Hóa giải “lời nguyền”
Nguyễn Kim Ngọc sinh ra ở một vùng chiêm trũng có tên là làng Trào thuộc tổng Mỹ Lâm, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, thuộc Hà Nội). Theo lịch sử địa phương, làng được hình thành từ đời vua Hùng và có tên gốc là làng Cự Đà. Nằm ở vùng trũng, nên người dân trong làng phải đào đất đắp nền nhà để tránh ngập nước trong mùa mưa nên diện tích đất ở rất hẹp. Nhà nào rộng rãi nhất cũng chỉ có khoảng 5 miếng đất (khoảng 180m²), còn hầu hết chỉ 40 – 60m² đã bao gồm cả nhà ở, bếp, sân, bể nước, khu chăn nuôi và không có vườn. Điều đặc biệt là cả làng Trào đều thất học, không ai đỗ đạt hay làm quan và cũng không có ai giàu có. Ông Nguyễn Kim Ngọc kể: Để lí giải cho việc không học hành, dân làng tôi có một truyền thuyết rằng: Ngày xưa có một anh học trò học giỏi, thông minh, có đi thi (không biết thi gì, hương, hội, hay đình, thi năm nào). Anh rất tự tin sẽ đỗ đạt. Khi về đến đầu làng, ngồi xuống nghỉ chân, anh trông thấy có một cái am nhỏ, lấy một hòn đá ném xuống và thề rằng: Khóa này ta không đỗ thì dân làng này bao giờ có nhà sinh được 10 người con trai, dùng chỉ ngũ sắc kéo được hòn đá lên, mới có người thi đỗ[1]. Sau đó, làng Trào không có nhà nào sinh được 10 con trai nên hòn đá vẫn nằm nguyên ở đó và câu chuyện lời nguyền ứng nghiệm vẫn lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Cha mẹ của Nguyễn Kim Ngọc đều làm ruộng, nhưng có quyết tâm cho con được học hành. Mẹ ông – cụ Phan Thị Kiêu (1921-2012) là người ít chữ, cụ chỉ biết ký tên mình và đánh vần khi đọc chữ, lại đọc được chữ in trong các truyện thơ như: Truyện Kiều, vở chèo Tống Trân – Cúc Hoa. Dù thế, cụ lại ăn nói lưu loát, có tài thuyết phục, nên được nhiều người trong làng quý mến, nể trọng. Bố ông – cụ Nguyễn Kim Chù (1923-2008), chỉ học hết cấp 1 (có bằng sơ học yếu lược) và là một nông dân thực thụ, chỉ biết rất chăm chỉ làm ruộng, không rượu chè hay cờ bạc. Khi cải cách ruộng đất, cụ thành lập tổ đổi công và được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Cụ Nguyễn Kim Chù là người dạy Nguyễn Kim Ngọc học, vì cụ là người biết chữ, nhưng khi con được 4 tuổi thì cụ không đủ kiến thức để dạy nữa, từ đó Kim
Ngọc tự học.
