Từ Nhật ký đến Hồi ký

 

GS Lê Cao Đài

Năm 1965 căn cứ vào yêu cầu của chiến trường, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập một Bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối cho chiến trường miền Nam để thu dung những thương, bệnh binh từ các bệnh viện cơ sở không đủ khả năng điều trị. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ được lựa chọn trong các chuyên viên của hai Bệnh viện Quân đội 108 và 103. Ban đầu bệnh viện được đặt mã số là 84 nhưng trong chiến trường đã có đơn vị lấy ký hiệu 84 nên đổi thành Viện 211[1] Bác sỹ Lê Cao Đài lúc đó đang công tác ở Viện 103 nhận quyết định vào chiến trường với chức vụ Viện phó phụ trách Khoa Ngoại của Viện 211. Sau một năm ông được cử làm Viện trưởng.

Là người yêu thích văn chương, nên dù ở chiến trường, khi có thời gian, GS Lê Cao Đài thường tranh thủ viết thư, nhật ký. Do thiếu giấy, thiếu bút, kỷ luật bảo mật không cho phép ghi chép chi tiết tình hình chiến trường và những suy nghĩ riêng tư nên trong nhật ký của mình, bác sỹ Lê Cao Đài mô tả cuộc sống ở chiến trường rất đơn giản, ngắn gọn. Những câu chuyện về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn được ông thể hiện rất ít và không quá nặng nề. Nhưng đó là những nguyên liệu ban đầu rất quan trọng để ông hồi tưởng lại những năm tháng ở Tây Nguyên và viết nên cuốn hồi ký “Tây Nguyên ngày ấy”, được xuất bản năm 1997 và tái bản nhiều lần, và được dịch ra tiếng Nhật, Anh , Đức.

 

Những trang Nhật ký

Nhật ký được viết tay trên quyển vở kẻ ô li, có kích thước24x16cm, 295 trang Nhật ký được ông đã viết bằng nhiều màu mực: xanh, đen, đỏ; Bìa ngoài có chữ Lào do một người bạn trong chiến trường tặng. Trải qua hơn 40 năm, quyển Nhật ký đã cũ, ố, nhiều trang đã long khỏi bìa, con chữ bị mờ, nhòe.

Trong Nhật ký, GS Lê Cao Đài đã ghi chép lại những sự kiện đã diễn ra, những địa điểm ông và đồng đội từng đi qua trên đường vào chiến trường, nhưng với mức độ thông tin khác nhau. Có những sự việc ông thể hiện khá chi tiết: "Giải quyết thương binh không gặp khó khăn gì lớn, nhưng bệnh binh vẫn là đáng lo ngại, những bệnh do thiếu dinh dưỡng, phát triển như một bệnh dịch. Hàng loạt bệnh nhân tê, phù, liệt do thiếu sinh tố B1. Nhiều trường hợp đột tử do phù tim…”[2]. Một số sự kiện chỉ được Bác sỹ Lê Cao Đài mô tả ngắn gọn, cô đọng: ngày, tháng, năm; tóm tắt nội dung sự kiện… Nhưng đó chính là cái cốt giúp cho ký ức ùa về trong quá trình ông viết cuốn sách. Những chi tiết đó trong nhật ký được ông kể nên những câu chuyện mạch lạc, mang hơi thở của một thời chiến đấu gian khổ. Về chuyên môn, không chỉ là sự kiện phát hiện ra bệnh…, ông còn kể rõ ông và các đồng nghiệp nghiên cứu để biết được nguyên nhân gây bệnh, số lượng người bị bệnh, những suy nghĩ của mình khi gặp căn bệnh này: "Tuy đã làm nghề Y hơn hai chục năm qua kể cả trong Kháng chiến chống Pháp, chưa bao giờ tôi chứng kiến một trạng thái bệnh lý đáng sợ như vậy” [3].

Nhận thức được tầm quan trọng về bảo mật chiến trường, trong những lá thư gửi về gia đình và trong nhật ký chiến trường, ông chỉ nói rất chung chung việc xây dựng bệnh viện: "xây dựng từ 11-2 đến 18-2 được phòng mổ, phòng hóa nghiệm, xquang, nhà ở cho nhân viên nữ và bộ đội” [4]. Nhưng trong cuốn sách, một bức tranh phong phú với đầy đủ những yếu tố để có thể tạo nên một bệnh viện hoàn chỉnh đã được ông " khắc họa" lại đầy đủ.

Vào những năm 1967 – 1969 khi mới vào chiến trường, để có thể hoạt động, bệnh viện đã gặp phải nhiều khó khăn, thiếu thốn. Một mặt do chiến trường cần nhiều trang thiết bị mà hậu phương không thể đáp ứng được kịp thời, hoặc vì vận chuyển khó khăn, hoặc một số trang thiết bị không thể vận chuyển được. Không thể chờ đợi, "đầu hàng" trước những khó khăn đó, BS Lê Cao Đài và các cán bộ trong viện đã có sáng kiến để khắc phục "Phòng mổ đã làm xong, 2 buồng mổ trên sàn nứa, trần căng vải trắng, gạc trắng quây 4 bên, phía ngoài có một rèm bằng vải đen, để mổ ban đêm che ánh sáng khỏi lọt ra ngoài. "Đèn mổ là 1 chiếc xe đạp. Khi mổ 1 đồng chí hộ lý, quê ở Hà Tĩnh đạp…Mỗi lần mổ anh em lại nhắc đùa: Cứ coi như đạp xe về Hà Tĩnh là được. Đồng chí kiên nhẫn và bền bỉ đạp 2-3 giờ liền, phục vụ cho phẫu thuật” [5]. Có thể mọi người sẽ đặt ra những câu hỏi như giữa bốn bề là rừng núi này mà tại sao lại xây dựng được một phòng mổ như thế, tại sao đèn mổ lại là một chiếc xe đạp? nó được làm như thế nào? Và ưu điểm của loại đèn xe đạp này là gì? Tất cả những điều này không được thể hiện rõ trong Nhật ký của bác sĩ Lê Cao Đài thì người đọc sẽ được thỏa mãn khi đọc "Tây Nguyên ngày ấy": "Đèn mổ là một chiếc đèn xe đạp. Nói là xe đạp nhưng thực ra chỉ là một nửa chiếc khung xe, dựng trên một giá gỗ, có bàn đạp, xích và chiếc bánh xe sau có gắn bình phát điện. Nửa xe phía trước: bánh xe và tay lái không cần thiết cho việc phát điện bị tháo đi cho nhẹ… Điện phát ra từ bình điện được truyền qua hai sợi dây nhỏ, tới chiếc đèn gắn vào một giá gỗ cạnh bàn mổ hoặc do một hộ lý khác cầm soi vào chỗ mổ” [6]

Là một Viện trưởng, ông luôn quan tâm, khuyến khích mọi người nghiên cứu khoa học, một mặt để có thể nâng cao kiến thức, mặt khác để bảo đảm quân y cho chiến trường. Cùng với việc cứu chữa cho thương bệnh binh ông cùng đồng nghiệp, đồng đội nghiên cứu và tổng kết thành công trình "Về ngoại, đề tài nghiên cứu kỳ này là tác dụng của mật ong, lân tơ uynh, núc nác, trong điều trị vết thương chiến tranh” [7]. Đây là một trong những thành quả mà các ông đạt được trong quá trình nghiên cứu. Và trong quyển sách “Tây Nguyên ngày ấy” trang 232, BS Lê Cao Đài đã mô tả nguyên liệu được lấy ở đâu và kinh nghiệm học được là gì "Mật ong có khá nhiều trong rừng… Nhiều tài liệu y học cổ cũng đã nói tới việc dùng mật ong để chữa vết thương. Lân-tơ-uynh là loại cây leo mọc nhiều trong rừng Trường Sơn. Đồng bào dân tộc băm nhỏ sắc thành thuốc để rửa và đắp vết thương. Tiếp thu kinh nghiệm này, các khoa Ngoại đã thử dùng trên vết thương nhiễm trùng và thấy kết quả tốt”.

Sau 7 năm 4 tháng ở chiến trường, bác sỹ Lê Cao Đài ra Bắc với tâm trạng vui vẻ và thanh thản. Những câu thơ của Tố Hữu được ông sử dụng để nói lên tâm trạng của mình:

“Về đến đây rồi Hà Nội ơi…

Người đi kháng chiến chín năm trời

Hôm nay, trở lại đây Hà Nội,

Giàn giụa vui lên ướt mắt cười…

 

 

GS Lê Cao Đài sinh 1928 tại Hà Nội.

1934 – 1945: Học Tiểu học tại thị xã Hưng Yên; Học Trung học phổ thông ở trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An).

1946 – 1952: Học Đại học Y Chiêm Hóa Tuyên Quang.

1948: Y sĩ Phòng Quân y Bộ Quốc phòng.

1949: Y sĩ, Phó ban Quân y Trung đoàn 88, Sư đoàn 308.

1950: Trưởng ban Quân y Trung đoàn 88, Sư đoàn 308.

1953: Học lý luận chính trị trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (Phân hiệu II).

1955: Chủ nhiệm Khoa Ngoại, trường Sĩ quan Quân y.

1956 – 1966: Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật lồng ngực (B5), Viện Quân y 108.

2-1967 đến 7-1973: Viện trưởng Viện Quân y 211, Chiến trường Tây Nguyên.

1974: Viện phó Viện Quân y 103; Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại chung, Trường Đại học Quân Y.

1980: Quyền Viện trưởng Viện Quân y 103; Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại chung, Học viện Quân y.

1984: Ủy viên thường trực Ủy ban quốc gia Điều tra hậu quả chất Da cam (Ủy ban 10 – 80).

1998 – 2002: Giám đốc Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.

2002: Mất tại Hà Nội.

 

 

Nguyễn Thị Phương Thúy

_____________________

[1]. 211 là sự kết hợp của hai số Viện 108 và Viện 103

[2]. Nhật ký chiến trường, cuối tháng 10-1966.

[3]. Sách: Tây Nguyên ngày ấy, trang 119.

[4]. Nhật ký, ngày 18-2-1967

[5]. Nhật ký, ngày 20-6-1967

[6]. Sách: Tây Nguyên ngày ấy, trang 148.

[7]. Nhật ký, tháng 7-1968.