Trường Đại học Nông nghiệp II và hành trình lịch sử

Tháng 8-1967, trường Đại học Nông nghiệp II được thành lập tại Việt Yên, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang). Dù có trụ sở đóng ở tỉnh Hà Bắc, nhưng đối tượng tuyển sinh chủ yếu của trường Đại học Nông nghiệp II là con em ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị[1]. Điều này thể hiện, ngay từ những năm đầu thành lập trường, Đảng và Chính phủ đã có tầm nhìn phát triển trường Đại học Nông nghiệp II là cơ sở đào tạo cho “mặt trận nông nghiệp” của khu vực miền Trung[2]. Theo GS Minh, định hướng này xuất phát từ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí lãnh đạo, do điều kiện chiến tranh, miền Trung lúc đó đang bị chia cắt,  mọi hoạt động học tập, đào tạo chỉ được triển khai từ bắc Vĩ tuyến 17 trở ra. Với khung cán bộ và sinh viên phần lớn là người miền Trung, là một sự chuẩn bị điều kiện thuận lợi khi đến ngày “toàn thắng”, thống nhất đất nước, đội ngũ này sẽ trở về  để kiến thiết, xây dựng lại quê  nhà.

Năm 1975, ông Trần Văn Minh tốt nghiệp khóa 4 ngành Trồng trọt trường Đại học Nông nghiệp II. Ông được giữ lại làm giảng viên, đồng thời ông được bầu làm Bí thư Đoàn trường. Cũng trong năm 1975, ông cùng đoàn công tác gồm cán bộ và sinh viên vào huyện Gio Linh và Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) để hỗ trợ khôi phục sản xuất ngành nông nghiệp.Nhiều đoàn công tác của trường thời điểm ấy đã vào tham gia phục hồi sản xuất ở huyện Phong Điền, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên). Hàng trăm sinh viên sau khi tốt nghiệp đã vào công tác tại các tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghĩa Bình[3], Phú Khánh[4], khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Sau năm 1975,, ở TP Huế, trường Trung học Đệ Nhị cấp Nông Lâm Súc[5] được tiếp quản và lãnh đạo của  Ban Giám hiệu mới do Trung ương cử vào. Trường được đổi tên thành Trường Trung học Nông Lâm Súc Huế. Ngày 3-11-1976, theo quyết định của Bộ Nông nghiệp, trường được đổi tên thành trường Trung cấp Nông nghiệp Huế. Tháng 12-1980, Chính phủ quyết định nâng cấp trường Trung cấp Nông nghiệp Huế thành trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế. Tháng 3-1982, ông Hoàng Đức Phương[6], lúc này đang công tác ở Viện Cây Công nghiệp được điều động vào Huế để giữ chức Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế.  Ngay sau khi đất nước thống nhất, Ban Xây dựng[7] của trường Đại học Nông nghiệp II được thành lập, có nhiệm vụ tìm kiếm, khảo sát các địa điểm ở khu vực miền Trung để chuyển trường. Đoàn khảo sát của Ban Xây dựng lần lượt tìm kiếm địa điểm ở các tỉnh miền Trung từ Nghệ Tĩnh (huyện Nghĩa Đàn và Nghi Xuân), Thanh Hóa đến Huế, Bình Định, Quảng Ngãi để chuyển trường vào Nam[8].

Cán bộ khoa Chăn nuôi – Thú y, trường Đại học Nông nghiệp II tại Hà Bắc năm 1983

(Ảnh tư liệu trường Đại học Nông Lâm Huế)

Qua nhiều năm khảo sát, tìm địa điểm, Ban Xây dựng trường Đại học Nông nghiệp II đã quyết định lựa chọn TP Huế – nơi đặt  trụ sở của trường Cao đẳng Nông Lâm Huế làm địa chỉ để sáp nhập, thành lập trường. Ngày 5-8-1983, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 213-CP chuyển trường Đại học Nông nghiệp II ở tỉnh Hà Bắc vào TP Huế, sáp nhập với trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế, để thành lập trường Đại học Nông nghiệp II – Huế. Theo ông Trần Văn Minh, khoảng thời gian sau năm 1975 là thời điểm thuận lợi để chuyển trường Đại học Nông nghiệp II vào miền Trung. Tuy vậy, điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, việc chọn địa điểm, cùng đội ngũ nhân lực và quá trình di chuyển phức tạp đã kéo dài thời gian chuyển trường vào Nam.

Quá trình di chuyển và sáp nhập rất khó khăn. Lúc này, trường Đại học Nông nghiệp II, Hà Bắc có 612 cán bộ, viên chức và 4 khóa sinh viên đang theo học. Trường có 20 phòng thí nghiệm, trang trại thực hành và khối lượng cơ sở vật chất tích lũy qua 16 năm. Trong khi đó, ở trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế có 250 người với 2 khóa sinh đang học, cơ sở chật hẹp, khó bề tiếp nhận một lúc số lượng lớn người và tài sản từ Hà Bắc chuyển vào. Cuối năm 1983, ông Trần Văn Minh cùng vợ, con và nhiều cán bộ đã lên đường di chuyển vào TP Huế. Ông kể, tôi lúc đó rất vui, không có gì lo lắng, vì vợ chồng tôi đều là người Quảng Bình[9]. Nay nhận quyết định chuyển trường, như được trở về với quê hương. Tâm trạng của ông Minh và gia đình lúc đó được nhiều cán bộ, giáo chức chia sẻ. Cùng với ông Minh, có các ông Phan Hòa[10] (quê Hà Tĩnh), Nguyễn Minh Hiếu[11], Lê Quý Minh (quê Nghệ An). Ngoài những cán bộ quê ở miền Trung, số người quê miền Bắc cũng được động viên lên đường vào Huế, một số người vì điều kiện gia đình nên xin chuyển công tác đến các cơ quan ở khu vực phía Bắc. Ông Minh nhấn mạnh, việc lựa chọn vào Huế hay chuyển công tác là hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc[12]. Cán bộ, nhân viên lúc đó được phép chọn lựa, quyết định đi hay ở. Nhiều cán bộ là người miền Bắc, với tình yêu nghề, gắn bó với trường nhiều năm cũng quyết định “xuôi tàu” vào Nam nhận nhiệm vụ mới. Có thể kể đến vợ chồng ông Vũ Thành[13]– bà Nguyễn Thị Đào (quê Hà Nam). Trong số 612 cán bộ, viên chức trường Đại học Nông nghiệp II, có 162 người theo trường vào thành phố Huế. Còn khoảng 150 người ở lại với trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp Trung ương[14] là đơn vị tiếp quản thay thế trường Đại học Nông nghiệp II. Khoảng 140 người chuyển công tác về Hà Nội, gần 160 người chuyển về các tỉnh Hà Bắc, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình.

Về công tác đào tạo, sinh viên khóa 14 được tổ chức thi tốt nghiệp tại Hà Bắc; Sinh viên khóa 15 và 16 được gửi đến một số trường  ở Hà Nội đào tạo tiếp tục. Đối với khóa 17 vừa tuyển sinh được chuyển thẳng vào Huế để khai giảng và học tập. Các khóa ở hệ cao đẳng tiếp tục ở lại Hà Bắc đào tạo đến lúc tốt nghiệp. Năm 1983, trong khi quá trình di chuyển diễn ra, trường còn tổ chức được hội thảo khoa học tại Huế. Hội thảo có sự góp mặt đầy đủ của đại biểu các tỉnh miền Trung nhằm giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của trường, bao gồm Trường Đại học Nông nghiệp II, Hà Bắc và trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế. Hội thảo đã gây được tiếng vang và sự ủng hộ của lãnh đạo các tỉnh miền Trung lúc đó.

Về quá trình chuyển trường Đại học Nông nghiệp II từ Hà Bắc vào thành phố Huế, theo dự kiến sẽ triển khai hình thức “cuốn chiếu”, thời gian là 5 năm. Nhưng lãnh đạo hai đơn vị đã quyết rút gắn quá trình chuyển trường với thời gian chậm nhất 3 năm để đảm bảo quá trình dạy và học được tiếp tục, vừa di chuyển, vừa sáp nhập và xây dựng bổ sung giảng đường, nhà làm việc, nhà ở, trại thực tập, đào tạo khóa cũ, chiêu sinh khóa mới và nghiên cứu khoa học kịp thời phục vụ sản xuất của các địa phương. Ông Trần Văn Minh kể, phương tiện vận chuyển để chở người và tài sản chủ yếu là ô tô và tàu hỏa[15]. Các máy móc, công cụ và trang thiết bị học liệu có khối lượng lớn được gửi lên khoang hàng hóa của tàu hỏa đưa vào Huế. Người và sách vở, tài liệu được vận chuyển bằng ô tô. Các chuyến tàu, xe tiếp nối nhau, đưa người và phương tiện từ Hà Bắc di chuyển vào thành phố Huế. Hàng trăm tấn vật tư, thiết bị được vận chuyển liên tục vào Huế để kịp thời phục vụ công tác đào tạo. Cùng với đó, trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế tiến hành xây dựng các dãy nhà làm nơi ở cho hơn 80 hộ gia đình từ Hà Bắc vào. Các khu nhà cấp 4 nhanh chóng được xây dựng, có công trình phụ, xây dựng đến đâu cán bộ chuyển vào ở đến đó. Việc tiếp nhận trang thiết bị, phòng thí nghiệm được nhà trường nhanh chóng triển khai tại các giảng đường tạm (nhà khung gỗ, lợp tôn xi măng, lấy ván gỗ làm vách ngăn). Có 20 phòng thí nghiệm, trong đó có ba phòng được trang bị đồng bộ theo chương trình VH-12 do Chính phủ Hà Lan viện trợ, quá trình vận chuyển và tiếp nhận ở Huế an toàn.

Bên cạnh việc tiếp nhận đầy đủ tài sản vật chất từ Hà Bắc, trường liên hệ và được HTX Hương Sơ, TP Huế nhường 5 ha ruộng lúa để làm trang trại thực hành và thí nghiệm tạm thời cho khoa Trồng trọt. Nhà trường cũng đã đề nghị tỉnh Bình Trị Thiên giúp đỡ, giao cho 50 ha đất của HTX Phú Ốc, thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà (cách TP Huế 15 km) để xây dựng trại thí nghiệm với quy mô lớn, lâu dài. Khu vực này có đất trồng lúa, gần đường quốc lộ, sau khi hỗ trợ người dân cất bốc mồ mả tại đây, nhà trường đã cho đào hồ, đắp đất, từng bước xây dựng nhà ở cho sinh viên và cán bộ. Cùng với đó, nhà trường đề xuất với tỉnh xây dựng khu cư xá tập thể bên cạnh trường để cán bộ, giảng viên thuận lợi trong quá trình giảng dạy và công tác. Với quyết tâm của toàn thể cán bộ, nhân viên hai đơn vị và sự ủng hộ của các đơn vị bạn, quá trình di chuyển và sáp nhập được thực hiện trong vòng 1,5 năm, đến cuối năm 1984 đã hoàn thành. Cùng năm, Bộ Nông nghiệp bàn giao trường Đại học Nông nghiệp II – Huế cho Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quản lý.

Ông Trần Văn Minh cho rằng, khu vực miền Trung là nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, là vùng đất bị chia cắt, người dân cần cù, chịu thương chịu khó[16]. Hạn chế của nông nghiệp miền Trung là không biết chọn trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Nếu như ở miền Bắc và miền Nam có hai đồng bằng lớn, thì địa hình miền Trung trải dài từ bắc xuống nam, có sông nhỏ và ngắn, núi ăn sâu ra biển, đất đai cằn cỗi. Trên một vùng đất vừa giải phóng, di chứng chiến tranh còn hiện hữu với những hố bom, mảnh đạn trên những cánh đồng đá sỏi. Vì thế, Trường Đại học Nông nghiệp II – Huế nhận lãnh vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, tham gia trực tiếp vào quá trình phục hồi và sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên thời hậu chiến.

Tháng 5-1988, trong một chuyến đi công tác các tỉnh phía Nam, Hiệu trưởng Hoàng Đức Phương và đoàn công tác bị tai nạn giao thông tại Phan Rang (tỉnh Thuận Hải)[17]. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của hai người, gồm ông Vũ Thành (Trưởng khoa Trồng trọt) và bác An (tài xế), thầy Hoàng Đức Phương và cô Nguyễn Thị Kinh (Hiệu phó) bị chấn thương. Vụ tai nạn là sự mất mát quá lớn với tập thể cán bộ và sinh viên nhà trường lúc đó, là một đại tang của trường Đại học Nông nghiệp II – Huế[18], GS Trần Văn Minh xúc động nhớ lại.

Trong tâm khảm GS.TS Trần Văn Minh, hành trình chuyển trường năm 1983 luôn là ký ức tự hào, xúc động

Vượt lên gian khó những ngày đầu, ông Trần Văn Minh và những người cộng sự tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ông cho biết, mục đích nghiên cứu khoa học nông nghiệp thời kỳ này, chủ yếu là “cứu đói”. Phát huy thế mạnh nghiên cứu về các giống ngô, giảng viên Trần Văn Minh tiến hành lai tạo và phối thành công giống ngô HN2. Ý nghĩa của tên giống ngô, được ông Minh giải thích, H là chọn lọc, lai tạo hỗn hợp và N2 là trường Đại học Nông nghiệp 2[19]. Đây là giống ngô thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng miền Trung. Giống ngô được nông dân trồng tại những vùng đất khô cằn các huyện miền núi như A Lưới (tỉnh Thừa Thiên), Hướng Hóa (Quảng Trị), Tuyên Hóa (Quảng Bình). Ông Trần Văn Minh cho rằng, cây ngô là cây lương thực cho người nghèo[20]. Thật vậy, giống ngô HN2 của Trần Văn Minh có lợi điểm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng miền núi, được trồng xen canh với nhiều loại cây khác, người dân tự lấy giống sau mỗi vụ. Đặc biệt, giống ngô đã góp phần cứu “cơn đói” lương thực ở những vùng khó khăn miền núi lúc bấy giờ.

Năm 1993, ông Trần Văn Minh bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ ngành khoa học Nông nghiệp với đề tài “Nghiên cứu khả năng sử dụng các giống ngô trong tập đoàn công tác ở Bình Trị Thiên” tại trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của Phó tiến sĩ Trương Đích và Phó tiến sĩ Phùng Quốc Tuấn.

Với GS.TS Trần Văn Minh, thời kỳ đầu chuyển từ Hà Bắc vào TP Huế là những tháng năm gian khó. Ông và nhiều cán bộ từ miền Bắc vào đã nỗ lực, vượt lên những hạn chế, rào cản để xây dựng trường Đại học Nông nghiệp II – Huế, nay là trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phát triển như ngày hôm nay.

Nguyễn Sửu

 

___________________________

[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.

[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, lưu trữ ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Tỉnh Nghĩa Bình – được hợp nhất từ hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Đình vào tháng 2 -1976.  Đến ngày 30-6-1989,  tách thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Đình như cũ.

[4] Tỉnh Phú Khánh – được hợp nhất từ hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vào ngày 3-11-1975. Đến ngày 4-3-1989, tách thành  hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa như cũ.

[5] Trường Trung học Đệ Nhị cấp Nông Lâm Súc Huế, có tiền thân là trường Canh nông Huế thành lập tháng 10-1898 dưới thời vua Thành Thái.

[6] Ông Hoàng Đức Phương, nguyên Hiệu phó trường Đại học Nông nghiệp II, Hà Bắc (1975 – 1978) và Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp II- Huế (1983-1988).

[7] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.

[8] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.

[10] Ông Phan Hòa, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Đại học Nông lâm, Đại học Huế (1996-2000).

[11] Ông Nguyễn Minh Hiếu, cựu sinh viên khóa 7 trường Đại học Nông nghiệp II, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế (2004-2009).

[12] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.

[13] Ông Vũ Thành, nguyên Trưởng khoa Trồng trọt, trường Đại học Nông nghiệp II- Huế.

[14] Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp Trung ương, thành lập năm 1984, nay là trường Đại học Nông lâm Bắc Giang.

[15] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.

[16] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.

[17] Tỉnh Thuận Hả – được hợp nhất từ 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và  Bình Tuy vào tháng 2 -1976. Đến ngày 26-12-1991, tách thành hai tỉnh là Ninh Thuận và Bình Thuận (bao gồm cả tỉnh Bình Tuy). Hai tỉnh mới đi vào hoạt động từ tháng 4-1992. 

[18] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.

[19] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.

[20] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Văn Minh, ngày 2-2-2023, đã dẫn.