Từ áo trắng trường y đến màu xanh áo lính

Năm 1976, Đặng Thanh tốt nghiệp bậc trung học (hệ 12/12) tại TP Huế, tỉnh Bình Trị Thiên. Là người học chuyên ban B (Toán học, Sinh học và Hóa học), ông mong muốn trở thành một sinh viên ngành y để chữa bệnh cứu người. Ngày 26-9-1976, ông thi vào trường Đại học Y khoa Huế, kỳ thi tuyển được tổ chức trong 2 ngày với 3 môn: toán, hóa, sinh. Kết quả, ông đạt tổng số điểm là 21 điểm, năm đó trường Đại học Y khoa Huế lấy 18 điểm tuyển sinh đầu vào.

 Đặng Thanh thi đỗ đại học, ông học khóa 16, khóa học có 2 lớp A, B với khoảng hơn 100 sinh viên, ông học lớp A. Trong trí nhớ của Thanh, lớp Y1A (năm thứ nhất), sinh viên học các môn khoa học cơ bản và y học cơ sở. Thầy giáo là các giáo sư, bác sĩ từ Hà Nội được tăng cường cho trường Đại học Y khoa Huế. Đặng Thanh vẫn nhớ đó là thầy Trần Quang Phần[1] (Hóa học), thầy Phạm Khắc Lâm[2] (Sinh hóa). Cùng với đó, là các thầy giáo trước năm 1975 được lưu dung để giảng dạy: Thầy Trần Tiễn Ngạc[3] (Ngoại khoa), thầy Võ Đăng Đài (Sinh hóa), thầy Lê Văn Bách[4] (Nội khoa), thầy Lê Bá Vận[5] (Giải phẫu học), thầy Nguyễn Văn Tứ (Sản khoa), thầy Bùi An Bình[6] (Nhi khoa).

Năm 1978, Học viện Y Huế trực thuộc Bộ Y tế được thành lập trên cơ sở hợp nhất trường Đại học Y khoa Huế và Bệnh viện Trung ương Huế. Trong năm thứ nhất và thứ hai đại học, bên cạnh học tập chuyên môn, Đặng Thanh cũng như nhiều sinh viên, giảng viên thường xuyên tham gia lao động tại công trình thủy lợi Nam Sông Hương, Cồn Tiên, Thủy Phù. Những đợt lao động này đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng chàng sinh viên trường y năm ấy.


Tập nhật ký của PGS.TS Đặng Thanh viết từ tháng 9-1978 đến năm 1986

Trong khi Thanh và các bạn sinh viên đang hăng say học tập, lao động với tinh thần con người mới XHCN thì nơi biên cương tổ quốc súng vẫn đỏ nòng, quê hương đang bị giày xéo dưới gót giày quân Pol Pot. Khoảng trời đại học, cùng màu áo trường y tuổi hoa niên bị “đánh thức” bởi tiếng trống, kêu gọi những người sinh viên lên đường nhập ngũ. Năm 1978, các trường đại học, trong đó có Học viện Y Huế động viên sinh viên đang học tập lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự. Đối tượng tuyển quân là những thanh niên trong độ tuổi từ 18 trở lên, trong đó có học sinh tốt nghiệp phổ thông, sinh viên học xong năm thứ nhất. Ông nhớ lại, sau kỳ khám tuyển, số lượng sinh viên năm thứ nhất không đạt yêu cầu theo chỉ tiêu quân số, nên nhà trường bổ sung khám tuyển với đối tượng là sinh viên đã học xong năm thứ hai[7]. Năm đó, Đặng Thanh đang học năm thứ hai, nên thuộc diện khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Cùng khóa YK16 với ông có 10 sinh viên được gọi khám tuyển, kết quả có 6 người được chọn, trong đó có Đặng Thanh.

