TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan: Người “say mê” chống vi khuẩn lao

  Tiếp phóng viên Báo Khoa Học Phổ Thông, BS. Lan không chỉ trao đổi về những vấn đề chuyên môn mà còn tâm sự về đời và nghề, thể hiện cái tâm của một người hết lòng với công việc…

“Con nhà nòi”

Cha tôi, một giáo sư bác sĩ y khoa, chính ông đã hướng cho tôi và em trai tôi theo ngành y, nuôi dưỡng cho chúng tôi niềm đam mê khoa học. Khi thi vào trường y, tôi đạt điểm khá cao và được chọn đi du học ở Liên Xô (cũ). Ước mơ của tôi lúc đó là trở thành bác sĩ phẫu thuật. Hình ảnh bác sĩ cầm dao mổ cứu người bệnh trông đẹp lắm. Nhưng do sự phân công của Nhà nước, tôi lại theo ngành vệ sinh và dịch tễ học.

Năm 1981 về nước, tôi nhận nhiệm sở tại Viện Pasteur TP.HCM, làm tại phòng vi trùng học và từ đó gắn bó với các loại vi khuẩn. Tại đây, tôi có những đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác với Bệnh viện Hồng Bàng (nay là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) và rồi ý thích được tiếp xúc với bệnh nhân vẫn chưa tắt hẳn trong tôi nên khi có lời mời về công tác tại BV. Phạm Ngọc Thạch, tôi nhận lời ngay, tuy có đôi chút lo ngại lây nhiễm vì con gái tôi lúc đó còn nhỏ. Nhưng nghĩ lại, có riêng một chuyên ngành cho một loại vi khuẩn, cũng đặc biệt – như vậy, mới có nhiều vấn đề để tìm tòi, khám phá.

Người có ảnh hưởng đến chí hướng và tính cách của tôi chính là ba tôi.  Ba tôi nay đã hơn 85 tuổi nhưng mỗi lần gọi điện thoại nói chuyện với tôi, ông chỉ nói vài câu thăm hỏi chuyện gia đình, còn sau đó là những câu chuyện liên quan đến khoa học. Niềm đam mê dường như không nguội đi trong tim ông. Tuy nhiên, sẽ không công bằng khi không nói đến ảnh hưởng của mẹ tôi. Bà nguyên là giáo viên dạy văn, sau là giảng viên sinh ngữ tại trường y. Bà lãng mạn và giỏi văn thơ. Tôi cũng nhiễm phần nào tính cách lãng mạn của bà…

“Thành công của mỗi nghiên cứu là động lực giúp chúng tôi vượt qua khó khăn”

Ngoài nhiệm vụ chẩn đoán phát hiện bệnh nhân mắc lao và các bệnh phổi khác để điều trị cho họ, tôi tham gia nhiều đề tài  nghiên cứu khoa học, không chỉ trong lĩnh vực xét nghiệm chẩn đoán mà còn trong lĩnh vực dịch tễ học và nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Đối với mỗi loại hình nghiên cứu lại có những khó khăn riêng, khó khăn lớn nhất là thiếu nhân lực. Bên cạnh công việc hàng ngày, anh chị em còn gánh thêm công tác nghiên cứu, phải đi nhiều, đường sá xa xôi, trắc trở… Chỉ với ý nghĩ là nếu nghiên cứu thành công, sẽ đem đến lợi ích lớn lao cho người bệnh, chúng tôi mới mạnh dạn tham gia nghiên cứu.

Từ năm 1994 – 1995, phòng xét nghiệm của chúng tôi là một trong một vài nơi định type HIV đầu tiên. Năm 1996 chúng tôi đã thực hiện được kỹ thuật kháng sinh đồ lao với các thuốc lao hàng hai, năm 1998 đã nuôi cấy nhanh vi khuẩn lao trong môi trường lỏng, giảm thời gian chờ kết quả đến phân nửa so với môi trường đặc kinh điển. Tiếp sau đó là kháng sinh đồ nhanh trong môi trường lỏng… 

Từ năm 2006, Tổ chức FIND – tổ chức các sinh phẩm chẩn đoán lao mới – đã chọn phòng xét nghiệm của chúng tôi là nơi phát triển, lượng giá các sinh phẩm chẩn đoán lao mới. Có những sinh phẩm đã được WHO khuyến cáo ứng dụng, có những sinh phẩm đang trong vòng nghiên cứu. Gần đây nhất, sinh phẩm chẩn đoán lao kháng đa thuốc, sau hơn 2 năm nghiên cứu ứng dụng tại Việt Nam, đã được chương trình chống lao quốc gia sử dụng để chẩn đoán bệnh nhân lao đa kháng, giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán thay vì 4 – 5 tháng bằng phương pháp kinh điển xuống chỉ còn khoảng 2 ngày. Sắp tới, chúng tôi sẽ ứng dụng phương pháp Gene Xpert chẩn đoán lao và lao kháng Rifampicin sau khoảng 2 giờ.

Thành công của mỗi nghiên cứu là một niềm vui cho chúng tôi, đặc biệt là khi thấy kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế, hữu ích cho người bệnh và bản thân chúng tôi cũng đỡ cực nhọc, nguy hiểm. Tôi luôn nhớ tai nạn nghề nghiệp mà mình gặp phải. Lần đó do quá mỏi mệt, thay vì chích vi khuẩn lao cho chuột bọ tôi đã chích vào tay mình, và đã phải điều trị lao trong 6 tháng trời. Lúc đó tôi đang học ở Pháp, vừa đi học vừa điều trị bệnh mà tôi lại không hạp với thuốc lao nên nôn ói hoài. Nhưng rồi cũng qua…

“Hãy nhóm trong tim ngọn lửa đam mê”

Đó là triết lý sống của tôi. Sống mà hời hợt cho qua ngày, chán lắm! Sống với ngọn lửa đam mê bạn sẽ làm được nhiều việc cho dù có thể sau này có những lúc bạn sẽ “cháy” vì ngọn lửa này.

Tôi làm việc vì thực sự yêu thích, đam mê  công việc của mình nên cũng vui khi đạt được kết quả và cũng buồn khi kết quả không như mong đợi. Tôi chưa từng bao giờ nghĩ là làm để đạt một danh vọng nào đấy. Những ghi nhận của xã hội đối với tôi lại mang một tính chất khác, không phải cho cá nhân tôi. Những người làm công tác xét nghiệm vốn ít được chú ý so với những người làm công tác lâm sàng. Vậy mà nay chúng tôi đã được công nhận, được trao giải… Công sức của chúng tôi không bị lãng quên. Cũng vui lắm chứ!

Hồng Nhung
Nguồn:www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/12520/ts-.bs-.-nguyen-thi-ngoc-lan:-nguoi-%E2%80%9Csay-me%E2%80%9D-chong-vi-khuan-lao.html