Năm 1961 sau khi tốt nghiệp phổ thông, Ngô Đức Cát thi vào trường Đại học Kinh tế tài chính hay còn gọi là trường Kinh Tài (nay là trường Đại học Kinh tế quốc dân), khoa Kinh tế nông nghiệp. Trong số 70 sinh viên của lớp, có 30 sinh viên là học sinh phổ thông, còn lại là cán bộ đi học, học sinh miền Nam, và học sinh bổ túc công nông. Mặc dù trình độ mỗi người rất khác nhau, nhưng phong trào giúp đỡ nhau trong học tập khi đó thực hiện rất tốt. PGS Cát kể: “Từ năm thứ nhất lớp tôi chia làm nhiều tổ, mỗi tổ có 12 người, tôi được phân công làm tổ trưởng và phụ trách môn Toán. Tổ trưởng phải là người giỏi về môn học mình phụ trách, có nhiệm vụ liên hệ với thầy, cô giáo để phụ đạo cho các thành viên trong tổ 12 người trong một tổ thì sẽ có 8 người ở cùng phòng còn lại 4 người còn lại sẽ ở ghép với những tổ khác. Địa điểm để học tổ chính là phòng có nhiều thành viên của tổ đó ở. Hàng ngày cứ đến 7 giờ tối thì cả tổ tập trung nhau lại để học, ai học tốt môn gì thì sẽ đứng lên giảng cho các thành viên trong tổ, trong khi học rất tập trung, không được nói chuyện riêng. Rồi có những lần chuẩn bị ôn thi môn Kinh tế chính trị, Triết học… chúng tôi còn ra công viên Thống Nhất ngồi học. Ngoài sự giúp đỡ của các thành viên trong tổ thì mỗi người đều có tinh thần tự học cao. Chúng tôi học theo phương pháp đi ôn về xào, tức là khi đi lên lớp phải ôn bài còn khi đi về thì những bài thầy giảng phải ngẫm nghĩ lại (gọi là xào), đó là cách học rất hiệu quả”.
PGS.TS Ngô Đức Cát ký tặng sách cho Trung tâm Di sản
các nhà khoa học Việt Nam
Với phương pháp học tập đó mà ông Ngô Đức Cát đạt kết quả học tập tốt, khi đi thực tập tại các nông trường như Đồng Giao ở Ninh Bình, nông trường Sao Vàng và Thắng Lợi ở Thanh Hóa… ông nhanh chóng hòa nhịp vào công việc và hoàn thành tốt những kỳ thực tập. Đặc biệt vào năm thứ 4 đề tài luận văn tốt nghiệp “Thâm canh lúa ở hợp tác xã Thắng Lợi xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa” của ông là một trong mười đề tài của Khoa được lựa chọn để báo cáo trước Hội đồng nhà trường và cũng chính sau buổi bảo vệ đó ông đã được lựa chọn giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường.
Giang Thị Nhung
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam