Bức ảnh đen trắng có kích thước 9,5cm x 12,5cm, chụp cô thiếu nữ Mai Anh năm 1967, tròn 20 tuổi. Đây là tác phẩm đẹp của hiệu ảnh Phương Đông ở Bờ Hồ – Hà Nội, được hiệu ảnh phóng to và treo làm ảnh mẫu. Mai Anh tặng một tấm ảnh gốc cho người về sau trở thành bạn đời của mình là Trần Vĩnh Phúc, nhân sinh nhật của anh, ngày 26-3-1968. Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, dù hình vẫn hầu như nguyên vẹn, nét vẫn rõ, dù được ép plastic và cất giữ cẩn thận, nhưng trên rìa mặt tấm ảnh đã xuất hiện một số vết tróc nham nhở.
PGS Trần Vĩnh Phúc nhớ lại: Trong kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ đi sơ tán lần thứ nhất, khoa Văn học Nga của trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội[1] – nơi ông công tác, chuyển về ở Thanh Miện, Hải Dương. Tháng 10-1967, từ nơi sơ tán ông trở về Hà Nội thăm nhà. Trong dịp đó, một hôm ông cùng người bạn học từ thời ở Liên Xô đạp xe tới cửa hàng Bách hóa tổng hợp Bờ Hồ (còn gọi là Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền) để mua sắm vài thứ vật dụng. Khi đang đi qua trước cửa hiệu ảnh Phương Đông trên phố Tràng Thi thì anh bạn bỗng nhiên dừng xe, chỉ vào bức ảnh chân dung một cô gái đặt bên trong cửa kính và nói rằng đó là Nguyễn Mai Anh, con gái của người cùng cơ quan, làm cho Phúc tò mò tiến lại ngắm kỹ bức ảnh. PGS Trần Vĩnh Phúc kể lại chuyện ấy: Tôi thích vẽ chân dung, nên khi nhìn thấy bức ảnh cô gái, tôi thấy phù hợp với “gu” thẩm mỹ mà tôi thường vẽ. Tôi dán mắt vào bức ảnh bởi vẻ đẹp cân đối, thuần khiết, dịu dàng, trẻ trung, đôi mắt sáng, sống mũi dọc dừa và cặp môi nhỏ khép lại ướt mọng của cô gái. Mái tóc đen lượn sóng chải mượt mà với hàng mái cong, gọn gàng trên trán và chiếc áo sơ mi có cổ lá sen đúng kiểu của con gái Hà Nội[2].
Ngay lúc ấy, chàng trai Trần Vĩnh Phúc đã “phải lòng” và muốn gặp Mai Anh tức khắc, nhưng vì cô là giáo viên trường Trung cấp Công nghiệp Hà Nội mà trường đang đi sơ tán ở gần Phủ Lý, Hà Nam, nên chưa thể gặp được. Đến ngày 24-12-1967, được anh bạn kia sắp xếp, Vĩnh Phúc có buổi gặp Mai Anh tại nhà cô ở số 15, phố Hàng Giấy. PGS Trần Vĩnh Phúc nhớ rất rõ: Lần đầu tiên tôi gặp cô ấy là vào buổi tối, khi cô ấy vừa từ trường Trung cấp Công nghiệp về nhà ở Hà Nội. Mai Anh vận chiếc áo sơ mi ngắn màu xanh như bao cô gái Hà Nội thời chiến hồi đó. Gặp tôi, cô ấy nhoẻn miệng cười tươi để lộ hàm răng trắng, đều đặn, nhưng gương mặt trắng xanh, hơi gầy do cuộc sống khó khăn của thời chiến.
Bức ảnh khởi nguồn mối tình của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc
Trong lần gặp gỡ đó, hai người không nói được nhiều với nhau vì là lần đầu tiên, lại có cả bố mẹ của Mai Anh cùng ngồi tiếp chuyện. Gia đình cô tỏ ra thiện cảm với chàng trai trẻ vì sự nhã nhặn của một giảng viên đại học. Mai Anh cũng có những cảm nhận riêng: Đó là một người giản dị, hiền lành, chân thật. Anh ấy đi đôi dép lốp, không hề giống với những gì tôi tưởng tượng trước đó là một người mang dáng dấp Tây học. Mai Anh là cô gái Hà Nội, lại ham đọc sách từ khi mới 5 tuổi, nên tâm hồn khá mơ mộng. Chính vì vậy, khi nói chuyện về văn học thì hai người khá hợp nhau. Hôm sau, Trần Vĩnh Phúc hồi hộp mong đến tối để lại tới nhà Mai Anh chơi. Khoảng 19h, từ nhà mình ở số 23 – phố Phù Đổng Thiên Vương, Phúc đạp xe đến thẳng nhà Mai Anh. Kể lại chuyện hồi ấy, ông chia sẻ: Mặc dù đó không phải là lần đầu hò hẹn, nhưng tôi vẫn mang tâm trạng xốn xang, hạnh phúc của một người chạm vào tình yêu đầu đời. Dưới tầng 1 của nhà Mai Anh khá rộng, chỉ có bộ bàn ghế kê ở giữa, cánh cửa hai lớp (cửa gỗ và cửa sắt) là một nét khá đặc trưng của các căn nhà thời chiến. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về bản thân, gia đình, về quan niệm sống, tình yêu và hạnh phúc. Những câu chuyện đó tưởng như không có hồi kết thúc, cho đến khi chúng tôi nhận ra là đêm đã khuya.
Nhà Mai Anh không xa cầu Long Biên là bao. Có lần, đôi bạn trẻ đang ngồi tâm sự thì tiếng còi báo động vang lên, rồi tiếng bom nổ do máy bay Mỹ thả xuống để phá hoại cây cầu quan trọng này. Nhưng sự nguy hiểm lúc đó lại dường như là điều kiện cho hai người xích lại gần nhau hơn. PGS Trần Vĩnh Phúc hồi tưởng: Tiếng bom nổ gần làm rung chuyển tầng một, tôi đứng phắt dậy, kéo tay Mai Anh đứng áp sát người nhau bên góc tường. Khi trở về nhà, tôi còn cảm nhận mùi thơm dịu của Mai Anh.
Thực ra, vì bận công tác nên hai người ít có thời gian đi chơi; những lần gặp nhau, họ cũng ít ra ngoài chơi. Tuy nhiên, khi biết Mai Anh thích dạo chơi quanh vườn hoa và ngắm trăng, nếu có cơ hội là Vĩnh Phúc lại đưa người yêu lên Hồ Tây vào những buổi tối có trăng. Một lần hẹn hò đặc biệt là vào đêm giao thừa tết Mậu Thân (1968). Đó cũng là lần đầu tiên anh chở người yêu về giới thiệu với gia đình. Thấy Mai Anh dịu dàng, ngoan ngoãn, gia đình anh rất cảm tình. Hôm ấy, anh cho Mai Anh xem mấy kỷ vật mua trong thời gian học đại học ở Liên Xô, như cây thông Noel, con lật đật, và cả bức tranh sơn dầu “Rừng bạch dương ngoại ô Mátxcơva” do chính mình vẽ. Thời chiến tranh, người Hà Nội rất lạc quan, như bà Mai Anh nhớ lại và nhận xét: Người Hà Nội lạc quan nhưng cũng rất chủ quan, họ đi chơi cả khi bom ném xuống Hà Nội, còn PGS Trần Vĩnh Phúc kể về việc hai người hòa vào dòng người đi chơi Tết năm ấy: Chúng tôi còn gặp cả bộ đội, các cô gái tự vệ bảo vệ thủ đô. Trên hè phố, đám trẻ chạy lăng xăng, ríu rít cười cùng tiếng pháo nổ.
