp với số tiết đã được trường quy định để đảm bảo được lượng kiến thức cần truyền đạt cho sinh viên. Theo đó những giảng viên như ông Phan Tử Phùng sẽ soạn giáo trình giảng dạy và phân chia thời gian cho từng môn học cho đủ số tiết học lý thuyết, số tiết làm thí nghiệm. Vì lúc này có nhiều giáo viên được đào tạo ở các nước như Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Ba lan nên tên gọi các môn học cũng chưa được thống nhất, ví dụ có người gọi là môn sức bền vật liệu, sức cản của vật liệu, sức kháng vật liệu…Sau một thời gian, khi các giáo viên đã có sự trao đổi, bàn thảo với nhau nhiều hơn thì tên gọi môn học mới được thống nhất. Các năm học tiếp theo thì vẫn chưa có kế hoạch giảng dạy cụ thể vì chưa có giảng viên phụ trách, nội dung môn học chưa được thống nhất. Cho đến khi học xong 3 năm đầu, thì lúc đó mới hình thành các môn học hai năm còn lại. Chuyên gia Liên Xô cũng chỉ sang giúp đỡ hướng dẫn trong vòng một năm rồi về nước.
Trong hai năm đầu, sinh viên các khoa đều học chung những môn khoa học cơ bản như: toán, lý, cơ học, ngoại ngữ, hình họa họa hình, vẽ kỹ thuật, kỹ thuật kim loại (phần gia công nóng). Ông Phan Tử Phùng được giao phụ trách giảng dạy môn Kỹ thuật kim loại.
Để biên soạn giáo trình môn học, giảng viên trẻ Phan Tử Phùng đã tìm đọc tham khảo tài liệu, sách của Nga, Trung Quốc, Pháp ở thư viện trường và thư viện trung ương. Chuyên gia Liên Xô cũng tư vấn cho ông những nội dung cần soạn, cách sắp xếp và thời lượng cụ thể của môn học. Bên cạnh đó, chuyên gia còn giảng mẫu một vài bài để cùng trao đổi, thảo luận, giải đáp những thắc mắc.
Buổi trao đổi, thảo luận về bài giảng mẫu giữa chuyên gia Tshunaép (ngồi giữa, hàng bên trái) với các giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Phan Tử Phùng (thứ nhất, hàng bên trái), Chủ nhiệm khoa Nguyễn Đức Thừa (thứ 2, hàng bên phải ).
Giáo trình được viết tay, rồi đưa lên Giáo vụ để được đánh máy trên giấy nến (stencil), sau đó giảng viên phải tự kiểm tra, sửa chữa và đưa đi in ronéo thành nhiều bản.Giáo trình đó được phát cho sinh viên trước khi thầy lên lớp giảng bài. TS Phan Tử Phùng cho biết: Những kiến thức được đưa vào giáo trình là cơ bản, còn ở lớp thầy giáo sẽ giải thích ý nghĩa và những điều sinh viên chưa hiểu, đồng thời có mở rộng thêm kiến thức. Có tài liệu in ronéo, sinh viên nắm được kiến thức cơ bản, rồi hiểu sâu và rộng hơn qua bài giảng của thầy trên lớp, phương pháp này tránh được lối giảng thầy đọc, trò chép.
Mặc dù đứng trên giảng đường lớn với số lượng 50, có khi đến 75 sinh viên, nhưng ông không bỡ ngỡ vì khi còn ở trường Thiếu sinh quân, ông đã từng chỉ huy một trung đội, rồi lại về dạy học ở trường phổ thông cấp II Cẩm Vân, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh trong năm 1951. Khi giảng, ông thường tập trung vào những điểm chính trọng tâm và chú ý tìm những ý độc đáo và vui để kết thúc buổi học. Có hôm, sau giờ học cả lớp vỗ tay rào rào tán thưởng, rất vui vẻ.
