Tuổi thơ phiêu dạt và ký ức thời tản cư

Trần Thị Băng Thanh sinh năm 1938 tại Hà Nội, cha là cụ Trần Ngọc Trác làm trong ngành Hỏa xa của Pháp – từng làm sếp một số ga như Lạng Sơn, Diễn Châu, Hoàng Mai, ga cuối cùng là Thường Tín, mẹ là cụ Trần Thị Căn, buôn bán nhỏ. Do đặc thù công việc của cha nên tử nhỏ Băng Thanh đã theo cha trong những chuyến công tác đến nhiều nơi như, Diễn Châu, Vinh, Thường Tín… Từ khi còn bé, Băng Thanh đã được nghe các cô (chị gái ông Trác) nói chuyện chữ nghĩa, bác họ dạy học thơ tự thọ (của cụ làm) và đặc biệt do mẹ có vốn chữ Hán tương đối tốt nên Băng Thanh còn được mẹ dạy cho một số bài bài thơ Đường như Phong Kiều dạ bạc, Hoàng Hạc lâu… vì vậy tình yêu đối với thơ Đường đã được hình thành từ đó. Và theo như PGS Băng Thanh chia sẻ: Sở dĩ tôi trở thành người phiêu dạt là do gia đình tôi có những va đập, đứt gãy và những tác động của thời cuộc[1].

Biến cố đầu tiên đến với gia đình Trần Thị Băng Thanh là cái chết đột ngột của cha. Vào kỳ nghỉ cuối tuần khoảng giữa năm 1942, ông Trần Ngọc Trác đi tàu về Hà Nội đón họ hàng và mua một số đồ như: bút, sách… để chuẩn bị làm “lễ khai tâm” cho con gái Băng Thanh. Chuyến tàu tốc hành từ ga Hàng Cỏ đi vào Sài Gòn và tàu tốc hành từ Sài Gòn ra Hà Nội gặp nhau tại gần ga Văn Điển, do cả hai tàu đều đang chạy với tốc độ cao nên đã đâm nhau với lực rất mạnh. Đó là tai nạn hết sức hy hữu thời đó. Hậu quả là khoảng 200 người chết, trong đó có ông Trần Ngọc Trác. Sau này, Băng Thanh nghe họ hàng kể lại, khi bố cùng 8 người họ hàng đang ngồi tại toa hạng sang, vào thời điểm trước khi tai nạn xảy ra, ông nghe ai đó hô hoán có cướp giật nên ông chạy lên đầu tàu, cũng đúng lúc hai tàu đâm nhau, hai toa sát đầu máy bị đổ. Chiều tối hôm đó, Băng Thanh cùng mẹ và hai cô đang đứng đón bố và họ hàng ở sân ga Thường Tín thì có người nhắn mẹ lên ga Văn Điển ngay vì bố đã bị tai nạn. Ngay lập tức, bà Căn tức tốc chạy đi, đến nơi tàu gặp nạn, bà vô cùng lo lắng, lật tìm từng người mặc “quần áo tây” còn nằm bên đường để tìm chồng nhưng không thấy. Sau đó, bà mới biết chồng mình đã được đưa vào nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt – Đức) và qua đời ngay đêm đó.

Chốn cư ngụ đầu tiên của gia đình Băng Thanh sau biến cố là ở phố Ngọc Hà, Hà Nội. Tại đây, gia đình thuê một ngôi nhà để ở và mở cửa hàng buôn bán đồ khô. Những tưởng cuộc sống yên ổn nhưng họa vô đơn chí, đầu năm 1943, em trai của Băng Thanh lại theo cha ra đi. Từ đó, cái gia đình nhỏ gồm mẹ góa con côi tiếp tục cuộc sống với những biến động.

Sau cái chết của em trai, hai mẹ con Băng Thanh chuyển về sống cùng bà ngoại – cụ Trần Thị Hợi tại thành phố Nam Định. Sau khi làm thử một vài việc, bà Trần Thị Căn mở cửa hàng buôn bán gạo ở làng Thượng Lỗi[2], dần dà cuộc sống cũng ổn định và Băng Thanh đến tuổi đi học.

Cuối năm 1946, khi Băng Thanh đang học lớp 3 tại trường làng Thượng Lỗi thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Bà Căn chôn toàn bộ số thóc gạo còn tồn để đưa gia đình (gồm mẹ – cụ Trần Thị Hợi, em gái là Trần Thị Phương và con gái – Trần Thị Băng Thanh) đi tản cư, đến ở nhờ nhà người quen tại làng Đông Trụ, thuộc huyện Lý Nhân, Hà Nam. Kể từ đây, một cuộc sống mới có thể gọi là "phiêu dạt" với nhiều gian nan, khó khăn đến với gia đình Trần Thị Băng Thanh. Những nơi đã qua, những người đã gặp trên con đường tản cư những năm kháng chiến chống Pháp vẫn còn đọng nguyên trong ký ức của bà mãi đến sau này.

Tết Đinh Hợi (1947) và ấn tượng đầu tiên về làng quê Việt Nam

Trong ngôi nhà nhỏ ba gian không đủ giường nằm của gia đình cho ở nhờ, lần đầu Trần Thị Băng Thanh được trải nghiệm cuộc sống ở vùng thôn thôn, ngủ ổ rơm và chơi các trò chơi con trẻ làng quê. Dân làng Đông Trụ chủ yếu làm nghề mộc. Hàng năm, cứ sau mùng 4 Tết thì đàn ông, trai tráng mang theo đồ nghề đi khắp nơi để mưu sinh nên trong làng chỉ còn phụ nữ và trẻ em. Mùng 2 tết năm Đinh Hợi, Băng Thanh được dự đám cưới của cháu ông chủ nhà – một đám cưới vùng quê đã để lại ấn tượng trong tâm trí Trần Thị Băng Thanh cho đến tận hôm nay. Bà kể: Tôi được mẹ cho mặc áo dài đi dự đám cưới, nhưng do không quen đi trên đường lầy lội nên tôi bị ngã, áo quần chân tay lấm lem. Đám cưới diễn ra giản dị nhưng cũng có tiếng pháo nổ vui vẻ, rộn rã một xóm nhỏ. Sau này khi đọc một truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy[3] tôi đã có một sự liên tưởng đặc biệt. Truyện ngắn kể về anh thợ mộc yêu một cô gái cùng làng rất xinh đẹp, nhưng vì nghèo nên anh ta không cưới được cô. Vào một buổi chiều mùa đông mưa lạnh, bất ngờ thấy đám cưới của người mình yêu đi ở phía cánh đồng, anh hốt hoảng chạy theo, chẳng may vấp ngã vào chiếc cưa mà chết. Câu chuyện đã trở thành nỗi ám ảnh trong tôi, với một kỷ niệm về một làng quê cũng làm nghề mộc, cũng âm u, lầy lội, xam xám và nghèo khó.

Ở làng Đông Trụ, Trần Thị Băng Thanh còn chứng kiến một sự việc, điều mà bà thường thấy trong các tác phẩm truyền kỳ khi nghiên cứu sau này. Trong làng, có một gia đình cho cô con gái đi ở cho nhà người Hoa. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cô con gái được đưa về nhà nhưng người rất xanh xao, hỏi ra mới biết gia chủ cho cô ăn chay, không phải lao động, chỉ trông coi bàn thờ. Dân làng nói rằng người Tàu nuôi cô để làm thần giữ của, nhưng may mà thoát. Tôi không biết thực hư thế nào, chỉ thấy ở nhiều nơi, có dấu vết của chuyện để của, chắc là chuyện có thật. Sau này, tôi dịch nhiều truyện truyền kỳ cũng có nhiều chuyện thần giữ của lắm, nhưng đại khái mô típ giống nhau – PGS Băng Thanh kể lại.

Sau tết Đinh Hợi khoảng nửa tháng, Pháp mở rộng cuộc tấn công, đánh chiếm các làng gần Đông Trụ. Vì vậy gia đình Băng Thanh cùng dân làng lại gồng gánh hành lý tiếp tục chạy đến làng Dương Lai (thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định) ở nhờ nhà bác Trước – con của anh trai cụ Hợi. Không ngờ Dương Lai gần thành phố Nam Định hơn, và gia đình bác Trước cũng đang chuẩn bị bồng bế nhau đi tản cư. Đến tháng 3-1947, gia đình Băng Thanh chạy đến làng Cựu Hào (nay thuộc xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) và ở lại đó đến tháng 2 năm sau.

Cựu Hào – một làng quê điển hình cho không gian văn hóa cổ

Có lẽ đây là ngôi làng để lại nhiều kỷ niệm nhất đối với Trần Thị Băng Thanh. Bởi thế, sau này nhớ về nó, bà chia sẻ: Trong cuộc đời đầy phiêu bạt của tôi, làng Cựu Hào để lại ấn tượng sâu sắc nhất, sau này nó như cái nền để tôi hiểu được không gian của văn hóa cổ, trở thành nguồn cảm hứng cảm thụ trong tôi. Đây là ngôi làng có bề dày văn hóa và hết sức thuần phác, người dân sống hiền lành, không bao giờ cãi cọ tranh chấp. Trong làng có một ngôi chùa, người dân đi chùa chăm chỉ; đọc kinh, ăn chay, giới sát rất được chú trọng, nhất là đạo đức và lòng nhân ái. Đặc biệt người dân rất ít khi cãi nhau, các gia đình tất nhiên có chuyện, bà mẹ chồng có thể cay nghiệt với con dâu nhưng cãi lộn thì không có. Tôi cho rằng, nghiên cứu về làng Cựu Hào thời kỳ đó có thể thấy được dấu vết những làng quê cổ thuần thành đạo Phật, cũng có thể như thấy được chứng tích của đời sống Phật giáo trong dân gian. Làng ấy như một ốc đảo, suốt mấy chục năm "tân thời", cải cách hương thôn cũng hầu như không có ảnh hưởng gì. Làng Cựu Hào cổ kính đặc biệt, âm u, vắng lặng, yên bình như từ thế kỷ nào, chứ không phải của thế kỷ XX.

Cựu Hào nằm giữa vùng đồng chiêm trũng, hàng năm, cứ đến khoảng tháng 7 tháng 8, muốn vào làng phải lội qua các con đường ngập nước đến đầu gối hoặc đến ngực. Nhiều ngôi nhà tường bằng đất nện không cao nhưng chắc chắn. Nền nhà cũng là đất nện công phu và có màu đen bóng, có khi nền được tạo hình những bông hoa bởi các hột quả trám chặt đôi ra và đóng xuống. Mái nhà lợp bằng nhiều lớp cỏ tranh, không bị dột và có thể duy trì trong khoảng 5-7 năm mới phải thay. Bên ngoài là vườn cây che chắn ngôi nhà khỏi gió bão và rất mát mẻ. Nhà nào nhiều ruộng thì xây sân gạch hoặc đổ tam hợp để ngày mùa phơi lúa. Tam hợp là một hỗn hợp gồm tro, mật và vôi nên rắn như xi măng. Thềm nhà cao, có thể trải chiếu, thậm chí ngồi bệt lên thềm rất mát. Mỗi nhà đều có bể chứa nước mưa chỉ dùng để rửa mặt và dành cho việc ăn uống quanh năm. Phía trước nhà là ao, mặt ao thả đầy bèo cái. Băng Thanh thường ra bờ ao chơi vào buổi sáng, cô vớt nước nhỏ vào hoa bèo, ánh mặt trời chiếu vào khiến nó lấp lánh như những đôi hoa tai theo làn nước trôi xa dần. Ao đó thực ra là ao tù, nhưng rất mát do có cây cối bao quanh, hàng ngày người dân dùng nước ao để tắm rửa, giặt giũ. Men theo bờ ao là đường đi từ cổng vào nhà, có hàng cây. Sau này mỗi khi nhớ lại cảnh đó tôi thường liên tưởng tới câu thơ “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” trong thơ Nguyễn Khuyến. Trong vườn có nhiều loại cây, mỗi loại có một vài cây như mít, cam, chanh, xoan và bụi tre thì hầu như nhà nào cũng có… Buổi trưa, làng xóm rất vắng lặng, không mấy người ra đường, chim chóc đậu đâu đó trong lùm cây, thỉnh thoảng tiếng cu gáy từ nơi xa tít vọng lại trong nắng trưa tạo cảm giác buồn xa vắng. Sau này, khi tham gia viết cuốn truyện “Vườn kỳ trong phủ chúa” (xuất bản năm 1985), miêu tả khung cảnh công đường huyện Thanh Quan một buổi trưa nắng và vắng vẻ chính là tôi lấy từ ký ức này về làng Cựu Hào – PGS Băng Thanh kể.

Gia đình Băng Thanh ở nhờ một nhà thuộc diện khá giả, dân làng gọi là "cụ Đồ Đồng", chỉ có hai mẹ con đều góa chồng từ rất trẻ. Đó là ngôi nhà ba gian hai chái, có sân đổ tam hợp tương đối rộng. Gia đình Băng Thanh được ở trong gian buồng, còn hai mẹ con nhà chủ thì ngủ trên hai chiếc giường kê ở nhà ngoài, gian giữa kê bàn tiếp khách. Chái nhà là nơi chứa thóc, thóc vụ nọ gối vụ kia quây thành những cót lớn, có khoảng 3 đến 4 cót từ nền nhà cao đến nóc. Thường thì nhà chủ không bao giờ ăn gạo mới mà ăn gạo thóc cũ của vài năm trước, thậm chí ăn gạo thóc chân vây (tức chân cót) đã bị chuột ăn vung vãi.

Ngoài làm ruộng, người dân nơi đây còn có nghề kéo sợi bông. Gia đình Băng Thanh và những người tản cư cũng học nghề kéo sợi để bán. Băng Thanh còn bé nhưng rất khéo tay, có thể làm ra những sợi đẹp, đều nhất, nên mẹ thường lấy sợi đó làm hàng mẫu để mời chào khách. Người dân nơi đây sống lương thiện và tình cảm, như PGS Băng Thanh kể: Đến vụ mùa, tôi còn học trục lúa[4] cùng chủ nhà. Người dân ở đó rất thân thiện, họ cho tôi học và làm mọi việc, tôi muốn làm gì thì làm. Tối mùa hè trăng sáng thì các cụ đem xa kéo sợi đến tụ hội ở sân nhà cụ Đồ Đồng vừa làm việc vừa kể hạnh và hát những câu ca không biết có từ bao giờ, mùa đông thì ngồi quanh bếp lửa, ngày mùa làm lúa, buổi tối bà con quây quần bên ấm chè tươi hoặc nồi khoai luộc, vừa làm, vừa trò chuyện rất vui vẻ. Củ khoai lang thì chỉ bé bằng ngón chân cái, gọi là "khoai tàu bay", vỏ có màu trắng và ngọt như bánh đậu xanh. Sau này, tôi đi khắp nơi tìm lại loại khoai đó nhưng không nơi nào có. Hàng ngày, nếu có dịp tiếp xúc với các bà, các mẹ, tôi thường nhận được những lời dăn dạy:“dẫu xây chín bậc phù đồ không bằng làm phúc cứu cho một người”, hoặc các bà dạy cách niệm Quan âm, hát mời uống trà “Mời anh một chén chè này,.. chè này chính thật chè đồi, chị xơi một chén tựa như người tiên cung”. Và có lẽ nét tính cách không hay tranh cãi của tôi là ảnh hưởng ở cuộc sống tại nơi đây.

Khi Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, dân các địa phương phải tản cư về những vùng được coi là an toàn, trong đó có làng Cựu Hào. Vì vậy, gia chủ còn cho nhiều người chạy loạn khác ở nhờ nên trong nhà rất chật chội, đông đúc. Đến nỗi có vật dụng nào phẳng đều tận dụng để nằm như cái nong, cánh cửa… và trải ở bất kể vị trí nào trống trong nhà, ngoài sân, hè và bếp. Gia đình tôi vẫn được ưu tiên dành cho chiếc giường trong gian buồng do có người già và trẻ con. Vì vậy, các chị ở cùng đã tị với tôi, bảo: “em đi tản cư mà sướng, các chị toàn ngủ nong”. Cảnh nằm nong khiến tôi liên tưởng tới câu “Chồng còng mà lấy vợ còng, nằm phản thì chật, nằm nong thì vừa” – PGS Băng Thanh nhớ lại.

Bà chủ nhà có khoảng 1-2 mẫu ruộng, cho nông dân cấy rẽ, rồi họ phải nộp lại một số thóc nhất định. Đến mùa giáp hạt, bà lại cho các hộ thiếu đói vay thóc, bình thường vay 10 thùng thì trả 11 hoặc 12 thùng, lãi nặng thì là 13 thùng. Như thế đã là bóc lột ghê lắm rồi, 10 lấy lên 3 cơ mà. Nhưng tính ra tiền thì người cho vay không có lãi. Vì vào vụ mùa người ta trả thì giá thóc hạ, còn khi họ vay là lúc giáp hạt, giá thóc rất cao. Nhưng rõ ràng, nếu tính về hiện vật thì vẫn có sự chênh lệch lớn. Người đi vay, cấy rẽ cũng chỉ thu được một lượng thóc nhất định, 3 thùng ấy cũng nặng nề lắm. Nhà nghèo, có 30 thùng thóc mà phải trả nợ 5-6 thùng thì vấn đề không đơn giản. Cho nên người nghèo vẫn cứ nghèo mãi.

Trần Thị Băng Thanh đặc biệt ấn tượng về tính tiết kiệm của người dân nơi đây. Bà kể: Tôi chưa từng thấy ai sống tằn tiện như người dân ở đó, bà chủ nhà mặc dù tương đối giàu có nhưng không đi chợ mua sắm gì. Bà muối một vại dưa, một vại cà và làm hai chum tương lớn để ăn quanh năm. Có lần, mặc dù tôi là người dễ ăn mà cũng không thể ăn món váng cà chưng với hành mỡ mà bà chủ mời, vị khét lẹt và mặn chát. Hàng ngày, khoảng 3h sáng, bà chủ nhà dậy nấu cơm, Băng Thanh cũng dậy và theo mẹ xuống bếp. Bà Căn còn học được cách làm tương và muối cà bát. Khi cà chín, bà cho cà vào chum tương ngâm, lúc ăn, thái miếng cà ra có màu đỏ đẹp mắt nhưng rất mặn.

Mặc dù cả gia đình Băng Thanh đã học và làm nghề kéo sợi để bán, nhưng thu nhập đó chỉ phụ thêm chút ít cho sinh hoạt của gia đình chứ không thể đủ sống, vì vậy bà Căn phải tìm thêm nghề khác để làm. May mắn là bà được người dân tận tình dạy cách nấu rượu để bán cho dân các làng lân cận, rồi lấy bã rượu nuôi lợn làm vốn, bà cũng may thuê vá mướn để kiếm thêm chút tiền công. Người dân dệt vải, nhuộm nâu để may áo, nhuộm bùn thành vải đen để may quần. Vải rất cứng, may được chiếc áo, kim đâm thủng cả da tay… Cho đến nay, PGS Băng Thanh vẫn không lý giải được tại sao một người phụ nữ thành phố như mẹ mình mà có thể làm được như vậy, một mình bà chạy đôn chạy đáo, bất chấp mọi vất vả cực nhọc kể cả hiểm nguy để nuôi gia đình, theo đuổi cuộc kháng chiến trường kỳ.

Cuộc sống của gia đình đang yên ổn tại làng Cựu Hào thì tháng 2-1948, Pháp đánh ra núi Gôi. Từ nơi này về Cựu Hào tương đối dễ dàng, vì vậy gia đình Băng Thanh và người dân trong làng lại chuẩn bị gồng gánh đồ đạc chạy giặc.

Những ngày tháng phiêu dạt

Sau khi rời Cựu Hào, Băng Thanh theo mẹ đi khắp các vùng quê từ Hà Nam vào Thanh Hóa. Mỗi một chặng đường, một vùng quê đều để lại ấn tượng trong bà. Từ Cựu Hào, gia đình Băng Thanh men theo vùng Nam Định về làng Bình Hải, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Cuối năm 1948, Pháp đánh Phát Diệm, gia đình lại chạy từ Yên Mô qua Nga Sơn để đến Đò Lèn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa, rồi về nhà người quen tại thị xã Thanh Hóa ở nhờ. Đầu năm 1949, gia đình Băng Thanh tìm được người thân và về ở tại làng Đồng Phang (tên nôm là làng Phấng, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Trong ký ức của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh thì Đồng Phang là ngôi làng tĩnh lặng, kém phát triển, sự chuyển biến trong cuộc sống chậm. Gia đình tôi cùng gia đình bác tôi ở nhờ một ngôi nhà nằm cạnh sông Cầu Chày. Tương truyền rằng nước sông độc và có lẽ cũng do dân gian thậm xưng nên có câu: “Sông Cầu Chày chó lội cụt đuôi” và có nơi người lội qua sông bị rụng lông chân. Con sông chảy qua làng, cuối làng có ngôi miếu nhỏ ở ven sông, khung cảnh đó khiến tôi hình dung đến cảnh rừng trong bài hát Suối mơ của nhạc sĩ Văn Cao.

Những năm đầu kháng chiến, rất nhiều người thành phố tản cư về các vùng quê. Và cũng nhiều người từ vùng quê này sang các vùng quê khác, hình thành các đợt di dân tự do. Mỗi đợt di dân đó, người thành phố, công chức, người nhà quê, buôn thúng bán mẹt ở lẫn lộn. Vì vậy, trong các làng như Đồng Phang hiện diện nhiều gương mặt đã tốt nghiệp tú tài hoặc diplome… Nhờ vậy, Băng Thanh cũng có điều kiện tiếp xúc với giới có học đó. Thơ văn lãng mạn, những bài hát như Dư âm, Thiên thai, Suối mơ, Buồn tàn thu… rất phổ biến.

Đến hết mùa hè năm 1949, Băng Thanh theo mẹ chuyển đến làng Quán Lào (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) sinh sống[5], còn bà ngoại thì về Hoằng Hóa ở cùng vợ chồng dì Phương[6]. Ở đây, do không bán được sợi nên bà Căn chuyển sang buôn bán một số mặt hàng như cau khô, vải vóc… Vài tháng sau, máy bay Pháp thường đến bắn phá các thị trấn, Quán Lào cũng có nguy cơ trở thành một mục tiêu, mặt khác, việc làm ăn buôn bán không đủ sống nên hai mẹ con chuyển đến ở nhờ nhà ông Kiểm Minh tại làng Phi Bình (nay là thôn Phi Bình) nằm bên bờ sông Mã thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Những tháng ngày ở làng Phi Bình, Trần Thị Băng Thanh bị cuốn hút bởi hoạt động của cư dân sông nước, chứng kiến cảnh thuyền bè đi lại giữa miền núi và miền xuôi dọc theo sông Mã, mà sau này bà cũng gọi đó là “thu hoạch” về văn hóa. Bà kể: Hình ảnh những cánh buồm rất đẹp mắt, nó cứ khom khom, vàng vàng, nâu nâu… rất thanh bình của những chiếc đò ngược, lúc không có gió thì người ta phải phải lên bờ kéo thuyền. Mỗi thuyền có khoảng năm đến bảy người kéo, cùng với người đứng trên đẩy sào. Sau này tôi thường liên tưởng đến cảnh tượng đó khi được xem bức tranh “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của họa sĩ Ilia Repin, mặc dù cảnh tượng trên sông Mã không vĩ đại như sông Volga. Thuyền xuôi thì không phải kéo, người ta đứng trên thuyền chèo, mỗi thuyền có 2 đôi chèo, và người ngồi sau bẻ lái. Vì để chèo cho đều nên họ dậm chân và hò cho có nhịp. Tôi nhớ nhất là bài hò kể truyện Trương Chi: "Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thậm xấu, hát thì thậm hay/ Cô Mỵ Nương vốn ở lầu tây/ Con quan tể tướng ngày ngày cấm cung"… Họ cứ hò, từ đâu không biết nhưng về đến quãng sông gần làng Phi Bình là khoảng 11h đêm thì hò đến đoạn: Anh Trương Chi có chiếc thuyền rồng… khi buồn anh hát một câu/ Gió đưa thoang thoảng về lầu Mỵ Nương… Đoạn sông ấy chỉ nghe được khoảng chục câu là thuyền đi xa. Khi thuyền ghé bờ thì họ hò điệu vào dạt, dô tà, dô tà. Sau này bài Hò sông Mã là dựa trên điệu ấy. Một thời gian dài sau này, tôi phải cố đi tìm cho được truyện Trương Chi để xem nó như thế nào. Họ hò rất hay, giọng người đàn ông hò vang trên sông, cùng với tiếng dậm thành nhịp. Sau này thuyền cano chạy phành phạch, hoàn toàn mất hẳn những nét văn hóa đó. Và cũng trong truyện Bà Huyện Thanh Quan in trong cuốn “Vườn kỳ trong phủ chúa”, khi mô tả về cảnh bà Huyện Thanh Quan đi thuyền trên sông Đáy, nghe tiếng hò văng vẳng trong không gian cũng được tôi lấy từ ký ức về khoảng thời gian này.

Ba tháng sau, hai mẹ con Băng Thanh chuyển xuống ở làng Hồ Nam (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), cách làng Phi Bình khoảng hơn 1km. Hồ Nam cũng là làng nằm ven bờ sông Mã, vùng này gần động Hồ Công, trong làng có nhiều cau, dừa; bãi sông rộng được dân làng tận dụng trồng dâu nuôi tằm. Hàng ngày, dân làng ra sông Mã gánh nước về ăn và chiều đến thì lũ lượt ra sông tắm giặt. PGS Băng Thanh nhận định: Bài hát “Tình quê hương” của Việt Lang tả cảnh ngàn dâu xanh ngát chắc là từ những vùng quê như thế.

Ở Hồ Nam, Băng Thanh được đi học lớp 3 trở lại sau quãng thời gian bỏ dở từ rất lâu. Trường học cách nơi ở khoảng 3km, đi theo dọc một con đê. Đó là một ngôi nhà cổ, bốn phía tường xây, có nhiều cột lớn nhỏ. Hồi ấy, bài thơ “Tựu trường” của nhà thơ Huy Cận hay là truyện ngắn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh đã được đưa vào giảng dạy trong trường. Bà vẫn nhớ một đoạn của truyện ngắn “Tôi đi học”: Hằng năm cứ vào cuối thu, khi lá vàng ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…. Ngoài những giờ học trên lớp, học sinh còn được đi dã ngoại… do thầy giáo tổ chức theo hình thức hướng đạo sinh. Việc học theo lối ấy khiến Băng Thanh và các bạn trong lớp rất hứng thú.

Nhưng việc học cũng chẳng được bao lâu, cuối năm 1949, đầu năm 1950, tức là khoảng 3 tháng sau khi Băng Thanh đi học, máy bay Pháp lại đến bắn phá nhiều công trình quan trọng về thủy lợi, xưởng quốc phòng, nhà máy, kho tàng bệnh viện… đóng tại khu vực Thanh Hóa và Liên khu IV. Làng Hồ Nam gần Chợ Kiểu, khu chợ rất lớn, nên một lần nữa, gia đình Băng Thanh lại phải tản cư…

Lần này, hai mẹ con Băng Thanh chuyển đến làng Vàng (nay thuộc xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nằm ở vị trí ngã ba sông Mã và sông Chu sống cùng gia đình người dì ruột. Đến cuối năm 1950, nơi đây lại máy bay đến bắn phá nhiều hơn nên cả đại gia đình lại đành chuyển đến một ngôi làng cũng thuộc huyện Hoằng Hoá. Theo bà: Đây là ngôi làng để lại trong tôi ấn tượng về làng quê giáp biển ở Việt Nam thời đó. Làng có đất đai màu mỡ, vừa cấy lúa, vừa trồng màu, vừa có nhiều loại cây và con vật đặc trưng vùng biển như: cây dừa, cây xoan, chim gọi vịt và chim tu hú. Tôi rất thích ngôi làng đó, làng có nhiều tre, râm mát lắm.

Hàng ngày, Băng Thanh cùng mẹ đi chợ Già (nay thuộc xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hoặc một số chợ nhỏ quanh khu vực để bán cau. Dọc đường đi chợ về, hoa dẻ thơm ngào ngạt. Tôi hái những chùm hoa dẻ thả lên gánh bồ, về nhà hoa thơm nức cả tuần. Có lẽ nhà văn Văn Linh viết tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ”, mà sau đó bị phê phán gay gắt có thể đã lấy cảm hứng từ những bông hoa dẻ dân dã đó. Về sau, khi đọc “Mùa hoa dẻ” tôi rất thích vì những kí ức đã có trong thời gian đó, PGS Băng Thanh kể.

Việc buôn bán ở đây khó khăn nên lần thứ hai, Băng Thanh theo mẹ về làng Quán Lào sinh sống. Tưởng sẽ đỡ vất vả, nhưng hóa ra chẳng khá gì, thậm chí là khó khăn hơn, sinh kế gần như bế tắc. Sau đó có người mách nên hai mẹ con chuyển đến làng Hậu Hiền (nay là làng Đồng Thanh, xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lập nghiệp. Bà Trần Thị Căn mua căn nhà tranh nhỏ, nhà liền bếp nằm trên bờ đê heo hút gió tại làng Hậu Hiền để ở. Ở đấy, bà mở quán bán nước, bán quà vặt như xôi chè, bánh chưng nhỏ, kẹo lạc, chè lam, chuối, nước dừa, thạch rau câu… Quán đông khách nên cuộc sống của hai mẹ con cũng khá ổn. Lúc đó tôi đã 12-13 tuổi, nhưng không đi học, bắt đầu hết tuổi lêu bêu nhưng lại cũng chưa định được con đường phía trước. Chưa biết làm gì nên cố làm một số việc như: khâu nón, đan tất, đan áo sợi để bán nhưng cũng không ăn thua, thu nhập chính vẫn dựa vào quán hàng của mẹ. Và mặc dù mẹ bán hàng rất bận nhưng bà tuyệt đối không cho tôi ra bán hàng, hay bưng bê đồ cho khách. Con gái thời ấy mà ra bán hàng thì rất mang tiếng, vì người ta sẽ cho là dùng con gái để câu khách. Tôi không ra mà bà cụ cũng không bắt ra. Nhưng cũng không tránh được, "các anh" đến là phát hiện ra ngay, dù mình có ngồi trong bếp cũng thấy vì nhà và bếp liền nhau, sau này trong số các khách hàng hồi ấy có người trở thành thầy tôi, có người là "đồng môn", có người mấy chục năm sau tình cờ gặp lại còn trêu tôi là "nhân chứng của tháng Hữu nghị Việt Trung Xô"..,– PGS Băng Thanh nhớ lại.

 Trần Thị Băng Thanh (phải) ngồi đan găng tay trước cửa nhà, làng Hậu Hiền, xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Một thời gian sau, bà ngoại của Băng Thanh về Hậu Hiền ở cùng con gái và cháu ngoại. Lúc đó, Băng Thanh đã lớn nên giúp đỡ mẹ mình những việc nặng nhọc như đi gánh nước, chống nhà vào mùa mưa bão. Thậm chí, khi các bác các chú trong làng giúp lợp nhà, Băng Thanh cũng trèo lên học làm. Hàng ngày khi gánh nước, Băng Thanh thường phải đi từ bờ sông lên trên bãi cát cao, rồi lại từ bãi cát lên trên mặt đê. Bà kể rằng: Ở Thanh Hóa người ta đi gánh nước bằng nồi đất – gọi là cái nồi đình. Nó chỉ độ bằng cái xoong 20 lít. Tôi vẫn thấy nể phục là người ta gánh bằng quang tre chứ không bằng quang dây thừng. Cứ lồng cồng như thế, không hiểu tại sao nó không đổ. Lúc đầu tôi chỉ gánh nửa nồi thôi. Sau tôi thấy gánh nửa nồi thì mình phải gánh nhiều lần quá. Tôi sốt ruột nên gánh đầy, cứ mỗi ngày gánh 4-5 gánh, leo chừng ấy cái dốc.

Thời đó, trường Sư phạm Sơ cấp mở trường Sư phạm thực hành để các giáo sinh thực tập giảng dạy. Năm 1951, nhờ sự giúp đỡ của ông bác họ là giáo viên mà Băng Thanh được vào học lớp 3 của trường Sư phạm thực hành. Ban đầu bà Căn rất đắn đo không biết có nên cho con gái đi học không vì sợ đường xa và máy bay bắn phá. Nhưng bác họ của Băng Thanh đã thuyết phục vì vậy bà đồng ý. Mặt khác, đó là nguyện vọng của bố ngày xưa muốn con đi học chứ không muốn ở nhà xong rồi loanh quanh, không lấy chồng được như hai bà chị gái, PGS Băng Thanh chia sẻ.

Sau 1 năm, trường Sư phạm thực hành chuyển đi (nay bà không nhớ trường chuyển đi đâu) nên Băng Thanh chuyển lên học lớp 4 của trường phổ thông Đại Đồng A ở thôn Đồng Tiến, xã Đại Đồng (nay thuộc xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa). Học hết cấp I Băng Thanh nộp đơn thi vào trường chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền. Thí sinh tập hợp điểm danh, nhận phòng thi ở sân nhà bà địa chủ Tô thuộc làng Ngò (cách làng Hậu Hiền 3 cây số) trong một buổi tối mùa đông năm 1952. Đến nay, PGS Băng Thanh vẫn không thể quên cảm giác trong buổi tối hôm đó: Trong đời chưa có kỳ thi nào mà tôi sợ như thế, rất sợ trượt. Cũng chưa bao giờ đi thi nên lần ấy tôi chuẩn bị kỹ lắm. Thế nhưng ra khỏi phòng thi thì tôi không nhớ được là đã thi cái gì, làm cái gì. Thi xong chờ mãi, cuối cùng cũng đỗ và đi học.

Đầu năm 1953, Băng Thanh vào học lớp 5 của trường phổ thông cấp 3 Nguyễn Thượng Hiền[7]. Đến cuối năm 1953, trường chuyển về Xích Thổ (Nho Quan, Ninh Bình). Do một số học sinh, trong đó có Băng Thanh ở lại Thanh Hóa nên nhà trường đã liên hệ cho vào học trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Trãi[8] ở Hoạch Thôn, xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Cuối năm 1954, sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Trãi trở về lại Hà Đông. Băng Thanh được mẹ cho phép theo thầy cô giáo về trường phổ thông cấp 3 Cù Chính Lan ở Ngô Khê, xã Nghĩa Bình, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam học. Hai năm sau, gia đình Băng Thanh cũng chuyển về Hà Nam sinh sống – kết thúc khoảng thời gian chạy giặc, bước vào thời kỳ ổn định học tập.

Những năm tháng tản cư mặc dù gian khó, nhưng nó là sự trải nghiệm khó có thể phai nhòa trong tâm trí một cô gái mới lớn. Sau này, khi đã trở thành một nhà nghiên cứu về văn học cổ, và là một trong hai nữ giảng viên đầu tiên dạy Hán Nôm bậc đại học tại miền Bắc, bà vẫn trở đi trở lại những miền quê nơi mình đã từng đặt chân đến, để chứng kiến sự thay đổi của nó, và cũng là để gợi lại một miền nhớ, miền ký ức không thể nhạt phai.

Lê Thị Hằng – Nguyễn Thanh Hóa 

[1] Phỏng vấn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, ngày 14-6-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong bài, các lời kể của bà đều trích dẫn từ tài liệu này (nếu không có chú thích).

[2] Nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

[3] Là tờ tuần báo ra đời vào năm 1934, chuyên đăng tiểu thuyết và truyện ngắn.

[4] Xưa kia nhiều địa phương tuốt lúa bằng chiếc trục đá hình trụ. Lúa sau khi thu hoạch về được rải thành lớp mỏng trên sân và dùng sức người hoặc trâu bò kéo chiếc trục đi qua đi lại nhiều lần trên lúa đến khi rơm mềm, hạt lúa rơi hết ra khỏi bông là có thể rũ bỏ rơm.

[5] Kể từ đây, cụ Trần Thị Hậu ở với người con gái út ở Hoằng Hóa.

[6] Thời gian sống tại Đồng Phang, dì của Băng Thanh – Trần Thị Phương được gả chồng. Chồng của bà Phương tên Nguyễn Văn Xuân, là Hạt trưởng của Ty Giao thông công chính Thanh Hóa.

[7] Trường dạy cả chương trình cấp 2 và cấp 3.

[8] Trường Nguyễn Huệ của tỉnh Hà Đông khi vào Thanh Hóa tản cư và đổi tên thành trường Nguyễn Trãi. Nay là trường PTTH chuyên Nguyễn Huệ.