Từ cán bộ địa chất trở thành giảng viên đại học

GS.TSKH Từ Văn Mặc sinh năm 1936 tại xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông thuộc lớp những học sinh Liên khu 5 được tập kết ra Bắc cuối năm 1954, sau này nhiều người trưởng thành và có nhiều đóng góp trong khoa học, quản lý như PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, GS.TSKH Bùi Song Cầu, GS.TSKH Phan Trường Thị, GS.TSKH Đỗ Sanh,…

Khác với nhiều bạn bè khi tập kết ra Bắc đều có mong muốn vào học tập ở các trường đại học, với lòng hăng hái của tuổi trẻ, Từ Văn Mặc viết đơn xin theo học lớp sơ cấp địa chất. Sau một thời gian tập trung học những kiến thức và kỹ năng cơ bản, ông được phân công làm việc trong Đoàn thăm dò địa chất số 12, do ông Nguyễn Khuê làm trưởng đoàn. Thời bấy giờ, ông theo đoàn rong ruổi ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc để thăm dò, phân tích và đánh giá chất lượng thành phần đất, đá, kim loại… đặc biệt là phân tích các loại đá. GS Từ Văn Mặc vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm trong thời gian đi thực địa tại mỏ Tĩnh Túc, Cao Bằng năm 1956: “Lần ấy chúng tôi suýt chết vì nguồn nước suối bị thổ phỉ bỏ chất độc. Cũng may là trước khi sử dụng, một anh thủ kho trong đoàn đã vô tình phát hiện ra nước có độc, ngay lập tức báo động cho cả đoàn…”

GS.TSKH Từ Văn Mặc

Dù đam mê ngành Địa chất nhưng năm 1957, sau 2 năm công tác ở ngành địa chất, theo yêu cầu của nhà nước, Từ Văn Mặc thi vào ngành Hóa học của trường Đại học Bách khoa. Mặc dù vậy “Những kỹ năng, phương pháp suy luận, tư duy trong quá trình nghiên cứu địa chất đã được tôi vận dụng trong quá trình học tập cũng như giảng dạy Hóa học sau này” – GS Từ Văn Mặc chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại trường Đại học Bách khoa làm cán bộ giảng dạy. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu (2003), ông vẫn miệt mài trên giảng đường để làm tròn trách nhiệm và bổn phận của một người thầy.  

Đỗ Minh Khôi – Nguyễn Thanh Hóa