Thời kỳ này ở trong trường để phân biệt giữa giáo viên với sinh viên không phải là ở độ tuổi của thầy, mà ở áo khoác ngoài màu trắng như áo blu của bác sĩ của các thầy, với tay cầm hộp phấn, tay cầm giáo án, hoặc các giáo cụ trực quan. Ngay từ khi trường mới thành lập năm 1956, Liên Xô đã giúp thiết kế xây dựng khu học tập mới của trường. Nhưng để đáp ứng nhu cầu cần phòng học ngay lúc đó nên nhà trường đã dựng tạm những ngôi nhà gỗ cấp 4 liền kề nhau. Dãy nhà này cạnh nhà F- nhà Hiệu bộ, phía dưới nhà F là một phòng để xe đạp của nhà trường, dành cho cán bộ mượn đi công tác. Ông Phan Tử Phùng và nhiều đồng nghiệp đôi khi sắp xếp khéo léo mượn xe vào chiều thứ 7 để cả ngày nghỉ chủ nhật có thể đi đây, đi đó. Bên cạnh, dãy nhà cấp 4 là khu nhà A, B, C, D[5]. Tầng dưới của khu nhà được cải tạo thành giảng đường có bậc từ thấp đến cao để người ngồi cuối cũng có thể quan sát trên bảng, tầng trên thì trở thành phòng thí nghiệm. Đây là giảng đường lớn nên nhà trường sẽ sắp xếp cho lớp học nào có khoảng hơn 50 sinh viên.
Lúc này, trường Bách khoa xây dựng được một hội trường bát giác có 250 chỗ ngồi gọi là hội trường 250, mà các ông thường nói vui là “Đền cụ Dạn”, vì ông Nguyễn Sanh Dạn- Chủ nhiệm khoa Xây dựng là người thiết kế và thi công. Hội trường được sử dụng để đón tiếp khách và tổ chức các buổi họp chung cho cả trường. Nơi đây đã vinh dự được chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều nguyên thủ nước ngoài đến thăm trường: như Tổng thống Sêcuturê (Ghi Nê); Thủ tướng Chu Ân Lai (CHND Trung Hoa); Hoàng thân Souphanouvong (Lào). Ngoài ra còn có các phái đoàn miền Nam như GS Nguyễn Văn Hiếu, nhà thơ Xuân Hồng cùng các Anh hùng chiến sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, các đoàn học sinh sinh viên quốc tế… đến thăm trường. Phía trước hội trường là sân xi măng được dùng làm sân bóng rổ. Giảng viên Phan Tử Phùng là người phụ trách Văn hóa- Thể dục- Thể thao của công đoàn trường nên thường mời cán bộ nhân viên sứ quán các nước như Liên Xô, Trung Quốc đến giao lưu chơi bóng rổ.
Khu nhà ở của sinh viên nam, nữ được dựng bằng nhà lá, và ở hai nơi riêng biệt. Vào những hôm giông, bão đều phải chằng bằng dây thép để không bị bay mất mái, nhiều sinh viên nam đến chơi khu nữ thường vấp phải dây này mà ngã đau. Tết năm 1957, Bác Hồ không báo trước đã thân hành đi thăm trường và nơi ăn, ở của nữ sinh viên.
Các giảng viên ở tập thể trong trường cùng nhau sinh hoạt rất gần gũi, vui vẻ như tắm ở bể nước chung, cơm được mua theo phiếu, mỗi suất có khoảng 3 miếng thịt, rau muống và khi ăn xong thì tự đi rửa bát.
Năm 1960, trường Đại học Bách khoa Hà Nội được tiếp nhận khu trường mới do Liên Xô giúp đỡ xây dựng với những trang thiết bị thí nghiệm mới. Các liên khoa, các bộ môn phát triển, tách dần ra thành các khoa, các bộ môn mới. Khoa Mỏ – Luyện kim tách ra thành: khoa Mỏ và khoa Cơ khí – Luyện kim; Bộ môn Luyện kim được tách ra thành: Bộ môn Luyện kim đen; Luyện kim màu; Gia công nóng (Đúc nhiệt luyện, Cán Rèn Dập) và giảng viên Phan Tử Phùng được bổ nhiệm làm Trưởng bộ môn Gia công nóng.
