Từ cậu bé đi cày thuê, trở thành giáo sư danh tiếng nước Mỹ

Tôi có dịp gặp GS Trương Nguyện Thành trong một buổi phỏng vấn xin ý kiến chuyên gia về vấn đề môi trường. Ông kể lại câu chuyện cuộc đời mình chậm rãi như  ngược dần về quá khứ.

Từ một cậu bé bán dạo…

 tu cau be di cay thue, tro thanh giao su danh tieng nuoc my hinh anh 1

GS Trương Nguyện Thành (trái) trong một buổi chia sẻ với sinh viên Việt Nam. Ảnh: NVCC

Không bao giờ bỏ cuộc

Tôi hỏi ông về động lực nào thúc đẩy một cậu bé thôn quê, nghèo khó ở  Việt Nam trở thành nhà khoa học danh tiếng trên đất Mỹ, GS Trương Nguyện Thành  trả lời ngay: “Không bao giờ bỏ cuộc, dù chỉ là một việc nhỏ. Theo tôi, thành công hay không của mỗi người nằm ở 3 điều kiện: Cơ hội, sự quyết tâm và khả năng. Khả năng không quan trọng bằng quyết tâm. Và cũng phải biết kiên trì chuẩn bị để khi cơ hội đến thì có đủ khả năng bắt lấy, chứ đừng ngồi chờ cơ hội tự tìm đến”. 

Ký ức tuổi thơ của ông gắn với những tháng ngày bên nội ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Ngày ấy, nội là người mang cho cậu bé Thành những món quà vặt đậm vị quê. Những thứ bánh thuẫn, xôi dừa dù đã bao nhiêu năm trôi qua, hương vị của nó vẫn đậm sâu như mới lần đầu ông nếm thử. Nó gợi ông nhớ về những giây phút thuở nhỏ, về người nội hiền từ, về một vùng đất quê hương thanh bình, tươi đẹp…

Nội là người có ảnh hưởng lớn nhất đến con đường sự nghiệp của GS Trương Nguyện Thành. Tính cách, lối sống, cách cư xử của ông hiện tại được rèn luyện, ảnh hưởng từ những lời dạy của nội. Ông nói: “Nhớ về nội là nhớ về quê nội, nơi có rất nhiều kỷ niệm đẹp và ảnh hưởng lớn đến con người của tôi”. Hơn 40 năm trước, khi là cậu bé 11 tuổi, Thành rời Bình Định vào Sài Gòn theo gia đình. Cha ông – trụ cột chính của gia đình ngã bệnh, liệt nửa người. Thành phải bươn chải, dãi dầu mưa nắng để kiếm tiền phụ mẹ. Ngày ngày, sau giờ học, cậu bé Thành rong ruổi khắp phố phường với thùng thuốc lá từ trưa đến tận giữa đêm.

Năm 16 tuổi, gia đình ông chuyển xuống Lái Thiêu, Bình Dương. Khi ấy đang có chiến dịch đưa dân ra các vùng kinh tế mới là những nơi xa xôi, hẻo lánh. Gia đình ông xoay xở tậu được một miếng ruộng nhỏ và một cặp trâu. Thành cũng bỏ nghề bán thuốc lá dạo để chuyển sang đi cày thuê cuốc mướn. Tất cả việc cày, bừa, cắt lúa thuê cậu đều làm, dành dụm từng đồng một giúp gia đình. Việc học cũng không được thuận lợi bởi cuộc mưu sinh vất vả hằng ngày. Dù vậy, ý chí và quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để đổi đời đã luôn nung nấu trong lòng cậu. “Từ nhỏ  tôi đã có tư duy toán học, cộng thêm sự dạy dỗ của ông và cha và thường khuyên tôi rằng, học vấn là con đường ngắn nhất để đi đến thành công” – TS Thành nhớ lại.

Tới năm học lớp 12, con đường học vấn của cậu bé nghèo, lam lũ bắt đầu rẽ bước ngoặt. Nó xuất phát từ một đáp án dí dỏm của Thành trước câu hỏi của thầy đố các học sinh giỏi. Năm ấy, năm đầu tiên tổ chức thi học sinh giỏi toán toàn quốc, thầy đưa vài bài toán mẹo để chọn người tham dự. Các học sinh giỏi trong lớp không ai giải được. Lúc ấy, cậu học sinh Trương Nguyện Thành giơ tay hỏi: “Mấy bạn giỏi đều không làm được. Vậy thầy có muốn nghe ý kiến của trò dở không?”. Và cậu “trò dở” ấy đã làm thầy ngạc nhiên vì óc tư duy logic và khả năng toán học. Khi gặp riêng Thành, nghe trình bày hoàn cảnh, thầy rất thông cảm và soạn riêng cho Thành một số sách tham khảo: “Em lấy về đọc cho vui. Tháng sau thi học sinh giỏi toàn tỉnh, thầy muốn em đi thi”. Năm ấy, cậu bé Trương Nguyện Thành đậu học sinh giỏi toán cấp tỉnh, là 1 trong 5 đại diện của tỉnh Bình Dương đi thi giải toàn quốc.

Đến một tiến sĩ hóa học đáng tự hào

 tu cau be di cay thue, tro thanh giao su danh tieng nuoc my hinh anh 2

GS Trương Nguyện Thành trong phòng làm việc. Ảnh: NVCC.

Năm 19 tuổi, khi Thành vừa thi đậu Đại học Bách khoa, cả gia đình cùng di cư sang Mỹ. Năm đầu ở đất khách, bao nhiêu khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa nhưng chàng thanh niên ấy không chịu lùi bước học hành. Để trang trải sinh hoạt phí trong thời đèn sách, phần đông các bạn trẻ ở đây thường phụ việc ở nhà hàng, tiệm giặt ủi, hay đi giao báo. Riêng Thành, ở đại học của tiểu bang North Dakota anh may mắn gặp GS Mark Gordon và bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm II đại học – một điều hiếm, ngay với sinh viên Mỹ. Nhờ vậy, khi ra trường, anh có 4 bài báo in trên tạp chí quốc tế và dư tài liệu để xuất bản thêm bài nữa sau khi vào cao học, nghĩa là đủ điều kiện để viết một luận án tiến sĩ ở Mỹ. Học phí của anh nhờ khoản vay từ nguồn quỹ dành cho sinh viên và các phần học bổng của Chính phủ.

Năm 1985, Trương Nguyện Thành tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi cùng với 4 văn bằng phụ về lý, toán, công nghệ thông tin và thống kê. Nhận thấy tài năng của Thành, GS Mark Gordon đã tạo điều kiện cho anh học tiếp với những người thầy nổi tiếng như GS Donald Truhlar, GS Andrew McCammon. Năm 1990, anh lấy bằng tiến sĩ, và giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ. Anh học tiếp sau tiến sĩ về mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, Đại học Utah mời anh về làm GS chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử. Năm 1993, GS Thành đoạt giải (500.000USD)  – là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ, giải thưởng anh dùng cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, Trương Nguyện Thành được phong GS Cao cấp (cấp cao nhất trong 3 cấp GS ở Mỹ). Từ 1992 đến nay, GS Trương Nguyện Thành đã có hơn 160 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Và quay về quê hương

Gặt hái liên tục những thành công trên đất Mỹ, nhưng mong muốn đóng góp chất xám cho quê hương luôn là sự thôi thúc trong lòng nhà trí thức người Việt này. Nhận thấy trong nước còn rất nhiều sinh viên tài năng không có cơ hội, GS Trương Nguyện Thành đã dùng tiền cấp cho các đề tài nghiên cứu để trao học bổng cho một số sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu ở Mỹ. Năm 2005, ông được GS Nguyễn Thiện Nhân (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM)  mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam. Sau đó, GS Thành được mời tham gia lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM.

Để điều hành công việc từ xa, GS Thành thường làm việc online về đêm. Ngoài công việc ban ngày tại khoa Hoá của Đại học Utah, hàng tuần, các cuộc họp giữa Viện trưởng Trương Nguyện Thành ở Mỹ với các nhân viên ở Việt Nam và các trưởng phòng thí nghiệm ở Canada, Australia, Ba Lan và Mỹ đều được thực hiện qua Internet. Một năm, Viện trưởng chỉ về nước làm việc vài lần để trực tiếp giải quyết một số vấn đề thực sự cần thiết.

Cá nhân ông còn nhận bảo trợ cho các sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng chính nguồn quỹ nghiên cứu của ông. Đích thân ông đứng ra phỏng vấn tuyển chọn người tài, và từ năm 2001 tới nay, ông đã tài trợ cho trên dưới 20 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Trong số này có nhiều người đã trở về giúp ông phát triển Viện nghiên cứu tại Việt Nam.

Với nhiều người biết về GS Trương Nguyện Thành, ông đã trở thành một người con không bao giờ hổ thẹn với quê hương đất nước. Tất cả những gì ông đóng góp cho nước nhà, không chỉ là niềm tự hào, không chỉ là những nguồn quỹ quý giá mà còn là một tấm gương, một bài học về sự vươn lên, dám thay đổi, dám sống khác đi. Ông là minh chứng tốt nhất cho  sự bản lĩnh, dám cho bản thân mình cơ hội mới và kiên trì theo đuổi nó đến cùng.

 

Đỗ Đoàn Phương An

Nguồn:danviet.vn/tin-tuc/tu-cau-be-di-cay-thue-tro-thanh-giao-su-danh-tieng-nuoc-my-704963.html