Từ y sĩ phòng dịch đến giảng viên dinh dưỡng học

Năm 1953, sau khi tốt nghiệp cấp III trường Phan Đình Phùng, Hà Huy Khôi về quê nhà tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh mà chưa biết tương lai sẽ ra sao, trong khi bạn bè ông, người xin đi bộ đội, người vào dân công. Mấy tháng sau, Bộ Giáo dục gửi công văn gọi ông ra Việt Bắc học lớp trung cấp y sĩ khóa VI vì trong năm này trường Đại học Y Hà Nội không mở khóa học. Như GS.TSKH Hà Huy Khôi cho biết, do hoàn cảnh nên trường Đại học Y tuyển sinh không liên tục, trường mở các khóa học năm 1950, 1952…[1]. Mặc dù chỉ học trung cấp nhưng bố mẹ ông rất vui mừng vì con được ra Việt Bắc – thủ đô của cách mạng để học tập.

Đoàn học viên gồm 6 người đi bộ trong 3 tuần từ Hà Tĩnh qua Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ rồi đến Tuyên Quang. Mỗi người đều mang theo gạo, tiền ăn dọc đường… Bữa ăn "cải thiện" chỉ có thêm một quả trứng, còn lại ăn cơm với canh cà chua, nước mắm chẻo- là lạc trộn với mắm. Đoàn đi vào ban đêm và nghỉ ngơi vào ban ngày để tránh bom, đạn. Hà Huy Khôi đặc biệt ấn tượng với những người dân tộc thiểu số rất hiền lành và tốt bụng. Dọc đường, mặc dù không quen biết nhưng khi chúng tôi xin ngủ nhờ thì họ rất vui mừng tiếp đón[2], GS.TSKH Hà Huy Khôi nhớ lại. Dốc Cun (Hòa Bình) là một địa điểm rất nguy hiểm, thường bị máy bay oanh tạc, truy kích ở từng thời điểm. Vì không biết điều này nên khi có máy bay, các ông đã nhảy ào xuống vực và may mắn thoát chết. Đến Tuyên Quang, các học viên được học tập tại trường Đại học Y khoa Hà Nội sơ tán ở Lăng Quán. Đi từ khu nhà ở đến trường học phải lội qua 5 lần lội suối. Thời gian đầu, các ông học ở khoa Nội do GS Đặng Vũ Hỷ phụ trách. Mỗi khoa được bố trí ở những khu làm việc riêng biệt, nằm cách nhau khá xa. Ông còn nhớ: Giảng đường nằm trên một quả đồi, ghế ngồi học là những thanh bương ghép lại. Có hôm trời mưa, chúng tôi rất vất vả mới lội được qua suối và khi sang được đến nơi thì người ướt hết[3].

Trên đường đi học, học viên thường đi qua nhà GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng sơ tán tại đây. Giảng đường của ông gần với labo mà bà Vi Kim Ngọc- vợ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên làm việc, nên ông đặc biệt ấn tượng về bà với cử chỉ dịu dàng, tính tình hiền hậu, luôn giúp đỡ học viên mỗi khi có dịp tiếp xúc với bà.

Các học viên đến từ nhiều nơi, nhiều trình độ khác nhau: cán bộ đi học, y tá… Ông học cùng: Hoàng Đức Kiệt- sau là giáo sư chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, ông Nguyễn Nghinh- sau là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Những giảng viên tại trường Đại học Y Hà Nội như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… cũng giảng dạy cho lớp trung cấp. Các ông được học nhiều nhất với GS Đặng Vũ Hỷ – chuyên khoa Da liễu, Trưởng khoa Nội trường Đại học Y Hà Nội lúc bấy giờ. Với tác phong cẩn thận, thầy đã giảng dạy từ thực tế rất tỉ mỉ, như trong bài giảng về hút dịch màng phổi, màng bụng, thầy vừa làm trực tiếp, vừa chỉ bảo tận tình cho học viên.

Sau khi học được mấy tháng thì chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nên nhà trường thay đổi cách dạy để học viên có thể nắm được nhiều kiến thức nhất, chuẩn bị ra công tác. Một số đi đón tiếp đồng bào, cán bộ miền Nam tập kết, tiếp nhận tù binh, còn ông Khôi thì trong đoàn đi Đồng Mỏ (Lạng Sơn) để cùng dân công phục hồi tuyến đường sắt Hà Nội- Mục Nam Quan trong hai tháng. Các học viên trung cấp y sĩ được rải ra trên toàn tuyến Lạng Sơn-Hà Nội với công việc chăm sóc sức khỏe cho dân công, tuyên truyền phòng bệnh, sơ cứu vết thương và chữa trị các bệnh đơn giản: viêm phổi, ho, sốt, sốt rét… trường hợp nào nặng mới chuyển về bệnh viện ở Hà Nội.

Cũng ở thời điểm này (1954), trường Đại học Y Hà Nội đã mở khóa học nên trong tư tưởng ông Hà Huy Khôi rất muốn dự thi. Nhưng rồi ông đã chấp hành chủ trương: tiếp tục học trung cấp y sĩ để ra công tác đáp ứng nhu cầu cần cán bộ lúc bấy giờ, đợi sau này trường sẽ tạo điều kiện cho đi học. Ông suy nghĩ rằng: Nếu tự đi học thì rất vất vả, nên tôi quyết định là đi làm rồi sau này đi học đại học sẽ thuận tiện hơn[4].

 Y sĩ Hà Huy Khôi (đứng thứ 6 từ phải) trong chuyến đi phục hồi tuyến đường sắt Hà Nội- Mục Nam Quan tại Đồng Mỏ, Lạng Sơn, năm 1954

Năm 1955, sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp y sĩ ông Khôi được phân công phụ trách y tế phục vụ cải cách ruộng đất ở 3 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng (Nam Định). Ông đã cùng 20 y tá chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ, bộ đội, xử lý các tình huống về y tế. Ông nhớ: Lúc đó tôi rất trẻ (20 tuổi), để chỉ huy được 20 y tá không phải là dễ. Tôi phải sinh hoạt thường xuyên cùng mọi người, phải nắm được chuyên môn để giải quyết vấn đề[5]. Lúc này, các ông có nhiệm vụ mổ tử thi để lấy mẫu xét nghiệm, để xác định nguyên nhân cái chết một cách khách quan, khoa học. Đây là công việc rất khó khăn từ việc không có đầy đủ trang thiết bị, như găng tay mổ… đến việc phải kết luận chuẩn xác… Bây giờ ngồi nghĩ lại, GS Hà Huy Khôi nhận thấy: mặc dù rất lo lắng, nhưng nhờ vào tuổi trẻ với lý tưởng sống mãnh liệt tin tưởng vào cách mạng, Bác Hồ mà tôi đã vượt qua được[6].

Sau một năm (1956), ông được cử làm đội trưởng đội y tế lưu động phòng chống dịch (tiền thân của Trung tâm Y tế dự phòng ngày nay), kiêm công tác tham gia sửa sai trong cải cách ruộng đất tại Nam Định. Một đội gồm có 3 y tá, 1 y sĩ đi chống dịch, tuyên truyền giáo dục vệ sinh phòng bệnh dịch, xây dựng mô hình thí điểm về vệ sinh phòng dịch như làm giếng nước, hố xí hai ngăn, diệt ruồi, muỗi… Buổi sáng, các ông khám chữa bệnh mà bà con địa phương thường mắc phải, đặc biệt là bệnh đau mắt hột và mổ lông quặm. Buổi chiều đội vào nhà dân để tìm hiểu và tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, còn buổi tối họp tổng kết. Tại đây, ông đã chỉ đạo làm mẫu 2 mô hình vệ sinh phòng dịch ở hai xã: xã Hải Phú (huyện Hải Hậu), xã Nam Minh (huyện Nam Trực) với những công việc: giáo dục và nâng cao ý thức của nhân dân về công tác vệ sinh phòng bệnh; đảm bảo cho mỗi thôn, xã có nguồn nước sạch bằng cách đào giếng; đi vệ sinh đúng nơi quy định. Mỗi xã, đội phòng dịch làm việc từ 5-6 tháng nên rất gắn bó và được nhân dân ủng hộ, quý mến. .

Năm 1956, một số trường đại học bắt đầu thành lập ở miền Bắc: trường Đại học Sư phạm, trường Đại học Nông Lâm, trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Tổng hợp, trường Đại học Kinh tế tài chính (nay là trường Đại học Kinh tế quốc dân). Ông lên Bộ y tế để xin đi học và được trả lời: Anh cứ đi công tác để sang năm còn nhận chế độ lương, chứ bỏ ngang thì sẽ thiệt thòi[7]. Ông đã báo cáo với Ty Y tế Nam Định rằng: sang năm ông sẽ thi đại học và Bộ Y tế đã đồng ý. Mặc dù hào hứng thi đại học, nhưng ông cũng rất lo vì kiến thức đã bị ngắt quãng trong 3 năm (1954-1957). Vì vậy, với ý chí và quyết tâm, ông vừa làm và vừa tự ôn thi đại học.

Năm 1957 ông Khôi thi đỗ trường Đại học Y Hà Nội. Ông chia sẻ : Mặc dù đi học muộn hơn những người bạn cùng lứa, nhưng với tôi những năm đó không hề lãng phí mà đã giúp tôi nắm được tình hình xã hội, từ đó phấn đấu, trưởng thành lên rất nhiều. Và cũng từ đó, năm 1962 sau khi tốt nghiệp đại học, ông Khôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Vệ sinh dịch tễ. Nói về sự phân công này, GS.TSKH Hà Huy Khôi cho rằng: Có thể họ dựa vào hồ sơ sinh viên và biết được tôi có thời gian học trung cấp y sĩ, công tác ở đội y tế lưu động… bên cạnh đó là kết quả học tập, cùng tư cách đạo đức tốt nên đã giao nhiệm vụ này[8].

Nguyễn Thị Phương Thúy

[1] Phỏng vấn GS.TSKH Hà Huy Khôi ngày 15-6-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Phỏng vấn GS.TSKH Hà Huy Khôi ngày 15-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[3] Phỏng vấn GS.TSKH Hà Huy Khôi ngày 15-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[4] Phỏng vấn GS.TSKH Hà Huy Khôi ngày 15-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn GS.TSKH Hà Huy Khôi ngày 15-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[6] Phỏng vấn GS.TSKH Hà Huy Khôi ngày 15-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[7] Phỏng vấn GS.TSKH Hà Huy Khôi ngày 15-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[8] Phỏng vấn GS.TSKH Hà Huy Khôi ngày 15-6-2015, tài liệu đã dẫn.