Mồng 3 Tết (31-1-1968), Vĩnh Phúc và Mai Anh tạm biệt nhau để mỗi người về nơi sơ tán tiếp tục công tác của mình. Vĩnh Phúc lúc này là Chủ nhiệm bộ môn Văn học Nga. Bên cạnh việc giảng dạy, anh còn tham gia biên soạn cuốn Từ điển Nga – Việt, công trình của Viện Ngôn ngữ, đồng thời tự học tiếng Anh.
Hai người cũng hay viết thư cho nhau. Từ nơi sơ tán ở Hải Dương, mỗi tuần Vĩnh Phúc gửi cho Mai Anh một lá thư. Điều kiện thời chiến làm cho việc chuyển thư chậm trễ, nên anh luôn trong tâm trạng chờ đợi thư trả lời của người yêu và mong ngóng người đưa thư hơn ai hết. Tình cảm của anh được đáp lại trong bức thư Mai Anh viết tháng 5-1968, mà sau này anh trích ra một đoạn để ghi lại vào nhật ký của mình: Không hiểu cả cuộc đời em sau này có tươi đẹp như những buổi đầu chúng mình yêu nhau không, anh nhỉ… Em muốn sẽ trở thành niềm an ủi, niềm vui của anh trong cuộc sống. Em chỉ mong có một tình yêu chân thành, sâu sắc thật sự, em không thích cái gì là hào nhoáng bên ngoài[3]. Sự xa cách về không gian không hề làm giảm đi tình cảm của chàng trai trẻ. Trong bức thư ngày 2-6-1968, Vĩnh Phúc thổ lộ mạnh bạo: Mới trọn một ngày đêm anh và em xa nhau mà sao thời gian đối với anh thấy nó dài vô tận! Chưa bao giờ anh nhớ em và muốn lại được ở bên em bằng lúc này. Nếu đó là hiện thực, anh sẵn sàng vượt qua con đường chiến tranh, sơ tán ghập ghềnh “chở nặng tình yêu”, vượt qua núi đồi, biển rộng, sông dài để đến với em, để được ngả vào lòng em[4].
Từ sau khi đôi bên gia đình đã “có lời” với nhau, Vĩnh Phúc thường về Phủ Lý, Nam Hà thăm người yêu hoặc Mai Anh về Hà Nội để hai người gặp nhau. Thời chiến có khá nhiều kỷ niệm. PGS Trần Vĩnh Phúc kể lại: Có đêm, mấy anh em trong bộ môn Văn học Nga rủ nhau đạp xe về Hà Nội. Nhưng chiếc cầu ở Kẻ Sặt, Hải Hưng bị máy bay Mỹ ném bom nên chúng tôi đi bằng cầu phao bắc ngay sát chiếc cầu đó. Trên đường về, cổ phốt xe của tôi bị gãy, may tôi kiếm được đoạn dây thép buộc cổ phốt và cố đạp nhanh để kịp giờ cắt cầu phao. 8 giờ sáng hôm sau chúng tôi về tới Hà Nội. Bà của Mai Anh chia sẻ thêm: Thời đó tìm được chỗ sửa xe rất khó nên mỗi lần đi xa, anh ấy thường mang theo bơm xe. Chính buổi tối hôm ấy, sau khi sửa xe xong, Vĩnh Phúc mang theo xe lên tàu đi về Phủ Lý, Nam Hà. Các chuyến tàu phải chạy đêm để tránh máy bay Mỹ. Sau khi xuống ga, anh chờ đến sáng rồi đạp xe tới chỗ ở của Mai Anh. Hai người gặp nhau được một ngày rồi Vĩnh Phúc lại vội vã chia tay người yêu. Có lần, anh mang theo chiếc radio mua từ khi học ở Liên Xô để tặng người yêu dùng nghe cho đỡ buồn, nhưng Mai Anh không nhận, lý do thì như bây giờ bà giải thích: Thời đó, mọi người sống thiếu thốn, nếu mình có đài thì thành nổi trội. Vả lại mọi người ở cách nhau một tấm liếp nên bật đài cũng không tiện. Vốn tính thật thà, Vĩnh Phúc đem chiếc radio về. Nay kể lại chuyện ấy, ông như tự trách mình: Không hiểu sao lúc ấy tôi lại cầm về!.
Hai năm yêu nhau là hai năm hành trình đạp xe vất vả đi gặp người yêu của Trần Vĩnh Phúc, xen lẫn những lần hai người từ nơi sơ tán về Hà Nội để gặp nhau trong ngôi nhà của cha mẹ Mai Anh ở phố Hàng Giấy. Đó là tình yêu đẹp trong xa cách và giữa thời chiến. Ngày 1-1-1970, đám cưới của hai người được tổ chức tại phòng cưới Hòa Bình trên phố Bà Triệu. Tự tay chú rể đã vẽ và cắt hình đôi bàn tay tung đôi chim bồ câu rồi dán lên phông trong hôn trường. PGS Trần Vĩnh Phúc còn nhớ tất cả: Chúng tôi cưới vào Tết dương lịch nên khách đến dự đám cưới đem theo cả con nhỏ và mặc trang phục rất đẹp. Đám cưới đang diễn ra vui vẻ, bỗng có một nhóm sinh viên của tôi ở trường Đại học Ngoại ngữ đến chúc mừng dù không được mời. Họ làm cho không khí lễ cưới đông vui hơn. Chúng tôi phải kê thêm bàn ghế ra cả vỉa hè để tiếp các các sinh viên này.
Chú rể Trần Vĩnh Phúc – cô dâu Mai Anh (1-1-1970)
Vì nhà của gia đình chú rể nhỏ hẹp, nên đôi tân hôn phải mượn một căn hộ trong khu tập thể ở phố Nguyễn Công Trứ và ở đó một vài tuần. Sau kỳ nghỉ ấy, mỗi người lại trở về nơi sơ tán của cơ quan mình. Tháng 10-1970, con gái đầu lòng của họ ra đời tại Hà Namvà được đặt tên là Trần Thúy Nhật. Dù bận công tác, hai vợ chồng luôn cùng nhau chăm lo cuộc sống gia đình và giúp đỡ nhau trong công việc. Năm 1972, được sự động viên của chồng, bà Mai Anh thi đỗ vào khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội và chuyển về ở khu sơ tán của chồng ở Hải Dương. Năm 1975, hai mẹ con bà Mai Anh chuyển về Hà Nội và ở tại khu tập thể của trường Đại học Sư phạm ngoại Ngữ. Sau đó, trong ba năm (1974 -1976), bà vừa công tác vừa chăm sóc con cái để ông yên tâm sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh…
Câu chuyện tình yêu của hai người đã đi qua non nửa thế kỷ. Chàng trai trẻ và cô gái xinh đẹp ngày nào giờ tóc đã bạc, nhưng tình cảm hai người dành cho nhau vẫn đậm đà, son sắt. Bức ảnh thời thiếu nữ của bà Mai Anh được PGS.TS Trần Vĩnh Phúc giữ gìn cẩn thận đã hơn 47 năm. Ông hơi ngập ngừng khi tặng kỷ vật đặc biệt này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
Cùng tôi đi hết chặng đường đời
Buồn, vui trọn vẹn một kiếp người
Ru tôi giấc ngủ trong thanh thản
Cho bờ vai bình yên bên tôi[5].
Lê Thị Hoài Thu
_______________________
* PGS.TS Trần Vĩnh Phúc là nhà khoa học thuộc chuyên ngành Văn học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học Nga và Đất nước học Nga, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
[1] Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ nay là Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, thuộc Đai học Quốc gia Hà Nội.
[2] Phỏng vấn PGS.TS Trần Vĩnh Phúc ngày 6-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[3] Nhật ký của PGS.TS Trần Vĩnh Phúc (1966-1970), bản photocopy lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[4] Đoạn thư này do PGS.TS Trần Vĩnh Phúc cung cấp.
[5] Trích bài thơ của bà Mai Anh, do PGS.TS Trần Vĩnh Phúc cung cấp.