TS Nguyễn Hoàng Nghĩa: Tác giả của những giống cây rừng quốc gia

Trong đó giống quốc gia Keo lá tràm AA9 được ghi danh trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017” của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.Thế nhưng khi nói về sự nghiệp của mình, ông chỉ thích kể ông đã đi qua bao nhiêu cánh rừng. “Với tôi, nghiên cứu cũng như một cuộc du lịch, càng đi càng được khám phá ra nhiều kiến thức mới mẻ”.

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh học – Đại học ELTE Budapest (Hungary), chàng trai Nguyễn Hoàng Nghĩa 23 tuổi quyết định về nước và nhận nhiệm vụ nghiên cứu giống cây lâm nghiệp tại Viện Lâm nghiệp. Như một duyên nợ, ông đã làm việc ở đó cho đến khi về hưu.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Nghĩa. Ảnh: Lê Phượng

Ông nhớ lại, cách đây hơn 40 năm, phòng nghiên cứu giống cây lâm nghiệp ở Viện còn rất sơ khai và thiếu thốn. Mỗi lần đi công tác tại địa phương, ông thường dùng chiếc xe đạp đã sờn yên, cọc cạch làm phương tiện. Hình ảnh khu vực xung quanh hồ Đại Lải chỉ toàn đồi trọc, không một bóng người trở thành nỗi ám ảnh với ông khi đó. Là một nhà khoa học lâm nghiệp, ông tự thấy có phần trách nhiệm thay đổi hình ảnh này.

“Công việc chọn tạo giống cây lâm nghiệp phải nói cực kỳ gian khổ. Một nghìn cây chưa chắc chọn được một cây có đặc tính tốt; vậy mà để chọn tạo được một giống cây mới thì cần cả trăm cây có đặc tính tốt. Thông thường nhà khoa học lâm nghiệp sẽ mất 20 năm để chọn tạo được một giống cây mới. Dân gian nói ‘đời cây – đời người’ cũng không sai” – PGS Nghĩa giải thích về công việc của mình.

Niềm tự hào lớn nhất

Vậy mà, trong suốt cuộc đời mình, PGS Nghĩa đã chọn tạo 36 giống được công nhận, trong đó có 4 giống quốc gia, cho 5 loài cây nghiên cứu, bao gồm bạch đàn trắng, bạch đàn brassiana, keo lá tràm, keo lai, keo tai tượng.

Nhưng thành quả khiến ông hạnh phúc nhất phải kể đến việc chọn tạo thành công giống keo lá tràm dòng AA9. Ông cho biết, bản thân cây keo lá tràm cong queo, không thẳng, năng suất kém nhưng gỗ cây quý, thích hợp làm đồ mộc gia dụng và đồ mỹ nghệ.

“Loại cây này có suốt từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Chúng tôi phải đến từng nơi xem năng suất trung bình của mỗi nơi là bao nhiêu, đi khắp các khu rừng xem chỗ nào có cây đẹp nhất, chiều cao, đường kính vượt 20%, không sâu bệnh hại thì mới chọn. Đi suốt hai năm, cuối cùng chọn được 200 cây dự tuyển và sau đó chọn 100 cây tốt nhất để lấy cành về giâm hom” – PGS Nghĩa nhớ lại.

Sau nhiều lần tuyển chọn trong suốt 15 năm, từ 2001 – 2015, keo lá tràm AA9 của PGS Nghĩa và cộng sự đã cho năng suất tăng 2 – 3 lần, đạt 34m3/ha/năm, trong khi năng suất các giống đại trà chỉ đạt 10 – 15m3/ha/năm, luân kỳ khai thác cũng được rút ngắn từ 15 – 20 năm xuống còn 7 – 10 năm.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt khi PGS Nghĩa nhớ lại câu chuyện một đồng nghiệp người Australia của ông trồng thử nghiệm keo lá tràm AA9 và đạt năng suất tới 38m3/ha/năm. Nhà khoa học ngoại quốc đã phải thốt lên: “Theo tôi, đây là năng suất tối đa của loài này và khó có thể cho năng suất cao hơn nữa. Kết quả này là ngoài sức tưởng tượng.”

Hiện nay, keo lá tràm AA9 đã được nhiều đơn vị sản xuất nhân giống phục vụ trồng rừng như Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao giống cây rừng (Hà Nội), Công ty TNHH Nguyên Hạnh (Bình Định), Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm nghiệp Đông Nam Bộ (Đồng Nai), Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ (Quảng Trị), Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nam Bộ (Bình Dương)… với hàng triệu cây giống mỗi năm.

PGS Nghĩa còn cho biết, keo lá tràm AA9 cũng đã được kiểm chứng là giống có khả năng chống chịu cao nhất với hầu hết các loại bệnh trong số các loài keo. Trồng rừng bằng keo lá tràm AA9 kháng bệnh và sinh trưởng nhanh, người dân sẽ bớt được những chi phí về bảo vệ thực vật và thu lợi nhuận lớn hơn, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Keo lá tràm AA9 trở thành một loài cây rất quan trọng cho trồng rừng cung cấp gỗ lớn”, GS.TS. Phạm Quang Thu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp (KHLN) Việt Nam – nhận định.

Vị lãnh đạo mê viết sách

Lật từng trang sách cả tiếng Việt và tiếng Anh, PGS Nghĩa cho biết, mặc dù từ năm 1999 ông làm quản lý ở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhưng ông vẫn nghiên cứu, vẫn đi rừng và đặc biệt là đều đặn xuất bản mỗi năm một cuốn sách.

Bảy tập Atlas mà ông là tác giả đã giới thiệu 846 loài thực vật rừng với đầy đủ hình ảnh thân, lá, hoa, quả, hầu hết do ông tự chụp trong các lần đi thực tế. Hiện ông đã hoàn thành tập 8, 9 và đang chờ xuất bản. Ngoài ra, ông cũng là tác giả cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam giới thiệu toàn bộ 200 loài tre, trúc khác nhau.

Để có tư liệu viết sách về cây rừng Việt Nam, PGS Nghĩa đã phải dành nhiều thời gian điều tra khảo sát, thu thập mẫu vật, chụp ảnh. Sách của ông không chỉ tập hợp thông tin về mỗi loài cây (phân bố ở đâu, dùng được vào việc gì…) mà còn đưa ra những đề xuất bảo tồn, nếu đó là loài quý hiếm. “Phải đến 95% số hình ảnh trong các cuốn sách là do tôi chụp. Việc thu thập hình ảnh cũng không hề đơn giản, nhiều khi phải quay trở lại vài lần mới chụp được đầy đủ hình ảnh về cây, lá, hoa và quả của một loài nào đó” – ông kể.

Ở tuổi 65, PGS Nghĩa vẫn coi khoa học là lẽ sống của mình. “Về hưu rồi, tôi có thể nghỉ ngơi thoải mái một chút, nhưng công việc thì không bỏ được. Nếu sau này tuổi cao sức yếu, tôi sẽ chọn những việc nhẹ nhàng hơn.”

Bản thân ở vị trí lãnh đạo nhiều năm, nhưng cách sống của ông hoàn toàn nhất quán với suy nghĩ mà ông chia sẻ với chúng tôi: “Đừng vì quá ham làm lãnh đạo mà bỏ bê nghiên cứu, viết sách. Nếu sa đà vào mấy chuyện đó, đến khi về hưu, nhìn lại mới thấy bao nhiêu đề tài mình làm không xong, bao nhiêu cuốn sách chưa viết được, như vậy ích gì?”.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Nghĩa sinh năm 1953 tại Nam Định. Ông tốt nghiệp Cử nhân Sinh học – Đại học ELTE Budapest, Hungary năm 1976. Năm 1987, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Ông là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam từ năm 1999, và Viện trưởng từ năm 2006. Từ 2013 đến nay, ông là nghiên cứu viên cao cấp.

Ông đã công bố 110 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và 21 bài báo quốc tế; xuất bản 28 cuốn sách, trong đó là tác giả duy nhất của 23 cuốn; công bố 36 giống cây lâm nghiệp, trong đó có bốn giống quốc gia, bao gồm 2 giống keo lá tràm và 2 giống keo lai.

Năm 2011, ông được trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); năm 2017, công trình “Giống quốc gia Keo lá tràm AA9 ” của ông và hai đồng tác giả được công bố trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017”.

Loan Lê
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/