Bằng tốt nghiệp đại học của sinh viên Nguyễn Kim Ngọc, năm 1968
Năm 1951, Nguyễn Kim Ngọc bắt đầu được đi học. Khi đó, làng có một ông đồ chẳng biết từ đâu đến trọ và tổ chức dạy học. Ngọc tuy nhỏ nhất, nhưng khi thầy kiểm tra bài đều thuộc hơn các trò khác nên được thầy rất quý, không bị phạt như nhiều anh chị khác. Đến năm 1954, làng có thêm một thầy giáo đến và tổ chức lớp học, Ngọc được xếp vào lớp 3 và cả xã Nam Phong chỉ có 1 lớp 3 và 1 lớp 2 (gọi theo hệ thống mới). Lớp học được tổ chức ở đình, nhưng thực ra chỉ có học sinh làng Trào và làng Cổ Châu theo học. Học kỳ đầu, thỉnh thoảng địch lại về vây ráp, nên khi đi học mỗi người phải có một ống tre hoặc nứa, có nút đậy, khi có báo động thì phải nhanh chóng cho vở vào ống, đậy nắp lại để mang cất giấu và ngay lập tức phải về nhà. Học xong lớp 4 ở xã, Ngọc thi chuyển lên trường cấp 2 Phú Xuyên. Đến tháng 5 năm 1959, Nguyễn Kim Ngọc kết thúc năm học và hoàn thành học cấp 2, các bạn trong làng đều thi học trung cấp, hoặc đi dạy học. Khi đó, ông đứng trước hai lựa chọn, một là nghỉ học ở nhà, hai là tiếp tục học lên cấp 3. Nhưng vì cả làng chỉ có mình ông là không đủ tuổi vào trung cấp, đi học tiếp thì chỉ có một mình nên ông thực sự không muốn đi học. Khi gia đình bắt đi thi, ông đã cố tình làm bài không tốt, đến lúc báo kết quả, tên ông cũng không có trong danh sách thi đỗ. Sau mọi người đi học và đi làm hết, thì ông lại được gọi đi học bổ sung vào lớp 8 của trường cấp 3 Thường Tín. Khi đó, cả làng Trào chỉ có mình ông học cấp 3. Ông nói: Tôi là người đầu tiên của làng vào học cấp 3, đỗ đại học và trở thành kỹ sư rồi Phó Tiến sĩ ngành địa chất. Vậy là “lời nguyền” của làng tôi đã được hóa giải[2].
Trở thành kỹ sư địa chất thủy văn
Năm 1961, Nguyễn Kim Ngọc tốt nghiệp trường cấp 3 Thường Tín, với suy nghĩ “từ nhỏ chưa đi khỏi làng, chưa từng thấy núi rừng” ông quyết định chọn thi vào ngành địa chất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những ngày chờ đợi kết quả với Nguyễn Kim Ngọc là những ngày dài nhất. Không chịu được cảnh chờ đợi, ông tự mình đạp xe từ Phú Xuyên đến Hà Nội để xem kết quả thi, khi thấy tên mình trong danh sách học sinh thi đỗ, cảm giác vui buồn trong ông đan xen, vui vì thi đỗ, nhưng lại buồn vì được xếp vào ngành địa chất công trình chứ không phải ngành địa chất như ước muốn được đi khắp “núi rừng”, vì khi đó khái niệm địa chất công trình chưa phổ biến, ông và rất nhiều người đều có suy nghĩ đó là ngành địa chất công trường. Chẳng hi vọng gì được đi khắp núi rừng sông nước.
PGS.TS Nguyễn Kim Ngọc
Ngày 16-8-1962, Nguyễn Kim Ngọc trở thành sinh viên khóa 7, lớp địa chất công trình, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Về học tập, lớp Địa chất công trình được chia làm hai tổ, ông được phân công làm tổ phó tổ 1. Ông kể: Ban đầu, tôi nhận nhiệm vụ báo cơm và nhận phòng cho tổ. Khi đăng ký cho các bạn xong, tôi phải đi trốn vì sợ quá. Sau lần đó, nhờ sự giúp đỡ của các anh khóa trên, tôi mới hoàn thành nhiệm vụ ở lớp[3].
Vì học ngành địa chất công trình, cả lớp sẽ được đi thực tập sản xuất và thực tập giáo học sau mỗi kỳ học. Trong đó, thực tập sản xuất là sinh viên tham gia sản xuất như công nhân, cán bộ kỹ thuật ở Quảng Ninh, Thái Nguyên. Thực tập giáo học là có thầy hướng dẫn đi cùng ở Đồng Mỏ, Lộc Bình (Lạng Sơn), Đáp Cầu (Bắc Ninh). Những chuyến đi thực tập đó, không chỉ giúp sinh viên củng cố kiến thức mà còn là cơ hội rèn luyện tay nghề, tăng khả năng hòa nhập của sinh viên với cơ sở. Nhưng với Nguyễn Kim Ngọc, kí ức khiến ông không thể quên được chính là được bộ môn cử đi hỗ trợ thầy Nguyễn Thượng Hùng[4] trong các chuyến thực địa ở Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn khi đang là sinh viên năm thứ 4. Khi đó, việc đi thực địa rất khó khăn, ông phải đến phố Bạch Mai (Hà Nội) tìm mua chai đựng mẫu nước rồi về tự rửa sạch và đóng vào két đựng bia bằng gỗ và sử dụng một đoạn tre để gánh khi di chuyển. Ông nhớ lại, năm1966, trên đường từ Hà Nội đến mỏ đồng Sin Quyền – Lào Cai bằng tàu hỏa, khi đến Phú Thọ thì hai thầy trò nhận thông báo đường bị bom cầy nát, không thông kịp cho tàu chạy. Khi đó, tất cả hành khách phải đi bộ và nối đuôi nhau đi trong đêm, không ai dám bật đèn vì sợ máy bay địch phát hiện. Cả chặng đường, Nguyễn Kim Ngọc phải gánh đống chai mẫu trên vai, dù nặng nhưng không cả dám trở vai vì đường nhỏ, khó đi. Khi đến Phú Thọ, hai thầy trò chuyến hướng thực địa về mỏ thiếc ở Đầm Hồng – Tuyên Quang, nơi có Đoàn địa chất 32 của Tổng cục Địa chất đóng quân để lấy mẫu nghiên cứu về thủy địa hóa[5]. Ông kể: Khi mỏ chợ Đồn còn khai thác quặng, việc chở quặng từ mỏ xuống thuyền vẫn sử dụng đường gòong (đường sắt thô sơ, nhỏ, hẹp). Khi mỏ không còn khai thác, đường gòong trở thành con đường đi lại (sử dụng các giá gòong cũ một sàn có 4 bánh xe vẫn hoạt động trên đường ray). Một lần, vì đường dốc khó đi nên cả người và đồ đều di chuyển bằng xe gòong, mỗi lần xuống dốc xe lao vun vút qua các khe, rùng rợn lắm vì chỉ có tiếng ma sát của hai thanh ray trên đường[6]. Với ông Nguyễn Kim Ngọc, chuyến đi thực địa đó là thử thách đầu tiên để ông làm quen với công tác nghiên cứu thủy địa hóa, cũng là lần đầu tiên ông được tận mắt nhìn thấy những vùng đất mới. Khi trở lại Hà Nội, vì hoàn cảnh chiến tranh, tất cả sinh viên lớp địa chất công trình khi đó đều không phải làm đồ án tốt nghiệp và được trường Đại học Bách khoa cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học vào ngày 15-11-1966, trùng với ngày công bố quyết định thành lập trường Đại học Mỏ – Địa chất. Nguyễn Kim Ngọc được trường Đại học Bách khoa phân công về làm việc tại khoa Địa chất công trình của trường Đại học Mỏ – Địa chất. Hơn 40 năm (1966-2008) gắn bó với trường, PGS.TS Nguyễn Kim Ngọc không chỉ đóng góp trong công tác quản lý, giảng dạy mà còn được biết đến là người có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học về địa chất thủy văn và môi trường của khoa Địa chất. Với PGS.TS Nguyễn Kim Ngọc, sự thành công của ông hôm nay, một phần là nhờ những năm tháng học tập dưới mái trường Đại học Bách Khoa. Đó là nơi xác lập cho ông lòng tự tin, tính trách nhiệm và trở thành một kỹ sư ngành Địa chất thủy văn.
Thúy Tiềm
________________________
[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Ngọc, 8-10-2020, lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.
[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Ngọc, 17-11-2020, đã dẫn.
[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Ngọc, 17-11-2020, đã dẫn.
[4] Khi đó là cán bộ của bộ môn Địa chất thủy văn, sau này ông là GS.TS Nguyễn Thượng Hùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Địa chất thủy văn, trường Đại học Mỏ – Địa chất.
[5] Nghiên cứu thành phần hoá học của nước ngầm trong mối quan hệ với môi trường địa chất, đồng thời cũng nghiên cứu sự di chuyển các thành phần đó.
[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Kim Ngọc, 17-11-2020, đã dẫn.