Năm 1960, để chuẩn bị kiến thức hướng dẫn cho những sinh viên làm đồ án tốt nghiệp, ông Phan Tử Phùng và ông Nguyễn Kế Bính được cử sang Học viện Gang thép Bắc Kinh, Trung Quốc trong nửa năm, chủ yếu học tập phương pháp luận trong hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp cho sinh viên. Ông đã đề nghị được nhà trường bố trí cho đi thực tập ở nhiều nơi để lấy số liệu: Nhà máy Thẩm Dương (Đông Bắc, Trung Quốc) và Lạc Dương (phía Tây tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Đồng thời, ông cũng đã chú trọng đến vấn đề đúc áp lực bằng kim loại như lấy tư liệu, xin những hiện vật…để về nước xây dựng bộ môn.
Năm 1961, với những kiến thức đã học được ở Trung Quốc, ông về nước hướng dẫn cho 5 sinh viên ngành Cơ khí làm đồ án tốt nghiệp kỹ sư. Cũng trong giai đoạn này, có một kỷ niệm ông không thể quên: Buổi chiều trước khi hôn lễ của tôi được diễn ra ở nhà hàng Thuận Bàng (ở phố Hàng Bông Ruộm- nay là phố Thợ Nhuộm), tôi vẫn bận bịu giải đáp và hướng dẫn cho sinh viên làm đồ án tốt nghiệp mà không thể hiện sự lo lắng vội vàng khi đang phải chuẩn bị đám cưới[6]. Năm 1967, sau 10 năm làm công tác giảng dạy và đào tạo những lứa kỹ sư Đúc luyện kim đầu tiên ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, giảng viên Phan Tử Phùng được điều động sang công tác đào tạo và quản lý ngành Luyện kim ở Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (tiền thân của Bộ khoa học và Công nghệ ngày nay).
Gắn bó với chuyên ngành Đúc luyện kim và tâm huyết với công tác đào tạo ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông vẫn tham gia hướng dẫn đề tài tốt nghiệp cho sinh viên và đề cương nghiên cứu cho nghiên cứu sinh. Ông là người đã biên soạn nhiều sách chuyên ngành và được xuất bản đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong học tập và nghiên cứu: Kỹ thuật đúc (NXB Giáo dục); Lò đúc và thiết bị phụ (NXB Khoa học và Kỹ thuật); Đúc gang (NXB Khoa học và Kỹ thuật); Đúc thép (NXB Khoa học và kỹ thuật); Từ điển kỹ thuật tổng hợp Nga- Việt (phần Luyện kim, NXB Khoa học và Kỹ thuật); Từ điển kỹ thuật giải thích Nga-Việt (phần Luyện kim, NXB Khoa học và Kỹ thuật); Từ điển Luyện kim Anh- Việt (NXB Khoa học và Kỹ thuật); Tiếng Anh khoa học (NXB Khoa học và Kỹ thuật).
Cho đến nay, những kỹ sư Đúc luyện kim được đào tạo từ những lứa đầu ấy vẫn giữ mối quan hệ rất tốt với những người thầy đầu tiên giảng dạy tại bộ môn Đúc luyện kim ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Riêng các kỹ sư khóa 5 (nhập trường từ năm 1960), đã 25 lần tổ chức gặp mặt thân mật với các thầy và với các bạn cùng tổ, cùng lớp. Và những kỷ niệm về trường Bách khoa thuở ban đầu vẫn luôn được nhắc lại với niềm vui pha lẫn tự hào.
Nguyễn Thị Phương Thúy
[1] GS.TS Hà Học Trạc sau là Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
[2] Bùi Duyên sau là Chủ tịch công đoàn trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
[3] GS.TS Nguyễn Đình Tứ sau là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
[4] GS.TS Lê Thạc Cán sau là Vụ trưởng Vụ khoa học và Sau đại học, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
[5] Khu nhà A, B, C, D là ký túc xá của sinh viên 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia được xây dựng từ năm 1938, trước đây lấy tên là Đông dương học xá, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đổi tên thành Việt Nam học xá.
[6] Phỏng vấn TS Phan Tử Phùng ngày 29-7-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt