Từng bước trưởng thành trên mảnh đất quê hương

''Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường''[1]

Căn nhà ngói năm gian, hai chái được cụ Tiên chỉ[2] Nguyễn Tu xây dựng khá bề thế, hướng ra sông Nhật Lệ thơ mộng. Gia đình có điều kiện nên cậu bé Nguyễn Đình Khâm (tên gọi khác là Đê) không phải làm việc nhà, ham chơi và nghịch ngợm. Năm 1936 Nguyễn Đình Khâm 6 tuổi, cụ Nguyễn Tu cho con trai đi học lớp 1 ở trường làng Trần Xá[3] nhưng cậu hay trốn học đi chơi, bắt chim hoặc tắm sông Nhật Lệ. Thấy con ham chơi, bà Võ Thị Điểm bàn với chồng đưa Nguyễn Đình Khâm đến nhà ngoại ở làng An Xá[4] để rèn giũa. Phó giáo sư Nguyễn Đình Khâm vẫn nhớ: Ông ngoại Võ Quang Nghiêm có dáng người gầy, tính rất nghiêm khắc, hễ cháu nào nghịch hư sẽ bị ăn đòn. Bà ngoại Nguyễn Thị Kiên tính đôn hậu, hiền lành và thương cháu[5]. Hai cậu Võ Nguyên Giáp[6] và Võ Thuần Nho[7] đi vắng nên nhà chỉ có ông bà ngoại và dì Võ Thị Lài. Buổi tối, bà ngoại và dì Lài ngủ trong buồng, còn cậu bé Đê ngủ trên phản với ông ngoại ở nhà ngoài, cậu không dám trở mình vì sợ làm ông mất ngủ sẽ “ăn” mắng.

Nhờ sự rèn giũa nghiêm khắc, gia giáo của ông ngoại Võ Quang Nghiêm, Nguyễn Đình Khâm từ một cậu bé ham chơi đã trở nên ngoan ngoãn, trầm tính và ít nói. Buổi sáng, cậu dậy sớm giúp bà dọn dẹp nhà cửa, ăn sáng rồi mới đi học. Hàng ngày cậu phải đi bộ khoảng 2km, dọc theo bờ sông Kiến Giang để tới trường. Mỗi lớp có khoảng hơn 20 học sinh, chương trình gồm các môn: đạo đức, văn, toán và viết chữ Hán, tiếng Pháp. Vào dịp nghỉ hè, có đôi lần, cậu Võ Nguyên Giáp về thăm nhà, Nguyễn Đình Khâm thấy cậu hay mang sách ra đọc bên hiên cửa. Tò mò, chú bé Khâm liền hỏi: Cậu đọc sách gì thế ?[8] nhưng ông Giáp chỉ cười và nói: Lớn nên cháu sẽ biết ?[9]

Ông Nguyễn Đình Khâm – thực tập sinh tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 1960

Bà Điểm rất mừng khi thấy Nguyễn Đình Khâm tiến bộ và quyết định chuyển cho con đến học ở trường làng Xuân Dục[10] bởi quanh vùng lúc đó chỉ có trường Xuân Dục dạy 3 lớp là: nhì đệ nhị, nhì đệ nhất và lớp nhất, với khoảng 50 học sinh. Làng Trần Xá cách làng Xuân Dục khoảng 4km ngăn cách bởi sông Kiến Giang nên phải qua sông ở bến đò Trung Quán. Đi bộ theo bến vắng hoang vu hơn 1 km là đến làng Cổ Hiền, rồi tới trường Xuân Dục. Thương con đi học vất vả, bà Điểm cho con trai ở trọ tại làng Xuân Dục, cuối tháng Nguyễn Đình Khâm về nhà lấy tiền ăn và học phí. Năm 1940, cậu bé Khâm vào học lớp nhì đệ nhị, thiếu sự quản lý của gia đình cùng vốn tính ham chơi, Nguyễn Đình Khâm lại sao nhãng việc học. Trong ba năm học, Nguyễn Đình Khâm đạt kết quả rất thấp. Cuối năm 1942, Nguyễn Đình Khâm về thị xã Đồng Hới thi tốt nghiệp tiểu học nhưng không làm được bài. Ông vẫn nhớ: Do tiếng Pháp kém nên lúc xem bảng ghi chữ “eliminé”, tôi không biết nghĩa là gì, phải hỏi mấy bạn đang đứng xem điểm mới biết là trượt[11].

Biết kết quả học tập của con, bà Điểm đã khóc vì đau lòng, còn Nguyễn Đình Khâm buồn và hối hận. Cuối năm 1942, ông Võ Thuần Nho về làng An Xá thăm bố mẹ, và được biết cháu trai thi trượt tốt nghiệp tiểu học. Khi đó, ông Võ Thuần Nho đang làm Hiệu trưởng trường tư thục Thuận An (tương đương trường cấp 2 bây giờ) tại thị xã Vinh, Nghệ An nên đồng ý đưa Nguyễn Đình Khâm ra học. Nhà ông Nho khá chật chội, chỉ có một phòng khách, một phòng ngủ và một căn gác xép. Gác xép được làm bằng gỗ vốn là nơi chứa đồ, nay được ông Nho dọn dẹp cho cháu ở, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Mọi chi phí sinh hoạt và học tập của Nguyễn Đình Khâm được cậu Nho chu cấp, thi thoảng bà Võ Thị Điểm cũng gửi ít tiền ra cho con chi tiêu.

Ngày đầu đến trường Thuận An, Nguyễn Đình Khâm phải mặc áo the, quần trắng như các bạn đồng trang lứa, khác với học trò ở quê nhà mặc quần áo nâu. Trường tư thục Thuận An có 8 lớp, mỗi lớp khoảng 50 học sinh, Nguyễn Đình Khâm được phân vào học lớp 6. Phó giáo sư Nguyễn Đình Khâm vẫn nhớ, ngoài các môn khoa học tự nhiên và xã hội, chỉ học 1 tiết tiếng Việt, 1 tiết tiếng Hán, còn lại là tiếng Pháp nếu đang dạy trên lớp mà thầy giáo nói nhầm vài câu tiếng Việt thì nghe buồn cười lắm bởi các môn học đều được các thầy giảng bằng tiếng Pháp ở trường này ?[12]. Do bị quản chặt về giờ giấc nên cậu bé Khâm không dám tự do đi chơi, ngoài thời gian học trên lớp cậu về nhà làm bài tập và đọc sách và dọn dẹp nhà cửa. Trong nhà ông Nho có tủ sách lớn với nhiều lĩnh vực như văn học, tiếng Pháp, đạo đức… nhưng Nguyễn Đình Khâm mê đọc sách toán nhất. Những bài toán khó về hình học, giải số học đều được cậu mày mò tìm cách giải. Những chỗ không hiểu, Nguyễn Đình Khâm được cậu Nho giảng giải nên lực học ngày một tiến bộ.

Tháng 3-1945, quân Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương[13], việc bắt bớ, khám xét người ở thị xã Vinh thường xuyên xảy ra khiến cuộc sống bị đảo lộn. Một buổi tối, có người đến nhà tìm ông Võ Thuần Nho, nhưng ông Nho đi vắng nên Nguyễn Đình Khâm phải đi tìm. Đang chạy trên đường, Nguyễn Đình Khâm gặp một tốp lính Nhật đang tuần hành. Những người đi đường đều bị lính Nhật giữ lại lục soát. Nguyễn Đình Khâm đang định chạy vào ngõ để tránh tốp lính Nhật này thì đã thấy lưỡi lê sáng loáng kề vào mạng sườn của mình. Họ lục soát khắp người Nguyễn Đình Khâm, không phát hiện khả nghi nên ông được thả đi. Thấy tình hình nguy hiểm, cậu Nho cho Nguyễn Đình Khâm về học ở trường Dòng Sainte Mari ở thị xã Đồng Hới, Quảng Bình. Ở đó, ngoài các môn học do linh mục trong trường dạy, Nguyễn Đình Khâm còn nghe giảng đạo và học kinh thánh, như kinh Lạy cha mà ông vẫn còn nhớ như in: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Dưới mái trường Phan Bội Châu

Đầu năm 1947, Pháp quay trở lại gây hấn ở thị xã Đồng Hới, Quảng Bình, Nguyễn Đình Khâm phải tản cư lên chiến khu huyện Quảng Ninh ở với bố. Mấy tháng sau, ông Nguyễn Tu nghe tin trường Phan Bội Châu đang tản cư ở huyện Tuyên Hóa[14], Quảng Bình và chuẩn bị khai giảng trở lại, nên ông Tu quyết định cho con theo học trường Phan Bội Châu. Tuyên Hóa là huyện miền núi ở phía bắc Quảng Bình, giáp huyện Hương Khê của Hà Tĩnh, đường đi đến đây rất khó khăn, phải băng rừng núi, lội suối, vượt khoảng 4-5 thác. Từ huyện Quảng Ninh đến huyện Tuyên Hóa cách xa khoảng 150km nên mọi người phải tổ chức thành đoàn đi hỗ trợ nhau.

Đầu tháng 5-1947, nghe tin có một số người chuẩn bị tản cư lên huyện Tuyên Hóa, ông Tu liền chuẩn bị cho Nguyễn Đình Khâm một túi gạo nhỏ ăn dọc đường, lọ thịt rang đường, một chiếc nồi, bao diêm… đựng trong balô. Khoảng 2 giờ chiều, Nguyễn Đình Khâm cùng đoàn khoảng 20 người bắt đầu khởi hành. Đi bộ chừng 4 tiếng đường rừng, mọi người dừng chân nghỉ. Vốn thể trạng yếu, không quen cuộc sống lam lũ nên Nguyễn Đình Khâm thấm mệt và ngủ quên ở gốc cây. Lúc tỉnh dậy thì trời đã tối, mọi người trong đoàn đã đi cả, bỏ lại cậu bơ vơ một mình. Đi loanh quanh rồi cậu bị lạc lúc nào không hay, chân thì đau nhức, chảy máu bởi vắt cắn. Khi trăng lên giữa đỉnh đầu, Nguyễn Đình Khâm vừa đói vừa mệt, đành phải tìm đến bãi cát ven bờ suối nghỉ chân. Diêm ẩm không nhóm lửa được, cậu phải nhai gạo sống với thịt rang, rồi rải tấm nilon ra nằm, trong lòng hoảng sợ bởi một mình trong cái lạnh âm u và nguy cơ thú dữ rình rập. Trong 9 ngày lạc trong rừng, Nguyễn Đình Khâm luôn cố men vào các bờ suối tìm bãi cát để ngủ, bởi nếu ngủ ở bờ bụi rậm rạp sẽ bị vắt cắn .

Đêm thứ 9, Nguyễn Đình Khâm đi lang thang trong rừng mãi mà chưa tìm được bãi cát.Cuối cùng Nguyễn Đình Khâm đành ngồi bên gốc cây to để nghỉ, một lát sau nhìn xuống đã thấy hàng chục con vắt trâu bám vào chân, cậu phải tìm lá rừng dịt vào cho máu bớt chảy. Để giảm bị vắt vây bám, cậu phải vén ống quần lên cho vắt bám vào rồi chạyvài chục mét mới túm chúng vứt ra xa, làm như thế liên tục 4-5 lần thì vắt quanh gốc cây cũng bớt. Quá mệt, Nguyễn Đình Khâm ngồi thu chân ở gốc cây, rồi chợp mắt một lúc. Mờ sáng hôm sau, cậu tiếp tục đi, được khoảng 1 tiếng thì gặp người nên hỏi được đường lên huyện Tuyên Hóa. Chiều hôm đó, Nguyễn Đình Khâm đến địa phận huyện Tuyên Hóa. Hết gạo và đói, cậu phải bán chiếc bút máy của bố tặng cho bà cụ hàng nước ven đường để lấy ít tiền tiêu. 

Ngủ tạm trong hốc nhỏ ở chợ, sáng hôm sau, Nguyễn Đình Khâm hỏi người dân đường đi đến thị trấn huyện Tuyên Hóa để gặp chú ruột Nguyễn Văn Dụng – đang làm cán bộ bưu điện ở đây, thì gặp ông Đình, một người cùng làng. Ông Đình liền thuê một chiếc đò nhỏ đưa Nguyễn Đình Khâm ngược sông Gianh đến thị trấn. Lúc gặp được chú Dụng ở bưu điện huyện, Nguyễn Đình Khâm mừng phát khóc. Thấy cháu gầy gò, xanh xao, ông Dụng xin nghỉ rồi đưa Nguyễn Đình Khâm về nhà trọ. Hai chú cháu ngủ chung giường, tuy đã ở tuổi thanh niên, nhưng Nguyễn Đình Khâm nhớ nhà đến phát khóc, chú Dụng xoa đầu cháu và nói: Thằng này tình cảm quá nhỉ![15]. Qua hai tháng sống cùng chú, dù chỉ ăn cơm với rau và vừng, nhưng sức khỏe của Nguyễn Đình Khâm dần hồi phục. Phó giáo sư Khâm kể: Cuộc sống tản cư lúc đó rất thiếu thốn, tôi được chú nuôi ăn như thế là khá lắm[16].

Tháng 7-1947, biết nguyện vọng của cháu muốn học ở trường Phan Bội Châu, ông Dụng hỏi thăm đường lên chiến khu Tuyên Hóa. Từ thị trấn huyện Tuyên Hóa đến trường cách 20km, chỉ có cách đi bộ hoặc đi thuyền độc mộc. Sợ cháu lại bị lạc, ông Dụng đã cùng cháu đi thuyền đến trường và làm thủ tục nhập học. Hiệu trưởng là thầy Đình Quy, các thầy Trần Thống dạy toán, thầy Lương Duy Tâm dạy văn, thầy Nguyễn Uyển dạy sinh học… Nguyễn Đình Khâm được gia đình cho ăn học đầy đủ, lại được cậu Võ Thuần Nho rèn giũa nên việc theo học thuận lợi, lực học khá trong lớp. Lúc rảnh rỗi, cậu thường giúp đỡ các bạn học yếu trong lớp học tập. Thấy học lực môn toán của trò Khâm, thầy Thống rất mừng và thường nói với các học trò trên lớp rằng: Bạn Khâm học giỏi toán, có thể giúp được các em[17].

Có một kỷ niệm sâu sắc mà PGS Nguyễn Đình Khâm nhớ mãi : «Một hôm, tôi và anh Phạm Ngọc Dinh, cán bộ đi học, ngồi trò chuyện bên bờ suối, bỗng anh Dinh hỏi: Cậu có biết trong trường có tổ chức gì không?, tôi nói là tổ chức Đoàn, nhưng anh Dinh cười và nói: Trường còn có tổ chức Đảng nữa, Đảng tuyên bố giải tán[18] nhưng thực ra là rút vào hoạt động bí mật. Hiện vẫn có một tổ chức Đảng đang hoạt động trong trường[19]. Lúc đó, tôi rất bất ngờ vì sao anh Dinh lại kể cho mình về tổ chức này, trong lòng thấy băn khoăn. Đối với tôi lúc đó, ý thức về Đảng, được vào Đảng là một cái gì đó xa vời, chỉ những người hết lòng cống hiến cho Đảng mới có vinh dự được kết nạp. Tôi còn nhớ, vào đêm ngày 19-12-1948, tôi đang nằm ngủ trên chiếc chõng tre thì có người khẽ đập vào chân và gọi: Dậy dậy, đi với tớ![20].Tôi nhẹ nhàng thức dậy, rón rén đi ra ngoài để tránh ảnh hưởng đến các bạn xung quanh. Ngoài sân, anh Phạm Ngọc Dinh đứng chờ, chưa kịp nói gì đã cầm tay tôi kéo đi. Trên đường, anh Dinh chỉ nói một câu: Chuẩn bị kết nạp cậu vào Đảng[21]. Trong lòng tôi vui khó tả. Anh Dinh dặn: Đọc lời thề nhé: Nguyện suốt đời trung thành với Đảng, với dân đến hơi thở cuối cùng.[22]. Đi khoảng 100 mét thì hai người tới một bãi đất nhỏ ở góc rừng, có 4 người đang ngồi chờ nhưng trong đó tôi chỉ biết hai bạn học là Nguyễn Lở và Đoàn Xuân Mượu[23]. Khi anh Dinh phát biểu và chủ trì buổi lễ,tôi mới biết anh Dinh chính là Bí thư chi bộ Đảng ở trường Phan Bội Châu. Sau các thủ tục đọc tiểu sử cá nhân, nhận xét quá trình rèn luyện của tôi và quyết định kết nạp, anh Dinh mời tôi đứng lên đọc lời thề. Buổi lễ diễn ra khoảng 30 phút, năm ấy tôi tròn 18 tuổi: “Đó cũng là kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời của tôi »[24].

Năm 1950, Nguyễn Đình Khâm tốt nghiệp trường Phan Bội Châu, rồi chuyển lên học ở trường Dự bị Đại học tại Thanh Hóa. Đến tháng 6-1952, ông chuyển sang học hệ Sư phạm cao cấp chuyên ngành sinh vật trong 6 tháng do các thầy giỏi như Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc Liên, Trần Văn Giàu… giảng dạy. Đầu năm 1953, Nguyễn Đình Khâm tốt nghiệp và được Bộ Giáo dục phân về dạy môn sinh vật ở trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng tại thị xã Vinh, Nghệ An, cuộc sống của ông bước sang một chương mới.

Năm tháng qua đi mang theo nhiều thứ quý giá của cuộc đời, nhưng những ký ức một thời đã xa thì còn mãi. Ở tuổi gần 90, ngẫm lại và kể cho thế hệ sau câu chuyện quá khứ, PGS Nguyễn Đình Khâm không khỏi bùi ngùi khi nhớ về quê hương Quảng Bình, nhưng ông cũng không giấu niềm tự hào về một thời tuổi trẻ được rèn luyện, rồi trưởng thành dưới mái trường Phan Bội Châu.

Ngô Văn Hiển

*PGS Nguyễn Đình Khâm, sinh năm 1930, chuyên ngành Triết học, nguyên Vụ phó Vụ Huấn học, Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).

[1] Trích bài Quê hương của nhà thơ Giang Nam.

[2] Tiên chỉ là một chức sắc trong đơn vị làng, tổng dưới thời phong kiến, phụ trách công việc tế lễ, hương ẩm trong làng.

[3] Thuộc xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

[4] Thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lê Thủy, tỉnh Quảng Bình.

[5],[8], [9],[11],[12],[15],[16] Ghi âm phỏng vấn PGS Nguyễn Đình Khâm, 9-6-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[6] Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

[7] Ông Võ Thuần Nho, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

[10] Thuộc xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

[13] Lúc đó, Đông Dương gồm 3 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia.

[14] Thuộc xã Phong Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình.

[17],[19],[20],[21],[22] Ghi âm phỏng vấn PGS Nguyễn Đình Khâm ngày 6-7-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[18] Tháng 11-1945, Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán và đi vào hoạt động bí mật, lấy tên là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.

[23] Sau là GS.TS. Phó viện trưởng Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương, Viện trưởng Viện Vacxin Quốc gia, Bộ Y tế.

[24] Ghi âm phỏng vấn PGS Nguyễn Đình Khâm ngày 6-7-2017, tài liệu đã dẫn.