Chuyện kể rằng: Gia đình ông vốn xuất thân làm nghề chài lưới tại ấp Nước Mặn, làng Khuê Bắc, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam[i], địa danh gắn với căn cứ lõm K20 trong kháng chiến chống Mỹ. Tuổi ấu thơ, Hoàng Trọng Phiến cùng đám trẻ trong làng thường rủ nhau ra ngôi miếu trong làng để hái quả, nghe chim hót. Tương truyền rằng, đây là miếu thờ một vị tiến sĩ đã hi sinh trong trận chiến đấu chống Pháp do Nguyễn Tri Phương lãnh đạo.
“Đứng trước miếu tôi cảm nhận được mùi linh thiêng của miếu, tôi luôn có ước muốn sau này có thể trở thành tiến sĩ” – GS Hoàng Trọng Phiến chia sẻ.
GS.TS Hoàng Trọng Phiến
Nhưng đó là ước mơ, còn thực hiện được nó, theo GS Hoàng Trọng Phiến, không thể không nhắc đến yếu tố gia đình. Cụ Huỳnh Nghĩa (ông nội Hoàng Trọng Phiến) cả cuộc đời dành dụm, chắt chiu, đến cuối đời đã quyết định dành một mảnh đất riêng cho con trai (Huỳnh Cẩm) để nuôi ông (Hoàng Trọng Phiến- TG) ăn học. Ông Huỳnh Cẩm luôn khuyến khích con học hành, thường kiên nhẫn ngồi nghe con trai đọc bài đến đêm muộn dưới ánh đèn dầu. Còn mẹ ông – người phụ nữ Việt Nam tần tảo giàu đức hi sinh, không quản ngại những ngày mưa gió để chèo thuyền đón ông về quê thăm gia đình khi ông học xa nhà tại trường tiểu học Thăng Bình, Đà Nẵng. Sau này, khi xa quê đi học ở Trung Quốc, Liên Xô nhưng tiếng gọi Mẹ thân thương “Dầu mà chị Bảy ơi”! (vì mẹ ông là người con thứ bảy trong gia đình) đã hằn sâu trong tâm trí, giúp ông có thêm nghị lực và quyết tâm để trở thành tiến sĩ ngôn ngữ học năm 1968.
Hoàng Thị Kim Phượng
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[i] Nay là Phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng.