Tự hào “dân” Bauman*

Cuộc trò chuyện giữa nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và PGS.TS Lê Văn Minh, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Bách khoa Hà Nội tại nhà riêng của ông, vào sáng ngày 29-5-2015. Ông say sưa kể về con đường sự nghiệp và những cống hiến của 28 cựu sinh viên Việt Nam từng học tại trường Bauman trải qua các khóa từ năm 1951 đến 1963. Hầu hết họ đều được đào tạo tại khoa AM (Tự động hóa và Cơ khí hóa các quá trình sản xuất), riêng chỉ có ông Lê Văn Chiểu[1] – thế hệ đầu tiên được cử sang học tập trong đoàn cán bộ khoa học đầu tiên năm 1951, được đào tạo ngành Pháo binh.

PGS.TS Lê Văn Minh giới thiệu với nghiên cứu viên về lớp học của ông tại trường Bauman

Bản thân PGS.TS Lê Văn Minh từng làm công tác giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội, có thời gian phục vụ trong ngành Quân giới và thiết kế công trình công nghiệp quốc phòng, rồi sau này làm chuyên gia giáo dục tại Algeria…Ông chia sẻ: “Trường Bauman là cái lò đào tạo về khoa học kỹ thuật một cách rất đầy đủ cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, những kiến thức do nhà trường cung cấp rất cơ bản và thiết thực. Cho nên, dù làm ở bất cứ vị trí nào tôi cũng thích ứng được. Chúng tôi luôn tự hào khi đeo chiếc huy hiệu của trường Bauman”.

Đỗ Minh Khôi 

__________________

* Tên gọi đầy đủ: Học viện Kỹ thuật Tổng hợp Quốc gia Matxcơva – Bauman.

[1] Sau này ông trở thành Phó Giáo sư, Thiếu tướng, từng là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.