GS.TSKH Phan Văn Lộc sinh năm 1940 trong một gia đình nghèo bên dòng sông Nhật Lệ. Tuổi thơ thiếu thốn và gian khó khiến cho nghị lực của cậu thanh niên đất Quảng Bình càng mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Ông luôn tâm niệm lời mẹ dặn: phải cố gắng học để lập nghiệp. Sau này, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh, rồi thực tập sinh cao cấp ở Bungari và trở thành một nhà khoa học hàng đầu trong ngành đo ảnh và viễn thám ở Việt
GS.TSKH Phan Văn Lộc
Nhưng để trở thành một nhà khoa học, GS Phan Văn Lộc đã trải qua tuổi thơ đầy biến động. Mẹ ông sinh được 4 người con, 2 chị gái đầu thì một người đi ở, một người đi lấy chồng, còn anh trai đi học xa nhà. Ở quê chỉ có 2 mẹ con rau cháo nuôi nhau. Từ 10 tuổi, ông đã phụ giúp mẹ buôn bán bên dòng sông Nhật Lệ. Ông kể: “Đều đặn cứ 3h sáng, mẹ tôi lại gõ nhẹ vào thái dương để đánh thức tôi dậy. Sau đó tôi giúp mẹ sắp xếp và mang vác đồ đạc ra bến sông Nhật Lệ để mẹ xuôi dòng đi chợ. Sáng ra đi học. Đến khoảng 12h giờ trưa tôi lại đón mẹ ở bến sông, đội gạo từ bến sông đến chỗ những ngư dân bán cá để bán gạo, hoặc đổi gạo và các thứ khác lấy cá. Chiều về kho cá, nướng cá giúp mẹ, để sáng hôm sau mẹ lại mang cá đi bán”.
Hình ảnh cậu bé gầy gò đội gạo bên bến sông Nhật Lệ trở nên quen thuộc với bạn bè cùng trang lứa. Ông Lộc được bạn bè so sánh với Tử Lộ thời Xuân Thu của Trung Quốc. Tử Lộ được biết đến là một học trò của Khổng Tử và là một người con có hiếu với cha mẹ. Ví ông Lộc như Tử Lộ là ám chỉ sự hiếu lễ của ông với người mẹ của mình.
Suốt từ năm 1950 đến trước khi vào học ở trường cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh (1958), ông Phan Văn Lộc gắn bó với dòng Nhật Lệ và công việc đội gạo, kho cá bên người mẹ tần tảo của mình. Nhưng với ông, đấy chính là động lực lớn lao, quãng thời gian quý giá để ông phấn đấu thành người có ích, có đóng góp cho xã hội.
Nguyễn Thanh Hóa