Từ “bất đắc dĩ” đến đam mê

 Ba lần nhập ngũ "hụt" và con đường vào đại học

Đầu năm 1972, khi đang học lớp 9 tại trường cấp III Sơn Tây, Cù Hữu Phú được chọn tham gia đoàn sang Liên Xô học lái máy bay quân sự. Ông nhớ lại: Thuở đó, đi bộ đội chúng tôi đều ao ước được làm phi công. Háo hức lắm![1] Tuy nhiên, do Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, ông cùng đoàn đang tập trung ở khu Ngã tư Sở phải sơ tán về khu chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Thời gian ở Quốc Oai, ông nhập viện điều trị đường ruột nên bỏ lỡ cơ hội sang Liên Xô. Ngay sau đó, ông được ra quân và trở về trường cấp III Sơn Tây tiếp tục học chương trình lớp 10. Sau ông còn nhập ngũ "hụt" thêm hai lần. Đó là năm 1973, không thi đỗ đại học, ông có giấy gọi nhập ngũ nhưng do trong gia đình có em trai và anh trai đã đi bộ đội nên ông được hoãn. Lần thứ hai là năm 1975, ông được gọi nhập ngũ khi đang học năm thứ nhất trường Đại học Nông nghiệp I. Mọi công tác chuẩn bị vào chiến trường đã sẵn sàng thì được tin miền Nam giải phóng khiến ông vô cùng tiếc nuối.

Nhớ lại kỳ thi đầu tiên vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội,  năm 1973, ông kể về môn thi vật lý: Sau khi chép đề bài và làm được câu 1, vì gạch xóa nhiều nên tôi xin giám thị một tờ giấy thi mới. Tôi chép lại phần câu 1 đã làm và tiếp tục làm câu 2. Về nhà, tôi kiểm tra lại các giấy tờ để chiều đi thi toán thì mới phát hiện bài thi hoàn chỉnh vẫn còn trong túi đồ, hóa ra tôi đã nộp nhầm tờ thi đầu tiên[2]. Ông tự dặn lòng phải thi tốt hai môn còn lại là toán học, hóa học để bù điểm cho môn vật lý. Tuy nhiên, môn vật lý chỉ đạt 3 điểm nên tổng điểm của ông không đủ đỗ trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Dù khá buồn nhưng Cù Hữu Phú không hề nản lòng mà quyết định tiếp tục ôn tập để năm sau dự thi.

Lần thi thứ hai Cù Hữu Phú dự định sẽ đăng ký thi vào trường Đại học Y Hà Nội, theo nghề của bố. Tuy nhiên, bố lại khuyên con trai nên tìm một ngành khác, vì nghề Y rất vất vả. Vốn ngưỡng mộ anh trai Cù Hữu Lương, noi gương anh và cũng thỏa mong ước học y, tôi quyết định đăng ký vào khoa Thú y, trường Đại học Nông nghiệp I[3]ông Phú tâm sự. Anh Lương tốt nghiệp ngành Thú y ở Đức năm 1970, và đã về nước làm việc. Rút kinh nghiệm từ lần thi trước, ông trải qua kỳ thi thứ 2 khá nhẹ nhàng với tổng 24,5 điểm. Theo tiêu chuẩn lúc đó, 22 điểm là được chọn đi học ở nước ngoài nhưng tôi thuộc diện thi lại nên được phân về khoa Thú y theo như nguyện vọng[4], PGS Cù Hữu Phú chia sẻ.

Ước mơ trở thành nhà khoa học

Trong năm học thứ nhất tại trường Nông nghiệp, Cù Hữu Phú có thành tích học tập tốt như thời phổ thông nhưng không quá quan tâm đến chuyên ngành mình sẽ theo đuổi. Cho tới khi ông nhận được món quà sinh nhật tuổi 20 của một người bạn thân từ thuở nhỏ là cuốn sách viết về bà Marie Curie[5]. Trong trang bìa lót của cuốn sách, người bạn này đề tặng: Mong cậu cũng trở thành một nhà khoa học[6]. Từ lời nhắn nhủ này, và qua tìm hiểu về hành trình nghiên cứu khoa học của bà Marie Curie, sinh viên Cù Hữu Phú đặt cho mình mục tiêu học thật tốt để trở thành nhà khoa học. Hầu hết các môn học ông đều đạt điểm tối đa là 5, chỉ một số môn được điểm 4. Đặc biệt, ông luôn có ý thức trau dồi kiến thức thực tế trong các chuyến thực tập do trường tổ chức, bởi đó là cơ hội thực nghiệm, gắn học đi đôi với hành hiệu quả nhất. Chẳng hạn, như chuyến thực tập ở Nông trường Đồng Giao (Ninh Bình, 1976); Kiểm nghiệm thú sản ở Hải Phòng (1977); Tẩy sán lợn ở trại Đa Tốn (Hà Nội, 1977)… Ông còn trực tiếp chăm sóc vật nuôi, dọn chuồng trại để tìm hiểu tập tính của từng loài vật.

PGS.TS Cù Hữu Phú, 2015

Sau khi tốt nghiệp đại học loại ưu (năm1979), ông Cù Hữu Phú được phân công về Viện Thú y công tác. Ông rất vui vì được làm đúng chuyên môn và làm việc trong môi trường nghiên cứu khoa học mà mình yêu thích. Ông chia sẻ: 5 năm học đại học không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn mà còn là định hướng cho công tác nghiên cứu sau này của tôi ở Viện Thú y[7]. Chẳng hạn, chuyến thực tập tẩy sán lợn ở trại Đa Tốn vào năm học thứ ba (1977) đã giúp ông xác định mục tiêu điều chế vaccine phòng bệnh Suyễn lợn. Tại trại Đa Tốn, ông được "mục sở thị" biểu hiện của những con lợn mắc bệnh Suyễn là "ngồi như chó để thở". Qua nghiên cứu, ông được biết bệnh Suyễn lợn do vi khuẩn Mycoplasma Hyopneumoniae gây ra. Nó được xếp vào nhóm vi khuẩn tự nhân đôi nhỏ nhất được biết đến hiện nay, nó không có thành tế bào nên có thể đi qua đường màng lọc vi khuẩn (0.2 µm) và vô cùng nhạy cảm với điều kiện môi trường. Lúc này, ở Việt Nam chưa ai phân lập được loại vi khuẩn này để điều chế vaccine. Vì vậy, ông đặt cho mình mục tiêu sẽ điều chế vaccine này. Năm 2021, vaccine MYCO.VAC phòng bệnh Suyễn lợn do ông điều chế đã được phép bán trên cả nước. Ông nhớ lại: Đó là một hành trình dài, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả khi sang Đức (1988-1996), Nhật Bản (2000) học tập, tôi đều tìm hiểu thêm tài liệu, sử dụng trang thiết bị hiện đại của họ để nghiên cứu. Đến nay đã thành công! [8].

Trong hơn 30 năm làm việc tại bộ môn Vi trùng, Viện Thú y, ông Cù Hữu Phú luôn đi theo định hướng nghiên cứu các loại vi khuẩn gây bệnh, điều chế các loại vaccine cho gia súc, gia cầm. Ông đã chủ trì đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu mối liên quan giữa hội chứng rối loạn hô hấp, sinh sản ở lợn (PRRS) với vi khuẩn kế phát và xác định biện pháp phòng, trị bệnh”, rồi Dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà Nước "Hoàn thiện quy trình sản xuất vaccine phòng bệnh Viêm phổi lợn do Actinobaccilus pleuropneumoniae, Streptococcus và Pasteurella multocida gây ra” và nhiều đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu chế tạo vaccine phòng bệnh Suyễn lợn do Mycoplasma gây ra và xây dựng một số mô hình trại giống lợn an toàn bệnh”, “Nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm vaccine phòng bệnh Bại huyết và Tiêu chảy do vi khuẩn Salmonella cholerasuis và Salmonella typhimurium gây ra ở lợn sau cai sữa”…

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu, điều chế vaccine phòng bệnh Tụ dấu lợn nhược độc, vaccine Salco trị tiêu chảy lợn mà ông tham gia là một phần của công trình “Nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ chế tạo vaccine vi khuẩn phòng bệnh Đóng dấu, Tụ huyết trùng và Tiêu chảy ở lợn” được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005. Cho đến nay, đây là công trình duy nhất của lĩnh vực Thú y được nhận giải thưởng danh giá này.

 

PGS.TS Cù Hữu Phú tại buổi Lễ khánh thành ba dây truyền sản xuất thuốc Beta-lactam

của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet, 2019

Năm 2015, ông Cù Hữu Phú tròn 60 tuổi, theo quy định ông có thể tiếp tục làm công tác chuyên môn thêm 3 năm tại Viện Thú y, nhưng ông viết đơn xin được nghỉ hưu đúng tuổi. Ông nhận lời mời của một học trò về làm việc tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet với mục tiêu đưa các công trình khoa học của mình vào thực tiễn sản xuất. Ông được phân công đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm kiêm Giám đốc Nhà máy vaccine. Tại đây, 12 loại vaccine bổ trợ keo phèn và nhũ dầu do ông điều chế đã được Cục Thú y cấp phép cho lưu hành trên thị trường: vaccine phòng bệnh Phù đầu lợn, vaccine Tụ huyết trùng gia cầm, vaccine Viêm phổi lợn đa giá, vaccine Đa giá phòng 3 bệnh ở lợn: Phù đầu, Phó thương hàn và Tiêu chảy…

PGS.TS Cù Hữu Phú (áo trắng) cùng các nhân viên trong Phân xưởng vaccine vi trùng, Nhà máy vaccine,

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet

Trải qua hơn 40 năm công tác, PGS Cù Hữu Phú đã trở thành một nhà nghiên cứu chuyên sâu về vaccine Thú y, thực hiện thành công nhiều công trình có ý nghĩa thực tiễn. Bên cạnh đó, ông còn tích cực trong công tác đào tạo thế hệ kế cận. Ông hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên cao học và hàng chục nghiên cứu sinh thực hiện các đề tài về vi sinh vật Thú y. Ông luôn dặn dò các học trò của mình: Một cán bộ thú y muốn làm việc tốt cần hai yếu tố là yêu nghề và trung thực. Có yêu nghề, có say mê thì mới đủ kiên trì vượt mọi khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hơn hết, làm khoa học cần trung thực, vừa tạo được sản phẩm chất lượng lại vừa tạo niềm tin cho người chăn nuôi[9].

Lê Lợi

_________________________

* PGS.TS Cù Hữu Phú, chuyên ngành Thú y, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Vi trùng, Viện Thú y.

[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cù Hữu Phú, ngày 30-9-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cù Hữu Phú, ngày 30-9-2021, đã dẫn.

[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cù Hữu Phú, ngày 30-9-2021, đã dẫn.

[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cù Hữu Phú, ngày 30-9-2021, đã dẫn.

[5] Bà Marie Curie là nhà vật lý và hóa học người Pháp gốc Ba Lan. Bà là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng Nobel.

[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cù Hữu Phú, ngày 30-9-2021, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cù Hữu Phú, ngày 30-9-2021, đã dẫn.

[8] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cù Hữu Phú, ngày 30-9-2021, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cù Hữu Phú, ngày 18-8-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.