Từ một tiều phu thành Giáo sư sinh học

Ông sinh năm 1939 trong một gia đình nghèo tại Gio Linh, Quảng Trị. Cuối năm 1954, khi học xong lớp 4, mặc dù không thuộc diện được tập kết ra Bắc nhưng ông đã đóng giả làm một người bắt cua bắt ốc để vượt qua vĩ tuyến 17 với mong ước được học tập, làm việc dưới chính phủ của Cụ Hồ. Tuy nhiên, vì là đối tượng tập kết tự do, lại không có lý lịch rõ ràng nên ông phải lưu lạc hết nơi này đến nơi khác trên đất Vĩnh Linh. Nếu không có những người dân nghèo tốt bụng cưu mang thì có lẽ ông đã không có ngày hôm nay. Từ năm 1955-1958, Trần Đình Lý xin vào học cấp 2 ở Vĩnh Linh, và để có tiền ăn học, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, ông vào rừng kiếm củi gánh ra chợ bán. Cái biệt danh “tiều phu” gắn với ông có lẽ là từ ngày ấy. Đến năm 1958, ông ra Hà Tĩnh và thi vào trường cấp 3 Phan Đình Phùng. Ở đây, ông cũng đi làm thuê, nhất là đi gánh đất, nhào đất để phục vụ cho việc làm gạch, mùa hè lại trở về Vĩnh Linh để chặt củi đem bán.

GS.TSKH Trần Đình Lý giới thiệu tài liệu với nghiên cứu viên tại nhà riêng, 3-6-2015

Với sự quyết tâm và tinh thần vượt khó cao độ, năm 1961, Trần Đình Lý ra Hà Nội và thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Kể từ đó, ông đã gắn bó với ngành sinh học, với những cánh rừng và giữ nhiều cương vị quan trọng như: Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật…

GS Trần Đình Lý tâm sự, cuộc đời ông lắm gian nan, đắng cay cũng nhiều, nhưng cũng vì thế mà trưởng thành hơn. 

Nguyễn Thanh Hóa