 Ngày 9-8-1978, ông nhận được giấy thông báo lên đường nhập ngũ. Ngày sắp xa mái trường thân yêu, xa màu áo trắng, Thanh và các bạn lớp Y­2A truyền tay nhau những dòng lưu bút trên tập nhật ký của đời sinh viên – đời lính. Ông viết, các bạn ơi ! phải rời xa các bạn, xa gia đình, rời xa mái trường thân yêu, rời xa các thầy cô, Thanh rất buồn. Thanh buồn không phải tiếc nhớ cuộc sống ở thành phố có đầy đủ tiện nghi vật chất, có đầy đủ những thứ để vui chơi lành mạnh mà Thanh buồn vì không được tiếp tục học cùng các bạn[8]. Ngọc Dũng – người bạn cùng lớp với ông lưu lại những dòng lưu bút: Thanh ơi ! con đường của bạn và tôi cùng một mục đích, một lý tưởng. Bây giờ trên con đường mới, một con đường khác. Nhưng Thanh ơi ! mọi con sông sẽ đổ về biển cả, những con đường khác nhau cuối cùng cũng sẽ gặp nhau. Bạn Dũng không quên nhắn nhủ: Thanh ! tất nhiên trong mỗi cuộc ra đi không có buổi chia tay nào không có những sự lưu luyến, xót xa nhưng Thanh ơi, lưu luyến xót xa để mà tiến bước chứ không phải để dừng lại đâu nhé. Hãy đứng thẳng người lên, xiết chặt tay[9].

Màu xanh áo lính

Ngày 29-8-1978, Đặng Thanh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo kế hoạch, ông được huấn luyện tại Đại đội 30, Tiểu đoàn 8, Sư đoàn 441[10], Quân khu 4[11] đang đóng quân ở Khe Lang[12] và hồ Vực Trống[13] tỉnh Nghệ Tĩnh[14]. Ngày lên đường, tàu chuyển bánh mình chỉ còn thấy chị Hà đang khóc. Như vậy mình rời Huế lúc buổi chiều. Cảnh tượng trên tàu mới ngán, mái chật nóng, không có chỗ ngồi, tàu đến Thuận Lý lúc 9 giờ tối. Trời đổ mưa, mọi người xuống tàu để nấp mưa rồi lên tàu khác để đi tiếp. Ngày 30-8, lúc 9 giờ sáng, tàu đến ga Đồng Lê[15] và phải chờ đến chiều để đi tiếp đến ga Đức Lạc[16], tỉnh Nghệ Tĩnh. Xuống tàu, ông và đồng đội đi bộ khoảng 15 km đến 4 giờ 30 chiều thì về đến đơn vị.

Đặng Thanh còn nhớ như in buổi chào cờ ngày 2-9-1978 – những ngày đầu nhập ngũ, buổi sáng dậy sớm tập thể dục, vệ sinh cá nhân ra làm lễ đứng 30 phút trước cờ, nghe Đại đội trưởng phát biểu rồi về đơn vị. Buổi trưa ăn cơm sao mà sạn quá, chiều ngồi viết thư cho Loan và chị Hiền, tối viết khẩu hiệu cho Trung đội. Ông nhớ ngày 7-9-1978, là phiên gác đầu tiên trong đời bộ đội từ 2 đến 3 giờ sáng nên có cảm giác như sẽ có một tên địch nào nhảy đến vồ lấy mình nên mình bồng súng CKC để chỉa ra trước mắt loáng thoáng[17].

Ngày 23-9-1978, chưa đầy một tháng huấn luyện, ông nhận được lệnh chuyển quân lên đường vào Nam. Lúc 6 giờ 40 sáng, theo báo động di chuyển, ông rời Tiểu đoàn 8, Sư đoàn 441 ra ga Đức Lạc. Vì hành quân bằng đường bộ, với khoảng cách 15 km, trên lưng mang nặng nên ông bị đau vai và mỏi chân. Dù đi không nổi, ông vẫn cố đi nhanh để bám chặt đội hình.

Ngày 25-9, tàu đi ngang và dừng lại ở ga Huế nhưng ông không gặp được gia đình. Ngày 26-9 tàu vào đến ga Hố Nai, tỉnh Đồng Nai. Ngày 28-9, ông và đồng đội đi xe ca về TP Hồ Chí Minh. Ngày 29-9, đơn vị của Đặng Thanh rời trạm giao liên, đi xe về Cần Thơ, chiều cùng ngày ông về đến sân bóng thành phố rồi lên xe GMC đi tiếp. Ông viết trong nhật ký, lúc 16 giờ 30 mọi người lên xe, để đi đâu thì chưa biết. Xe đi qua rất nhiều thành phố nhỏ và qua các tỉnh Châu Đốc, Hậu Giang. Xe đi qua con đường hẹp, vắng ngắt, hai bên những cây keo tỏa cành ra hai làn tạo nên một cái hầm bằng lá cây. Tại thành phố Châu Đốc, bà con nhốn nháo lên và hỏi bọn mình đi về đâu, cả xe đều trả lời là giải phóng Nông Pênh[18]. Trên đường đi, gặp người dân ai cũng hỏi đoàn xe đi đâu, mình biết rằng người ta lo lắng cho bọn mình…là dấu hiệu cho biết bọn mình sẽ đến gần biên giới Campuchia, ông kể lại.

Đoàn xe chở Đặng Thanh dừng lại tại thị xã An Giang, ông được đưa về Tiểu đoàn thông tin, Sư đoàn 4, Quân khu 9[19]. Ông được phân công làm văn thư cho Tiểu đoàn. Ngày 5-11-1978, thế là đã 10 ngày rồi, từ ngày 24/10 đến 5/11ta sống ở D bộ với nhiệm vụ là văn thư Tiểu đoàn. Đời ta kể cũng lạ thật, đi bộ đội mà cứ ở C bộ và D bộ hoài. Công việc của ta hàng ngày bây giờ chủ yếu là sổ sách, giấy tờ, lúc hết việc sổ sách là đi học với C2, B6[20]. Sư đoàn 4 hoạt động chủ yếu tại vùng Chi Lăng, huyện Tịnh Biên và huyện Bảy Núi của tỉnh An Giang. Sư đoàn có 4 Trung đoàn bộ binh, Tham mưu trưởng Sư đoàn là Đại tá Lê Văn Cân.

Ông Thanh nhớ lại, khi ông vào đội hình chiến đấu của đơn vị thì tại biên giới Tây Nam, quân Khmer Đỏ đang chiếm đóng trái phép lãnh thổ Việt Nam và gây ra nhiều vụ thảm sát man rợ. Ngày 23-12-1978, quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đồng loạt phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Ngày 31-12-1978, toàn bộ lực lượng Khmer Đỏ rút chạy qua bên kia kênh Vĩnh Tế[21]. Ngày 1-1-1979, Sư đoàn 4, Quân khu 9 được lệnh tổng tấn công sang bên kia biên giới Campuchia, lực lượng Việt Nam nhanh chóng chọc thủng các phòng tuyến quân Pol Pot. Sau một tuần giao tranh trên lãnh thổ Campuchia, ngày 7-1-1979, bộ đội Việt Nam đã tiến quân vào thủ đô Phnom Penh lật đổ chế độ Khmer Đỏ, giải phóng Camphuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Ngày 7-1-1979, Đặng Thanh cùng với đội hình của Sư đoàn 4 vào thủ đô Phnom Penh, đoàn xe dừng lại tại sân bay Pochentong[22]. Tại đây, Binh nhất Đặng Thanh quan sát và đếm được hơn 20 chiếc máy bay MIG 19 và MIG 21 được phủ lớp vải bạc bên ngoài. Ông hỏi đồng đội ở các đơn vị bạn làm chủ sân bay từ trước, máy bay có bom không ? có xăng không ? máy bay có bay được không ? Câu trả lời ông Thanh nhận được, là có, máy bay còn nguyên vẹn nhưng không thể cất cánh được, bởi lẽ bộ đội Việt Nam đã vô hiệu hóa và làm chủ sân bay từ trước đó.

Trước khi bộ đội tình nguyện Việt Nam sang Campuchia, Chính quyền Khmer Đỏ, do Pol Pot cầm đầu đã thực hiện chính sách diệt chủng với nhân dân Campuchia khiến gần 3,2 triệu người thiệt mạng. Nhiều cách giết người dã man được lính Khmer Đỏ sử dụng như chặt đầu, dùng lá cây thốt nốt có gai sắt nhọn để cắt cổ nạn nhân đến chết[23].

Dù quân đội Khmer Đỏ số bị tiêu diệt, tan rã, nhưng Pol Pot và lực lượng của chúng chạy vào các tỉnh rừng núi, vùng biên giới giữa Campuchia – Thái Lan để tập hợp lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích, phá hoại chống Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Sư đoàn 4 và các đơn vị chủ lực của quân tình nguyện Việt Nam được lệnh đóng quân tại Campuchia để giúp nhân dân và Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia[24] khôi phục đất nước và xây dựng chính quyền mới. Vì điều này, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đã lên án, rêu rao trước quốc tế là Việt Nam “xâm lược” Campuchia. Đặng Tiểu Bình[25] cho rằng, Việt Nam đang âm mưu “tiểu bá” ở phương Đông. Sau chuyến thăm Hoa Kỳ (tháng 1-1979) và các tuyên bố về chính trị và ngoại giao để gây sức ép, cô lập Việt Nam với thế giới. Họ Đặng lệnh cho quân đội Trung Quốc triển khai binh lực để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngày 17-2-1979, hơn 1 tháng sau khi Việt Nam tiến quân vào Campuchia. Gần 60 vạn quân Trung Quốc với chiến thuật biển người, đã ồ ạt tấn công tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam từ Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đến Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Cùng lúc, Việt Nam phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước.

Từ năm 1979 đến 1982, tại Campuchia, ông Thanh thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Sư đoàn 4, các vị trí đóng quân không cố định mà phải liên tục di chuyển để truy quét lính Khmer Đỏ. Ông Thanh nhớ lại, Sư đoàn 4 hành quân từ tỉnh Takéo, Uđông, KamPot, Koh Kong sang các tỉnh ở vùng Tây Bắc Campuchia. Năm 1979, trong một trận đánh những ngày giáp Tết (năm Kỷ Mùi) Sư đoàn 4 vừa đến tỉnh Uđông thì được lệnh quay lại chiến đấu ở tỉnh Takéo. Trước đó, Trung đoàn An Giang không giữ được trận địa trước cuộc tấn công của quân Khmer Đỏ[26]. Cuộc chuyển quân bằng xe ô tô diễn ra trong đêm tối, đường bụi mịt mù, trên đường về, dân thường Campuchia xin lên xe theo cùng nhưng trong số đó có lính Pol Pot giả làm thường dân, chúng bất ngờ tập kích và gây ra nhiều tổn thất cho bộ đội ta. Khi Sư đoàn 4 về đến Takéo thì đơn vị trước đó của Việt Nam bị thiệt hại rất nặng. Nhiều cuộc chạm súng ác liệt nổ ra giữa bộ đội tình nguyện Việt Nam và lính đối phương tại tỉnh Takéo. Sư đoàn 4 bị tổn thất và hy sinh nhiều, thiệt hại nặng nhất là Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20. Ngoài ra, Sư đoàn 4 nhiều lần quần thảo với quân Khmer Đỏ ở dãy núi Tượng Lăng, tỉnh Pursat tiếp giáp biên giới Thái Lan.

Theo ông Thanh, bộ đội khi hành quân nguy hiểm nhất không phải là tiến quân, vì lúc đó hành quân theo đại đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên. Ngược lại, hành quân theo từng tốp nhỏ để tiếp tế hậu cần rất dễ bị Khmer Đỏ phục kích. Ngoài những tổn thất, hy sinh trên các mặt trận, bộ đội Việt Nam phải đối mặt với bệnh sốt rét, là nguyên nhân hàng đầu khiến quân số bị giảm sút.

Tại Tiểu đoàn thông tin, Sư đoàn 4, Đặng Thanh phụ trách thông tin liên lạc giữa các đơn vị và trực tiếp cầm súng tác chiến để truy quét địch trong các cuộc hành quân. Ông Thanh kể, ở Tiểu đoàn thông tin, Sư đoàn 4 ông được bố trí để thay thế Đại đội Phó Hoàng Văn Tuấn (Tài vụ trưởng). Với nhiệm vụ của Tài vụ trưởng, Tiểu đoàn thông tin, ông Đặng Thanh chịu trách nhiệm hậu cần, phối hợp với quân nhu. Ông thường xuyên về Việt Nam để tiếp nhận vũ khí, khí tài, lương thực, trang thiết bị để phục vụ cho đơn vị tác chiến đang đóng quân ở Campuchia.

Ngày trở về

Tháng 8-1982, Đặng Thanh hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, ông xuất ngũ trở về Việt Nam với quân hàm Thượng sĩ. Trong số 25 sinh viên trường Đại học Y khoa Huế tham gia nghĩa vụ quân sự năm 1978, có một người hy sinh. Đó là ông Hoàng, bộ đội Công binh, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y khoa Huế, sau ông Thanh một lớp[27]. Ông Hoàng hy sinh tại tỉnh Koh Kong, Campuchia trong một trận đánh phản kích quân Khmer Đỏ. Bạn học cùng khóa của Đặng Thanh là ông Nguyễn Văn La, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì không quay lại học tập mà đi định cư ở Hoa Kỳ. Còn lại, đa số sinh viên đều trở lại học tập tại trường Đại học Y khoa Huế.

