Ba chục năm qua, GS.TS Lê Quang Long vẫn giữ được văn bản quyết định của Bộ Giáo dục cử ông đi làm chuyên gia ở Madagasca. Tờ quyết định có kích thước 21cm x 29,5cm, nội dung được đánh máy chữ, có đóng dấu của Bộ Giáo dục và chữ ký của Thứ trưởng Lương Ngọc Toản, ở góc trái phía trên có đóng dấu xác nhận văn bản này được chuyển đến trường ĐH Sư phạm I Hà Nội ngày 26-10-1985. Tờ quyết định có nếp gấp dọc và ngang, nay đã ố vàng, bị rách mép và nét chữ đã phai mờ. Với GS Lê Quang Long, đây là một kỷ vật đặc biệt, bởi nó là chứng tích về quá trình đầy trắc trở để ông được cho phép sang Madagasca làm chuyên gia, đồng thời nó có giá trị tạo điều kiện và cơ hội cho ông được sang Mỹ gặp lại người thân sau 40 năm ly biệt.
GS.TS Lê Quang Long xuất thân trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn. Thân mẫu của ông là công chúa Lương Diên, con vua Thành Thái, là chị ruột vua Duy Tân và chị họ vua Bảo Đại. Thân phụ ông là phò mã Lê Quang Thiết, từng làm thủ hiến 16 tỉnh miền Trung. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), các anh em ruột của ông đã sang Mỹ sinh sống, chỉ còn ông rời bỏ cuộc sống nhung lụa và theo cách mạng, gắn bó cuộc đời cùng sự nghiệp với đất nước Việt Nam. Thành phần xuất thân và hoàn cảnh gia đình với lý lịch “phức tạp” như vậy, nên trước đây ông đã gặp không ít khó khăn trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt là việc ra nước ngoài càng khó hơn.
Năm 1985, đã 40 năm xa những người thân trong gia đình, GS.TS Lê Quang Long mong mỏi có cơ hội để được sang Mỹ thăm họ. Đó là nguyên do sâu xa dẫn đến việc ông viết đơn đề nghị lãnh đạo trường ĐH Sư phạm Hà Nội – nơi ông công tác tạo điều kiện cho ông đi làm chuyên gia giáo dục ở Madagasca. Hiệu trưởng Phạm Quý Tư thừa nhận GS Lê Quang Long đủ điều kiện về chuyên môn và ngoại ngữ để đi nước ngoài giảng dạy, nhưng ông không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho xuất ngoại.
Ngày 30-4-1985, GS Lê Quang Long viết thư gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đề đạt nguyện vọng đi dạy ở Madagasca. Trong bức thư ấy, ông trình bày về hoàn cảnh gia đình, quá trình hoạt động và đóng góp khoa học của ông đối với đất nước, ông viết: Tháng 8 năm 1945, trên đường vào Nam, Bác (Phạm Văn Đồng) và Bác Giáp (Võ Nguyên Giáp) đã ghé thăm bà ngoại (vợ vua Thành Thái) để tỏ lòng bao dung của cách mạng đối với hai ông vua bị đày khi chống Pháp. Nghĩa cử đó cộng với uy tín của Nguyễn Ái Quốc và Việt Minh đã giúp đỡ cháu từ bỏ gia đình rồi nhận lệnh của Ủy ban Quân sự Trung bộ theo Hoàng thân Xuphanuvong lên chiến đấu ở Lào rồi bị thương…1]. Sau gần 4 tháng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư trả lời với lời khuyên như sau: Đồng chí cứ yên tâm làm tốt công việc của mình đang làm, còn điều đồng chí mong muốn thì không nên bận tâm nhiều quá thì sẽ tốt hơn!2]. Thủ tướng cũng giải thích rằng: Tôi chậm trả lời tới đồng chí vì một mặt đòi hỏi phải suy nghĩ, mặt khác thăm dò thái độ của cơ quan có thẩm quyền3]. Nhận được thư của Thủ tướng gửi từ Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, GS Lê Quang Long không khỏi buồn, ông hiểu ý Thủ tướng muốn can ngăn ý định sang Madagasca của ông. Tuy nhiên, ông được Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình rất ủng hộ.
Hồ sơ của GS Lê Quang Long tiếp tục được gửi lên Bộ Nội vụ để giải quyết. Sau đó, GS Long còn phải gặp ông Nguyễn Đức Tâm – Trưởng ban Tổ chức Trung ương, vì ông Tâm có vai trò quyết định cuối cùng trong việc cho phép ông Long đi làm chuyên gia ở Madagasca hay không. Theo GS Long chia sẻ, bà Nguyễn Thị Bình biết trước việc này, dè chừng ông vì bức xúc mà nói những điều sơ suất với ông Nguyễn Đức Tâm thì có thể sẽ bị hỏng việc, nên bà điều xe đón ông tới Bộ Giáo dục để bà tư vấn cách trả lời cho suôn sẻ. GS Lê Quang Long còn nhớ rõ, hôm ấy bà Nguyễn Thị Bình đã giả định 5 câu hỏi để ông thử trả lời, rồi định hướng cách trả lời “thuận buồm xuôi gió” cho ông4].
GS.TS Lê Quang Long chưa quên những lời giải thích của bà Nguyễn Thị Bình hôm ấy: Trong thư của ông Phạm Văn Đồng gửi lại cho anh có khuyên anh không nên đi nước ngoài thì sẽ tốt hơn? Một người bận rộn như ông Phạm Văn Đồng đã quan tâm đến anh. Ở trường Sư phạm, ông hiệu trưởng Phạm Quý Tư cũng thừa nhân ngoại ngữ, chuyên môn anh đủ khả năng đi. Tuy nhiên, xét về thân thế gia đình thì anh không được Công an Hà Nội cung cấp giấy xác nhận đủ điều kiện pháp lý để được sang nước ngoài. Vì vậy, ông Nguyễn Đức Tâm là người quyết định cuối cùng để anh được đi dạy ở Madagasca. Ông Tâm sẽ gửi thư cho lãnh đạo Công an Hà Nội để thu xếp vấn đề này5].
Quyết định số 1231/QĐ của Bộ Giáo dục, ngày 21-10-1985
Cuối cùng, các thủ tục để đi giảng dạy tại Madagasca đã xong, ngày 21-10-1985, Bộ Giáo dục ra quyết định số 1231/QĐ về việc cử GS.TS Lê Quang Long đi làm chuyên gia tại Madagasca. Ông rất vui mừng, đặc biệt bởi đây cũng là cơ hội để ông có thể gặp lại gia đình sau tới 40 năm ly tán. Khi sang tới Madagasca, ông có buổi trò chuyện với Đại sứ Việt Nam tại đây. Theo GS Long kể, buổi trò chuyện đó có mặt cả Bộ trưởng Văn hóa Trần Hoàn vàÔng Trần Hoàn đã hát cho chúng tôi nghe bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” rất hay và cảm động6]. GS Lê Quang Long cũng lấy làm may mắn vì gặp được bà Hiền – phu nhân của Đại sứ Việt Nam ở Madagasca, đồng thời biết người phụ nữ này là học trò cũ của anh ruột mình (Lê Quang Huỳnh) đang định cư ở Mỹ. Ông coi đó là sự thuận lợi giúp cho ông thực hiện nguyện vọng sang Mỹ thăm gia đình.
Trong thời gian ở Madagasca, GS Lê Quang Long xin được visa sang Mỹ thăm người nhà 3 tháng. Ông được gặp lại các anh em của mình: Lê Quang Huỳnh, Lê Quang Phụng, Lê Thị Hồng Vân, Lê Quang Giao, Lê Thị Bích Vân, Lê Thị Cẩm Vân, Lê Thị Thanh Vân. Mọi người đưa ông đi tham quan những nơi nổi tiếng đẹp và hấp dẫn ở Mỹ như thung lũng Silicon, trung tâm Las Vegas, mời ông thưởng thức những món ăn ngon. Các anh em của GS Lê Quang Long sống ở 8 thành phố khác nhau, trong vòng 3 tháng ông đã đến ở với mỗi nhà vài ngày. Vì trong hoàng tộc có người tên là Anh, nên các em không gọi ông là “anh”, mà gọi chệch đi là “yêng”. Họ khuyên ông ở lại và nhập quốc tịch Mỹ, thậm chí còn chuẩn bị 3 cô dâu cho ông, vì theo quy định, nếu ông lấy vợ có quốc tịch Mỹ thì sẽ được ở lại. Trong 3 người phụ nữ đó, một cô là người yêu cũ của ông, đã lấy chồng nhưng rồi chồng bị chết; người thứ 2 là người giúp việc cho một gia đình anh em của ông, chị này nói với ông: Tôi chưa hiểu biết về cậu, chỉ biết cậu không theo chúng tôi, tôi lấy để cậu được ở lại, thế thôi7]; người thứ 3 là người Mỹ, mặc cả thẳng thắn: Nếu lấy tôi thì thứ nhất là ông không được quan hệ tình dục, thứ hai là phải trả tôi 5000 USD8]. Nhưng ông cũng được cô em gái thân thiết là Lê Thị Bích Vân khuyên can: Yêng sang làm gì! Yêng chỉ là giáo sư, tiến sĩ trong nước, nên yêng sang đây chỉ được hưởng lương hưu và nhà ở cho người già, sau 5 năm nữa. Trong thời gian đó yêng phải ăn bám tụi em, liệu yêng có muốn không?9].
GS Lê Quang Long quyết định trở về, vì ở Việt Nam còn có con gái là Lê Kim Dung đang giảng dạy cùng trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ông còn ấp ủ nhiều dự định khoa học. Người nhà ông ngạc nhiên về quyết định đó, thậm chí có người còn hỏi và hứa hẹn: Cậu phục vụ cho nhà nước thì cậu được cái gì? Cậu sang đây ở, chúng cháu bao tiền cho!”10]. Nhưng ông trả lời dứt khoát: Ngày xưa ông ngoại khổ (ý nói vua Thành Thái, vua Duy Tân) nhưng được Bác Hồ công nhận là nhà vua yêu nước; còn cậu thì cậu tự cho rằng cậu là trí thức yêu nước11]. Các cháu và anh em của GS Lê Quang Long đã tặng ông rất nhiều vật dụng: 20 chiếc đài – loại đài “tâm lý chiến" của chế độ Sài Gòn, máy đánh chữ, hơn 5000 USD, quần áo… Thực ra, trong đó cũng có một số là đồ đã dùng, nhưng vẫn còn mới.
Cuối năm 1987, GS.TS Lê Quang Long hết thời hạn giảng dạy ở Madagasca và trở về nước. Ít hôm sau, có phóng viên báo Nhân dân tới gặp đề nghị ông viết bài “Sinh học Việt Nam đã đi về đâu” với chủ định truyền đạt thông điệp “Người Việt Nam đi đến đâu cũng vì khoa học”. Họ trao đổi với ông: Chúng tôi có thể đề nghị ai cũng được, nhưng muốn đặt ông viết là bởi một phần để chứng minh ông đã về chứ không phải chuồn như lời đồn12]. Chuyện là, trong quyết định số 1231/QĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS Lê Quang Long được ký hợp đồng giảng dạy 1 năm tại trường Université Antananarivo ở Madagascar, nhưng sau đó ông được trường mời ở lại giảng dạy thêm 1 năm. Thấy ông ở lại thêm như vậy, ở Hà Nội có người đã nghi ngờ ông không trở về Việt Nam nữa.
GS Lê Quang Long tâm sự: Trước kia, đã có lúc ông nghĩ rằng niềm thương nhớ gia đình sẽ mãi mãi chỉ gửi gắm và giãi bày qua những cánh thư, không hy vọng có ngày gặp mặt. Nhưng rồi nguyện ước của ông đã thành hiện thực, ông được gặp lại gia đình sau thời gian xa cách 40 năm và qua khoảng cách nửa vòng trái đất. Gặp lại gia đình – đó thực sự là mong mỏi lớn đã đeo đẳng tâm trí ông. Cho nên, khi đã được thỏa nguyện, ông quyết định trở về Việt Nam.
Sau khi về nước, GS Lê Quang Long tiếp tục cống hiến không mệt mỏi trong công tác tại khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Hơn 60 năm qua, ông tận tụy cho sự nghiệp “dạy học, viết sách”. Năm 2014, ông được đặc cách phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân khi đã ở tuổi ngoài 90. Thực tế cho thấy, GS Lê Quang Long là một “trí thức yêu nước” như chính ông đã tự nhận trước các anh em và cháu của mình ở Mỹ trong chuyến sang thăm họ vào năm 1985.
Lưu Thị Thúy
—————————————————————–
[1] Bản thảo thư của GS Lê Quang Long gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 30-4-1985, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi GS Lê Quang Long ngày 17-8-1985, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi GS Lê Quang Long ngày 17- 8-1985, tài liệu đã dẫn.
[4] Phỏng vấn ghi âm GS.TS Lê Quang Long ngày 8-4-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[5] Phỏng vấn ghi âm GS.TS Lê Quang Long GS.TS Lê Quang Long ngày 8-4-2014, tài liệu đã dẫn.
[6] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Lê Quang Long ngày 8-4-2014, tài liệu đã dẫn.
[7] Phỏng vấn GS Lê Quang Long ngày 8-4-2014, tài liệu đã dẫn.
[8] Phỏng vấn GS Lê Quang Long ngày 8-4-2014, tài liệu đã dẫn.
[9] Phỏng vấn GS Lê Quang Long ngày 8-4-2014, tài liệu đã dẫn.
[10] Phỏng vấn GS Lê Quang Long ngày 8-4-2014, tài liệu đã dẫn.
[11] Phỏng vấn GS Lê Quang Long ngày 8-4-2014, tài liệu đã dẫn.
[12] Phỏng vấn GS Lê Quang Long ngày 10-3-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.