Khi viết cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu, tôi viết trong căn nhà số 22 Nguyễn Huy Tự ở Hà Nội. Nhà tôi nghèo, mấy thế hệ sống trong một căn nhà nhỏ. Gia đình nhỏ của tôi ở một góc, bố mẹ tôi một góc, em gái tôi một góc, không có chỗ để viết. Tôi kê một cái bàn nhỏ, thức dậy 2 giờ sáng ngồi viết. Giấy cũng không có mà viết. Cô em gái cho tôi loại giấy ở tòa án đã viết một mặt, mặt sau còn là giấy trắng, tôi viết vào mặt sau. Khi viết, ý ra dồn dập, viết đến nỗi run tay. Ý này vừa viết thì lại nảy ra ý khác, phải ghi vào kẻo quên. Trạng thái hào hứng, say mê. Tôi viết trong mấy tháng thì xong quyển chuyên luận gần 300 trang này – GS Trần Đình Sử chia sẻ về những ngày viết cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu[1].
Tìm hiểu khởi nguồn của cuốn sách, chúng tôi được tiếp cận bài tiểu luận “Mấy đặc sắc cơ bản của thơ Tố Hữu” do ông Trần Đình Sử viết năm 1970. Đó là tài liệu gồm 21 trang viết tay bằng mực đen trên giấy khổ 21cm x 27cm, nhiều trang đã nhòe nét mực, được tác giả giữ gìn cẩn thận và coi như một vật chứng trong lịch sử cuộc đời mình. Từ bài tiểu luận này đến cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu do Nhà xuất bản Tác phẩm mới cho ra mắt bạn đọc năm 1987 là một câu chuyện về quá trình nghiên cứu thi pháp học của GS Trần Đình Sử.
Bản tiểu luận viết tay, 1970
Đầu năm 1966, sau khi đi học ở Trung Quốc trở về, ông Trần Đình Sử được điều vào công tác ở trường ĐH Sư phạm Vinh – khi ấy đang sơ tán ở Hà Trung, Thanh Hóa. Cuối năm, khi trường chuyển địa điểm đến huyện Thạch Thành, ông bắt đầu lên lớp giảng bài. Khoa Văn của trường hội tụ nhiều nhà giáo tài năng như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Trung Hiếu… Họ nhiều tuổi hơn Trần Đình Sử và đều rất đam mê nghiên cứu, thậm chí đạp xe ra tận Hà Nội để tìm sách đọc. Tấm gương học tập của các bậc đàn anh càng kích thích ông say mê tìm tòi tri thức. Chính vì vậy, ông tìm mua giáo trình tiếng Anh, tiếng Pháp, từ điển Pháp – Trung, Anh – Trung để tự học.
Sau hai năm dạy ở trường Sư phạm Vinh, năm 1968 ông Trần Đình Sử viết đơn xin đi học tiếng Nga và được nhà trường giới thiệu đi học chuyên tu một năm. Khi ấy, ông là người duy nhất không thuộc diện đi học ở nước ngoài mà lại đăng ký học tiếng Nga. Mặc dù đã được trường chấp thuận nhưng ông vẫn phải xin phép Bộ Đại học. Thứ trưởng Lê Văn Giạng đồng ý, với lí do ưu tiên cán bộ tuyến lửa.
Trong một năm học chuyên tu tiếng Nga ở Gia Lương, Hà Bắc, ông Trần Đình Sử cũng tìm đọc tài liệu tiếng Nga về nghiên cứu – phê bình văn học. Trong quá trình đó, ông tiếp nhận được những kiến thức cơ bản về lý luận và phê bình văn học, nhờ vậy ông hào hứng bước vào một hướng nghiên cứu mới là thi pháp học. Ở Liên Xô, từ sau khi Stalin mất (1953), quan điểm văn học được cởi mở hơn so với trước, nhiều vấn đề mới được công bố rộng rãi. Những tài liệu lý luận đó rất bổ ích, khiến ông hăng hái dịch một số, nhưng thông qua tiếng Trung.
Ông Trần Đình Sử tích cực đọc, và như ông cho biết: Khi tôi đọc tài liệu lý thuyết, tôi phải tìm cách kiểm chứng lý thuyết ấy. Mình phải ướm vào hiện tượng văn học cụ thể để giải thích xem có đúng hoặc có thể giải thích được không[2]. Trong quá trình đọc như vậy, điều gì không biết thì ông hỏi ông Hoàng Ngọc Hiến[3] – một người có khả năng đưa ra những ví dụ đặc trưng để giải thích cho các luận điểm trừu tượng. Đọc giáo trình của Timophiev do nhà giáo Lê Đình Kỵ dịch và được xuất bản ở Nhà xuất bản Văn hóa năm 1962, ông Trần Đình Sử nhận thấy nó sơ lược, chung chung, không đi vào bản chất của văn học nghệ thuật: Tôi phê phán giáo trình của Timophiev. Ông ấy giải thích khái niệm hình tượng nghệ thuật là bức tranh đời sống vừa cụ thể, cảm tính, vừa khái quát, vừa có giá trị thẩm mỹ. Tôi cho rằng định nghĩa này trung lập, về logic là sai[4]. Không hài lòng với những giáo trình cũ, ông quyết tìm con đường khác để định nghĩa hình tượng nghệ thuật, kết quả là ông cho ra đời chuyên đề “Mấy đặc sắc cơ bản của thơ Tố Hữu” (1970), rồi đến “Đặc trưng của hình tượng nghệ thuật trong tính thống nhất hữu cơ của nó” (1972).
Vì đã đọc nhiều tài liệu Liên Xô về vấn đề không gian, thời gian, nên ông Trần Đình Sử thấy áp dụng vào thơ Tố Hữu rất phù hợp. Ông đọc toàn bộ thơ Tố Hữu để chọn ra những câu nói về thời gian, không gian và cho rằng đó là một đặc điểm trong phong cách thơ Tố Hữu. Tiểu luận “Mấy đặc sắc cơ bản của thơ Tố Hữu” được in vào kỷ yếu của khoa Văn, trường ĐH Sư phạm Vinh năm 1974. Nó cũng là tiền đề để về sau ông viết cuốn sách Thi pháp thơ Tố Hữu vào năm 1985.
Có thể coi tiểu luận “Mấy đặc sắc cơ bản của thơ Tố Hữu” là công trình đầu tiên đánh dấu sự có mặt của Trần Đình Sử trong lĩnh vực nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam. Ông như một làn gió mới trong làng nghiên cứu – phê bình văn học nước ta, với ý tưởng khác biệt và dám phá bỏ khuôn phép cũ. Ông còn nhớ, khi đó tiểu luận được đánh máy thành nhiều bản, phát cho cán bộ khoa Văn đọc và nhận xét. Khoa Văn còn tổ chức một cuộc hội thảo để ông trình bày về vấn đề này.
Khi viết bài tiểu luận đó, ông Trần Đình Sử cho rằng nghiên cứu phong cách thơ Tố Hữu là tìm hiểu tính thống nhất trong sáng tác, cái đã tạo thành diện mạo độc đáo của nhà thơ so với các nhà thơ khác. Tính thống nhất này thể hiện ở mối liên hệ nội tại của các yếu tố nghệ thuật trong những sáng tác khác nhau, thuộc những thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, ông chỉ đề cập tới hệ thống đề tài, cảm hứng hình tượng và giọng thơ của Tố Hữu. Ông cho rằng thơ Tố Hữu đi từ những con người bình thường đến những anh hùng cách mạng, từ sinh hoạt thường nhật đến các sự kiện cách mạng lớn lao. Trong sự phát triển ấy, nổi lên 4 tuyến đề tài cơ bản: anh hùng hy sinh cho cách mạng; người mẹ Việt Nam; lãnh tụ cách mạng; những chặng đường cách mạng – mùa xuân. Qua các giai đoạn sáng tác, cả 4 tuyến đề tài đều tồn tại và phát triển, đặc biệt là những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ đều có mặt trong các tuyến này[5]. Để giải quyết những vấn đề đặt ra, ông Trần Đình Sử đi sâu phân tích các dạng cảm hứng, gắn với những minh chứng được dẫn ra từ thơ của Tố Hữu. Cuối cùng, ông đi tới kết luận một cách khiêm tốn: Như đối với mọi nhà thơ lớn, thơ Tố Hữu là một đề tài nói mãi không cùng. Còn phải tìm hiểu rất nhiều mới khám phá hết những bí mật của nhà thơ quen biết ấy. Chúng tôi mong đóng góp những gợi ý sơ bộ nhằm phác ra thế giới nghệ thuật riêng biệt của nhà thơ và chờ đợi sự chỉ giáo của các bạn[6].
Tưởng chừng nghiên cứu của Trần Đình Sử về thơ Tố Hữu dừng lại ở thời điểm ấy, vì ông đi làm nghiên cứu sinh 4 năm ở Kiev, Ukraina. Nhưng chính khoảng thời gian du học đó lại giúp ông trau dồi thêm về lý luận, để có những nhận định sắc sảo hơn trong nghiên cứu.
Đầu thập niên 80, sau khi về nước và công tác ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PTS Trần Đình Sử đi sâu vào nghiên cứu thi pháp học và đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều. Đồng thời, ông trở lại bài tiểu luận năm 1970 về thi pháp thơ Tố Hữu và quyết định thực hiện một cuốn sách về đề tài này. Ông biết rõ, các nhà nghiên cứu như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai đã từng viết về thơ Tố Hữu, họ đã phân tích, đánh giá kỹ lưỡng nhiều khía cạnh, cả về nội dung lẫn hình thức. Đặc biệt, trong thơ Tố Hữu, tính chiến đấu, giá trị tư tưởng và các hình tượng tương ứng với các mảng đề tài đã được nghiên cứu nhiều.
Tuy nhiên, cho đến những năm 80, tiếp cận thơ Tố Hữu theo góc độ thi pháp học vẫn còn là một khoảng trống; về giá trị nghệ thuật của một loại tiếng thơ, một lối tư duy thơ, trong trường hợp này là loại thơ trữ tình chính trị, thì vẫn hoàn toàn chưa được nghiên cứu. Giới nghiên cứu – phê bình phần nhiều chỉ mới đánh giá các bài thơ, tập thơ theo tiêu chí thơ hay, thơ chín, thơ nhuyễn, chỉ ra câu hay, từ đắt, hoặc chi tiết đời sống chân thực, mới lạ. Còn theo quan niệm của ông Trần Đình Sử, khi nói đến phong cách thơ ca, cần chú ý cái “tạng” của từng người với chất giọng trời phú… Do đó, ông đặt ra và giải quyết hàng loạt vấn đề mới mẻ, từ quan niệm nghệ thuật về con người, không gian và thời gian nghệ thuật, cho đến chất thơ và cách thức thể hiện. Nhưng ông cũng cảm thấy khá khó khăn, vì viết làm sao cho mới mẻ, không lặp lại những điều mà người đi trước từng đề cập là điều không dễ.
Bìa cuốn sách, xuất bản 1987
Để viết công trình chuyên luận Thi pháp thơ Tố Hữu, ông Trần Đình Sử đã sử dụng các khái niệm thi pháp học mà ông tìm hiểu được trong thời gian dài trước đó. Với ông, thi pháp là câu chuyện về hình thức bên trong, hình thức mang tính quan niệm, có tác dụng mở đường cho những cách nhìn, cách biểu hiện và sáng tạo ngôn ngữ. Đó là đặc điểm của thi ca xét trên phương diện chủ thể, tính chỉnh thể và hệ thống. Thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu không giống như thơ trữ tình thông thường, cũng không giống các bài tuyên truyền phi nghệ thuật, mà là nghệ thuật đích thực.
Nói về cuốn sách này, GS Trần Đình Sử khẳng định ông viết là để giã từ lối mòn của cách tiếp cận xã hội học theo chủ nghĩa đề tài, giã từ lối phân tích thơ theo lập trường xã hội, mức độ chín của thế giới quan, chi tiết đời sống giống hay không giống[7]. Ông không xem xét phương pháp sáng tác, mà chỉ đi sâu vào bình diện thi pháp loại hình và tác giả. Đây là thử nghiệm đầu tiên trong việc xác định nội hàm thơ trữ tình chính trị, khái niệm “kiểu nhà thơ”, đồng thời vận dụng các phạm trù thi pháp hiện đại như quan niệm nghệ thuật về con người, không gian và thời gian nghệ thuật, các hình thức biểu hiện, để xem xét thế giới nghệ thuật của nhà thơ. Các phạm trù thi pháp này có giá trị cung cấp thước đo chung, tạo thành mẫu số chung để xem xét bất cứ hiện tượng nghệ thuật nào. Khi áp dụng vào sáng tác của một tác giả, chúng cho thấy những mức độ đo riêng, vừa bộc lộ tính độc đáo, cái mới, sức mạnh, vừa bộc lộ tính giới hạn hay chỗ yếu của một thế giới thơ cụ thể.
Lấy vài ví dụ chứng minh cho những khác biệt trong nghiên cứu của mình về thơ Tố Hữu, GS trần Đình Sử nêu lên sự đặc sắc của các yếu tố thời gian, không gian nghệ thuật. Thời gian trong thơ Tố Hữu trôi rất nhanh, một ngày bằng mấy mươi năm, nên mới có những câu thơ: Đã nghe nước chảy trên non/ Đã nghe nước chảy thành con sông dài/ Đã nghe gió ngày mai thổi lại/ Đã nghe hồn thời đại bay cao. Không gian thơ Tố Hữu là con đường – mọi người đều đi trên con đường cách mạng. Còn ngôn từ thơ Tố Hữu, theo GS Trần Đình Sử thì đó là ngôn từ điệu nói. Tố Hữu kế thừa ngôn từ thơ mới là thơ nói, khác với thơ cổ điển, thơ điệu ngâm, thơ 7 chữ, thơ đường luật, với quy tắc bằng trắc, luyến láy chặt chẽ. Ông phân tích sâu sắc rằng, thơ Tố Hữu là thơ tuyên truyền, sử dụng yếu tố truyền thống là chính, nó không có nhu cầu tạo ra từ mới, hình ảnh mới, vì hình ảnh mới sẽ làm cho quần chúng khó hiểu. Thêm nữa, tuyên truyền cần phải rõ ràng và hiểu được ngay; làm thơ tuyên truyền nếu khiến người đọc phải ngẫm nghĩ vài ba ngày thì không còn là tuyên truyền nữa. Mỗi dòng thơ phải đơn nghĩa, bởi nhiều nghĩa sẽ gây khó hiểu. Thơ Tố Hữu không đa nghĩa, nên Tố Hữu phải khai thác âm điệu, vì thế âm điệu trong thơ Tố Hữu rất phong phú. Tố Hữu không đổi mới ngôn ngữ thơ và cũng không muốn ai đổi mới ngôn ngữ thơ.
Nói thêm về sự khác biệt trong nghiên cứu của mình, GS Trần Đình Sử chia sẻ: Tôi đã mô tả thơ Tố Hữu theo cách hoàn toàn mới. Trước kia các nhà nghiên cứu chủ yếu miêu tả và bình luận hình ảnh: Bác Hồ, bộ đội, hình tượng phụ nữ, hình tượng bà mẹ; bình luận về cách ngắt nhịp, cách luyến láy ra sao. Những vấn đề đó không sai nhưng đều rất truyền thống. Tố Hữu miêu tả con người ý chí, những chữ như "quyết","mặc","thà" đều thể hiện ý chí. Tất cả các nhân vật của ông ấy đều ý chí. Tôi đưa vào quan niệm khác, từ quan niệm thể loại, quan niệm về con người, về không gian, thời gian, đến hệ thống biểu đạt, hệ thống tu từ. Các vị khác không nghĩ tới cái đó. Do vậy, cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu là hoàn toàn mới và thuyết phục[8].
Khi ông Trần Đình Sử bắt tay vào viết cuốn sách này, Nhà xuất bản Tác phẩm mới gợi ý nếu ông cần nói chuyện với Tố Hữu thì họ sẽ tổ chức những cuộc gặp mặt. Tuy nhiên, ông từ chối, vì e ngại trường hợp nhà thơ đưa ra một số yêu cầu mà ông khó có thể làm theo được.
Bản thảo Thi pháp thơ Tố Hữu viết xong năm 1985. Ở thời điểm ấy, có những luận điểm còn mới mẻ, nên Nhà xuất bản Tác phẩm mới không dám in, họ ngại vấn đề đường lối, lập trường. Một người bạn thích thú những vấn đề mới trong nghiên cứu của ông Trần Đình Sử là nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã chuyển bản thảo cho Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Hà Xuân Trường để xin ý kiến.
Sau khi được ông Hà Xuân Trường “bật đèn xanh”, năm 1987 Nhà xuất bản Tác phẩm mới cho in cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu. Cuốn sách dày 289 trang, khổ 13cm x 19cm. Về sau, cuốn sách đã được tái bản hai lần: năm 1995 ở Nhà xuất bản Giáo dục và năm 2001 ở Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. Tác giả cho biết, nhà thơ Tố Hữu đánh giá cao cuốn chuyên luận này và mua nhiều để tặng bạn bè.
Nhà nghiên cứu – phê bình văn học Lã Nguyên (La Khắc Hòa)[9] cho rằng thành công của ông Trần Đình Sử không phải ở chỗ chọn nói những điều người khác chưa nói, mà chủ yếu bởi ông biết xuất phát từ một quan niệm đúng đắn về bản chất và đặc trưng của văn học, của sáng tạo nghệ thuật để xác định chính xác đối tượng, chức năng của thi pháp học. Ông Lã Nguyên nhận xét: Không có gì là quá đáng nếu nói rằng chuyên luận này, với việc đưa ra hàng loạt khái niệm, phạm trù công cụ mới như hình thức quan niệm, quan niệm nghệ thuật về con người…, Trần Đình Sử đã góp phần hoàn thiện, nâng lên đỉnh cao mới một hướng thi pháp học hiện đại do ngành nghiên cứu Văn học Xô viết gợi ý… Nếu không có một trí tuệ sắc sảo, một tình yêu và ý thức trách nhiệm cao trước những giá trị tinh thần của dân tộc, chắc đâu cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu đã ra đời[10].
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học cũng cho rằng, ngay từ đầu GS Trần Đình Sử đã biết đi sâu vào những vấn đề bản chất nhất của sáng tạo văn học, từ đó xác lập trường nghiên cứu của mình. Và vấn đề ấy được thể hiện, trình bày một cách đầy đủ trong cuốn sách Thi pháp thơ Tố Hữu. Vẫn theo ông Nguyễn Đăng Điệp, đó là công trình làm cho ông Trần Đình Sử trở thành một hiện tượng nổi bật của đời sống nghiên cứu – phê bình văn học hiện đại, và thêm nữa, Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử đã “mở ra một hướng nghiên cứu đầy triển vọng” (Lã Nguyên), vì toàn bộ chuyên luận toát lên “sức mạnh lý giải của hệ thống” (Nguyễn Lai). Hệ thống ấy lần đầu tiên xuất hiện trong đời sống nghiên cứu văn học Việt Nam với cái tên Trần Đình Sử[11].
Để khai sinh một điều gì đó mới mẻ không phải là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước. GS Trần Đình Sử đã đổ nhiều mồ hôi, dành nhiều tâm sức và trí tuệ mới có được thành công như vậy. Từ một bài tiểu luận viết tay năm 1970 đến một cuốn sách gây tiếng vang năm 1987, đó là một quá trình theo đuổi mà công việc nghiên cứu không hề đơn giản và dễ dàng. Có thể nói, bài tiểu luận năm 1970 không chỉ là một bằng chứng về lao động khoa học của GS Trần Đình Sử, mà còn là bằng chứng để kể về sự hình thành một nhà nghiên cứu được coi là của hiếm trong giới nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam hiện nay[12].
Nguyễn Thanh Hóa
_______________________________
* GS.TS Trần Đình Sử là nhà nghiên cứu – phê bình văn học, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Đình Sử, 7-11-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Đình Sử, 11-10-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Ông Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011) là nhà lý luận phê bình, dịch giả văn học Việt Nam đương đại, nguyên Hiệu trưởng trường Viết văn Nguyễn Du.
[4] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Đình Sử, 11-10-2017, đã dẫn.
[5] Trần Đình sử, “Mấy đặc sắc cơ bản của thơ Tố Hữu”, 1970, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[6] Trần Đình sử, “Mấy đặc sắc cơ bản của thơ Tố Hữu”, đã dẫn.
[7]Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Đình Sử, 7-11-2017, đã dẫn.
[8] Tài liệu ghi âm GS.TS Trần Đình Sử, 7-11-2017, đã dẫn.
[9] PGS.TS La Khắc Hòa là nhà nghiên cứu – phê bình văn học, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
[10] Lã Nguyên, “Một hướng nghiên cứu có triển vọng (Về cuốn chuyên luận Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử, Nhà xuất bản Tác phẩm mới 1987)”, tạp chí Văn học, số 3, 1989.
[11] Nguyễn Đăng Điệp, “Con đường Trần Đình Sử”, 2004, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[12] Tài liệu ghi âm GS Nguyễn Đình Chú, 10-8-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.