Ngày 6-9-1982, ông viết, sáng nay đến trường tập trung cứ tưởng tới trường là sắp xếp lớp rồi ra về nên không đứa nào mang giấy vở để ghi cả chỉ đem theo tờ giấy quyết định nhập học trở lại. Chỉ một lúc, thầy Bách[28] đến lớp và chép thời khóa biểu cả tuần. Ngay sau đó là giờ học môn Nội cơ sở, giờ học kéo đến 10g30 mới ra về.

Năm 1982, khi ông trở về, các bạn cùng khóa YK16 với ông trước đó đã tốt nghiệp đại học. Ông Thanh tiếp tục học năm thứ ba đại học với khóa YK19. Năm 1986, Đặng Thanh tốt nghiệp Học viện Y Huế và được giữ lại làm giảng viên bộ môn Tai – Mũi – Họng cho đến lúc về hưu.

Nguyễn Sửu

 


PGS.TS Đặng Thanh, nguyên Phó trưởng bộ môn Tai Mũi Họng, trường Đại học Y dược, Đại học Huế.

[1] BS Trần Quang Phần, nguyên Phó giám đốc Học viện Y Huế.

[2] GS.TS Phạm Khắc Lâm, nguyên Trưởng bộ môn Sinh hóa, trường Đại học Y dược, Đại học Huế.

[3] BS Trần Tiễn Ngạc, nguyên giảng viên bộ môn Ngoại, trường Đại học Y khoa Huế.

[4] BS Lê Văn Bách (1930- 2002), quê ở Kim Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông nguyên là Quyền khoa trưởng trường Đại học Y khoa, Viện Đại học Huế trước năm 1975.

[5] BS Lê Bá Vận sinh năm 1929 quê ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ông là Khoa trưởng trường Đại học Y khoa, Viện Đại Huế từ năm 1972 đến tháng 3-1975. Hiện ông định cư tại Hoa Kỳ.

[6] BS Bùi An Bình, nguyên Phó Bộ môn Nhi, trường Đại học Y dược, Đại học Huế.

[7] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đặng Thanh, ngày 11-4-2023, lưu trữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Nhật ký của PGS.TS Đặng Thanh, ngày 15-12-2023, lưu trữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Nhật ký của PGS.TS Đặng Thanh, đã dẫn.

[10] Sư đoàn 441 mang tên Đoàn Đồng Lộc là đơn vị quân đội được thành lập ngày 28-2-1978 tại tỉnh Nghệ Tĩnh.

[11] Địa bàn của Quân khu IV, Bộ Quốc phòng sau năm 1975 gồm các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh vào đến Bình Trị Thiên.

[12] Khe Lang nằm giáp ranh giữa hai huyện Can Lộc và Đức Thọ, ngày nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

[13] Hồ Vực Trống nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

[14] Tỉnh Nghệ Tĩnh nay là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

[15] Ga Đồng Lê nay thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

[16] Ga Đức Lạc nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

[17] Nhật ký của PGS.TS Đặng Thanh, đã dẫn.

[18] Tập nhật ký của PGS.TS Đặng Thanh, đã dẫn.

[19] Quân khu 9 gồm có Sư đoàn 4, Sư đoàn 8, Sư đoàn 330 và Sư đoàn 339.

[20] Tập nhật ký của PGS.TS Đặng Thanh, đã dẫn.

[21] Kênh Vĩnh Tế được khởi công năm 1819 dưới thời vua Gia Long, kênh chảy qua hai tỉnh An Giang và Kiên Giang dọc theo biên giới với Campuchia.

[22] Nay là sân bay quốc tế Pochentong, thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.

[23] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đặng Thanh, ngày 11-4-2023, đã dẫn.

[24] Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập ngày 2-12-1978 tại vùng giải phóng thuộc tỉnh Kratie, với mục tiêu lật đổ chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu.

[25] Đặng Tiểu Bình (1904-1997), nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1978 đến năm 1992.

[26] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đặng Thanh, ngày 11-4-2023, đã dẫn.

[27] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đặng Thanh, ngày 11-4-2023, đã dẫn.

[28] Bác sĩ Lê Văn Bách (1930 – 2002), nguyên Trưởng bộ môn Nội, trường Đại học Y dược, Đại học Huế.