Bộ sưu tập tư liệu này bao gồm các bản thảo về lịch làm việc; chương trình học tập, làm luận án; 270 trang viết tay ghi chép các kiến thức y văn bằng tiếng Anh, Pháp, Nga; gần 900 phiếu ghi chép trong quá trình đọc tài liệu trên thư viện; bản thảo viết tay luận án bằng tiếng Nga dày 169 trang. Bản thông báo buổi bảo vệ luận án, phía sau có chữ ký của các thành viên Hội đồng chấm luận án và các giảng viên trong khoa Tiết niệu; các tài liệu khác liên quan đến quá trình học tập và thực hiện luận án của ông tại Học viện Y học Quân sự Liên Xô ở Lêningrat, từ 1971- 1975.
Câu chuyện được bắt đầu vào đầu năm 1961, khi đó bác sĩ Trần Đức Hòe vừa bước sang tuổi 30, đang là bác sĩ ngoại khoa thuộc Viện Quân y 7, quân khu Tả ngạn. Ông được đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần quân khu và đại diện Quân khu uỷ giao nhiệm vụ chuẩn bị đi học ở Liên Xô. Nhưng 4-5 tháng sau lại có lệnh điều chuyển ông về Cục Quân y. Cục trưởng Cục Quân y, đại tá Vũ Văn Cẩn sau khi giao nhiệm vụ đi chiến trường, nói thêm: Cuộc chiến tranh ở miền Nam đang mở rộng, các chiến trường rất cần phẫu thuật viên. Cậu còn trẻ, đi chiến trường 1-2 năm rồi ra đi học cũng vừa. Thế là ông lên đường vào chiến trường C (Nam Lào) từ tháng 5 năm 1962. Mãi năm 1967, ông mới ở chiến trường ra và được điều về công tác tại Viện Quân y 108. Và đến năm 1971, ông mới sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh.
“Vậy là muộn mất 10 năm, tôi sẽ phải học để bù vào quãng thời gian chậm hơn so với bạn bè cùng lứa. Nhưng bù lại, thời gian ở chiến trường và những năm tháng điều trị thương bệnh binh ở Viện Quân y 108 đã cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm thực tế.”- GS Hòe chia sẻ. Trong thời gian đi chiến trường, ông đã gặp rất nhiều trường hợp bị thương liên quan đến niệu đạo. Sau này về công tác tại Viện Quân y 108 ông lại là người trực tiếp xử lý nhiều trường hợp tương tự. Trước khi đi làm nghiên cứu sinh, ông đã có báo cáo khoa học về 28 vết thương niệu đạo. Từ thực tiễn cứu chữa cho nhiều bệnh nhân và tham khảo các bệnh án tại Viện 108 ông đã lựa chọn đề tài “Lâm sàng, chẩn đoán và điều trị các tổn thương về niệu đạo” trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ để làm luận án Phó tiến sĩ. Sang Liên Xô trình bày ý tưởng, đề tài của ông được chọn và chấp nhận ngay vì ở Liên Xô lúc đó chỉ có các tài liệu về vết thương chiến tranh đến năm 1944-1945, còn từ năm 1945 về sau này (chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh ở Algérie, chiến tranh ở Việt Nam) thì hoàn toàn không có.
Mong muốn luận án của mình đề cập được nhiều vấn đề, không chỉ riêng các vấn đề điều trị thực tế, mà cả lý thuyết và kinh nghiệm của các nước khác ngoài Việt Nam, nên ông thường xuyên đến thư viện để tham khảo tài liệu. GS Trần Đức Hoè nhớ lại: “Một năm có 365 ngày thì có tới gần 300 ngày, kể cả ngày nghỉ, cứ buổi sáng tôi đến bệnh khoa và buổi chiều đi thư viện. Mà sao nó say sưa thế, như người đang đói, được bổ sung năng lượng. Với vốn kiến thức bằng tiếng Pháp đã được học từ các năm học ở tiểu học và lại thêm tiếng Anh khi học trung học ở trường Thành Chung, Nam Định trước cách mạng 1945, nên khi lên thư viện Trung ương ở Lêningrat, tôi tham khảo được khá nhiều tài liệu bằng tiếng Anh và Pháp, một điều không thể làm được ở trong nước khi đang có chiến tranh. Các tài liệu bằng tiếng Nga, tôi tranh thủ đọc vào buổi tối. Các sách báo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp phải mua bằng ngoại tệ, nên không thể mượn mang về nhà đọc buổi tối. Số lượng người đọc bằng hai thứ tiếng này cũng không nhiều mà lại có phòng đọc riêng không thật đông như các phòng lớn dành cho người đọc sách báo bằng tiếng Nga. Do đó, tôi có thể tìm được các tác giả Anh, Mỹ, Pháp… viết về các đặc điểm của các vết thương, cách xử trí, cấp cứu, điều trị và vận chuyển thương binh từ hỏa tuyến về hậu phương ở chiến trường miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn. Các tài liệu tham khảo được, tôi đều ghi chép lại trong các phiếu lỗ để thuận tiện cho quá trình tra cứu thêm về sau”.
Với những tài liệu đã tham khảo cùng với những kinh nghiệm xử trí các vết thương qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, dưới sự hướng dẫn của GS Sécxốp Ivan Petrôvich, ông đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ của mình tại Học viện Y học Quân sự Liên Xô, 1975. Luận án được Hội đồng chấm luận án đánh giá cao. GS Bercutov ở Học viện Y học quân sự Liên Xô, trong lời phản biện của mình còn đề nghị tác giả nên bổ sung, hoàn thiện để xuất bản thành một cuốn sách chuyên khảo về vết thương chiến tranh ở Việt Nam. Điều đặc biệt là khi kết thúc buổi bảo vệ, tờ Thông báo buổi bảo vệ của nghiên cứu sinh đã được các thành viên trong Hội đồng chấm luận án ký tên vào mặt sau để thể hiện tình cảm đặc biệt với một nghiên cứu sinh Việt Nam bảo vệ luận án với kết quả tốt.
Năm 1975, sau khi ông về nước, luận án của ông được Cục Quân y yêu cầu dịch và xuất bản 1000 cuốn để làm tài liệu tham khảo trong công tác điều trị các vết thương niệu đạo cho các đơn vị quân y toàn quân. Những kiến thức mới và những bài học kinh nghiệm trong luận án của ông còn là cơ sở xây dựng đường hướng chẩn đoán và lựa chọn các phương pháp xử trí các tổn thương, chấn thương, vết thương ở bệnh – khoa tiết niệu tại Bệnh viện TWQĐ 108 sau này. Trong những năm tiếp theo, các chấn thương vỡ chậu gây dập, đứt niệu đạo sau hoặc vỡ bàng quang, vỡ lách, tổn thương nội tạng đều được GS Trần Đức Hòe cùng các đồng nghiệp, học trò của mình xử lý tốt, cứu sống được nhiều người, ít để lại di chứng.
Hoàng Thị Liêm